Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

LỆ THU - TK Nguyễn Thị Hiền


Nước mắt mùa thu khóc trong đêm dài...)
Tôi bất ngờ khi nhìn thấy em qua buổi điểm danh đầu năm học lớp 11. Mười sáu tuổi, giữa những bạn bè mặt mày tươi vui rạng rỡ cùng lứa, vẻ u buồn lạc lỏng của em làm lòng tôi chùng xuống, tôi thầm trách gia đình em đã đặt cho em một cái tên nhạy cảm! Trong trường hợp của em, chữ “Lệ” không còn là đẹp nữa mà gợi ta nghĩ đến nước mắt, đến đau buồn! Người cao mỏng mảnh, nước da trắng xanh, đôi mắt đen dài buồn rười rượi và hai bờ môi khép chặt, ít khi nói cười khiến em khác biệt với bạn bè đồng lứa.
<!> 
Tôi làm lý lịch trích ngang của học sinh và chú ý đến gia cảnh của em. Cha: Nguyễn Đắc Chương, đại tá quân đội; Mẹ: Huỳnh Ngọc Lan, nội trợ. Địa chỉ của em là nhà mặt tiền con đường lớn ở khu chợ Mỹ Tho. Và em là con một. Điều đó, sơ bộ nói lên em có một gia cảnh tốt! Tuy em có vẻ sống khép kín, ít giao tiếp với bạn bè nhưng học hành khá giỏi, ngoan hiền nên tôi cũng chưa có cơ hội đi đến gia đình như với các học sinh có vấn đề! Trong những giờ sinh hoạt hoặc khoảng trống giữa hai tiết dạy, tôi thường tìm cách nói chuyện với em nhưng vẫn không tìm hiểu thêm được điều gì!
Đột nhiên gần đến thi học kỳ I, em nghỉ học. Vài ngày sau thì có thông tin có lẽ em sẽ nghỉ học luôn vì mẹ em bệnh nặng. Tôi sắp xếp thời gian để đến nhà em.
Đó là ngôi nhà hai tầng trước đây là tiệm vải nổi tiếng ở chợ Mỹ Tho, giờ không còn buôn bán nữa, cửa sắt khép kín, tôi phải nhấn chuông khá lâu mới có người ra mở cửa. Hóa ra đó là Ngân, bạn học thời cấp III của tôi và chị em bạn dì với mẹ của Thu. Em ra đón chào tôi với vẻ ngại ngùng như người có lỗi. Tôi nói:
- Nghe mẹ em bệnh nên cô đến thăm.
Em dẫn tôi lên tầng một. Cầu thang hơi tối vì khoảng cửa kính tầng trên kéo màn gần kín. Một phòng rộng mênh mông, có bàn làm việc cạnh một kệ sách, có bàn trang điểm, một chiếc giường đôi drap nệm trắng tinh, gối mền xếp gọn và nằm gần khoảng hở của tấm màn cửa là một chiếc xe lăn in dáng một người phụ nữ gầy guộc ngồi im lìm. Không ngoảnh lại, một giọng nói nhỏ vang lên:
- Ai vậy con?
Khi nghe Lệ Thu trả lời:
- Có cô giáo chủ nhiệm của con đến thăm.
Thì chị mới quay mặt lại! Tôi lại thảng thốt trước vẻ đẹp héo hon của người phụ nữ bệnh tật này! Chị nhìn tôi, gật đầu chào nhẹ nhưng cốt cách của chị toát lên nét tao nhã duyên dáng khó tả:
- Xin lỗi cô, tôi không đứng dậy được! Mời cô ngồi.
Lệ Thu đem cho tôi một ly nước lọc. Chị bảo:
- Con về phòng để mẹ nói chuyện với cô giáo.
Phía sau tầng là phòng riêng của Lệ Thu. Em xin phép tôi trước khi đi ra.
- Tôi nghe con tôi nhắc cô nhiều. Nó thích học giờ Văn của cô và quí cô lắm! Tôi cũng mong được gặp cô!
Tôi ngại ngần hỏi thăm sức khỏe của chị. Thì ra chị vừa bị một cơn nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện năm ngày, vừa về nhà chiều qua! Cảm giác người lao đao không trọng lượng của mấy ngày nay làm chị lo sợ! Lo sợ phải chia lìa với con gái của mình!
Tôi tỏ ý lo ngại tin Lệ Thu nghỉ học... Chị cười héo hắt:
- Biết làm sao hả cô ! Tôi mà ra đi, cháu sẽ sống với ai?
- ... Còn ba cháu?
Vậy là tôi được nghe người phụ nữ này tâm sự, và sau đó, gặp Ngân, tôi biết rõ hơn hoàn cảnh của chị.

Chị bệnh liệt hai chân sau khi sinh Lệ Thu! Mười sáu năm rồi! Nguyên nhân ư? Đó là một câu chuyện dài chị kể trong nước mắt....
Mối tình đầu của chị rất đẹp! Gia đình chị khá giả nên sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp, chị lên Sài Gòn ở với bà nội học trường Gia Long. Cô nữ sinh áo tím xinh đẹp phải lòng một chàng trai học trên chị hai lớp ở trường Chasseloup Laubat trong một lần chung chuyến xe từ Sài Gòn về Mỹ Tho. Anh quê ở Bình Đại, Bến Tre, cũng thuộc gia đình danh giá, có nhiều điền sản. Khi chị đậu Tú Tài 1, anh đang học trường Cao đẳng Công chánh, hai bên gia đình cũng đã biết nhau và đã tổ chức lễ đính hôn cho đôi lứa.
Anh học giỏi, say mê sách báo và sống có lý tưởng, năng nổ tham gia phong trào sinh viên học sinh đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho dân lao động với chính quyền thực dân Pháp đạt nhiều kết quả. Chính vì vậy mà khi Hiệp định Genève ký kết, anh được chọn tập kết ra Bắc. Anh bảo chị hãy chờ anh hai năm, chỉ hai năm thôi, sẽ có cuộc Hiệp thương thống nhất đất nước, anh trở về và hai người sẽ tổ chức đám cưới. Vậy là anh ra đi. Hai năm, rồi năm năm, mười năm... anh vẫn biền biệt không về!

Có ai biết được nỗi đau, nỗi khổ tâm của người chờ đợi! Anh không trở về như đã hẹn, lại không có thư từ, tin tức! Chị lao đao trong sự hối thúc kết hôn của mẹ cha nhưng chị vẫn kiên trì chờ đợi. Những kỷ niệm êm đềm thời hai người yêu nhau, những câu chuyện tâm tình, những hoài bão, những ước mơ của đôi lứa và nụ hôn vội vàng ngày chia tay vẫn sống động trong tâm trí chị, giúp chị có đủ nghị lực giữ vững lời hứa với anh. Mặc dù đã có bằng Tú tài song chị không đi làm việc vì sợ những va chạm xô bồ trong xã hội lúc bấy giờ mà ở nhà phụ mẹ công việc sổ sách kinh doanh vải vóc, tơ lụa. Các em chị lần lượt lập gia đình còn chị thì lặng lẽ sống độc thân và ngắm mình tàn phai mỗi khi soi gương chải tóc! Làn da trắng mịn màng của chị ngày như thô sạm đi, đôi môi hồng mọng khô héo dần đi! Những người đàn ông yêu chị, đeo đuổi chị cũng lần lượt rời xa!
Chiến tranh lan rộng, bom đạn tràn ra thành thị với những trận đột kích,pháo kích làm hoảng loạn lòng người! Đầu năm 1975, chiến sự diễn biến ác liệt, miền Trung tan tác với những tin tức đáng sợ khiến nhiều người bắt đầu di tản đi nước ngoài, trong đó có gia đình chị .Cả nhà gói ghém tư trang, thu xếp tiền bạc để đi Pháp, nơi có người anh ruột của chị du học rồi định cư luôn ở đó. Chị băn khoăn day dứt trước quyết định rời xa tổ quốc, rời xa quê nhà và nhất là niềm hy vọng gặp lại người yêu. Chị xin với gia đình được ở lại! Không ai đồng ý nhưng rồi ba mẹ chị cũng chìu lòng chị. Mọi người nghĩ tới công sức đợi chờ của chị, nghĩ tới bàn thờ, phần mộ ông bà, tổ tiên không ai nhang khói và nhất là ai cũng nuôi một chút hy vọng... Nếu không có gì ghê gớm lắm thì họ sẽ trở về! Có vui vẻ gì chuyện sống tha hương!

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chị là một trong những người nô nức chào đón đoàn quân giải phóng. Chị may cờ Mặt trận giải phóng miền Nam cho nhà chị, cho những người quen biết cùng treo và chị nóng lòng chờ đợi! Chị tìm đến Ủy ban quân quản hỏi thăm tin tức của người yêu cũ. Ở đó, chị gặp lại người cậu ruột của mình, người đã thoát ly gia đình đi kháng chiến biệt tăm giờ đã trở về. Cảm giác ấm áp vì gặp lại người thân khiến chị tràn trề hy vọng. Chị soi gương và ngạc nhiên khi thấy mắt chị như long lanh hơn, môi chị hồng thắm hơn. Ở tuổi 38, chị lại có vẻ đẹp chín chắn, tròn đầy hơn.Ngày nào chị cũng trang điểm nhẹ, ăn mặc tươm tất để đợi anh.
Và anh về!

Một ngày cuối tháng 5, một chiếc xe quân đội ngừng trước cửa nhà chị. Anh bước xuống, hiên ngang, đĩnh đạc và chị nhận ngay ra anh.Vẫn những đường nét cũ nhưng bây giờ anh vạm vỡ, rắn rỏi hơn. Chị không chạy ra, ngả vào lòng anh như cảnh hội ngộ sau bao nhiêu năm xa cách trong phim ảnh, sân khấu mà lặng người chôn chân ngay trước hiên nhà. Anh cũng nhận ra chị, xăng xái bước vào nắm lấy cánh tay chị như sợ chị ngất đi vì xúc động. Quả thực đôi mắt chị đong đầy nước mắt, cổ họng se lại không nói nên lời. Họ hàn huyên tâm sự và ba tháng sau làm lễ tuyên hôn. Mọi người đều ca ngợi mối tình thủy chung son sắt của hai người. Chị rạng ngời hạnh phúc. Anh giờ là Trung tá ở Quân khu 7, làm việc ở Sài Gòn. Chị vẫn ở Mỹ Tho và cứ cuối tuần, anh lại về với chị. Chị nghe theo lời anh, hiến tặng mấy căn phố của gia đình cho Cách mạng làm cơ quan và tích cực hưởng ứng những đợt cải tạo công thương nghiệp, cải tạo thành phần.
Rồi chị có mang! Không niềm vui nào tả xiết trong chị khi biết mình có mang và thai nhi khỏe mạnh. Chị cảm tạ ơn trên đã ban cho chị có được đứa con với người đàn ông mà chị đã biết bao yêu dấu! Người đàn ông mà chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đợi chờ...

Nhưng hạnh phúc đến với chị không lâu! Cái cảm giác bất an của anh khi chị hỏi anh về đời sống độc thân trong hai mươi năm xa cách, anh trả lời qua loa:
- Mọi chuyện đều có tổ chức lo!
Cả thái độ lợt lạt, hời hợt của anh khi những người bạn học ngày xưa đến thăm, hàn huyên tâm sự. Dường như có một khoảng cách hai mươi năm ngăn cách giữa hai người. Rồi chị cũng biết sự thật! Từ vợ những người bạn tập kết cùng anh trở về, chị biết khi ra Bắc, anh đã lấy vợ, có con! Chịu không nỗi đả kích, chị mạnh dạn hỏi anh trực tiếp khi anh về thăm chị và sau một khoảng lặng, anh thừa nhận điều đó! Cảm giác của chị như thế nào ư? Như đất trời sụp đổ! Anh ôm vai chị, cố gắng giải bày hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ nhưng tai chị như ù đặc, trí óc chị mịt mù... Chị không nghe và không hiểu những lời anh nói. Đẩy anh ra xa, chị đã bảo anh trở lên đơn vị và đừng về Mỹ tho nữa!

Lúc đó, thai nhi trong bụng chị đã được sáu tháng. Tâm trạng của chị như thế nào ư? Hụt hẩng, hoảng loạn! Chị hận anh không chung thủy, chị căm ghét anh đã lừa dối chị, đẩy chị vào một hoàn cảnh trớ trêu và chị giận mình sao lại nhẹ dạ cả tin, vội vã kết hôn để bây giờ bẽ bàng duyên phận! Cũng qua vợ những người tập kết, trường hợp như anh không phải là hiếm! Có rất nhiều cán bộ tập kết đã lấy vợ ở miền Bắc sau khi việc hiệp thương thống nhất đất nước không thành. Nhưng khi giải phóng miền Nam, Đảng đã đưa ra chủ trương là những cán bộ tập kết chỉ trở về Nam một mình, nếu người vợ cũ ở miền Nam vẫn còn sắt son chờ đợi thì được quyền sống với người vợ miền Nam, người vợ miền Bắc không được vào tìm. Họ có những chế độ đãi ngộ riêng, không phải thiệt thòi gì! Chị phải làm sao đây? Cái mầm sống trong người chị cần có một người cha. Chị không phải loại phụ nữ chữa hoang đẻ lạnh, nhưng bây giờ, chị không muốn nhìn thấy anh...

Những tháng sau cùng mang thai của chị là vậy! Cứ nghĩ đến tuổi xuân mõi mòn chờ đợi đã qua là chị giàn giụa nước mắt, đau thắt buồng tim. Cảm giác hối tiếc, sân hận dày vò tâm can chị! Chị đã tin vào tình yêu của anh, tin vào con người đã từng sống có lý tưởng, hoài bảo; tin vào cái sự nghiệp Cách mạng vĩ đại mà anh đã tham gia... Để rồi bây giờ... Cuộc sống xung quanh chị cũng thay đổi đáng sợ, cái không khí nô nức vì được sống trong cảnh hòa bình sau ngày 30 tháng 4 đã không còn nữa... Các chủ trương đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ bởi các trạm kiểm soát khắp nơi đã làm xáo động đến tận cùng cuộc sống của người miền Nam vốn nhân hậu hiền hòa cũng tác động sâu sắc đến chị! Cái miền Nam trù phú thừa mứa lương thực, thực phẩm giờ không còn nữa. Mọi thứ đều khan hiếm, đều phải qua mạng lưới phân phối của nhà nước. Con người cùng khổ, khô héo vì thiếu thốn vật chất; dáo dác, hoang mang vì bị khủng bố về tinh thần.
Chị sinh sớm hơn dự định nửa tháng, đứa bé nhỏ nhắn xinh đẹp nhưng phải nằm lồng ấp vì bị thiếu ký. Đứa con vừa là niềm vui, vừa là nỗi đau của chị! Người thân nói anh có về khi chị sinh nhưng không dám vào gặp chị.

Một điều lạ lùng là sinh xong, chị không tự ngồi lên được, không đứng lên được. Từ rốn trở xuống hạ chi không còn nghe theo ý chị. Bác sĩ hội chẩn khám đi khám lại, chuyển từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Sài gòn đều không tìm ra nguyên nhân! Chị cứ nằm đó, mắt mở to nhìn trần nhà, ít ăn, ít ngủ, ít nói cười. Chẩn đoán cuối cùng là chị bị tổn thương tâm lý, bị liệt chi do yếu tố thần kinh!
Những người bà con xa gần biết chuyện đều rất thương chị, sắp xếp chăm sóc chị và đứa bé rất chu đáo! Khi làm khai sinh cho bé, chị đã đặt tên nó là Lệ Thu! Phải! Ý nghĩa cái tên đó đúng như tôi nghĩ! Nước mắt mùa thu! Không phải nước mắt khóc vào mùa thu khi anh tập kết mà là nước mắt vào mùa thu lúc anh trở về, lúc chị biết được sự thật về anh! Nước mắt đau xót của chị! Nước mắt tiếc nuối cho một cuộc đợi chờ vô nghĩa! Một nỗi thất vọng tột cùng.
- Có khi cảm xúc lấn át lý trí! Lúc đó, tôi nghĩ chỉ có cái tên đó là thích hợp với đứa con của mình! Bây giờ nhìn nó có vẻ u buồn bãng lãng như trời thu, tôi lại ân hận! Một cái tên vận vào con người! Có hối hận thì cũng không sửa chữa được! Chỉ cầu mong con tôi sau này gặp được nhiều may mắn hơn tôi! Tôi chỉ sợ mình mất đi thì con mình sẽ cô đơn, đau khổ!
- Còn anh?
- Tôi làm thủ tục ly hôn sau khi khai sinh cho con. Vợ con ngoài Bắc vào Sài gòn sống với anh ấy rồi!

Khi chào về, tôi nắm bàn tay chị, chúc chị mau khỏe lại. Bàn tay thuôn dài gầy guộc, khô héo, lạnh lẻo như không còn sức sống! Tôi nhìn chị, cố giấu những cảm xúc ngổn ngang trong lòng mình!
Lệ Thu trở lại lớp học nhưng cuối năm lớp 12 của em thì chị mất! Tôi có đi đám tang và gặp được chồng chị! Người đàn ông gương mặt lạnh lùng với đôi mắt trống rỗng đứng cúi chào đáp lễ những người tới viếng mà không nói một lời nào!
Vài người thân ở hải ngoại của chị cũng về dự đám tang. Tôi nghe nói sau đó, theo nguyện vọng của Lệ Thu, gia đình chị đã làm thủ tục đón em sang sinh sống và học tập ở Pháp.
Mong rằng cuộc đời của em cũng sẽ khác đi, đẹp như mùa thu ở khu vườn Luxembourg...

Paris chiều nay gió
Hãy đi với em vào vườn Luxembourg
Cho em đọc bài văn mơ mộng
Nỗi ước ao đường chân trời mở rộng
Đi nửa vòng đã rơi mất tuổi thơ...
(thơ Trần Mộng Tú)

TK Nguyễn Thị Hiền
(8/1994)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét