Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Mầm đắng - TỐNG NGỌC HÂN


Mẹ vẫn khoe mình sinh nở những mười ba lần. Lớn lên tôi đếm được mình có chín anh chị em tất cả. Bốn anh trai đều được đi học gần hết cấp hai. Còn năm chị em gái mà tôi là út thì không đi học ngày nào. Tám tuổi, tôi bị bố cho một trận nhừ tử vì tội thường xuyên bỏ đói trâu để mon men đến gần các lớp học. Khi tôi lên mười, biết tôi làm toán giúp thằng bé hàng xóm, ông cho thêm trận nữa, nhớ đời. Với đàn bà con gái trong nhà tôi, biết chữ là một cái tội. Trâu nhà tôi, để khỏi nhầm với đàn trâu nhà khác mà trong mắt tôi con nào cũng giống con nào, tôi đã buộc cho mỗi con một cái giẻ vào đuôi. Ấy thế, tôi vẫn để mất con trâu đực to nhất đàn trong một lần chăn thả rừng xa. 
<!>
Mất trâu, tôi không dám về nhà, cứ thất thểu trên rừng ngày này sang ngày khác, gì ăn được là ăn, thấy tiếng người thì trốn vào bụi. Sau một tuần đói khát mệt lả, tôi mò về nhà, ngồi ngoài cối xay đợi mọi người ngủ, rồi lẻn vào bếp trộm cơm nguội. Cả nhà ngủ say. Chẳng ai quan tâm đến sự vắng mặt của tôi, kể cả mẹ.
Mà mẹ cũng hay, ngày tháng năm sinh của chúng tôi, đứa nào có, tự nhớ lấy. Tôi nghe bố nói tôi tuổi Mão, thì biết vậy. Khai sinh bố cất trong hòm. Cái hòm, ngoài bố ra không ai dám động vào, vì có tiền trong ấy. Mẹ hay sai bảo tất cả chúng tôi bằng cái tên chung: “Chúng mày ra cả đây, để cái chuồng lợn bẩn thế này à?” Hoặc: “Mai chúng mày dậy sớm đi gặt”. Chín đứa cũng “chúng mày”, mà có một đứa mẹ cũng “chúng mày” chứ chả gọi đến tên riêng bao giờ. Năm tháng qua đi, cái đám “chúng mày” vơi dần vì lấy vợ, lấy chồng, ở riêng. Chỉ còn tôi và hai chị gái đã đến tuổi yêu đương.
Đêm ấy, sau khi chén no cơm nguội, tôi lăn ra hè bếp ngủ quên. Sáng ra, mẹ đá vào mông tôi và quát:
- Tao tưởng chết trong rừng rồi, trâu về mà người không biết đường về, cứ liệu với bố mày, lười thối ra.

Tôi ngồi dậy, mừng quýnh. Thế ra con trâu đực đã tự về. Mừng chán, tôi lại buồn. Mất con trâu cả nhà đi tìm, còn tôi, lang thang cả tuần trên rừng chả ai buồn nghĩ đến. Tôi lớn lên cùng với đàn trâu và rừng măng đắng. Trâu bán bao nhiêu lứa, măng mỗi năm đắng một mùa. Chắc ngày nào đó, tôi như cái mầm đắng đã thành cây, bố cũng gả chồng. Chồng tôi, cũng như các anh trai thôi, được học đấy, nhưng chẳng để làm gì. Chồng tôi, rồi cũng sẽ khắt khe, khó tính giống bố và khi gần đất xa trời thì sẽ giống ông nội, suốt ngày chửi nhảm. Tôi sẽ như chị dâu, đẻ hai đứa con theo quy định của nhà nước. Rồi tôi sẽ như mẹ. Từ nhà lớn xuống bếp, từ bếp ra đồng. Từ đồng về nhà, quanh quẩn, quẩn quanh. Và tôi sẽ giống bà nội, mắt mờ, tay rung rinh cái vỉ ruồi, chả đập trúng ruồi, đập trúng mẹt đỗ đen, vãi tung tóe…

Nghĩ thế là tôi chán, chán đầy cổ. Có cách nào để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy không nhỉ. Tôi tìm sách cũ của anh chị, nhét vào bụng, mang vào rừng lúc chăn trâu để đánh vần và tự học. Dần dà, mười sáu tuổi, tôi đọc được hết những cuốn sách ấy. Tôi giấu tiệt chuyện đó. Cái chính sách “ngu hóa” đàn con gái của bố thật hiệu lực. Các chị thin thít nghe lời, không đứa nào dám cãi. Có tí chữ vào là hay cãi lắm. Tôi là út nhưng lại ương ngạnh nhất nhà. Bố càng sợ tôi biết chữ.
Đứa bạn gái cùng thôn rủ rê tôi sang bên kia sông kiếm tiền. Tôi không ham kiếm tiền lắm vì tôi có được tiêu tiền đâu. Hồi bé, suốt ngày tôi đi lấy lá nuôi thỏ. Lớn lên, tôi cuốc giun chăn vịt, lớn hơn chút nữa tôi móc cua đem bán. Rồi chăn trâu, lấy củi. Tiền tôi và các chị làm ra bố giữ tất, để lo cho các anh học hành, rồi xin việc, lấy vợ, làm nhà riêng. Bây giờ có sang đó làm rồi cũng mang tiền về cho bố. Chả tội. Tôi chỉ thèm đi chơi một chuyến, thèm học hỏi thêm điều gì đó hay hơn việc kiếm tiền thôi. Cái bác bên cạnh nhà tôi quát con:
- Tao chưa khiến chúng mày học cách kiếm sống, hãy học cách sống trước đã, đừng trát bùn vào mặt tao.

Cách sống và cách kiếm sống thì có gì khác nhau nhỉ? Câu chửi ấy có vẻ xa lạ với bọn trẻ con người Giáy chúng tôi. Nhưng tôi là đứa hay nghĩ. Vày vò mãi tôi cũng sơ sơ hiểu, cách kiếm sống là cách kiếm tiền tự nuôi thân, như tôi ấy. Còn cách sống là thế nào thì tôi thật tình chưa biết. Tôi mới mười sáu tuổi, vội gì phải biết.
Chưa bao giờ tôi làm mẹ vừa lòng. Mẹ chửi:
- Kem đánh răng mày nuốt đi hay sao mà nhanh hết thế. Xà phòng cũng tốn, đái ra quần hay sao mà ngày nào cũng thay giặt.
Với mẹ, dùng kem đánh răng và thay quần áo hằng ngày là thói đua đòi. Cái quần tôi toạc đũng vì can hai con trâu đực khà khịa nhau, mẹ tôi cũng bảo tôi phá. Mẹ bảo cái ấy của tôi có răng mà xé, mà cắn rách quần. Cái quần, phải bán năm sọt măng đắng mới mua được. Tôi không xin mẹ thôi chửi, chỉ xin mẹ chửi nhỏ. Mẹ càng gào to:
- Hành kinh thì mang ra suối mà giặt chứ, ai cho mày giặt ở lần nước, đồ mất nết.

Như thể khổ quá mà chửi, và chửi thì mẹ bớt khổ, bớt nhọc nhằn. Tôi chọn lúc suối vắng người mà làm việc ấy. Lúm thúm như đứa trộm thóc bán lấy tiền ăn quà vặt. Vừa giặt, vừa lấy cành lá mà khoắng cho máu tan loãng và trôi đi thật nhanh. Ra suối nhiều mẹ cũng chửi:
- Mày tối ngày đàn đúm, máu đâu mà nhiều thế, tưởng tao không biết chắc.
Có cũng chửi, mà không có cũng chửi.
Tháng ấy, tôi không có thật, mừng cuống vì thoát cái nợ giặt giũ tanh tưởi. Mẹ vạch bụng, xem lông mày, tát cho sưng mặt.
- Đi chơi với đứa nào, mày khai ra.
Tôi khai ra vài đứa, bố mẹ đến nhà chúng làm um lên. Cuối cùng tôi được đưa ra trạm xá. Cô y sĩ bắt tôi cởi quần, leo lên cái giường sắt lạnh ngắt, nằm ngửa, ngoắc hai cẳng chân lên hai cái giá đỡ ở hai bên, rồi lấy đèn pin rọi vào chỗ ấy của tôi. Cô bảo mẹ yên tâm. Tôi vẫn là con gái. Thật chả ra làm sao cả. Nhưng sau khi tôi ở trạm xá về thì không còn đứa bạn nào dám chơi với tôi nữa. Đá bóng, nhảy dây và trốn tìm với nhau mà cũng bị chửi, bị cấm thì chơi làm gì.

Không có bạn, tôi buồn lắm. Hai chị gái đã biết làm duyên thì không chơi những trò trẻ con vô bổ với tôi, nhưng cũng chẳng dám chơi trò người lớn vì sự kiểm soát gắt gao của bố. Con gà, con vịt, con trâu đi đâu cũng có đàn. Nhỏ như con kiến cũng có đàn. Tôi lủi thủi một mình được vài tháng thì đứa bạn cũ đã sang làm bên kia sông lội về ngon ngọt rủ đi. Nó nỉ non:
- Có tiền mày mua xà phòng đổ vào quần áo cũng chả ai nói. Có tiền mày mua cái miếng gì gì có cánh ấy bịt vào rồi vứt béng đi, không phải mang xô màn ra suối mà giặt. Có tiền, mày có rất nhiều bạn, tha hồ mà chơi, chả ai cấm đoán.
Nó gãi đúng chỗ, tôi đang thèm bạn, thèm kết giao. Thèm đến ngứa ngáy cả người.
Không đi học, là không có trường lớp, không có bạn học, không có thầy cô giáo, không có kỷ niệm gì quý giá cả. Nghe nó nói tôi thấy mình thiệt thòi quá. Kiếm được tiền, tôi nhất định sẽ đi học một nghề gì đó và tôi sẽ có nhiều bạn. Trước khi trốn đi, tôi đã nghĩ như vậy. Chẳng cần giấy tờ thủ tục, qua bên kia dòng sông là tự do. Đứng trên ngọn trám nhà tôi là nhìn thấy tự do. Nơi ấy nhà cao chọc trời, điện đóm sáng trưng, hàng hóa ngồn ngộn. Đâu như cái bản nhỏ của tôi, nghèo đến nỗi người ta sẵn sàng vứt bỏ tất cả lại mà đi, chẳng vì giận hờn ai cả. Bạn tôi gọi là đi tiểu ngạch. Tiểu ngạch là hơn chục phút ngồi trên con xuồng cắt ngang mặt sông Hồng.

Bạn dắt tôi vào một quán ăn đề những dòng chữ lạ mà tôi không đọc được. Hai bát phở đỏ loét những ớt được bưng ra. Tôi nhăn mặt vớt cái, bỏ nước và thầm nghĩ, mình không thể quen và ăn mãi món này được. Khi tôi ăn gần xong, bạn bảo chủ mới của tôi đến. Tôi ngước lên. Hai gã đàn ông to lù lù, thô thiển nhìn tôi như nhìn con vịt quay trên lò than. Tôi thấy nóng cổ. Không để ai biết được suy nghĩ của mình, tôi đi thật nhanh ra cửa bên cạnh, và cứ theo cái lối cũ mà chạy, không ngoảnh cổ lại lần nào. Ba chục phút sau tôi xuống bến sông. Số tiền bạn cho lúc trước đủ để tôi mua một vé xuồng. Đặt chân về đến thành phố giáp biên, tôi thở phào. Tiền chẳng để làm gì, nếu chỉ kiếm tiền để sống, sống ở đất quê mình chả sướng hơn sao. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ thế.

Tôi vào chợ, xin việc trong một quán cơm bình dân. Bà chủ quán gầy gầy, nhìn tôi phổng phao thì có vẻ hài lòng. Bà hỏi tên, tuổi, quê quán. Tôi trả lời thật. Nhưng khi bà hỏi tôi học lớp mấy thì tôi nói dối. Lớp tám. Lúc đầu tôi định khai man là lớp hai thôi, nhưng lớp hai thì chắc gì bà nhận. Nghe nói đi làm thuê cũng cần phải có trình độ. Mà đằng nào chả nói dối, dối luôn lớp tám vì các anh của tôi cũng đã học hết lớp tám. Những bài giảng văn lớp tám tôi có thuộc. Người ta có ngờ vực mà hỏi, chỉ cần bình tĩnh mà nhớ lại là tôi có thể thoát nạn.
Tôi ung dung ngồi trên cái ghế băng dài nghe bà tỉ mỉ chỉ bảo những việc phải làm. Nhặt rau, rửa rau, thái măng, chặt xương, băm thịt, rửa bát… Tưởng gì chứ, những việc ấy đâu có khó. Khó bằng phép tính nhân mấy số tôi còn làm được nữa là. Lúc đầu tôi còn lóng ngóng sai sót, về sau, được chỉ bảo, tôi quen việc, làm rất nhanh. Bà chủ quán trông thế mà lại dễ tính. Bà chẳng bao giờ mắng tôi tốn xà phòng hay kem đánh răng cả. Bà còn giục tôi ăn nhiều cho khỏe. Đến tháng, bà đưa tiền cho tôi mua băng dùng, chẳng phải giặt giũ. Bà mua cho tôi mấy bộ quần áo mới và những cái tạp dề xinh xinh màu xanh, dưới gấu viền ren trắng. Tôi thấy bà tốt với tôi nên càng chăm chỉ hơn.

Tôi thích những quả cà chua chín đỏ mọng. Tôi thích những rổ rau thơm xanh non. Tôi thích cái chạn bát gọn gàng, sạch sẽ và nhìn rất ngon mắt. Tôi thích nồi nước phở to đùng, thơm ngậy lúc nào cũng ì oạp sôi. Tôi thích nghe những lời khen của khách. Phở ngon quá, hoặc hôm nay món nộm thật khéo. Ở nhà, dù tôi và các chị có làm tốt việc gì, bố mẹ cũng chẳng bao giờ khen câu nào cả. Tôi rất thích công việc và cuộc sống ở đây. Tôi bắt đầu kết bạn. Chúng cũng phụ việc như tôi ở những quán bên cạnh. Có vài đứa đã được chủ quán giao cho việc nấu nướng. Tôi nể chúng lắm. Và tôi quyết tâm học hỏi để một ngày được như chúng.
Cầm tháng lương đầu tiên, lòng tôi rưng rưng nhớ đến mẹ. Mẹ chưa bao giờ được cầm số tiền như thế này. Tiền nong, của cải trong nhà là do bố giữ. Thật lòng mà nói, từ lúc trốn nhà đi, mẹ là người tôi nhớ nhất. Được vài hôm, bà chủ xem tivi rồi tái mặt giục tôi thu xếp quần áo về nhà ngay.

Không khí tang tóc bao trùm lên cả thôn khi trận sạt lở đêm trước vùi chôn mười mấy ngôi nhà và hơn ba chục người thiệt mạng. Thi thể mẹ, bà nội và một chị gái đã được tìm thấy, còn thiếu ông nội. Bố như con thú điên, đưa tay cào xé mặt mình chán thì phăm phăm lội xuống con suối lũ, lổng chổng đá mà gào thét. Bố thương xót ông nội, bà nội và mẹ hay xót cái cơ nghiệp bị vùi lấp, xóa sổ trong tích tắc? Tôi nhớ là mình đã không khóc. Không phải vì tôi không biết đau đớn. Mấy hôm sau, họ tìm thấy ông nội. Ông bị thất lạc mất một cánh tay. Bố đã ngất đi.
Nhà chỉ còn tôi và một chị gái vừa qua tuổi mười tám. Trong căn nhà tạm, chị khóc lóc mê sảng gọi tên một người con trai vừa bỏ chị lại mà đi trong trận lở núi. Tôi cũng không khóc. Có lẽ, khi con người ta đau đớn, khóc thì dễ chịu hơn chăng? Tôi không cần phải cảm thấy dễ chịu, tôi cần đối diện. Vì người đàn ông trụ cột, vững vàng nhất gia đình, là bố, thì cũng đang quằn quại, vật vã dưới đất kia.
Mấy hôm sau, bố ném vào mặt chị nắm lá xanh, những chiếc lá có riềm răng cưa và ra lệnh:
- Muốn sống, muốn làm con tao thì nhá kĩ và nuốt đi.
Chị quỳ mọp van xin. Bố giơ chân, đạp dúi đầu chị xuống, quát ầm:
- Đồ đĩ non, sao mày không chết luôn đi theo nó hả?
Nước mắt tôi bấn loạn chảy ngược vào trong. Tôi dìu chị dậy. Bố vồ lấy tóc tôi, xoắn chặt, đau điếng. Bố gằn từng tiếng:
- Còn mày, nứt mắt đã bỏ nhà theo giai, còn dám vác mặt về à? Cút hết, cút sạch, quân đốn mạt.

Bố tôi hằm hằm đấm vào cột nhà mấy cái rồi bỏ ra suối. Ngoài ấy, vẫn còn một cánh tay của ông nội và những vết tích đổ vỡ. Tôi biết, nếu chúng tôi ngoan ngoãn tử tế như các chị đã được gả chồng, thì bố có thể thu về một món kha khá từ khoản lễ lạt do nhà trai đưa đến. Giờ thì trắng tay, bố không điên sao được.
Tôi đưa chị ra thành phố. Bà chủ quán mở lòng đón cả hai chị em, giúp tôi thực hiện giấc mơ đi học. Tôi học ngoại ngữ. Học để kiếm tiền và học để có nhiều bạn. Ngày làm đêm học. Sau mấy năm quần quật, tôi được nhận vào làm trong một công ty lữ hành tại thành phố, ngay giáp cửa khẩu. Bà chủ bảo, tôi vẫn còn non dại lắm, phải đi nhiều để mở mang đầu óc.
Chuyến đầu tiên, tôi dẫn một đoàn khách mười sáu người đi Sa Pa. Sau chuyến ấy, tôi bị nhắc nhở. Em nói “không” với khách nhiều quá, họ là thượng đế chứ không phải chúng ta. Tôi biết rồi, tôi chỉ nhắc lại những tấm biển chỉ dẫn, không dẫm lên cỏ, không bẻ hoa, không vứt rác… thôi mà. Tôi dấn thân vào những chuyến đi rạc cả người và ôm ấp khát vọng xây cho bố ngôi nhà mới.
Một hôm tôi được công ty giao cho một chuyến đi dài. Biển. Tôi băn khoăn vì chưa ra biển bao giờ. Đường là ở mồm. Chị quản tour chỉ ngắn gọn thế. Tôi về chuẩn bị. Có vẻ chuyến đi quá sức với một đứa thất học, nhưng như kẻ trót phóng lao, tôi phải theo lao. Khách là hai mươi mốt người đàn ông, tất cả đều nhang nhác hai gã tôi gặp ở quán ăn nhiều ớt độ nào. Nhưng lúc này thì tôi không sợ gì cả.
Biển đẹp quá, lại giàu nữa. Biển choáng ngợp tôi. Choáng ngợp bao kẻ. Chẳng thế mà lại tranh giành…

Tôi khàn hơi, lạc giọng. Dù đã được tư vấn trước là không được nói gì liên quan đến đề tài nóng bỏng trên biển nhưng hăng lên, tôi vẫn nói cho sướng. Tôi chỉ nghĩ: Khách ngoại quốc đến đất nước mình du lịch rất đông. Họ là những người hiểu biết, có tri thức. Tại sao mình không tranh thủ truyền bá, vừa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, vừa để kêu gọi sự ủng hộ, mà phải lờ đi?
Tôi bị đuổi việc. Miếng cơm manh áo của cả tập thể mấy chục con người mới quan trọng, chứ quan trọng gì tôi. Xấu hổ và buồn tái buồn tê vì tất cả những công ty lữ hành trong thành phố đều khước từ tôi. Tôi chợt muốn về nhà với bố. Thời buổi này, gia đình có lẽ là nơi an toàn nhất. Bố đã bớt khó tính, bớt cổ hủ kể từ khi chị đem thằng cháu ngoại biết bi bô về gọi ông. Nhìn lên nhìn xuống, nhìn sang hai bên. Bạn cũ chẳng còn ai ở không. Tôi đã hai mươi nhăm tuổi rồi.

Đoạn đường từ phố huyện lên trung tâm xã đi qua cửa nhà tôi, căn nhà dựng tạm sau mưa bão, tránh xa con suối và ngọn núi sạt lở. Đoạn đường đang được làm lại. Bố có quen một gã lái xe chở vật liệu cho công trình. Tôi không dám gọi hắn bằng chú vì hắn đã gọi bố bằng chú rồi. Mà gọi hắn bằng anh thì ngượng mồm. Hắn gấp đôi tuổi tôi. Thấy tôi ấm ớ trống không, Bố vằn mắt:
- Anh là anh, chú là chú, đừng có léng phéng.
Có lẽ bố còn ác cảm chuyện đứa con ương ngạnh văng khỏi gia đình bao nhiêu năm rồi đột ngột quay về vì bị xã hội ruồng bỏ.
Nhà tôi có một rừng măng đen rộng gần hai hecta. Giống măng mới bố liên hệ mua từ vùng trung du. Những cái măng mập mạp, đen trũi, có cái nặng cả yến. Bóc vỏ đen ra, măng vàng óng ả, luộc chín, măng trắng nõn nà và ngọt lịm. Trồng măng đen rất kinh tế. Vì thế bố chỉ giữ lại một vạt vầu đắng rất nhỏ từ ngày xưa. Bố và gã có sở thích giống nhau. Măng đắng luộc chấm nước mẻ. Chỉ thế thôi, là hai người rượu say nghiêng ngửa.

Mùa thu hoạch măng thứ hai đã đến. Gã kia thình lình yêu cầu bố để cho gã mua tất cả vụ măng và trả công nhật để tôi giúp hắn đóng hàng lên xe cho mát vía. Bố suy nghĩ một lúc rồi mới đồng ý.
Tôi vừa làm, vừa nơm nớp dè chừng gã ta. Bụng bảo dạ, đừng có chủ quan. Bây giờ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ con, thai nhi qua biên giới nhiều lắm. Bản này, khối đàn bà, con gái có đi mà chẳng có về rồi. Nhưng tôi khác họ, từng đi ngang về dọc bao năm, đứa nào dám lừa bán tôi?
Đã cạn mùa măng đen. Chuyến cuối cùng, như thường lệ, tôi lên xe để xếp lại những sọt măng cho ngay ngắn. Mặt tôi bất chợt xây xẩm. Tôi ngã xuống một cái sọt, lịm đi.
Rất lâu sau, tôi tỉnh dậy. Cục giẻ trong mồm tôi được lôi ra. Nhưng dây trói ở tay và chân thì không được cởi. Tôi bị giam giữ như tù binh. Nơi xứ người, tôi như ngọn măng đen bị lột vỏ bằng hai bàn tay khả ố, nhơ nhớp bao lần. Muốn gào thét, không được gào thét. Muốn vật vã, cũng không được vật vã. Có cái gì đó đã hình thành và lớn lên trong tôi. Người ta không cho phép tôi làm tổn hại đến nó. Người ta bảo vừa trao cho tôi một sứ mệnh. Tôi không hiểu sứ mệnh là gì, chỉ biết đây là một sự sắp đặt tàn nhẫn. Ai đã sắp đặt cuộc đời tôi? Tại sao lại chọn tôi? Chọn đứa con gái hèn nhát, ham sống sợ chết? Ở chốn tột cùng nhục nhã, tôi vẫn tha thiết muốn sống, muốn được về nhà với bố.

Thời gian lê lết qua năm lần trăng tròn rồi khuyết. Biết tôi chẳng dám chết. Biết tôi không thể nhẫn tâm. Và không muốn thấy tôi rầu rĩ. Họ cho tôi về quê.
Tôi không biết mình tròn hay khuyết khi tất cả bỗng chốc đảo lộn. Bố không bắt tôi ăn nắm lá có viền răng cưa như ngày xưa bắt chị ăn để tống ra khỏi người cái mầm mống oan nghiệt. Tôi cũng chẳng phải van xin. Chuyện chị tôi không chồng mà chửa đẻ đã thành tiền lệ. Và bố, lão già khốn khổ đã quá mệt mỏi với việc giữ gìn nề nếp gia đình cũng đành buông xuôi. Trận sạt lở kinh hoàng, cả bản chưa ai quên ngày thì bố xây được một căn nhà mới, tươm tất nhất vùng. Bố nói, trồng măng đen được tiền lắm và hướng dẫn nhiều hộ trồng măng đen. Giờ bố chỉ quan tâm đến rừng măng đen thôi.

Ngày trước, tôi thèm có bạn biết chừng nào, để được chơi, được tâm sự. Thì nay tôi gói kín lời nói, chẳng dám chia sẻ cùng ai. Còn ai tin tôi? Ai tin chuyện lừa gạt? Họ nói: "Nó chẳng lừa ai thì thôi". Trong nỗi cô độc, tôi chợt thấy được an ủi. Nó bé nhỏ nhưng lại hiện hữu rõ ràng trong tôi. Nó đòi hỏi tôi phải sống cho nó, vui buồn vì nó. Như mầm măng ngọt được tưới bằng nước mắt của cây mẹ đều đặn như sương sa mỗi lúc đêm về. Nó lớn rất nhanh. Đã đến ngày, ngày nó xé đất đòi chui lên.
Tôi mổ sinh con ở bệnh viện. Tỉnh cơn mê, không thấy con bên cạnh, tim tôi thắt lại. Tôi khom người, đi khắp các phòng bệnh tìm con. Đi mãi, tôi thấy bố đứng dựa lưng vào một góc tường. Mặt ông trắng bệch như cái măng luộc ngâm nước lâu ngày. Ông an ủi tôi:
- Bố nó lấy đi rồi. Tiếc gì cái mầm đắng ấy…
Tôi run rẩy, nép vào vai bố như hai cây tre đơn độc tựa vào nhau. Lần đầu tiên tôi mở miệng van nài.
- Bùn ơi! Giọt máu của con, núm ruột của con. Trả nó về cho con.
Bố cười, miệng méo xệch, tay run run vỗ vào lưng tôi, thì thào:
- Họ mang đi xa rồi, trả thế nào được... Cũng là cách kiếm tiền thôi mà, đẻ thuê thôi mà. Mày tưởng có hai vụ măng mà xây được cái nhà ấy hả con?
Tôi sững sờ rời vai bố. Ông đổ xuống chân tôi. Tôi ôm bụng gượng đứng. Máu từ vết mổ thấm qua áo, nhuộm đỏ bàn tay./.

TỐNG NGỌC HÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét