Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

Khi người tù trở về - BK Năm 32


Thời gian đầy ải tù đày, những nỗi uất nghẹn dâng trào không thể tỏ rõ cùng ai, những phân biệt bất công…rồi cũng qua đi cho đến một ngày… Cùng với những anh em HO khác, tôi cũng đã đến được miền đất Tự Do vào tháng 4 năm 1995. Tôi được định cư tại Thành Phố Chattanooga, Tiểu Bang Tennessee do một anh bạn cùng quê đi trước rồi hướng dẫn cách gởi hồ sơ cho hội Catholic bảo trợ gia đình tôi, lúc đó là chị Anh làm trong hội đứng ra lo cho những gia đình tị nạn HO sớm hội nhập đời sống bước đầu cũng như tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống sau đó.
<!>
Đến trước tôi đã có một số đồng hương có mặt từ sau năm 1975 và vài gia đình HO, chúng tôi dần biết nhau qua công việc làm ở các hãng xưởng, sống gần gia đình tôi lúc bấy giờ có gia đình anh Khâm (Nhảy Dù) anh Tung Sư Đoàn 18, anh Đức (ĐPQ), anh Tường, anh Trấn, anh Phấn v…v… đa số đều mới qua nên còn bộn bề công việc.

Ngày tháng trôi qua, năm hết Tết đến, mấy anh em bàn tổ chức Tết, phải có chào cờ đầu năm. “Chúng ta ra đi không mang theo quê hương giờ chỉ còn lại lá cờ Vàng ba sọc đỏ làm hành trang trong lòng người lính xa quê đang sống đời tị nạn.” Nhưng nhìn lại anh em không đủ nhân lực tưởng chừng như khó thực hiện được. Mấy hôm sau, anh Khâm cho biết nếu không có gì trở ngại, anh sẽ nhờ toán Quốc Quân Kỳ của binh chủng Nhảy Dù ở Atlanta qua giúp và Tết năm đó vui Xuân có chào cờ rất trang trọng.

Trong toán (Q.Q.K) cùng chúng tôi tay bắt mặt mừng từng bạn, và còn niềm vui nào hơn khi biết được Hùng (Dù) cùng chung khóa 8 B+C Bất Khuất với tôi và Hùng cho biết có nhiều anh em vẫn thường về sinh hoạt với nhau ở nam Cali, tôi như cánh chim lạc đàn tìm được về với Tổ Ấm của mình, những anh em đồng môn từ ngày mãn khóa ra trường Sĩ Quan Thủ Đức. Mỗi người đi một hướng, sau ngày tàn cuộc chiến biết ai còn ai mất, biết bao nhiêu là tâm sự, gặp mặt rồi chia tay, chúng tôi hẹn kỳ họp mặt khóa tới sẽ lại gặp nhau

Tôi cũng biết được có thêm bạn cùng khóa Bất Khuất như Thắng 34 Biên 31 cả hai cùng ở Memphis Tennessee cách tôi 6 tiếng lái xe, mặc dù chúng tôi ở cùng Tiểu Bang, thành phố Atlanta Tiểu Bang Georgia thì có Hùng 35, Châu 31, Tốt 32, Hưởng 34 và Tùng 35. Thỉnh thoảng hoặc thường xuyên chúng tôi gọi thăm nhau sau một thời gian dài chúng tôi mất liên lạc.

Mùa Đông rồi cũng đi qua, những tia nắng ấm áp của mùa Xuân trở về trên thành phố Chattanooga-Tennessee. Những nụ bông vừa hé nở sau thời gian ngủ Đông bây giờ bừng sống dậy.

Một ngày cuối tuần có Châu, Hưởng, Tốt, Tùng ghé nhà tôi cùng vài người bạn gần đó cũng đến chung vui, trong lúc trà dư tửu hậu thường ôn lại những câu chuyện vui buồn của ngày tháng cũ, có những ký ức lụi tàn theo năm tháng theo thời gian, nhưng đối với những người lính QLVNCH sau bước ngoặt 30-4-1975 bị đày đọa, hành hạ thật độc ác làm sao mà quên được…Có người cho rằng: bao nhiêu năm áo lính là bấy nhiêu năm áo tù, với tôi thì 3 năm áo lính, 5 năm 6 tháng áo tù. Những trại tù tôi đã bị đày ải như: Katum Tây Ninh, Bù Gia Mập Phước Long rồi về Z30D Hàm Tân căn cứ 5 rừng lá lần lượt chuyển trại từ K1 …K2….K3…Mỗi lần chuyển trại là chúng dùng từ gọi là “biên chế”, những trại này đều do tù cải tạo xây cất lên cho thật kiên cố để tự nhốt mình, dưới sự canh giữ của bọn bò vàng (công an) ác ôn.

Cho đến gần cuối năm 1980, một ngày như mọi ngày, buổi sáng chúng dẫn đám tù ra cổng trại để đi lao động thì nghe có lệnh tập trung lại để tên trưởng trại đọc thông báo…Sau đó gọi tên một số người đứng qua một bên, có tôi và 5 anh em khác được đưa ra ngoài một cái nhà lá phía bên ngoài trước khu trại, và họ cho biết chúng tôi đã được tha về, nhưng vẫn ở đây tạm thời chờ làm thủ tục giấy xuất trại.

Hằng ngày chúng tôi cử một người vào trại để nhận cơm, lúc này phần ăn có khá hơn, mỗi người được 1 chén cơm trắng đầy, còn thức ăn thì tự đi kiếm thêm quanh đâu đó. Ở đây được một tuần, chúng tôi nhận được giấy ra trại cùng một ít tiền làm lộ phí đi đường, ai cũng vui mừng khôn tả, cùng nhau đi thật nhanh ra đường. Từ trại tù ra quốc lộ 1 ước chừng hơn 2 cây số, chúng tôi ghé vào một quán lá nhỏ ven đường, tôi cùng anh bạn tên Trần Quế Anh gốc Cảnh Sát, gọi mỗi người 1 ly cà phê đá, vừa uống vào một ngụm tôi vội nhã ra không kịp, tưởng chừng như cả hai hàm răng cũng rụng theo luôn.

Vậy mới biết sau bao năm người tù cải tạo sống xa cách với thế giới bên ngoài, đã biến chúng tôi thành một thứ người rừng, hay là một loài Vượn trong bài thơ của: Tô Thùy Yên.

“Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân làm Vượn cổ sơ.”

Nghe thật thấm thía và ngậm ngùi ….!

Chiếc xe đò cũ kỹ ì ạch dừng lại, chúng tôi vội lên xe, có lẽ chủ xe biết là tù mới được tha về nên không lấy tiền xe. Rồi xe từ từ lăn bánh, tôi nhìn hai bên đường nhà cửa dân chúng vẫn còn lưa thưa tiêu điều. Qua nhiều làng mạc, càng vào gần thành phố, có những dãy nhà bị dỡ bỏ mất mặt tiền nhà…? để làm mới lại hay bị giải tỏa chăng…? hay để sớm đưa cả nước tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa, theo chủ trương đường lối của nhà nhà nước CS đó là cuối năm 1980…

Về đến bến xe Biên Hòa, từ đây chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngã, đón chuyến xe kế tiếp để về nhà và hẹn ngày gặp lại nhau nếu có thể.

Xế chiều hôm ấy tôi cũng về đến nhà. Thật bất ngờ Ba Má tôi mừng rơi nước mắt gặp lại thằng con trai với thân hình tiều tụy võ vàng vì bệnh sốt rét khi tôi còn ở trại tù Bùi Gia Mập, nay vẫn còn thỉnh thoảng tái phát hành hạ, Ba Má tôi cho biết vợ tôi cũng vừa lên trại thăm tôi lúc sáng sớm này, vì có nhận được giấy cho thăm nuôi gởi về.

Ở lại nhà Ba Má tôi tại Thủ Đức được vài ngày. Sau đó tôi cùng vợ con trở lại Mộc Hóa theo nơi giấy ra trại cho về.

Trên đường đi về Mộc Hóa, qua khỏi cầu cửa Đông xe dừng lại, vợ chồng tôi xuống xe để đi bộ về nhà, cô bác lối xóm chạy ra mừng rỡ, người thì nói: thằng Hai… mầy mới được thả về đó hả? Người thì gọi Dượng Hai, người lại gọi anh Hai, theo thứ bên vợ của tôi qua cách cư xử của người miền quê thật thà chân chất. Tôi rất lấy làm cảm động vì tình nghĩa bà con đối xử với tôi, dù hôm nay mang thân phận của người TÙ trở về với gia đình và bà con hàng xóm.

Sáng hôm sau tôi lên đồn công an.trình diện, tên công an đưa cho tôi tờ khai báo, tôi viết nhanh xong đưa cho hắn, rồi hắn gằn giọng:

– Anh viết gì mà tôi đọc không được, anh phải viết lại…!?

Tôi viết lại đưa cho hắn, hắn ghi vào sổ nắn nót từng chữ giống như học trò mới tập viết vậy, thật là nản!

Hắn bảo tôi về viết kiểm điểm mỗi tuần mang lên nạp cho chúng, thời gian giam lỏng là 12 tháng, không được rời khỏi địa phương, hằng ngày có sự giám sát của công an khu vực.

Thật ra mãi đến 2 năm sau tôi mới nhận được giấy trả lại quyền công dân của một nước CS bằng những nỗi khổ đau, những đày ải trong trại tù và ngoài xã hội.

Một tháng sau đó, có giấy mời tôi lên thị trấn trình diện, họ cho biết sẽ lập một toán đi rà gỡ mìn, sẽ do người bên huyện đội hướng dẫn, toán chúng tôi gồm có 6 người, thời gian đi là 3 tháng, còn địa điểm bắt đầu từ Trung Môn chạy dài lên quận cũ Long Khốt, Vĩnh Trị, Thái Trị nơi đây giáp với phần đất của Cam Bốt. Vào mùa khô thì nắng nóng, còn mùa nước nổi, nước từ bên kia biên giới chảy xuôi dòng vào con sông Vàm cỏ Tây đổ tràn về Mộc Hóa Kiến Tường gây cảnh lụt lội hằng năm.

Cảnh cũ người xưa, nơi đây tôi đã từng đóng quân lập đồn ngăn cản và tiêu diệt bọn CS. Vào mùa nước tràn đồng thì cộng quân ít hoạt động còn mùa khô thì chúng lợi dụng gần biên giới, ban ngày thì pháo kích qua, ban đêm chúng tấn công vào mấy tiền đồn rồi rút quân về an toàn khu của chúng ở bên kia biên giới.

Tôi vẫn còn nhớ như in về những địa danh này. Vào khoảng giữa năm 1974, lúc đó tôi quyền xử lý Đại Đội Trưởng đại đội 4 Tiểu Đoàn 503 ĐPQ thuộc Tiểu Khu Kiến Tường, chịu trách nhiệm lập một cái đồn, ở giữa hai xã Vĩnh Trị và Thái Trị đều nằm dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Tây, để giữ gìn an ninh cho dân chúng yên tâm làm ăn sinh sống.

Cũng vùng đất này, gần 6 năm sau tôi trở lại với thân phận một người có tội với nhân dân, với đất nước theo luận điệu tuyên truyền của chúng: là đi làm công việc nguy hiểm, đi gỡ những quả mìn mà trong chiến tranh do cộng quân gài lại để chống chiến xa M113 của QLVNCH, chúng cố ý đưa chúng tôi làm công việc này là để diệt lần, diệt hồi chúng tôi.

Chiều hôm đó, sau một ngày đi gỡ mìn trên đường về tôi và anh bạn tên : Nho (cán bộ xây dựng nông thôn) quá giang xe Trâu đi cho đỡ mỏi chân, khi đến một đìa nước cạn thấy có cá ăn móng, hai đứa tôi nhảy xuống để bắt cá, chiếc xe Trâu vẫn tiếp tục đi thêm một đổi nữa bỗng nghe một tiếng nổ lớn, sau đó mới biết xe Trâu cán nhầm mìn chống Tăng do bọn V.C. gài trước đây, cô gái chủ chiếc xe Trâu bị thương nặng được chở đi cấp cứu, nhưng không qua khỏi, tôi và anh bạn phải một phen hú vía, thành thật chia buồn cùng gia đình người bị mất.

Cuối năm âm lịch chúng tôi được tạm ngưng gỡ mìn và sẽ trở lại công việc sau Tết .

Sáng 30 Tết, tôi đưa vợ con ra bến xe đò để về quê ăn Tết với gia đình ba má tôi, do tôi không đi được vì còn phải bị giam lỏng. Vợ con tôi đi rồi, tôi về nhà sao nghe quạnh vắng nói là cái nhà cho sang vậy, thật ra chỉ là mái lá nhỏ có dựng vách xung quanh, hơn cái chòi một chút .

Trong khung cảnh người-người chuẩn bị đón Xuân về sao lòng tôi nghe như chùng xuống… nhớ đến ba má tôi, các em, trong một gia đình có đông con, nhưng ba má tôi cũng cố gắng lo cho tôi được ăn học, rồi lớn lên đi lính xa nhà, tiếp theo những tháng năm tù đày đến nay vẫn chưa có một lần nào về ăn Tết với ba má tôi, và đốt lên bàn thờ ông bà tôi một nén nhang trong ba ngày Tết .

Đang miên mang suy nghĩ thì xuất hiện trước cửa nhà gương mặt của tên huyện đội trưởng dẫn đầu toán đi gỡ mìn, hắn tên là bảy Đợi cùng đi với hắn là hai người nữa, nhìn tôi hắn ta nói:

– Nè,chiều nay tôi ghé kiếm gì nhậu nghe.

Nghe hắn nói tôi gượng cười đau khổ gật đầu

– Dạ, vậy chiều nay mời mấy anh đến.

Trong lòng tôi lo lắng không biết xoay sở làm sao cho có bữa nhậu cho chúng chiều nay…?

Trước khi đi về quê ăn Tết, vợ tôi có kho một nồi thịt với trứng vịt và làm một hũ dưa cải chua để tôi ăn trong ba ngày Tết, còn đồ nhậu thì tìm đâu ra, còn rượu kèm nữa chớ, mà bọn này nó uống rượu dữ lắm.

Chầm chậm bước chân ra sau nhà, như nghe thấy có tiếng động, con gà mái đang ấp trên ổ kêu lên nho nhỏ. Một tia sáng chợt lóe lên trong đầu …”Đây rồi …con gà mái ấp với 18 cái trứng.Tôi không còn con đường nào chọn lựa nữa rồi.” Nếu chiều nay không có bữa nhậu để vui lòng bọn chúng thì thân phận của tôi sau đó chắc cũng thê thảm lắm…!?

Ba hôm sau vợ con tôi trở về nhà, chỉ một lát sau cô ấy hỏi tôi:

– Ủa anh! con gà mái ấp đâu rồi?

Như đã có sự chuẩn bị sẵn tôi liền trả lời:

– Lúc em đi ở nhà con gà nó bị bệnh cú rũ nên anh làm thịt nó luôn rồi.

Cô ấy nói với giọng tiếc rẻ:

– Em hy vọng nó ấp được một đàn gà con để làm vốn…không ngờ…!!!

Sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ bởi chế độ cộng sản thì đời sống con người thua cả một con vật, huống chi là mạng sống một con gà nhưng sao lòng tôi vẫn ray rứt không yên khi nhớ đến hình ảnh con gà mái ấp của tôi ngày ấy.

Năm tháng trôi qua, một lần nữa tháng Tư đen lại đến, xin mượn hai câu thơ của một tác giả mà tôi không nhớ tên để nói lên tâm trạng của người lính già này :

“Mỗi năm cứ đến ngày tang khó
Ta đốt trong lòng một nén hương.”

Một nén hương lòng tưởng nhớ những người con yêu của Tổ Quốc QLVNCH đã nằm xuống trong lòng đất Mẹ, những người bạn đồng đội đã hy sinh một phần thân thể của mình để chúng tôi có được ngày hôm nay. Cám ơn những người bạn cùng khóa 8 B+C Bất Khuất giúp tôi trở về với mái ấm gia đình trong tình Huynh Đệ Chi Binh.

Ngày 30-4 hằng năm nhắc nhở chúng ta Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm và những món nợ ân tình cùng các đồng đội anh em.

BK Năm 32
Ngày 1 -3 – 2022

* Hình ảnh trích từ Goole website: Hình ảnh người tù trong trại cải tạo CS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét