Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

Chuyện Vãn: Gác Cu, Cầm Chầu - Vương Trùng Dương


Nếu luận về chữ “ngu” thì vô số trường hợp “thiên hình vạn trạng” trong cuộc sống của mỗi người trên thế gian. Không có ai tự cho rằng từ nhỏ đến già không vấp phải ngu. Từ khi sinh ra, cắp sách đến trường cho đến khi lìa cõi, “chữ ngu” gắn liền với cuộc đời. Vào thế kỷ XVI, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 70 tuổi khi cụ dâng sớ hạch tội 18 quan triều đình lộng thần nhưng không được vua nghe nên cụ “treo ấn từ quan” xa lánh chốn quan trường ô trọc về ở ẩn đọc sách, dạy học, làm thơ… Trong bài thơ Cảnh Nhàn của cụ Bạch Vân Cư Sĩ nói về dại khôn: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao”. Khi cụ qua đời (95 tuổi) được truy phong tước Thái Phó Trình Quốc Công. Nếu cụ không thức thời rời “chốn lao xao” dễ bị kẻ thù hãm hại. 
<!>
(Vào thế kỷ XIV, cụ Chu Văn An đảm nhiệm chức Tư Nghiệp ở Quốc Tử Giám và dạy học cho thái tử Vượng (Trần Hiến Tông). Cụ dâng “Thất Trảm Sớ” xin chém bảy nịnh thần, nhà vua không nghe nên treo mũ ở cửa Huyền Vũ, trả áo mũ từ quan. Trở về dựng nhà ở núi Phượng Hoàng vùng Chí Linh, lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi hái củi ẩn dật) dạy học, vui thú điền viên. Sau đó, nhà vua mời lại chốn cung đình nhưng cụ từ chối. Cụ được hậu thế tôn vinh là bậc thầy của mọi thời đại. Cụ làm thơ, ca ngợi cuộc sống ẩn dật). Đầu thế kỷ XX, cụ Tú Xương trong bài thơ trào phúng về Dại Khôn: “Thế sự đua nhau nói dại khôn, Biết ai là dại, biết ai khôn. … Này kẻ nên khôn đều có dại, Làm người có dại mới nên khôn”. Có khi hành động nào đó, người trong cuộc tự cho là khôn nhưng tha nhân cho rằng dại. Đôi khi bị thất bại thì mang tiếng ngu nhưng thành công thì cho là khôn. 

Thật khó lường. Ngu, dại, đần độn, tối dạ, dốt nát, u mê… Trong ca dao của ta đã lưu lại rất nhiều. Có hàng trăm câu nói còn được lưu truyền, trong đó nhà văn Mark Twain lại cho rằng “Để thành công trong cuộc sống, bạn cần hai thứ: sự ngu dốt và lòng tự tin”, (To succeed in life, you need two things: ignorance and confidence). Thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng có trường hợp “nhờ, bị, bởi…” ngu mà cậu học trò Thomas Edison trở thành thiên tài khoa học lẫy lừng nhất trên thế giới. Thế giới ngày nay thừa hưởng nếp sống văn minh hiện đại nhờ những công trình phát minh của nhà bác học Thomas Edison (1847-1931). 

Câu chuyện tuy dài nhưng tóm lược như sau: Năm 7 tuổi, cậu bé Edison đến trường tiểu học Port Huron, Michigan nhưng lơ đễnh và ngu nên trong 3 tháng ngồi ghế nhà trường không biết gì cả… thầy giáo Reverend G. B. Engle viết trên mẩu giấy và yêu cầu mang về nhà cho mẹ đọc. “Edison không chịu học hành mà luôn làm phiền người khác bằng những câu hỏi chẳng đâu vào đâu… Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!”, “Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa”. (Có vài triệu chứng, cậu bé Edison mắc chứng tự kỷ (autism) nhưng lúc đó chưa khám phá ra, lần đầu tiên nhà xã hội học Úc Judy Singer được đưa ra vào giữa những năm 1900. Những nhà bác học Albert Einstein, Issac Newton, Charles Darwin… thiên tài nghệ thuật Wolfgangus Mozart, Michelangelo… đều bị tự kỷ). 

Bà Nancy - mẹ Edison - mở ra xem nhưng vừa đọc xong thì bật khóc nức nở. Sau đó, bà cố gắng giữ bình tĩnh đọc cho con nghe: “Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình”. Bà Nancy là giáo viên nên nhẫn nại dạy Edison cho đến năm 12 tuổi và không may Edison lại mất thính giác nhưng với sự đam mê tìm tòi về về máy móc và thí nghiệm hóa học… Năm 1862, Edison giải cứu đứa trẻ 3 tuổi khỏi một đường đua nơi một chiếc xe hơi sắp cán vào. Ông MacKenzie - người cha đứa bé - tỏ lòng biết ơn, dạy Edison điện báo đường sắt rồi sau đó nhận công việc điều hành điện báo ở Port Huron. Edison vẫn tiếp tục các thí nghiệm khoa học. Từ năm 1863 đến năm 1867, Edison di cư từ thành phố này sang thành phố khác ở Hoa Kỳ, nhận công việc điện báo sẵn có. 

Năm 1868, Edison chuyển đến Boston, làm việc điện báo tại văn phòng Western Union, vào tháng 1 năm 1869 từ chức, dự định dành toàn bộ thời gian để phát minh ra mọi thứ. Phát minh đầu tiên của ông được cấp bằng sáng chế là máy ghi phiếu điện vào tháng 6 năm 1869. Từ đó Edison tìm hiểu và phát minh ra nhiều công trình sáng chế… Khi bà Nancy qua đời lúc Thomas Edison đã trở thành nhà phát minh vang danh thế giới, ông ngồi xem lại những vật dụng cũ trong gia đình. Đột nhiên, ông tìm thấy tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn. Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: “… Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa”. Edison đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ”. 

Lời nói dối năm xưa của mẹ Edison đã giúp con trai tự tin, tự học… bà là người mẹ cao cả, tuyệt vời dùng niềm tin, tình yêu của mình để dạy dỗ con nên người. Thế giới ngưỡng mộ và ca tụng Thomas Edison là thiên tài của nhân loại nhưng đối với ông, người mẹ chính là thiên tài vỹ đại nhất. * 

Trở lại với chữ “ngu”, không hiểu vì sao ông bà ta ngày xưa lại “gán” cho 4 cái ngu ở đời nên trong dân gian có hai câu ca dao: “Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu cầm chầu” Trước đây đã hai thập niên, tôi có viết trả lời nhà báo khi cho rằng “Trong khi đó, bồ câu, cũng gọi là cu, là giống chim hiền, ăn sâu bọ, các thứ hạt, trái cây. Bồ câu tượng trưng cho phe chủ hòa. Bồ câu là tiếng miền Bắc. Ở miền Trung và miền Nam, câu được phát âm là cu. Do đó, chim câu còn được gọi là chim cu, cũng như ngựa câu được gọi là ngựa cu, cắn câu là cắn cu. Cu có nhiều giống: cu cườm, cu đất, cu mồi và cu ngói. Nhà làm tự điển Lê Văn Đức ở trang 191 có định nghĩa về giống cu ngói nầy bằng một định nghĩa rất lạ và dễ sợ: “cu ngói: cu lông đỏ dợt hoen hoát” (Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức trang 191) Theo tôi, trong bài viết, nhà báo đã có sự nhầm lẫn với nhau về bồ câu và chim cu. Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, ấn hành ở Sài Gòn năm 1895, tái bản năm 1974 đã định nghĩa: “Câu: tiếng gọi các thứ chim giống chim nhà. Có câu nhà, câu đất, câu rừng, câu ngói, câu hỏa (trang 110) - Cu: loại chim đồng, lấy tiếng nó kêu mà đặt tên. Có các loại như: cu đất, cu lửa, cu ngói, cu xanh, cu gấm...” (trang 193) Việt Nam Tự Điển – Ban Văn Học Khởi Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, Trung Bắc Tân Văn 1931 đã phân biệt: “Bồ câu: tên một thứ chim nuôi. Bồ cu: tên thứ chim biết gáy. “Bao giờ trạch đẻ ngọn đa Bồ cu ấp nước thì ta lấy mình. Bồ cu trong tổ bay ra Chân tay mầm mẫm cổ hoa hột cườm...” (trang 54) (Ca Dao) Cu: tên một loài chim, tức chim câu “Vì ai xúi giục con cu Cho con cu gáy gật gù trên cây...” (trang 95) (Ca Dao) Trong Tự Điển Thành Ngữ & Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quỳnh Giao đã diễn giãi: “Chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè. (chim ngói: chim cùng họ với bồ câu nhưng cỡ nhỏ hơn, lông màu nâu nhạt, sống thành đàn, ăn hại lúa; chim cu: chim cu cu, còn gọi là chim gáy, cu cườm, sống hoang, gần với bồ câu, vòng lông quanh cổ trông như hạt cườm, hay gáy “cúc cù cu”, mùa hè hay về ăn lúa...” (trang 170) Tiếng Anh đã có sự phân biệt như “Bồ câu: pigeon, dove – Cu: turtle-dove” (Việt Anh Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn). Nhãn hiệu mang tên bồ câu như xà phòng Dove rất phổ biến khắp nơi, không thấy nhãn hiệu nào mang tên chim cu. 

Trong quyển Các Thú Tiêu Khiển Việt Nam của Toan Ánh. Bài Thú Chơi Chim từ trang 162 đến 221, cụ Toan Ánh đã luận giải rất tỉ mỉ về giống chim cu, bồ câu cũng như nghệ thuật gác cu (bẫy cu): “Chim gáy còn được gọi là chim cu ở miền Nam, là loại chim trời hình dáng giống như bồ câu nhưng nhỏ hơn và còn những con đực thường gáy lên những tiếng cúc cu cu. Giống chim nầy hay ăn đất, theo lời các tay nuôi chim sành sỏi, do đó đồng bào miền Nam còn gọi chúng là cu đất. Cu đất có hai loại là cu bộp và cu sẻ còn được gọi là cu sen ở các tỉnh miền Đông... (trang 196) ... Chim gáy với chim ngói, loài chim ăn thịt rất ngon... Ở miền Nam chim ngói được gọi là cu gạch hoặc cu xanh tùy theo màu sắc của lông chim mà ở miền Bắc gọi là chim ngói xanh, chim ngói đỏ và cũng đừng lầm chim gáy với chim sen , một loại chim giống chim gáy nhưng thân to đẫy hơn nhưng không gáy, chỉ gù gù. Nhiều vùng quê gọi chim gáy là chim gầm ghì... (trang 164) ... Chim gáy là một loại chim trời, muốn có chim cần phải định bẫy, chúng không giống như chim bồ câu được người ta nuôi rồi sinh sôi nẩy nở ra (trang 177)... ... Chim bồ câu không biết gáy, không biết hót, không biết nói mà cũng không có mã ngoài đẹp như trĩ, như công như hạc vậy mà người ta vẫn chơi bồ câu... chim bồ câu là một giống chim nhà, sống với người, ở trong những chỗ do người ta nuôi làm nên, ăn thóc, ăn ngô và tất cả các thứ ngũ cốc. Chim đẻ từng lứa, mỗi lứa hai con, con trống, con mái, giống như chim gáy... (trang 188-189). 

Trong tác phẩm Phong Lưu Cũ Mới của Vương Hồng Sển - Hiếu Cổ Đặc San - Tháng 6,1970, cụ Vương Hồng Sển giải thích loại chim cu theo từng tiếng gáy: “Người thì nuôi cu đất, cu cườm: con nào gáy “cu-cu” là thường sự. Con gáy tiếng hai, tiếng ba “rục cu-cu”, có con gáy đến bốn năm tiếng “rục cu... cu... cu”, “rục cu-cu, cu-cu, cu-cu... cu”, những con ấy là bạc là vàng, chủ nuôi hãnh mặt khoe mình có con linh điểu (trang 44). Bồ câu chỉ “gù gù” như người bị siểng trong giấc ngũ chập chờn. Bồ câu còn có công dụng để dự báo thời tiết, ngày nào bay cao thì thời tiết tốt, ngày nào ở cu rú trong chuồng, trời sẽ mưa gió. Bồ câu hiền hòa nhưng cu rất hiếu chiến. Nếu khác giống “chim đá, cá trừng” để sinh sôi nẩy nở, cùng giống với nhau như cu, “đá nhau” đến thục mạng! Con đực (trống) loại nào cũng hiếu chiến hơn bồ câu. Chúng đá nhau dữ dội vì “đố kỵ” tiếng gáy (cũng như gà trống tức nhau vì tiếng gáy)! Muốn bắt (bẫy) chim cu cần phải có con mồi. Khi bắt chim non từ trong tổ khi chưa “giập bọng cứt” về nuôi, đến lúc lớn lên, lựa những con trên cổ có chùm lông nhiều màu sắc, gọi là trỗ cườm. Chim cu nuôi nhốt cho ăn thóc ngâm, đậu xanh và dùng vải che kín lồng đem treo ở hiên nhà nơi có hướng gió để chim tập quen những tiếng kêu của đồng loại. Muốn gác cu phải có “lục” (cái lồng giống như phân nửa cái hình tròn) để nhốt chim mồi. Mặt trươc có tấm lưới để sập lại, bên dưới làm một cái cần đạp. Chim cu đồng “chim bờ” nghe tiếng con mồi kêu tưởng có kình địch tìm hướng sà tới, sa nhằm cần đạp… Thế là sụp bẫy! “Chim bờ” khó nuôi thành chim mồi hay huấn luyện để đá, người ta chỉ lựa mấy con có cườm nuôi để nó gáy nghe chơi. Ngoài “lục” để bẫy thì dùng lưới “rập”. Rập là hai miếng khung lưới hình chữ nhựt. Phía hai khung lưới buộc sợi dây để giựt, lựa chỗ có nhiều chim rãi lúa, đậu để nhữ rồi chim mê ăn, cầm đầu dây giựt mạnh. Hai khung lưới sập lại. Đi gác cu cũng lắm công phu, rình mò nghe ngóng chỗ nào có tiếng gáy, phải nhiều kinh nghiệm lựa những nơi có tiếng cu kêu… cài vài lồng bẫy và kiên nhẫn đợi chờ. 

Thuở nhỏ, mỗi dịp hè, về thăm quê ngoại, nội, tôi và lũ trẻ mê nghề gác cu của mấy cụ. Trẻ thơ có cơ hội “bầu bạn” với các cụ, vừa vui thú với chim muông, trời mây non nước, vừa kiếm được lợi tức. Cu được tay nghề sành sỏi xem tướng như gà nòi, huấn luyện rất thuần thục, cu gáy rời rạc, dồn dập theo tiếng huýt sáo hoặc tiếng còi bằng ống tre nhỏ để khiêu khích đối phương lâm trận. Những tay nhà nghề còn luyện cu để bán với giá rất cao. Chơi cu cũng là nghệ thuật sưu tầm như cây kiểng vì tính đa dạng của nó. Trong quyển Về Cội Về Nguồn, thi ca dân gian dẫn giải của Lê Gia đã bàn về gác cu, bẫy cu có hai người, một người chui ở trong bụi khích cho cu gáy và một người ở xa cầm sợi giây giật lưới, điều khó không phù hợp với cách gác cu thông thường. Trong ca dao Việt Nam, ngoài loan, phượng, chim cu được đề cập rất nhiều, có câu rất ư ngộ nghĩnh như: “Con cu ăn đậu, ăn mè Ăn chi của mụ, mụ đè con cu”. Người ta nói chim én báo hiệu mùa Xuân nhưng với người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh thì lại: “Cu kêu ba tiếng cu kêu, Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè” Câu đối: “Chim cu mổ mu rùa”. Khá thú vị vì trong tục có thanh. Trong bốn cái ngu: “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” trong dân gian từ xưa, cái ngu thứ nhất là làm mai. Làm mai là làm “ông Tơ bà Nguyệt” se duyên (theo truyền thuyết có từ thời xa xưa) đi mai mối, giới thiệu nên vợ nên chồng… Nếu vợ chồng thuận hòa thì chẳng sao, nhưng khi đỗ vỡ, va chạm, sứt mẻ thì cứ ghè đầu ông mai, bà mối ra mà mắng. (Ngày nay ở trong nước trở thành cái nghề hái ra tiền qua “dịch vụ mánh mung” gã gẫm gái quê lấy chồng Tàu, Đài Loan, Hàn, châu Phi… già, đui, què… mang vợ về cố quốc làm thú tiêu khiển rồi hành hạ dã man…! Biết bao thảm cảnh xảy ra đã phổ biến trên báo, mạng xã hội… Như vậy đâu có ngu, sẽ đế cập sau). Cái ngu thứ hai là lãnh nợ. Đôi khi vì lòng trắc ẩn, đôi khi làm tài khôn vay tiền hộ cho người khác hay nhận trả nợ. Nếu vay, trả sòng phẳng (thuận vay, thuận trả) thì không có gì xảy ra nhưng nếu người vay quịt nợ thì mọi việc đổ lên đầu kẻ lãnh nợ… vừa mất tiền, mất tình gọi là “làm ơn mắc oán” hay “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”!… (Ngày nay ở trong nước vấn đề làm mai cũng trở thành dịch vụ làm ăn của các tay mánh mung, trùm đỏ, ngân hàng khi cho vay tiền để mua nhà, chung cư, đất đai… phải kèm theo bất động sản thế chấp vì họ phải nắm cán. Đến khi con nợ “lợi bất cập hại” xoay xở không kịp thì lãnh hậu quả khó lường…! Như vậy đâu có ngu, sẽ đề cập sau). 

Trở lại với cái ngu thứ tư (sau gác cu) là cầm chầu Từ xưa cầm chầu là thú vui, giải trí của quý ông trong sinh hoạt hát bộ, hát chèo. Người cầm chầu (trống chầu) ngày xưa không phải là thành viên trong đoàn hát mà là người hiểu biết về lĩnh vực này trong các bộ môn giải trí nầy. Người cầm chầu thay mặt cho khán thính giả biết sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen, chê diễn xuất của ca nương, kép đàn. Người cầm chầu phải biết khen (gõ tùng vào mặt trống), chê (gõ cắc vào thành trống), đúng chỗ, đúng lúc và ném thẻ. Nếu khen nhiều quá thì phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu chi ít tiền thì bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến danh dự của họ khi trình diễn… Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Phường Tường của cụ Tú Xương lại mượn hình ảnh phường tuồng để châm biếm: “Nào có ra chi lũ hát tuồng! Cũng hò, cũng hét, cũng y uông. Dẫu rằng dối được đàn con trẻ Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn!” Nghĩ như vậy cũng oan cho những người yêu nghề, yêu nghiệp với những người dấn thân trong các lãnh vực nầy. Tuồng cổ, hát bội (hát bộ) là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển tương tự như chèo, cải lương (sau nầy), Hồ Quảng (cải lương tuồng cổ)… đã có từ lâu. Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là cụ Đào Duy Từ (1572-1634). Hát bội có nguồn gốc từ hát bộ cung đình, lối hát có tuồng, sự tích (tuồng tích) với bộ điệu. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng lúc bi lúc hùng... 

Vào thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức (1848 - 1883) yêu thơ văn nên đã soạn một số tuồng và cùng diễn với các danh nho. Nhà vua đã cho xây một nhà hát nơi cố đô Huế. Vua Thành Thái cũng rất thích xem hát bội và cũng có tham gia đóng vai diễn. Nghệ thuật hát bội đã được cụ Đào Tấn (1845-1907) cháu đời thứ 9 của cụ Đào Duy Từ. Ông là thầy dạy vua Thành Thái và từng giữ những chức vụ Thượng Thư trong triều đình Huế, Tổng Đốc Nam Ngãi… Cụ có tài làm thơ, phú, soạn tuồng hát bội. Cụ đã cống hiến cho nghệ thuật nầy hàng chục vở tuồng, nổi tiếng như Tam Nữ Đồ Vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng... còn lưu truyền cho hậu thế. Vì vậy hát bội được phát xuất và thịnh hành ở các tỉnh miền Trung và dần dà ảnh hưởng đến miền Nam. Hát bội ở ngày xưa được lưu diễn khắp nơi, từ thành thị đến chốn nông thôn… Các cử chỉ, bộ tịch diễn xuất do các đào, kép diễn mang ý nghĩa tượng trưng từ hóa trang đến lời hát, tạo ra nhiều tưởng tượng nhân vật phong phú cho người xem. Nhiều tài liệu cho rằng cải lương Nam Bộ đã bắt nguồn từ hát bội và được “cách tân” (cải cách, đổi mới) loại hình sân khấu cổ điển cùng với sự tổng hợp các thể điệu ca hát… Theo GS Trần Văn Khê: “Cải lương có khả năng thực hiện những đề tài mới… là một nghệ thuật dân gian, xuất phát từ miền Nam và lần lần được dân tộc cả 3 miền ưa thích”. Trong bài viết Sơ Lược Về Cải Lương của Đào Đức Chương ghi nhận: “Về điệu hát, cải lương và hát bội đều sử dụng loại nhạc tuồng, nhưng cải lương không có xướng, bạch, hường, tán, ban… Các giọng khác vay mượn từ hát bội cũng biến thể rất nhiều và cải lương còn phát triển những điệu ca mới hợp với tiếng đờn tài tử. Như vậy, cải lương lấy âm nhạc làm chủ, diễn viên nhả chữ nhả câu phải hòa với tiếng đàn, giọng ca theo sát từng giai điệu và tiết tấu của điệu nhạc. Trong khi hát bội câu ca không gò bó bởi âm nhạc, miễn sao đúng với nhịp chính là được, nên diễn viên có thể tự do phơi bày hết sở trường của mình…”. Hát cải lương có đến sáu giọng: bắc, nam, oán, thán, lý, bình, ngâm; mỗi giọng đều có tiết điệu riêng, khác biệt nhau. Nhưng vọng cổ là thể điệu quan trọng và độc đáo của bộ môn này. Trong vở cải lương, bắt buộc mỗi màn phải có ít nhất một bản vọng cổ. Về nhạc cụ thì cải lương sử dụng các loại như: Đờn kìm (còn gọi là nguyệt cầm), đờn cò (còn gọi là đờn nhị), đờn sến, đờn tranh (còn gọi là thập lục), đờn lục huyền (guitare hay tây ban cầm), vỹ cầm (violon, gốc từ Tây phương), cây cuỗn (giống như cây kèn), sáo hay tiêu… 

Trước năm 1975 ở miền Nam VN, cải lương rất thịnh hành và xuất hiện nhiều đoàn hát nổi tiếng làm lu mờ các gánh hát bội… Vì hát bội không có khả năng tổ chức trong rạp hát nơi thị thành mà ở chốn thông quê trong thời chinh chiến sau nầy bất an nên dần dà bị rã gánh! Về hát bội, tôi nhớ mang máng truyện ngắn huyễn hoặc Vết Son Trên Má Tiểu Thư của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Vỹ đăng trên tạp chí Phổ Thông vào đầu thập niên sáu mươi. Vì quá lâu nhưng đề cập đến hát bội, ghi lại câu chuyện kể rằng, có quan Tri Phủ ở Quảng Ngãi, nổi tiếng là con người lạnh lùng, nghiêm khắc. Trong đêm hát bội, mời ông cầm chầu, mang theo tiểu thư ngồi bên cạnh. Có gã hài rất dễ thương nên lúc đó, tiểu thư mê mẩn, si tình, lẻn ra sau hậu trường hẹn hò và rủ gã hề ra bụi cây tán tỉnh… Trong lúc trên sân khấu diễn ra hình ảnh cô tiểu thư, con của đại quan, hống hách, ngang ngược ra chợ quậy phá, dân lành nổi giận phản ứng chống trả… Trong lúc quan Tri Phủ cầm chầu đánh (giuc) lia lịa hưởng ứng tiếng hò la inh ỏi thì có lính hầu cận chạy vào báo tiểu thư ra bụi cây “tò te”… gọi vào thì tiểu thư nổi giận ném đá… Quan Tri Phủ đang “thả hồn” trên sân khấu, nghe vậy rất tức giận nên ông phán “chém đầu”. Khi mãn tuồng, ông tìm tiểu thư thì lính hầu thưa, theo lời quan lớn nên đã chém đầu… Khi ông ra phía sau sân khấu, xem thi thể con gái thì có vết son trên má tiểu thư!. Hát bội mà không có người cầm chầu thì nhạt nhẽo, vô duyên nên mỗi lần có diễn tuồng thì phải mời cho được vị cầm chầu. Dĩ nhiên là người “có máu mặt”, có chức, có danh, có tiền (không phải là kẻ khố rách áo ôm)… mới được trân trọng ngồi vào ghế danh dự trước sân khấu. Với tấm lòng hào sảng và yêu thích bộ môn nầy nên có “vung tiền” qua tiếng trống và ném thẻ lên sân khấu để hỗ trợ, tán dương cho gánh hát và hòa chung niềm vui của khán giả “mua vui cũng được một vài trống canh” (như lời thơ cụ Nguyễn Du) cũng không có gì đáng trách nhưng không hiểu người xưa không khích lệ mà liệt vào trong bốn “cái ngu” ở đời? 

Ngày xưa trong dân gian, người làm mai, lãnh nợ, cầm chầu không có thâm ý mánh mung, lường gạt… là người tử tế. Gác cu cũng là “nghề” lương thiện nơi đồng quê. Thôi thì miệng thế gian, không biết đâu mà lường! Ngày nay ở trong nước, hình như “cái ngu” gác cu, cầm chầu không còn tiếp tục như xưa nữa, bị bị phôi phai theo thời gian. Nay gợi lại để nhớ một thời quá vãng như nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong Vang Bóng Một Thời cách nay hơn tám thập niên. Thật ra, các cụ ngày xưa đã chọn bốn cái ngu trong hàng trăm, hàng ngàn cái ngu ở đời chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho những người hay cả nể, làm chuyện bao đồng, bỏ công sức nhưng chẳng được lợi lộc gì, bởi sự xúi giục của người khác mà phải móc hầu bao ra chi trả… khi “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”, không có gì ác ý mà chỉ là lời khuyên nên tránh mà thôi. 

Little Saigon, Sept 2022 

Vương Trùng Dương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét