Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Tình Hình Thế Giới Vẫn Nóng, Giống Như Đang Nhảy Trên Chảo Lửa! Putin Cảnh Báo, Sẽ Xử Dụng Vũ Khí Nguyên Tử!


Tình Hình Thế Giới Nóng Đần, Giống Như Đang Nhảy Trên Chảo Lửa! Nga Chắc Chắn Leo Thang Chiến Tranh, Khi Nga Quyết Định Tuyên Bố Sát Nhập 4 Khu Vực Của Ukraine, Vào Lãnh Thổ Của Mình, Những Ngày Tới! Biết Thế Giới Sẽ Phản Ứng Mạnh, Nên Putin Cảnh Báo, Sẽ Sử Dụng Vũ Khí Nguyên Tử, Làm… Phương Tây Lo Lắng! Ăn Ngủ Không Yên!
<!>


(Hình AP: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

Cảnh báo mới nhất của Tổng thống Vladimir Putin rằng ông sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ Nga, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã khiến câu hỏi hóc búa trở nên cấp thiết hơn nhiều: Liệu cựu điệp viên KGB, Putin, có đang hù dọa? hay thật?

Ông Putin cảnh cáo đây không phải là trò hù dọa, và các chính trị gia, nhà ngoại giao và chuyên gia vũ khí nguyên tử của phương Tây đang bị chia rẽ. Một số người cho rằng ông Putin có thể sử dụng một hoặc nhiều vũ khí nguyên tử chiến thuật nhỏ để cố gắng ngăn chặn thất bại quân sự, bảo vệ ghế Tổng thống của mình, làm phương Tây hoảng sợ hoặc uy hiếp để Kyiv đầu hàng.

Cảnh báo của ông Putin, tiếp theo là lời đe dọa cụ thể hơn về việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở Ukraine từ một đồng minh của ông, có thể có nghĩa là Ðiện Cẩm Linh đang cân nhắc leo thang sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine mà Nga chiếm đóng một phần.

Quốc hội Nga dự kiến sẽ tuyên bố các khu vực này thuộc lãnh thổ Nga vào ngày 4 tháng 10. Một khi điều đó xảy ra, theo quan điểm của Mạc Tư Khoa, mọi việc sẽ thuận tiện cho một cuộc tấn công phòng thủ có thể xảy ra nếu nước này cảm thấy lãnh thổ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đe dọa nguyên tử cũng là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng, vì vậy việc ông Putin có sử dụng nguyên tử hay không cuối cùng có thể phụ thuộc vào việc ông ấy cảm thấy bị dồn tới đâu trong cuộc xung đột mà cho đến nay, đã hạ thấp chứ chưa đánh bại được một cựu siêu cường.

Ông Putin kiểm soát kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, trong đó có thế hệ vũ khí siêu thanh mới và số lượng vũ khí nguyên tử chiến thuật nhiều gấp 10 lần phương Tây, và Hoa Kỳ cũng như Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) không xem thường Putin.

“Nếu sự lựa chọn đối với Nga là chiến đấu trong một cuộc chiến thất bại, và thua thảm hại và ông Putin gục ngã, hoặc phô diễn nguyên tử kiểu nào đó, tôi không cho rằng họ sẽ không tham gia trình diễn nguyên tử”, ông Tony Brenton, cựu Ðại sứ Anh nói với Reuters vào tháng 8, trước khi ông Putin tăng cường cảnh báo.

Trong những phát biểu gần đây nhất của mình, ông Putin đã cảnh báo rõ ràng với phương Tây rằng Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp hiện có để bảo vệ lãnh thổ Nga và cáo buộc phương Tây đang tính chuyện tấn công nguyên tử tiềm tàng nhắm vào Nga.

“Đây không phải là một trò hù dọa. Và những người cố gắng tống tiền chúng tôi bằng vũ khí nguyên tử nên biết rằng gió có thể đổi chiều và hướng về phía họ”, ông nói.

Những lời lẽ thẳng thừng như vậy của Ðiện Cẩm Linh rất khác với những tín hiệu nguyên tử mang nhiều sắc thái hơn mà các nhà lãnh đạo quá cố của Liên Xô hay dùng sau khi ông Nikita Khrushchev đưa thế giới đến bờ vực chiến tranh nguyên tử trong Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các mạng lưới truyền hình Mỹ hôm 25/9 rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden xem những phát biểu của Putin là “nghiêm trọng chết người!” và đã cảnh báo Mạc Tư Khoa về “những hậu quả thảm khốc!” nếu sử dụng vũ khí nguyên tử.

Hoa Thịnh Ðốn chưa nói rõ sẽ đáp ứng thế nào, nhưng việc sử dụng thiết bị nguyên tử có thể gây ra leo thang nguyên tử, đó là lý do tại sao hầu hết các chuyên gia tin rằng một cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các tài sản quân sự của Nga sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Khi được hỏi liệu ông Putin có tiến tới một cuộc tấn công nguyên tử hay không, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) William Burns nói với CBS hôm 27/9: “Chúng tôi phải rất nghiêm túc với các loại đe dọa của ông ấy vì mọi thứ đang gặp nguy cơ”.

Tuy nhiên, ông Burns cho biết tình báo Mỹ không có bằng chứng thực tế nào cho thấy Putin sắp sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật.

Tấn Công Nguyên Tử

Nếu ông Putin ra lệnh tấn công nguyên tử bên trong Ukraine, thì đó sẽ là việc sử dụng vũ khí nguyên tử đầu tiên trong chiến trận kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945.

Về mặt lý thuyết, các loại vũ khí có tầm ngắn hơn phóng bằng đường biển, đường không hoặc đất liền có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu quân sự của Ukraine, mặc dù tính hiệu quả của chúng trong một kịch bản như vậy là một vấn đề tranh luận giữa các chuyên gia quân sự.
Theo họ, một lựa chọn khác là ông Putin cho nổ một loại vũ khí như vậy ở một khu vực hẻo lánh và không có dân cư hoặc một vùng nước, như Biển Đen, để thể hiện ý đồ.

Bụi phóng xạ từ một vũ khí chiến thuật nhỏ của Nga có thể được giới hạn trong khoảng một cây số nhưng tác động tâm lý và địa chính trị sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới.

Ông Richard K. Betts, Giáo sư nghiên cứu về chiến tranh và hòa bình tại Đại học Columbia, nói: “Nếu tôi phải đặt cược, tôi có thể sẽ đặt cược 3:2 rằng ông ta sẽ không tấn công nguyên tử ngay cả khi ông cảm thấy tuyệt vọng, nhưng đây không phải là tỷ lệ cược tốt”.

Theo Dõi

Trong một dấu hiệu cho thấy Hoa Thịnh Ðốn đang giám sát chặt chẽ kho vũ khí nguyên tử của Nga, dữ liệu theo dõi chuyến bay hôm 24/9 cho thấy Mỹ đã khai triển ít nhất hai máy bay do thám RS-135s Cobra Ball, được sử dụng để theo dõi hoạt động phi đạn-đạn đạo, gần biên giới Nga.

Ông Lawrence Freedman, Giáo sư danh dự về Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, cho biết không có bằng chứng Mạc Tư Khoa chuẩn bị cho một cuộc tấn công nguyên tử như vậy vào lúc này và nếu có Hoa Thịnh Ðốn sẽ biết “rất nhanh”.

Ông nói rằng sẽ là một sai lầm nếu tự mãn về những lời cảnh báo nguyên tử của ông Putin, nhưng ông không nghĩ rằng việc ông Putin sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập sẽ là một việc có ý nghĩa đối với ông Putin.

“Bắt đầu một cuộc chiến tranh nguyên tử để phá vỡ điều cấm kỵ đã kéo dài từ tháng 8 năm 1945 này để đạt được những lợi ích nhỏ như vậy khi người Ukraine nói rằng họ sẽ không ngừng chiến đấu bằng mọi cách, và ngay cả khi trận chiến dừng lại, ông ấy sẽ thấy những vùng lãnh thổ ấy không thể bình định được, sẽ là một điều kỳ quặc”, ông Freedman nói.

Ông Betts của Đại học Columbia nói: “Bạn có thể thấy những áp lực mà ông ấy đang phải chịu và những lý lẽ trong đầu ông ta về việc sử dụng một vũ khí nguyên tử nhỏ có thể hiệu quả thế nào cho mục đích đảo ngược tình hình, khiến phương Tây sợ hãi và đưa ông thoát khỏi ràng buộc ông đang gặp phải”.

‘Cuộc Tranh Đấu Hiện Tại’

Ông Putin nói rằng Nga hiện đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình ở Ukraine sau nhiều năm bị sỉ nhục dưới bàn tay của một phương Tây kiêu ngạo muốn tiêu diệt cựu siêu cường.

“Trong chính sách chống Nga tích cực của mình, phương Tây đã vượt qua mọi ranh giới”, ông Putin nói trong cảnh báo ngày 21/9.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, thúc đẩy lạm phát toàn cầu và gây ra cuộc đối đầu tồi tệ nhất với phương Tây kể từ cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Bảy tháng sau, lực lượng của ông Putin đang phải đối mặt với cuộc phản công dữ dội từ các lực lượng Ukraine được các nước phương Tây trang bị và huấn luyện. Ông Betts nói càng có lợi cho Ukraine trên chiến trường, thì khả năng ông Putin sử dụng vũ khí nguyên tử càng cao.

Học thuyết nguyên tử của Nga cho phép thực hiện một cuộc tấn công nguyên tử sau khi có sự “gây hấn chống lại Liên bang Nga bằng vũ khí thông thường và chính sự tồn tại của nhà nước bị đe dọa”.

Những người theo chủ nghĩa diều hâu ở Ðiện Cẩm Linh nói rằng phương Tây đang cố gắng lật đổ ông Putin, người nắm quyền ở Nga từ năm 1999.

Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” trong phát biểu mà Tòa Bạch Ốc cho rằng nhằm chuẩn bị cho các nền Dân chủ trên thế giới về một cuộc xung đột mở rộng về Ukraine, chứ không phải hậu thuẫn cho sự thay đổi chế độ ở Nga.

Và vào tháng 5, ông Biden cho hay đang xác định những việc cần làm trước thực tế là ông Putin dường như không có lối thoát khỏi cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trước đây từng bác bỏ những cảnh báo của Nga, nhưng hôm Chủ Nhật nói với kênh CBS rằng ông Putin giờ đây có thể nghiêm túc về việc này.

“Có thể ngày hôm qua, đó là hù dọa. Bây giờ có thể là sự thật”.


Ông Putin Dự Kiến Sẽ Tuyên Bố Sáp Nhập Lãnh Thổ Ukraine Vào Nga Vài Ngày Rất Gần!


(Hình AP: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

MOSCOW (VOA) - Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 28/9/2022, Mạc Tư Khoa tiến gần hơn đến việc sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine, công bố cái mà họ gọi là kết quả các cuộc biểu quyết thể hiện sự ủng hộ việc sáp nhập vào Nga 4 tỉnh bị chiếm đóng một phần, sau những gì mà Kyiv và phương Tây cáo buộc là “các cuộc trưng cầu dân ý giả mạo bất hợp pháp” được tổ chức trước nòng súng.

Các chính quyền do Nga lập ra của ít nhất hai trong số 4 tỉnh, Luhansk và Kherson, đã chính thức đề nghị Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập họ vào Nga.

Nhà lãnh đạo Ðiện Cẩm Linh dự kiến sẽ tuyên bố việc sáp nhập này trong một bài phát biểu vào ngày 30/9, chỉ hơn một tuần kể từ khi ông tán thành các cuộc trưng cầu dân ý, ra lệnh động viên trong nước và đe dọa sẽ dùng vũ khí nguyên tử để bảo vệ chủ quyền của Nga.

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trên Telegram, sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý: “Kết quả đã rõ ràng. Đón mừng quý vị về nhà, về với nước Nga!”.

Các nhà chức trách do Nga hậu thuẫn tuyên bố đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 tỉnh - Donetsk và Zaporizhzhia cũng như Kherson và Luhansk - trong hơn 5 ngày qua.

Những người dân trốn sang lãnh thổ do Ukraine kiểm soát trong những ngày gần đây đã kể về việc người dân bị các giới chức lưu động ép phải đánh dấu vào các lá phiếu trên đường phố trước họng súng.

Nga nói rằng việc bỏ phiếu là tự nguyện và tỷ lệ bỏ phiếu rất cao.

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu qua video vào tối ngày 27/9: “Trò hề này ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng thậm chí không thể được gọi là nhái một cuộc trưng cầu dân ý”.


Lại Đúng Giọng Tuyên Truyền CS: Bốn Vùng Ly Khai Thân Mạc Tư Khoa, “Ủng Hộ Tuyệt Đối!” Sáp Nhập Vào Nga!

Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tối 27/9/2022, chính quyền thân Nga ở Zaporijjia, Kherson, Lugansk và Donetsk tuyên bố người dân tại các khu vực này đã bỏ phiếu “đồng thuận” sáp nhập vào lãnh thổ Nga trong cuộc trưng cầu dân ý.

Về tiến trình tiếp theo, thông tín viên RFI Anissa El Jabri từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga giải thích:

“Liệu mô hình mà Nga sử dụng dường như giống với trường hợp sáp nhập Crimea. Hiện chưa có thông tin chính thức, nhưng tiến trình này có thể sẽ diễn ra rất nhanh chóng: Quốc hội Nga sẽ bỏ phiếu vào thứ Năm, 29/9, thông qua việc sáp nhập các vùng lãnh thổ nói trên vào Nga; sau đó là đại lễ yêu nước, hòa nhạc và pháo hoa ở Mạc Tư Khoa ngay thứ Sáu tuần này. Các nhân viên làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước dường như đã được yêu cầu đến quảng trường Đỏ. Các giàn giáo đang được dựng lên để chuẩn bị cho buổi lễ.

Dĩ nhiên, đây sẽ là dịp để Vladimir Putin đưa ra bài phát biểu quan trọng, mà một số nhà quan sát đã trông đợi từ ngày 09/05 vừa qua. Đó có thể là vạch ra những đường lối quan trọng về tương lai, đặc biệt là vùng nào mà Putin muốn sáp nhập: những vùng hiện đang do quân đội Nga kiểm soát hay toàn bộ vùng Donetsk và Lougansk, mà một phần vẫn nằm trong tay Ukraine.

Vladimir Putin cũng sẽ nhấn mạnh đến ý nghĩa của lệnh huy động một phần lực lượng, vốn có những đặc điểm giống như lệnh tổng động viên, trong bối cảnh xã hội Nga bị sốc. Với một số người, chỉ trong vòng vài ngày, cuộc chiến ở Ukraine đột nhiên trở nên rõ ràng cụ thể”.

Ngay khi Nga thông báo kết quả cuộc trưng cầu dân ý trá hình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski đã tuyên bố Ukraine “sẽ hành động để bảo vệ dân tộc mình” ở những vùng bị Mạc Tư Khoa chiếm đóng, kể cả ở Crimea.

Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hoa Kỳ lên án cuộc trưng cầu dân ý “bất hợp pháp”, kết quả “bị thao túng”. Trên mạng Twitter ngày 28/9, người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu tố cáo “một vi phạm mới về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong bối cảnh diễn ra hàng loạt các vụ vi phạm nhân quyền”. Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel lên án “các cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu. Kết quả trá hình”. Liên Hiệp Âu Châu “không công nhận chúng”.

Tương tự, Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho đây là “một bước leo thang chiến tranh mới của ông Putin”.

Mỹ Yêu Cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Lên Án Nga Về Việc Trưng Cầu Dân Ý ‘Giả Hiệu’ ở Ukraine


(Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield.)

Mỹ sẽ đưa ra một Nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức tại các khu vực chiếm đóng ở Ukraine, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết ngày 27/9/2022.

Nghị quyết sẽ được đưa ra cùng với Albania, kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận bất kỳ tình trạng bị thay đổi nào của Ukraine và cũng buộc Nga phải rút quân khỏi nước láng giềng, bà Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp của hội đồng.

Một viên chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang khẩn trương đưa ra Nghị quyết, nhưng không nói rõ khi nào sẽ chính thức.

Nga có khả năng phủ quyết một Nghị quyết như vậy nhưng bà Thomas-Greenfield cảnh báo nếu Nga phủ quyết ở đây, Hoa Thịnh Ðốn sẽ tìm đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để gửi thông điệp rõ ràng tới Mạc Tư Khoa.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp trên 20 lần về vấn đề Ukraine trong năm nay nhưng chưa thể có hành động đáng kể vì Nga là một thành viên thường trực có quyền phủ quyết cùng với Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vassily Nebenzia, không đề cập thẳng tới Nghị quyết mà Mỹ sắp đưa ra nhưng nói trước cuộc họp của Hội đồng rằng các cuộc trưng cầu dân ý Nga tổ chức là minh bạch và tuân thủ các quy chuẩn.

Ukraine nói các cuộc bỏ phiếu đó trong nhiều trường hợp được thực hiện một cách cưỡng bách.

Các viên chức do Nga bổ nhiệm tại 4 khu vực mà Nga chiếm đóng của Ukraine ngày 27/9 báo cáo sau năm ngày bỏ phiếu, đa số ủng hộ việc gia nhập vào Nga. Mạc Tư Khoa gọi đây là “trưng cầu dân ý”, Kyiv và phương Tây tố cáo là giả mạo.

Tổng thống Ukraine nói với Hội đồng Bảo an qua video trực tuyến rằng kết quả bỏ phiếu Nga đã định đoạt từ trước. Ông kêu gọi loại Nga ra khỏi tất cả các tổ chức quốc tế cũng như áp đặt thêm chế tài mới nhắm vào Mạc Tư Khoa

Ngay từ lúc mở màn cuộc họp, Nga dẫn luật lệ của Liên Hiệp Quốc phàn nàn rằng lẽ ra Tổng thống Ukraine không được phép phát biểu trực tuyến qua video.

Phát biểu tại cuộc họp này, Ðại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Zhang Jun, nói cô lập và chế tài chỉ dẫn tới ngõ cụt, đồng thời kêu gọi đàm phán để chấm dứt xung đột.


Trưng Cầu Dân Ý Gia Nhập Nga: Bắc Kinh Kêu Gọi Tôn Trọng “Toàn Vẹn Lãnh Thổ!”

- “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng”, đó là lập trường được Ðại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cũng như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh nhắc lại hôm 27/9/2022, khi đề cập đến việc Mạc Tư Khoa tổ chức các cuộc “trưng cầu dân ý” nhằm sáp nhập các vùng đất ly khai mà họ đang kiểm soát tại Ukraine và Nga.

Tuyên bố trên thể hiện sự khó xử của Trung Quốc trước những động thái phiêu lưu liều lĩnh của Nga tại Ukraine. Thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin:

Tính cách ngông nghênh của Vladimir Putin đặt chính quyền Trung Quốc vào thế khó xử và thái độ khó chịu này được thể hiện qua các phát ngôn lặp đi lặp lại của ngoại giao Trung Quốc về vấn đề chủ quyền của các quốc gia. Thông điệp này đã được Chủ tịch Trung Quốc đưa ra với người đồng cấp Nga bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cách đây 10 ngày.

Vẫn là điều như vậy đã được nhắc lại tại New York cuối tuần qua, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và đồng nhiệm Ukraine nhưng Mạc Tư Khoa tiếp tục phớt lờ. Thông điệp trên đã được báo chí nhấn mạnh từ hôm thứ Tư tuần trước và hôm 27/9 tại Bắc Kinh được phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc nhắc lại.

Đó là cách để nói rằng Trung Quốc sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý, như đã từng không công nhận vụ sáp nhập Crimea hồi năm 2014, hay nền độc lập của các nước Cộng hòa ly khai tuyên bố cách đây 7 tháng.

Với Bắc Kinh, nguyên tắc về chủ quyền này là bất di bất dịch. Cần biết rằng Trung Quốc tự nhận đang đấu tranh với chủ trương ly khai ở nhiều nơi như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Chính quyền Trung Quốc cũng thấy đáng sợ đe dọa nguyên tử của Ðiện Cẩm Linh. Vấn đề đang gây lúng túng cho “Nhà nước đảng” Trung Quốc khi chỉ còn 3 tuần nữa sẽ có sự thay đổi trong ban lãnh đạo tại Đại hội lần thứ 20 của đảng Cộng sản vào tháng tới.

Bộ Quốc Phòng Nga Nói Binh Lính Mới Nhập Ngũ Bắt Đầu Huấn Luyện ở Kaliningrad


(Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.)

MOSCOW (VOA) - Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 28/9/2022, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các quân nhân trừ bị mới được huy động ở khu vực Kaliningrad đã bắt đầu huấn luyện tác chiến tại căn cứ của Hạm đội Baltic.

Cơ quan này cho biết trên kênh Telegram: “Tất cả các quân nhân được huy động đều tuân thủ các tiêu chuẩn huấn luyện từ các loại vũ khí nhỏ. Ngoài ra, các công dân được gọi vào lực lượng trừ bị sẽ được huấn luyện các kỹ năng vận hành và bảo dưỡng vũ khí, quân dụng và thiết bị đặc biệt”.

Các khóa học cũng đã được tổ chức để nâng cao kỹ năng bắn và chuẩn bị cho quân nhân “hành động tự tin trên chiến trường”.

Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh động viên lần đầu tiên tại Nga kể từ Ðệ nhị Thế chiến, điều này có thể chứng kiến hàng trăm ngàn binh lính nữa sẽ được đưa sang chiến trường Ukraine.

Nga có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Kaliningrad, một vùng duyên hải Baltic của Nga nằm giữa Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và các thành viên Liên Hiệp Âu Châu là Ba Lan và Lithuania, bao gồm các phi đạn có khả năng nguyên tử, hạm đội Baltic và hàng chục ngàn binh sĩ.

Đức: Liên Minh Cầm Quyền Bị Chia Rẽ Về Đón Nhận Người Nga Trốn Quân Dịch!

- Ngày 28/9/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo huy động một phần lực lượng để tuyển khoảng 300.000 quân dự bị, đã có hơn 261.000 nam giới đã bỏ trốn khỏi Nga, thậm chí sẵn sàng chung tiền thuê máy bay riêng để trốn lính.

Chỉ trong hai ngày cuối tuần 24 và 25/9/2022, khoảng 17.000 người đã chạy sang Phần Lan trước khi nước này hạn chế “đáng kể” số người Nga nhập cảnh, trong bối cảnh lưu thông giữa hai nước đã tăng 80% trong những ngày gần đây.

Tại Đức, vấn đề tiếp nhận những người phản đối lênh động viên gây chia rẽ trong liên minh cầm quyền. Thông tín viên RFI Nathalie Versieux tại Bá Linh giải thích:

“Từ khi Mạc Tư Khoa thông báo động viên bán phần vào tuần trước, trên mạng Twitter liên tục xuất hiện những tin nhắn trong liên minh cầm quyền tại Đức ủng hộ tiếp nhận những người Nga phản đối quân dịch.

Bộ Nội vụ, hiện nằm trong tay đảng Xã hội-Dân chủ, vẫn không lay chuyển: Không có chuyện mở cửa đón nhận những người Nga bỏ trốn, hiện đang ở một nước thứ ba, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Gruzia. Thủ tục xin tị nạn chính trị rất rõ: Đơn xin tị nạn phải được nộp tại Đức. Đây là nguyên tắc mà trên thực tế đã khép lại cánh cửa đối với những người Nga phản đối quân dịch vì đạo lý, trong khi các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước đã bị ngừng.

Ngoài những thông điệp thông cảm, Đức lo ngại rằng gián điệp trà trộn vào dòng người di cư Nga. Vì thế, Bá Linh chỉ hé cửa. Từ khi Nga xâm lược Ukraine, Đức chỉ tiếp nhận khoảng 450 nhà đối lập với chế độ của Tổng thống Putin, được lựa chọn tỉ mỉ. Tuy nhiên trong liên minh cầm quyền, đảng Xanh và đảng Tự do-Dân chủ yêu cầu chính phủ nới lỏng lập trường và cấp thị thực nhập cảnh nhân đạo cho những người Nga trốn quân dịch. Tuy nhiên, theo bà Bộ trưởng Nội vụ, giải pháp phải do 27 nước tìm ra, trong nội bộ Liên Hiệp Âu Châu”.

Ngày 27/9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ không đề nghị chính phủ các nước trục xuất những người Nga bỏ nước để trốn nghĩa vụ quân sự sang chiến đấu ở Ukraine.

EU Cam Kết Bảo Vệ Hệ Thống Năng Lượng Sau Khi Đường Ống Dẫn Khí Đốt của Nga ‘Bị Phá Hoại’



(Ông Josep Borrell, viên chức cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu (EU) phụ trách Đối ngoại và An ninh.)

- Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu (EU) cho biết, bất kỳ hành động cố ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của EU sẽ gặp phải “phản ứng mạnh mẽ”, sau khi một số nước cho biết hai đường ống dẫn khí đốt của Nga tới Âu Châu bị tấn công, theo thông tấn xã Reuters.

Hiện vẫn chưa rõ ai đứng sau vụ rò rỉ hoặc bất kỳ trò chơi xấu nào, nếu được chứng minh, trên đường ống Nord Stream mà Nga và các đối tác Âu Châu đã chi hàng tỉ Mỹ kim để xây dựng.

Nga, nước đã cắt giảm khí đốt cung cấp cho Âu Châu sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cuộc xâm lược của Mạc Tư Khoa vào Ukraine, cũng nói rằng có khả năng xảy ra phá hoại và các vụ rò rỉ này làm suy yếu an ninh năng lượng của lục địa này.

Liên Hiệp Âu Châu tin rằng sự phá hoại có thể gây ra rò rỉ được phát giác hôm 26/9 trong đường ống Nord Stream, ông Josep Borrell, viên chức cấp cao của EU phụ trách đối ngoại và an ninh, được đài truyền hình Đức ntv đưa tin, lặp lại quan điểm của Đức, Đan Mạch và Thụy Điển hôm 27/9.

EU không nêu tên nghi can của vụ nghi ngờ phá hoại này hay nêu lý do của sự việc.

Ông Borrell cho biết, vẫn theo ntv: “Bất kỳ sự việc ý nào làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng của Âu Châu là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ được đáp lại bằng một phản ứng mạnh mẽ”.

Một tuyên bố của Tòa Ðại sứ Nga tại Đan Mạch nói rằng bất kỳ vụ phá hoại nào đối với đường ống Nord Stream đều là một cuộc tấn công nhằm vào an ninh năng lượng của cả Nga và Âu Châu.

Tuyên bố của Nga cho biết: “Các cáo buộc và giả định không có căn cứ hiện đang được đưa ra khắp nơi nhằm gây nhiễu thông tin và ngăn cản một cuộc điều tra khách quan và công bằng”.


Đường Ống Nord Stream: Liên Hiệp Âu Châu Cảnh Cáo Mọi Tấn Công Nhắm Vào Cơ Sở Hạ Tầng

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 28/9/2022, Liên Hiệp Âu Châu ra thông cáo cảnh cáo mọi cuộc tấn công nhắm vào những cơ sở hạ tầng năng lượng và sẽ đưa ra “biện pháp đáp trả nghiêm khắc và đoàn kết”. Theo Brussels, “tất cả những thông tin có được đều cho thấy các vụ rò rỉ là kết quả của một hành động có chủ đích”.

Trước đó, sau buổi thảo luận vào tối 27/9, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đều nhắc đến “một hành động phá hoại”, “nhiều vụ nổ đã xảy ra”. Theo một số đoạn video, có thể nhìn thấy nước biển sủi bọt trong đường kính từ 200 m đến 1 cây số quanh ba khu vực rò rỉ được xác định từ thứ Hai 26/9 ở ngoài khơi đảo Dornholm của Đan Mạch, nằm ở phía Nam Thụy Điển và Ba Lan.

Còn theo người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu Josep Borrell, “những sự việc đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên và tác động đến tất cả chúng ta”. Liên Hiệp Âu Châu “hỗ trợ mọi cuộc điều tra để đưa ra ánh sáng chuyện xảy ra và tại sao”.

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực điều tra của Liên Hiệp Âu Châu. Phát biểu với báo chí ngày 27/9, ông trấn an rằng “những vụ rò rỉ này sẽ không tác động đáng kể đến năng lượng” ở Âu Châu. Thực vậy, cả hai đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 đều không hoạt động do phương Tây trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraine, nhưng chứa đầy khí.

Về phần Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cũng thể hiện quan ngại về các vụ rò rỉ từ hai đường ống dẫn khí nối Nga với Đức đi qua biển Baltic. Theo thông tấn xã AFP, ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch ngày 28/9 để nắm bắt tình hình.

Nga: Lệnh Động Viên Quân Dự Bị Đẩy Đất Nước Vào Rối Loạn Xã Hội!

(Anh Vũ)

*
Lệnh động viên một phần quân dự bị để hoàn thành mục tiêu quân sự ở Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều ngày qua đang thu hút sự chú ý của giới quan sát. Với hơn một tuần thực thi, quyết định mất lòng dân này đã bắt đầu gây ra những hỗn loạn lan rộng trong xã hội Nga, có thể dẫn tới những rủi ro cho quyền lực của ông Putin.

Sau gần 7 tháng phát động cuộc chiến tranh xâm lược vào Ukraine, trước áp lực của diễn biến bất lợi trên chiến trường miền Đông nước này, trong quyết tâm đạt mục tiêu đề ra cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình, ông Vladimir Putin đã ra lệnh động viên một phần quân dự bị, tức huy động ồ ạt dân chúng vào cuộc chiến tranh ở xa đất nước mình hàng ngàn cây số.

Từ khi Tổng thống Putin thông báo hôm 21/9, động viên 300 ngàn trong danh sách quân dự bị của Nga để tiếp tục theo đuổi cuộc xâm lược đang bị sa lầy ở Ukraine, nước Nga không còn hòa bình, không khí lo sợ chiến tranh đã lan nhanh trên cả nước. Liên tiếp các sự việc xảy ra trong việc tuyển quân, gọi lính; ở hàng loạt các thành phố lớn trên khắp cả nước là các cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên cũng như cuộc chiến tranh ở Ukraine bất chấp bị trấn áp, bắt bớ. Hàng chục ngàn người trong diện có thể bị động viên vào quân đội ùn ùn chạy sang các nước xung quanh Nga tạo thành một dòng người di dân giờ có thể gọi là “tị nạn trốn lính”.

Song song với làn sóng người chạy trốn quân dịch là các cuộc biểu tình chống bắt lính nổ ra như nấm ở hơn 50 thành phố và mỗi ngày thêm lan rộng ra các vùng nông thôn xa xôi, như ở Daguestan. Nước Cộng hòa đa số dân là Hồi giáo ở Bắc Kavkaz này chỉ có 3 triệu dân nhưng dự tính có tới 13 ngàn lính được động viên.

Từ khi khởi sự cuộc chiến tranh ở Ukraine hôm 24/2, mới chỉ thấy rải rác ở vài thành phố Nga có các cuộc tập hợp kêu gọi hòa bình. Người biểu tình chưa bao giờ bày tỏ phản đối cụ thể chiến dịch quân sự do Tổng thống phát động vì sợ bị bắt bớ và có nguy cơ bị án tù từ 10 đến 15 năm theo luật hiện hành. Lần này, thông báo động viên một phần quân dự bị đã nhanh chóng làm dấy lên các cuộc biểu tình chống chiến tranh trên khắp đất nước Nga dù cảnh sát đã đàn áp nhanh chóng và bắt giữ hàng ngàn người. Nhưng dường như nỗi lo sợ phải bỏ mạng vào một cuộc chiến tranh phục vụ cho tham vọng của ông Putin, người luôn ấp ủ ý đồ phục hưng sự vĩ đại của đế chế Nga, đã vượt lên trên nỗi sợ hãi trấn áp của một chế độ chuyên chế.

Lệnh động viên được ban bố ngày 21/9 được coi là một nỗ lực của Mạc Tư Khoa nhằm bổ sung cho những tổn thất quân số trên chiến trường ở Ukraine. Tuy nhiên, những gì diễn trong tuần qua ở bên trong nước Nga đã cho thấy những hạn chế của chính quyền và của Tổng thống Nga. Chính quyền không thể đóng cửa đất nước để ngăn dòng người chạy trốn lính vì làm như vậy theo như cách ví của nhà chính trị đối lập ở Nga, Dimitri Goudkov, được báo Le Figaro trích dẫn, thì “nếu đóng cửa đất nước như thế sẽ có nghĩa là người ta đậy vung một nồi nước đang sôi và hơi nước không thoát ra sẽ làm nổ nồi nước”.

Bên cạnh những bất ổn xã hội, giới quan sát cảnh báo, Nga sẽ phải đối mặt thách thức lớn về hậu cần và tài chánh để huấn luyện cho số quân nhân mới này trước khi tung họ vào chiến trường Ukraine. Phần đông giới chuyên gia quân sự nhận định thiếu huấn luyện quân sự cũng như quá trình khai triển hoạt động tuyển quân một cách vội vàng cho thấy nhiều tân binh Nga sẽ được khai triển ra tiền tuyến với sự chuẩn bị tối thiểu và gia tăng nguy cơ chịu thương vong cao.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, đa số người dân Nga không phản đối cuộc chiến tranh ở Ukraine, nhưng họ cũng không sẵn sàng đến chiến đấu ở đó. Đây là điều mà ông Putin đã hiểu rất rõ. Những bất cập và rối ren bùng lên từ Sắc lệnh động viên quân dự bị, cho thấy rõ tinh thần ái quốc của người dân Nga đang tắt dần, Lòng yêu nước của ngời Nga là yếu tố mà ông Putin vẫn biết khai thác triệt để cho tham vọng của mình.

300 ngàn quân, nếu huy động đủ, liệu có giúp cho Tổng thống Nga xoay chuyển được tình thế đạt được mực tiêu để ra ở Ukraine hay không? Điều này chưa gì bảo đảm, nhưng người ta đến lúc này có thể dễ dàng thấy lệnh động viên này là quyết định mất lòng dân nhất của Vladimir Putin trong hơn hai mươi năm cầm quyền ở Nga và có vẻ như ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro hy vọng không trắng tay trong một ván bài lớn.

Tổng Thống Belarus Alexander Lukashenko “Khó Xử” Vì Chiến Tranh Ukraine

(Phan Minh)

Lệnh động viên “một phần” quân dự bị của Nga vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 28/9/2022.

Nhật báo Le Monde có bài viết nói về việc Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko hôm 26/9 đã tìm cách khuyên nhủ đồng nhiệm Nga Vladimir Putin rằng “hãy để 30.000, 50.000 người này ra đi. Vì nếu họ ở lại, họ cũng có ủng hộ chúng ta hay không? “ Nguyên thủ Belarus nói về những nam thanh niên Nga chạy trốn khỏi đất nước sau khi Tổng thống Putin loan báo lệnh động viên “một phần” lực lượng dự bị của Nga. Ông Putin đã tiếp ông Lukashenko tại tư dinh của mình ở Sochi trong bối cảnh Nga sắp sáp nhập các lãnh thổ ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Tuy nhiên, leo thang quân sự ở Ukraine hoàn toàn không nằm trong tính toán của Minsk. Trong hai tháng qua, ông Lukashenko khá kín tiếng trên trường quốc tế, nhưng giờ đây, ông đang khá lo lắng khi sắp đến thời điểm ông phải tỏ rõ, bằng hành động, tình đoàn kết của mình với Ðiện Cẩm Linh.

Được một nhà báo truyền hình Belarus hỏi về chủ đề này hôm 23/9, hai ngày sau khi ông Vladimir Putin thông báo về việc động viên một phần lực lượng Nga, ông Lukashenko đã trả lời thẳng thừng: “Chúng ta không chuẩn bị bất kỳ cuộc động viên nào, tất cả chỉ là nói dối. Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu nếu chúng ta phải bảo vệ nhà cửa, lãnh thổ của mình”.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, lập trường của Belarus khá giống lập trường của Ðiện Cẩm Linh. Vào đầu tháng Hai, Alexander Lukashenko từng dự đoán: “Ukraine sẽ không bao giờ chống lại chúng ta, cuộc chiến này sẽ kéo dài tối đa 3 hoặc 4 ngày. Sẽ không có ai đối đầu với chúng ta”. Nhưng trên hết, vào ngày 27/2, ông đã sửa đổi Hiến pháp Belarus, với hai thay đổi lớn: bãi bỏ quy chế của một quốc gia trung lập và cho phép khai triển kho vũ khí nguyên tử của Nga trên lãnh thổ của mình.

Thực ra, ông Lukashenko nằm trong tay ông Putin, nhưng ông ấy vẫn tìm cách tránh phải huy động lực lượng. Tatsiana Koulakevitch, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Florida phân tích: Việc ông lưỡng lự trong việc điều động binh lính Belarus sang Ukraine phản ánh mong muốn duy trì sự cai trị của mình, vốn đã kéo dài 28 năm. Lập luận của ông vẫn không thay đổi: Belarus đã chịu nhiều thiệt hại trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ II và đất nước ông phải là đất nước bảo vệ hòa bình.

Người dân Belarus dường như có cùng quan điểm với ông: 70% người dân không ủng hộ việc quân đội của họ tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, theo một cuộc thăm dò do tổ chức tư vấn Chatham House của Anh thực hiện vào tháng 8. Tatsiana Kulakevich nói thêm rằng sau khi đã nhượng một phần lớn kho vũ khí đạn dược của mình cho Nga, ông Lukashenko có thể lập luận rằng quân đội của ông không được trang bị đủ phương tiện để thực hiện một cuộc tấn công vào Ukraine.

Không có binh sĩ Belarus nào trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược của Nga, trong khi những người chống đối chế độ Lukashenko đã thành lập hai trung đoàn. Có hơn một ngàn binh sĩ thực sự đang chiến đấu cùng lực lượng vũ trang Ukraine chống lại Nga. Các kháng chiến quân ở Belarus cũng đã thực hiện hàng chục vụ phá hoại nhắm vào bộ máy hậu cần của Nga, đặc biệt là các tuyến đường sắt.

Về phần mình, nhà khoa học chính trị và nhà bất đồng chính kiến người Belarus Pavel Oussov giải thích: “Chúng ta phải theo dõi phản ứng của ông Lukashenko sau khi Nga công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý giả mạo ở Ukraine và trên thực tế sẽ sáp nhập những vùng này”. Theo ông Oussov, Tổng thống Lukashenko và các Cố vấn của ông hiểu rằng ông Putin đã để thua cuộc chiến. “Thất bại ở Kharkiv và cuộc phản công ở Kherson đã làm tình hình trở nên rõ ràng” ông Oussov nhấn mạnh. “Ông Lukashenko chắc chắn sẽ không muốn “ăn đời ở kiếp” với kẻ bại trận. Ông thấy rõ rằng các cuộc trưng cầu dân ý gian lận và việc động viên một phần lực lượng ở Nga chỉ là phương tiện để Putin câu giờ”.

Chiến Tranh ở Ukraine “Làm Sống Lại” Các Cuộc Tranh Luận Về Khả Năng Răn Đe Nguyên Tử

Vẫn theo Le Monde, một tuần sau thông báo của Vladimir Putin về việc “động viên một phần lực lượng” và việc ông sẵn sàng sử dụng “mọi phương tiện” để “bảo vệ nước Nga”, “trong trường hợp có mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ”, một số nhà phân tích tỏ ra lo ngại rằng “đây không phải là một trò bịp”.

Sự mập mờ về việc sử dụng vũ khí nguyên tử được Mạc Tư Khoa cố tình duy trì kể từ đầu cuộc chiến, và các chuyên gia cho rằng ông Putin có thể nghĩ đến việc sử dụng cái gọi là vũ khí nguyên tử “chiến thuật”, với tầm bắn dưới 500 cây số. Ngược lại, vũ khí “chiến lược” thường được định nghĩa có tầm bắn “xuyên lục địa”.

Không phải tất cả các quốc gia có vũ khí nguyên tử đều có vũ khí nguyên tử chiến thuật. Pháp đã không còn phát triển loại vũ khí này vào những năm 1990. Dữ liệu về Trung Quốc không tiết lộ liệu nước này có sở hữu chúng hay không.

Dường như giờ đây chỉ có 2 nước sở hữu vũ khí nguyên tử chiến thuật là Nga và Hoa Kỳ. Theo dữ liệu chính thức, vũ khí nguyên tử chiến thuật của Nga bao gồm các vũ khí trên không, trên bộ và ngoài biển. Vũ khí được nhắc đến nhiều nhất là các bệ phóng Iskander-M, mà Mạc Tư Khoa gắn khoảng 70 đầu đạn nguyên tử. Một số Iskander-M đã được bố trí ở miền Đông Ukraine, Belarus, cũng như vùng Kaliningrad của Nga. Hệ thống phi đạn-đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung này của Nga có thể mang đầu đạn nguyên tử.

Tuy nhiên, bất chấp sức công phá của những đầu đạn này, thiệt hại có thể được giới hạn trong một bán kính hạn chế, tùy theo kích thước của thành phố bị tấn công. Vũ khí chiến thuật có sức công phá khoảng vài chục kiloton, so với vài trăm kiloton đối với vũ khí chiến lược. Quả bom thả xuống Hiroshima năm 1945 có sức công phá 14 kiloton, do đó ngày nay, nó sẽ được xếp vào loại vũ khí chiến thuật.

Nga “Hợp Thức Hóa Sự Có Mặt của Mình” ở Ukraine

Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phóng sự về việc Nga sử dụng những “mánh khóe” khác ngoài vũ lực, nhằm “hợp thức hóa sự có mặt của mình” ở những vùng họ chiếm đóng ở Ukraine.

Yuri khi nhìn thấy đặc phái viên Le Figaro, ông nở nụ cười tươi, dang rộng vòng tay như chào đón những người thân sau một thời gian dài vắng bóng. Ông chỉ vào ngôi nhà bị tàn phá của mình ở rìa làng Kozacha Lopan, rất gần biên giới Nga. Quá yếu để đi đến trung tâm thành phố, người đàn ông này sống sót nhờ vài hộp đồ ăn còn trong nhà. Những người hàng xóm của ông đã rời đến Kharkiv, hoặc đến Nga, theo chân những người lính Nga khi họ bị đẩy lùi bởi cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Ukraine vào 2 tuần trước.

Yuri kể rằng vợ ông đã bị thương sau những trận oanh kích và lính Nga đã đưa bà ấy đến bệnh viện ở Belgorod, bên Nga. Yuri chắc chắn rằng Nga đã cứu sống được bà mặc dù ông không có tin tức gì về vợ mình và không có cách nào để liên lạc với bà ấy. Ông nước mắt chảy dài nói tiếp: “Xin hãy giúp tôi tìm bà ấy, tôi phải liên lạc với ai bây giờ?”

Yuri nhấn mạnh rằng chính những người Ukraine đã phá hủy ngôi nhà của ông, làm vợ ông bị thương, hủy hoại cả cuộc đời ông. Các người lính Nga đã nói với ông rằng chính phủ Ukraine của ông đang muốn phá hủy ngôi nhà và xưởng nhỏ của ông. Yuri, giống như bao cư dân khác của vùng biên giới Kharkiv đã sang Ukraine đi học khi ông vẫn còn là một thanh thiếu niên và kể từ đó, ông không rời Ukraine nữa. Nhưng chỉ mất vài tháng để Mạc Tư Khoa biến nỗi đau mất nhà và bà vợ bặt vô âm tín của ông thành lòng hận thù đối với Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ - Nơi Trú Ẩn An Toàn Với Thanh Niên Nga Trốn Lính

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ, bến đỗ an toàn với những nam thanh niên Nga trốn lính.

Hôm 23/9, Albert rời Mạc Tư Khoa, với hai chiếc áo sơ mi và hai chiếc quần bò nhét trong ba lô. Albert kể: “Khi tôi nghe về các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng thuộc lãnh thổ Ukraine, tôi hiểu rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ rằng còn vài ngày để chuẩn bị, nhưng khi Putin tuyên bố động viên một phần lực lượng vào sáng ngày 21/9, tôi đã lập tức mua vé”.

Cùng với một số bạn bè, anh từng tìm cách vận động một phong trào sinh viên phản đối chiến tranh ở Saint-Petersburg. Bị bắt cùng các bạn vào ngày 27/2, anh đã qua đêm trong phòng giam và bị phạt 100 Euro. Anh vẫn tiếp tục kiên trì tham gia vào các cuộc biểu tình. Nhưng đến tháng 4, khi đang trên đường đi biểu tình, anh lại bị bắt và lần này anh bị giam giữ nhiều ngày.

Albert không một chút do dự khi lên kế hoạch chạy trốn ra ngoại quốc. Nhưng anh thực sự không tin mình có thể trốn thoát. Albert thuật: “Tôi tin chắc rằng cảnh sát sẽ phát cho tôi lệnh điều động tại phi trường. Tôi đã sẵn sàng tâm lý để phản kháng, tôi thà vào tù còn hơn là ra chiến trường. Bởi ra chiến trường đồng nghĩa với việc trở thành một kẻ giết người, hoặc là bị giết”“.

Hải quan cuối cùng đã thẩm vấn anh cùng với khoảng hai mươi người đàn ông khác trong độ tuổi chiến đấu. Họ muốn biết anh đã mua vé lúc nào, tại sao lại đi Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là anh đã thực hiện nghĩa vụ quân sự hay chưa. Albert thừa nhận: “Đó là vấn đề không nhỏ. Tôi từng thực hiện nghĩa vụ quân sự lúc tôi 20 tuổi. Tôi không biết sử dụng vũ khí mặc dù đã sống 1 năm trong doanh trại quân đội”. “ Nhưng trên giấy tờ, hồ sơ của anh vẫn nằm trong danh sách những người bị điều động. Tuy nhiên, cảnh sát cuối cùng đã để anh lên máy bay đến Istanbul.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trong số ít những “lối thoát” cho người Nga muốn rời bỏ đất nước của họ. Ankara đã không đóng không phận của mình với Mạc Tư Khoa, và người dân Nga có thể vào Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần xin thị thực nhập cảnh. Có khoảng 100 đến 120 chuyến bay thương mại kết nối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày. Tất cả các máy bay đến Istanbul từ Mạc Tư Khoa, Saint-Petersburg hay Kazan đều kín chỗ kể từ khi có thông báo điều động một phần lực lượng. Cụ thể, những chuyến bay Mạc Tư Khoa-Istanbul đã kín chỗ đến ngày 3/10 trên trang web của hãng hàng không Turkish Airlines và vé rẻ nhất được bán với giá 1.350 Euro một chiều.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét