Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022

Câu chuyện về một bác sĩ quân y VNCH được quân Bắc Việt ngưỡng mộ - Lê Tịnh Xuân (dịch)


Chuyện kỳ lạ xảy ra trong một trại tù cải tạo các cựu quân nhân VNCH, sau 1975, là nhiều lính Bắc Việt đã cùng nhau đồng loạt ký thỉnh nguyện thư, yêu cầu các cấp có thẩm quyền cho một người tù cải tạo VNCH được ra khỏi tù. Bởi vì người tù cải tạo này chính là một bác sĩ quân y đã tận tình cứu chữa khi họ bị thương, khi họ bị bắt đưa về bệnh viện quân y điều trị. Đó là chuyện về bác sĩ Lê Ngọc Dũng, một bác sĩ giỏi có tiếng về lĩnh vực Ngoại – thần kinh. Bản tính ông vốn khiêm nhường, không bao giờ muốn ai nhắc đến mình như ông từng nói với tác giả dịch bài: “Thôi hãy để gió cuốn đi anh. Tất cả rồi cũng trở về cát bụi” hay như những câu thơ mà ông rất tâm đắc.
<!>


Vào tháng 11-1995, lần thứ sáu tôi trở lại thăm Việt Nam kể từ cuộc chiến tranh. Tôi là một thành viên của đội phẫu thuật tham gia tổ chức quốc tế Phẫu thuật Nụ Cười. Mục đích của tổ chức này là giải phẫu tạo hình, tái tạo cho trẻ em và thiếu niên bị hở môi, hở hàm ếch, các di chứng sẹo bỏng.

Chúng tôi làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi mà tôi đã có cơ hội viếng thăm người bạn của mình: Lê Ngọc Dũng MD , bác sĩ trưởng khoa ngoại – thần kinh, phó Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng. Đây là câu chuyện về vị bác sĩ đặc biệt đã gây cho tôi nguồn cảm hứng để viết về anh.

Tôi đã phục vụ ở Bệnh viện Dã chiến Hải quân US với chức vụ Trưởng gây mê trong cuộc chiến năm 1968. Tôi đã từng triển khai một đội tăng cường từ căn cứ Pendleton suốt cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968. Đội của tôi đã nhập vào đoàn tình nguyện Thủy quân 27 và đến VN sau 48 giờ được thông báo. Chúng tôi đáp xuống phi trường dã chiến Đà Nẵng, nơi mà tôi trở lại sau đó trong nhiệm vụ của tổ chức Phẫu thuật Nụ cười.

Vào năm 1991, tôi trở lại Việt Nam với vai trò là thành viên đội phẫu thuật đi tiền trạm cho một công việc ở Huế. Chúng tôi đến Hà Nội theo một thỏa thuận của cộng đồng quốc tế và được đón tiếp tại trụ sở chính của đảng.

Chúng tôi đã họp với giáo sư Nguyễn Huy Phan, chuyên gia cao cấp về giải phẫu tạo hình ở Việt Nam, một thiếu tướng quân đội. Đó là một người đàn ông lịch thiệp, cuốn hút và là một chuyên gia cao cấp nổi tiếng. Ông đã đón tiếp chúng tối rất nhiệt tình.

Chúng tôi ăn tối với ông ấy ở một nhà hàng đặc sản. Chúng tôi đã trao đổi nhiều giờ với ông ấy và các nhân viên cũng như các bác sĩ nội trú. Tôi chắc chắn rằng đó là một trải nghiệm tuyệt vời nhất khi những ký ức chiến tranh vẫn còn lưu giữ trong lòng mình.

Chúng tôi bay tới Đà Nẵng ngày hôm sau, hạ cánh ở một phi trường thân quen vắng vẻ. Tôi không thể diễn tả đầy đủ những cảm xúc đan xen lẫn lộn đang trỗi lên trong lòng tôi lúc đi ra khỏi chiếc máy bay VN Airlines. Chúng tôi đã được tiếp đón bởi Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cùng với các nhân viên của ông ấy, trong đó có nhân vật chính của câu chuyện nầy: Bác sĩ LÊ NGỌC DŨNG.

Đón chúng tôi ở sân bay còn có một thầy thuốc khác, Bác sĩ Khôi, người có mối liên quan trong câu chuyện thực nhiều cảm xúc nầy. Những danh thắng quen thuộc: Sơn Trà, Non Nước..và những nhà vòm cong.. . vẫn còn rải rác đã gợi lên những cảm xúc rối bời trong tôi. Chuyến viếng thăm đi dọc bãi biển, sau đó đi ngang qua những căn cứ nơi đóng trạm của Bệnh viện Hải quân dã chiến ở Đà Nẵng trước đây, nơi tôi đã nhiều lần viếng thăm năm 1968.

Chúng tôi đã đi theo quốc lộ 1 đến Huế, cố đô cũng là cung điện hoàng gia. Đường quốc lộ nầy, suốt thời kỳ chiến tranh là một cung đường nguy hiểm, những đoàn công voa thường xuyên bị tập kích khi đi qua đây. Giờ đây nó là một cung đường đẹp ngây ngất, chúng tôi đã thưởng ngoạn cảnh đẹp của nó mà không lo lắng gì cả.

Ở Huế, chúng tôi đã họp với ông giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với trường Đại học Y Huế, Bác sĩ Thế, người đàn ông với dáng vóc khiêm tốn nhưng tài năng và danh tiếng vượt trội. Dưới sự giám sát và lãnh đạo của ông ấy, chúng tôi đã quay lại với một công việc mỹ mãn vào tháng 11 sau đó, và có cơ hội khám phá thành phố lịch sử và đẹp đẽ nầy.

Trong tất cả những con người tài năng và tuyệt vời mà tôi đã gặp ở Việt Nam, có một người rất đặc biệt để nhớ mãi đó là bác sĩ Lê Ngọc Dũng. Bác sĩ Dũng sinh 1941 tại Đà Nẵng. Anh ấy tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1966, sau đó nghiên cứu về giải phẫu tổng quát từ 1966÷1968.

Bác sĩ Lê Ngọc Dũng, ảnh chụp từ gia đình, vào những năm 2000

Anh ấy tham gia vào Quân lực Nam Việt Nam trong năm 1966. Khi làm việc với vai trò bác sĩ ngoại tổng quát tại bệnh viện quân đội Đà Nẵng (Tổng Y viện Duy Tân- ND), anh đã quan tâm đến vấn đề giải phẫu thần kinh bởi vì không có một bác sĩ ngoại thần kinh nào là người Việt ở bệnh viện quân đội. Họ phải cần tới sự giúp đỡ của các bác sĩ ngoại – thần kinh Hải quân Hoa kỳ.

Bác sĩ Dũng đã trở thành bạn bè với các bác sĩ ngoại – thần kinh Hải quân Hoa kỳ bởi khát vọng và kỹ năng tuyệt vời của anh ấy. Anh ấy đã được dạy về kỹ thuật giải phẫu thần kinh. Bác sĩ Nicholas Kitrinos (đã bị bệnh), bác sĩ Sidney Tolchin và bác sĩ Victor Schorn cũng nhiều người khác đã lãnh trách nhiệm đào tạo cho anh ấy.

Anh ấy đã làm việc dưới sự giám sát của họ cả ở bệnh viện Việt Nam và Trạm Y tế Hải quân Hoa kỳ. Nhờ sự huấn luyện nầy anh đã trở thành một thầy thuốc duy nhất ở Việt Nam chuyên về giải phẫu thần kinh.

Anh ấy luôn cảm kích và tri ân các bác sĩ giải phẫu của chúng tôi. Khi tôi gặp anh ấy lần đầu năm 1991, anh đã nhờ gửi lời cám ơn chân thành tới bác sĩ Kitrinos, nhưng .. lạy Chúa, ông ta vừa mới qua đời.

Trong thời gian được huấn luyện bởi các bác sĩ phẫu thuật Hải quân Hoa Kỳ, anh đã gặp nhiều tù binh bộ đội Bắc Việt bị thương ở đây đang được cứu chữa. Chúng tôi được yêu cầu phải làm việc với sự nhân đạo và phi quân sự. Chính nhờ việc phục vụ tận tâm và cứu giúp không phân biệt địch – ta đối với các tù nhân Bắc Việt Nam đã giúp bác sĩ Lê Ngọc Dũng bớt khó khăn sau nầy.

Vào tháng 3/1975 khi cuộc chiến đã kết thúc, anh bị đưa đến trại cải tạo bởi phe chiến thắng Bắc Việt. Dù là một chuyên gia ngoại thần kinh duy nhất của tỉnh (Quảng Nam – Đà Nẵng), anh cũng không tránh được việc nầy.

Anh ấy được nhập đội cùng với khoảng 4000 đến 6000 người mà công việc của họ là giải phóng đường sắt, rà gỡ bom mìn đã từng được cài đặt bởi cả 2 phía. Những người cùng làm đã che chở anh ấy và nói rằng: “Anh cứu giúp chúng tôi nếu chúng tôi gặp xui xẻo, hãy để chúng tôi làm và gỡ mìn tốt hơn là anh làm”. Thật kỳ diệu, một số trường hợp bị thương nghiêm trọng đã được bác sĩ Dũng xử lý trong các điều kiện thô sơ nhất.

Trong lúc nầy, một số tù binh Bắc Việt được cứu bởi bác sĩ Dũng trong thời gian ở bệnh viện quân y, khi nghe về hoàn cảnh bi đát của anh, họ đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu thả anh ra. Thỉnh nguyện thư được khởi thảo bởi một thầy thuốc từng là tù binh và được bác sĩ Dũng chữa lành vết thương ở chân, sau đó được trao trả về phía bắc năm 1972 trong lần trao đổi tù binh. Đó chính là bác sĩ Khôi, hiện là phó Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế. Thỉnh nguyện thư đã phải mất 18 tháng để được cấp có thẩm quyền chấp nhận.

Năm 1992, BS Lê Ngọc Dũng có học bổng một năm về tập huấn phẫu thuật thần kinh ở trung tâm Perpignon (Pháp) nhằm hoàn chỉnh chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Người đàn ông đặc biệt nầy cũng có cậu con trai tốt nghiệp trường Y Huế và đã được dạy về phẫu thuật thần kinh mà thầy giáo chính là ba cậu ấy. Cậu ta cũng có một cơ hội học bổng một năm cho nghiên cứu phẫu thuật thần kinh ở Pháp và bây giờ là bác sĩ ngoại thần kinh thứ 2 ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Bác sĩ Dũng đã ở lại Việt Nam để phục vụ đồng bào mình. Anh đã làm việc với những điều kiện lạc hậu cùng cực trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước nầy. Bất chấp tất cả những trở ngại, anh đã phục vụ với tinh thần làm việc chăm chỉ, chuyên nghiệp , năng động, linh hoạt, vui vẻ, tự nguyện, niềm nở trong một phong cách tuyệt vời và với sự kiên nhẫn tận tụy tràn đầy nhiệt huyết.

Tôi thán phục người Việt Nam và ngưỡng mộ kỹ năng sinh tồn của họ. Anh Lê Ngọc Dũng đã nói với tôi “Thực hành phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Đà Nẵng giống như vượt qua Thái bình Dương bằng thuyền nan !”

Tôi ngồi với người bạn của tôi từ miền đất xa xôi nầy. Việt Nam đã trở thành một dấu ấn lớn trong đời tôi. Chúng tôi chuyện trò với nhau về nhiều thứ như những điều không thực đã và đang diễn ra!

Vượt ra ngoài những bất đồng của cuộc chiến với nhiều vết thương chìm, nổi.. chưa lành, chúng ta có thể thu nhận bài học từ sự chia sẻ hết lòng những kiến thức, kỹ năng để rồi cảm nhận một cách chân thành sâu sắc rằng lấy yêu thương xóa nhòa thù hận.

Một câu chuyện thú vị về nhân đạo quốc tế đã vượt qua nhiều rào cản. Các rào cản được dựng lên bởi các chính phủ, các bên tham chiến và khó khăn về kinh tế không thể làm lu mờ những đòi hỏi chính đáng của sự hợp tác thú vị nầy.

Tôi thấy mình nhỏ bé trước BS Lê Ngọc Dũng và khâm phục những thành tựu vượt qua khó khăn của anh ấy.


Nguyên tựa gốc là: The story of Le Ngoc Dung, MD
Người viết: Clyde W.Jones, MD

Người dịch: Lê Tịnh Xuân .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét