Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 31/08/2022 - Long Đỗ


Nhật Bản phát triển tên lửa tầm xa phòng ngừa nguy cơ từ Trung Quốc và Nga Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đi thị sát căn cứ Asaka của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/11/2021. REUTERS - POOL-Thu Hằng Bộ Quốc Phòng Nhật Bản yêu cầu tăng ngân sách lên gần 40 tỉ đô la trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những « thách thức khó khăn nhất » kể từ Thế Chiến II, đặc biệt là cuộc chiến tại Ukraina hiện nay. Theo kế hoạch được công bố ngày 31/08/2022, Nhật Bản sẽ phát triển và sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có tốc độ cao để đối phó với mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
<!>
Trong đề nghị tăng ngân sách, bộ Quốc Phòng Nhật Bản nêu lý do : « Trung Quốc tiếp tục đe dọa dùng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng và thắt chặt quan hệ đồng minh với Nga ». Cụ thể, « Trung Quốc gây sức ép quanh Đài Loan với các cuộc tập trận và không từ bỏ ý định dùng vũ lực thống nhất Đài Loan ».

Trong đợt tập trận rầm rộ vây Đài Loan để đáp trả chuyến công du hòn đảo của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, 5 tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã rơi vào vùng biển Nhật Bản, chỉ cách đất liền khoảng 160 km. Ngoài Trung Quốc, Bắc Triều Tiên cũng được bộ Quốc Phòng Nhật Bản coi là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Một phần ngân sách quốc phòng sẽ được dành tài trợ sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình cải tiến từ tên lửa địa đối hải Mitsubishi Type 12 để tấn công tầu chiến và một loại tên lửa đạn đạo mới tốc độ cao và có khả năng bắn trúng các mục tiêu trên đất liền. Ngoài ra, bộ Quốc Phòng cũng đang tìm các nguồn kinh phí để phát triển các loại khí tài khác, như đầu đạn siêu thanh.

Theo Reuters, dù bộ Quốc Phòng Nhật Bản không nêu chi tiết nhưng những loại tên lửa mới có thể nhắm đến các mục tiêu ở Hoa lục nếu được triển khai dọc chuỗi đảo gần với phía tây nam của Okinawa. Trước đó, Tokyo cũng đã đặt mua nhiều loại tên lửa của Na Uy, Lockheed Martin của Mỹ với tầm bắn đến 1.000 km.

Ngân sách 39,78 tỉ đô la cho năm tài khóa từ ngày 01/04/2023 tăng 3,6% so với năm trước. Chính phủ của thủ tướng Fumio Kishida sẽ thông qua yêu cầu này vào cuối năm khi công bố kế hoạch cải tổ sâu rộng chiến lược quốc phòng và tăng cường quân sự trong ngắn hạn. Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền từng hứa tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2% GDP (tương đương với 72 tỉ đô la) của Nhật Bản trong vòng 5 năm. Như vậy, Nhật Bản sẽ trở thành nước đầu tư cho quân sự lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Phái đoàn AIEA rời Kiev để tới nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia


Phái đoàn cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA xuất phát từ trung tâm Kiev lên đường tới nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, Ukraina, ngày 31/08/2022. REUTERS - GLEB GARANICH
Thu Hằng
Phái đoàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) do tổng giám đốc Rafael Grossi dẫn đầu, đã đến Kiev chiều 30/08/2022 và được tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp đón. Sáng 31/08, phái đoàn lên đường đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, nơi liên tục bị oanh kích từ nhiều tuần qua trong khi Nga và Ukraina vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau.

Theo cơ quan thông tấn Nga TASS, trích thông tin của chính quyền địa phương, phái đoàn của AIEA sẽ đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia vào sáng thứ Năm 01/09. Còn tại Kiev, trả lời báo giới trước khi lên đường, ông Rafael Grossi cho biết « ý thức rõ tầm quan trọng của thời điểm này ». Phái đoàn gồm 13 người dự kiến ở lại nhà máy Zaporijjia « vài ngày » và «sẽ lập báo cáo sau chuyến thanh sát ».

Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev tường trình :

« Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã tiếp ông Rafael Mariano Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) vào cuối buổi chiều thứ Ba (30/08) và cam kết rằng Ukraina sẽ cố gắng tìm ra một con đường qua những hành lang được bảo đảm an toàn để phái đoàn của AIEA có thể đến được nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia.

Nguyên thủ Ukraina nói rõ là cộng đồng quốc tế phải buộc Nga chấp nhận phi quân sự hóa ngay lập tức nhà máy điện hạt nhân : quân Nga phải rời nhà máy cùng với chất nổ, vũ khí của họ, Ukraina nắm lại quyền kiểm soát nhà máy và lập một vùng phi quân sự.

Cùng lúc đó, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và quân Nga tiếp tục bắn phá thành phố Nikopol, đối diện với nhà máy điện hạt nhân nằm ở bên kia bờ sông Dnipro. Ở Zaporijjia, thành phố có đến 800.000 dân trước khi xảy ra chiến tranh, người dân tiếp tục di tản đông đảo. Các viên iode cũng được phân phát cho dân.

Ở mặt trận miền nam, các cuộc giao tranh gia tăng cường độ và nỗi sợ hãi xảy ra sự cố hạt nhân lại lớn hơn bao giờ hết ».

Công ty Mỹ tố tin tặc Trung Quốc tấn công các dự án năng lượng tại Biển Đông


Anh Vũ
Theo trang tin Bloomberg ngày 30/08/2022, dẫn nguồn từ một công ty an toàn công nghệ Mỹ cho biết các tin tặc được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn có thể đã nhắm vào mục tiêu là các doanh nghiệp năng lượng đang hoạt động trên Biển Đông.

Các nhà nghiên cứu an toàn tin học của Mỹ đã phát hiện một chiến dịch tấn công mạng tiến hành từ hơn một năm nay. Các vụ tấn công mạng chủ yếu nhằm vào các dự án như khu mỏ khí đốt Kasawari của Malaysia và khu điện gió trong eo biển Đài Loan, theo báo cáo công bố ngày 30/08/2022 của ProofPoint Inc.

Petroliam Nasional Bgd là nhà khai thác mỏ khí đốt nói trên từ chối bình luận về thông tin đưa ra trong bản báo cáo.

ProofPoint cho biết có cơ sở để tin rằng nhóm tin tặc mang mã hiệu TA423 đặt cơ sở ở Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tin tặc trên.

Chính phủ Mỹ và các công ty an toàn mạng từ lâu nay vẫn nghi ngờ Trung Quốc tiến hành các chiến dịch tin tặc trên quy mô lớn. Trung Quốc thường xuyên bác bỏ các cáo buộc như vậy đồng thời còn khẳng định họ là nạn nhân và Hoa Kỳ mới là « đế chế tin tặc ».

Được hỏi hôm qua, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từ chối bình luận về những thông tin trong báo cáo của ProofPoint.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét