Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

BA CHÀNG THI SĨ TÊN SƠN - Khuất Đẩu


Một họ Trịnh, hai họ Nguyễn. Chàng họ Trịnh, ai cũng biết là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng ngoài tài xếp 7 nốt thành những bản nhạc bay bổng tuyệt vời, còn có tài sử dụng tiếng Việt như một thi sĩ thực tài. Văn Cao bảo Trịnh Công Sơn chọn chữ dễ dàng như thò tay vào túi áo. Có lẽ ông thấy vậy, chứ không phải vậy. Trịnh Công Sơn tuy sinh ở Buôn Mê Thuột, nhưng gốc Huế, học ở Huế, cái máu Huế điệu đàng và yêu thích thơ vẫn không ngừng chảy trong ông. Mỗi chữ, mỗi hình ảnh được ông lựa chọn còn kỹ hơn cả Nguyễn Tuân.
<!>
Trong khi Nguyễn Tuân gõ lên từng chữ để nghe xem nó kêu leng keng ra sao rồi mới xếp vào đúng chỗ trong từng câu, thì Trịnh Công Sơn, một tay cầm điếu thuốc, một tay cầm ly rượu ngồi một mình trong yên lặng, lắng nghe từng chữ rơi xuống lòng mình như những giọt mưa ngoài hiên vắng. Những con chữ tìm đến nhau, ngân nga thánh thót… Thế là chàng dụi tàn thuốc, cạn ly rồi cầm lấy bút ghi lên giấy. Tôi tin Trịnh Công Sơn làm thơ trước khi viết nhạc. Và mỗi bản nhạc với lời là một bài thơ, có khi là lục bát, có khi bảy tám chữ, có khi tự do, khi nhạc được vang lên thì hồn thơ cũng bay lên theo.

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

Hồn thơ ở đây bay lên từ “tầng tháp cổ”, từ “lá thu mưa reo mòn gót nhỏ”, từ “ngồi ngóng những chuyến xe qua…” sau cùng đọng lại trong ta một cái gì tưởng chừng rất lạ, nhưng cũng rất quen, gần như chân lý khiến ta trầm ngâm, gật gù thấm thía
Đó là “Làm sao em biết sỏi đá không đau”. Và “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Thật khác hẳn với "Em đến thăm anh một chiều mưa" của Tô Vũ: “mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu” để rồi “lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh” và cầu mong “em đến thăm một chiều thêu nắng và quên đường về”.

Một bên nâng hồn ta lên, khiến ta từ cái riêng hòa vào cái chung. Còn một bên xui ta những ước mơ thường tình!
Một bên cần có nhau mà chưa có, nên nghe mưa trên tầng tháp cổ nó mới thật hiu hắt là buồn.
Một bên đã có nhau rồi, còn muốn có nhau nữa, và có nhau cả trong đêm, trong khi nàng một mình trên đường ngoài mưa, chân chìm trong ngàn xanh, tội nghiệp làm sao và cũng tàn nhẫn xiết bao!

Nhật Ngân và Y Vũ trong “Tôi đưa em sang sông bàn tay nâng niu ân cần, sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim,… sợ lấm trong bùn khi mưa”. Rất đàn ông và rất galant.
Vì vậy bản nhạc của Tô Vũ theo tôi tuy rất nổi tiếng nhưng không có hay có rất ít hồn thơ.
Không cầu kỳ như Mai Thảo, không gọt giũa như Đinh Hùng, cũng không làm ra vẻ dễ thương nũng nịu như Nguyên Sa… chỉ là những câu những chữ, những hình ảnh bình thường như
Mưa vẫn hay mưa
Mưa vẫn mưa bay
Buổi chiều ngồi ngóng
Làm sao em biết
Làm sao em nhớ…
mà sao vào trong khuông nhạc của chàng rồi nở ra trên môi người ca sĩ, bỗng trở nên bóng bẩy thơm tho đến như vậy, nếu không phải phát sinh từ một thi sĩ thực tài như Hàn Mặc Tử hay Hồ Dzếnh.

Trịnh Công Sơn bóng bẩy điệu đàng một cách kín đáo, hay tài tình một cách tự nhiên khiến nhiều người gọi là thiên tài, thì chàng họ Nguyễn, tên Bắc Sơn lại ba gai bụi đời rất lính tráng.
Người ta nói nhiều về bốn câu thơ trước khi đi vào văn học sử đã nằm trên đầu môi của lính miền Nam

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui!

Cũng từ đây người ta tán rộng đến cả cuộc chiến tranh phi nghĩa, đến lý tưởng của thanh niên, đến nỗi cô đơn cùng cực phải chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm và cho rằng ít nhiều đã lý giải vì sao miền nam thua trận.
Cũng được thôi, bốn câu thơ này mà ở miền bắc thì không biết tác giả đã bị đem ra đấu tố bao nhiêu ngày bao nhiêu đêm trước khi bị tống vào trại cải tạo không biết đến ngày ra tù.
Thực ra, đây chỉ là khẩu khí của một anh lính địa phương quân, một loại lính dùng để hợp lệ quân dịch cho những ai trốn lính, chỉ lẩn quẩn ở gần nhà, rất hiếm khi đụng trận, mà nếu có như tết Mậu Thân, thì tốt nhất là chuồn.
Cái khẩu khí của chàng còn dùng để trêu chọc cả người yêu, như bốn câu thơ cũng nổi tiếng không kém sau đây:

Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt
Mà vì sao ta lại yêu em
Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột
Ta quàng xiên nên đã sa chân.

Nói cho oai vậy thôi, chứ cái “vốn ghét” ấy chỉ cần một cái nguýt thôi là bay sạch cả. Và một triệu bài thơ cũng chưa chuộc lại được nói chi đến một triệu đóa hoa hồng.
Tôi rất thích bài thơ chàng tâm sự với cha. Ông cụ là một đại tá quân chánh quy miền bắc.
Bài thơ có những câu thiệt thà như đếm:

Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy!

Người ta thường nói không ai hiểu con bằng cha. Ở đây, phải nói ngược lại, không ai hiểu cha bằng con.
Đấy không phải là lời buộc tội, mà là một sự thật vừa khủng khiếp vừa cay đắng. Hai chữ “sặc máu” rất du côn, rất xã hội đen…

Một chàng họ Nguyễn tên Đức Sơn còn độc đáo hơn nữa, gây sóng gió thi đàn với bài thơ chỉ có 3 từ: “Hột thì le”. Chàng được xếp vào nhóm dị nhân mà nhóm trưởng dị thường nổi tiếng nhất là Bùi Giáng.
Chàng có bài thơ Một mình nằm thở đủ kiểu rất giống bài tập dưỡng sinh, hay hơn cả bài tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Bài thơ như vầy:
Đầu tiên tôi thở cái phào
Bao nhiêu phiền não như trào ra theo
Nín hơi tôi thở cái phèo
Bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không
Sướng nên tôi thở phập phồng
Mây bay gió thổi trời hồng muôn năm
Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru
Lúc làm bài thơ này chàng vẫn còn trẻ trung khỏe mạnh, nên thở cái phào, rồi thở cái phèo, bây giờ già yếu “chàng” chỉ có thể nằm thở pheo pheo, để chờ ngày hết thở.
Ông có bài thơ mà tôi cho là cực kỳ dữ dội mà cũng cực kỳ tình cảm, rất lạ lùng có thể nói chỉ có Sơn Núi mới làm ra được mà thôi.
Bài “Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh”
Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một đĩa hát cũ
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết.
Thơ viết như thế này, nói theo các cụ xưa là động đến cả quỷ thần.
Người “chị” trong bài thơ là một nữ sĩ cũng rất dị kỳ, rất mực thông minh, rất mực tài hoa và là dịch giả miền nam chỉ xếp sau Bùi Giáng. Chị và đứa con sinh ở Di Linh, sau 1975, bị lính Khmer đỏ giết chết ở đảo Thổ Chu.
Nếu ai tin có linh hồn, đọc bài thơ này, sẽ thấy từ cõi hư vô chị linh hiển dắt con trở về.
Ba chàng ngự lâm pháo thủ có một chỗ đứng rất vẻ vang trong văn chương Pháp. Còn ba chàng Sơn thi sĩ, tôi cũng tin có một chỗ đứng xứng đáng trong nền nghệ thuật miền Nam, và khi đất nước thật sự thống nhất, thì hẳn nhiên được ngồi cùng hàng với các vị tiền bối.

K.Đ.
(2019)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét