Trên suốt đoạn đường 12 cây số từ Mỹ Tho về Chợ Gạo hai bên đồng ruộng mênh mông, chỉ tới giữa đường – ngay cua quẹo ngã ba Lộ Xoài mới có chỗ nghỉ mát – là phòng thông tin xã Song Bình lợp ngói đỏ, giống như một căn nhà ga xe lửa vuông vức mỗi bề chừng bốn, năm thước nằm sát bên lộ tráng nhựa. Trời nắng chang chang như đổ lửa, mọi người nhất là bọn học trò thường hay ghé vào đây để đụt nắng nghỉ chân trước khi cưỡi xe đạp đi tiếp. Từ chỗ nầy đi thêm hai cây số nữa là đến bờ Chùa, ranh giới xã Long Bình Điền.
<!>
Ngay đầu làng là nhà ông xã Dinh, ông có thời kỳ đi làm ở nhà việc Long Bình Điền, không biết có chức phận gì nhưng người làng cứ quen miệng gọi là ông xã Dinh. Lúc mới hồi cư về làng ông đã góa vợ, có ba người con, một trai thì gởi cho người bà con bên vợ nhận làm con nuôi ở tuốt bên miệt đất Vũng (Vĩnh Long) còn hai đứa con gái nhỏ thì sống với ông, hằng ngày đi chơi rong rêu trong xóm, ít khi được ông chăm sóc nên không biết ông hay hàng xóm đặt tên mà cứ gọi là con Nghêu, con Ngao.
Hai chị em lớn lên như cây cỏ ngoài đồng. Mãi tới hai năm sau ngày đình chiến trong làng mới phát động phong trào thi đua học chữ quốc ngữ, thường thì con nhà khá giả đã đi học lâu rồi chỉ có những đứa chưa đi học thì mới được vô phong trào bình dân giáo dục vì vô phong trào sẽ được cho không tập vở, viết mực và lâu lâu lại còn được lãnh báo hình và vài mét vải trắng, đen để may quần áo đi học.
Chị em Nghêu, Ngao bắt đầu biết đi học từ đó. Được chừng vài ba năm thì phong trào bình dân giáo dục tự dưng biến mất, đám học sinh bơ vơ được đưa qua nhập chung với học sinh tiểu học trong làng. Phần vì tuổi lớn hơn bọn học sinh cùng lớp, phần vì mỗi lần gọi đến tên thì hai chị em mắc cỡ nên định thôi học, đi làm cỏ thuê hay làm mướn sinh sống. Trong trường có cô Ba thấy hai đứa nhỏ tội nghiệp, không có mẹ còn cha thì lãng đãng như người mất trí.
Không có ruộng còn đất nhà vườn có độ chừng hơn trăm gốc dừa lão, không bồi đắp mỗi năm nên huê lợi kém. Cha con “tứ bề thọ khổ” quanh năm thì còn nghĩ gì đến việc đi học. Cô Ba thường hay lui tới nhà giúp đỡ và nhắc hai đứa nhỏ nên cố gắng “học ít chữ để sau này may ra đỡ tấm thân.” Nghe nói cô Ba còn thỉnh thoảng cho quần áo cũ và một ít gạo, mắm.
Thật tình mà nói hai đứa trông cũng dễ thương, hiền lành không đến nỗi tệ lắm. Đến năm lớp Nhất đi thi lấy bằng tiểu học, mỗi thí sinh đều phải nộp giấy khai sanh. Cô Ba đứng ra làm giấy thế vì khai sanh cho hai đứa nhỏ và tự đặt tên là Tuyết Dung và Tuyết Diêu.
Trời đất dung ruổi, hai đứa càng lớn càng xinh đẹp, học hành tấn tới, hằng ngày đạp xe lên tỉnh học và cô chị tốt nghiệp trường Sư phạm tỉnh Mỹ Tho. Trở về bờ Chùa làm cô giáo tại làng quê cũ. Giấy tờ tên Tuyết Dung là thầy cô gọi với nhau, nhưng bà con hàng xóm vẫn cứ nhớ tên cũ gọi là cô Nghêu. Còn cô em giỏi giang hơn lên Sài Gòn thi đậu vào trường Cán sự Điều dưỡng, sau nầy tốt nghiệp về làm Trưởng trại ở Bịnh viện Mỹ Tho.
Tuyết Dung, Tuyết Diêu “công thành danh toại” trở về làng cũ được vài năm thì cô Ba qua đời vì bạo bệnh, hai chị em xin được để tang và theo đò máy cùng với tang gia chở quan tài dự định đưa về tận làng cũ bên Vang Quới, Bình Đại chôn cất. Giữa đường qua sông chỗ giáp nước, sóng to gió lớn đò lật chìm nghỉm.
May mà chỉ có người lớn trên đò nên không ai bị chết đuối. Thợ lặn trục vớt đò lên còn quan tài nằm lại dưới đáy sông. Một phần khó khăn để vớt quan tài lên và rất tốn kém, phần khác thầy cúng cho là vong linh người chết khiến vậy, nên khuyên gia đình cứ để yên, chỉ mướn thợ lặn đem lá phướn xuống đóng trên nóc quan tài là được. Coi như là thủy táng.
Hằng năm đến ngày rằm tháng Bảy đem “bè việc vớt” thả cúng trôi ra ngoài sông cái để độ vong linh người đã khuất. Hai chị em xin làng cho xây một miếu nhỏ bên bờ sông nơi đò chìm, rước thầy về cúng vái. Lâu dần, dân chúng quanh vùng quen miệng gọi nhau là miếu Cô Ba. Dân thương hồ qua lại đều cầu xin và nhang khói quanh năm. Cầu cho sóng êm gió lặng thuyền xuôi khi đi ngang qua khúc sông nầy.
Suy cho cùng chuyện đặt tên thường khi cũng gắn liền đến số phận sau nầy của mỗi người. Có tên có tuổi, ai đặt cho cũng tốt, miễn nghe không tục tĩu lắm là được vì khi đi học hay ra đời thì làm giấy khai sanh đặt tên mới đôi khi nghe cũng hay lắm. Thật ra cũng không quan trọng vì thông thường trong làng già trẻ lớn bé đều gọi nhau bằng thứ tự trong gia đình như Ông Tư, Cậu Hai, Chị Ba v…v… hiếm khi gọi tên. Có gia đình còn lấy thứ tự đặt tên luôn.
Trong làng có Trung sĩ Sáu vì bận việc quân ngũ ít khi ở nhà thường xuyên, nên dặn vợ khi sanh nở cứ theo thứ tự “trai Văn, gái Thị” để đặt tên. Đến đứa thứ sáu thì trùng với tên cha cho nên đặt là Sáu Nhỏ. Vậy thôi. Quả nhiên đến đứa thứ sáu, vì là gái nên chị Sáu thấy hơi chạnh lòng muốn đặt tên khác. Nhưng anh Sáu vẫn cương quyết theo lệ ông bà.
Sau nầy chị Sáu Nhỏ lên Mỹ Tho mở trại hòm nổi tiếng ở Chợ Cũ rất giàu có nhờ tên tiệm là Sáu Nhỏ dễ nhớ và quen thuộc với mọi người. Tiếng lành đồn xa, trong làng có người nào nghèo mạt qua đời, chị Sáu Nhỏ cho thợ ghép ván tạp làm thành quan tài cho không, giúp tang gia làm phước không lấy tiền.
Bên kia bến đò Nhà thờ Xuân Đông việc đặt tên tộc nghe còn hấp dẫn hơn. Vì là đất cù lao mới bồi nên cây cối thường là gỗ tạp, may ra chỉ có dừa lão là quý nhất cho nên gia đình ông Tư thợ mộc mơ ước lấy danh mộc đặt tên cho các con, cũng là trai văn gái thị như văn Gõ, Dầu, thị Giáng Hương, Cẩm Lai đến thằng út thì cũng là danh mộc nhưng là gỗ Nu. Sau nầy trở thành Đại úy Pháo binh Nguyễn Văn Nu. Lúc lai rai vài ba xị rượu đế ông Tư bèn cao hứng “Thằng Nu cũng ngon lành và oanh oanh liệt liệt”.
Trên bờ lộ đá gần chợ xã có gia đình sinh mấy người con trai đặt tên toàn là thứ dữ như Beo, Gấu, Cọp… Anh con trai cả sau nầy là Trung úy Beo làm việc ở Chi khu Chợ Gạo. Tên nghe ai cũng sờ sợ mà lại rất hiền lành, đẹp trai ăn nói nhỏ nhẹ nên mọi người ai nấy cũng đều có cảm tình.
Lại nữa, tùy theo tính cách của từng người, không biết từ lúc nào và giấy tờ hộ tịch ra sao, dân trong làng thường hay gọi tên người đúng với tướng tá như Chú Ba Lì. Nhân ngày Tết ở quê có tổ chức cờ bạc trong mấy ngày đầu năm ăn thua giành giựt, đánh nhau đến đổ máu. Ba Lì bị chém rách tai mà vẫn gan lì hốt bạc trong lúc mọi người đều bỏ chạy gần hết. Đứa con đầu sanh ra đặt tên theo vần là Hai Lợm (Lì Lợm) nhưng lâu ngày đọc trại ra thành Hai Lượm.
Đầu bờ Rạch Chiếu có nhà ông thầy người Huế chữ nghĩa nhất làng. Ông có giọng nói khao khao và cặp mắt đã nhỏ xíu rồi mà lúc nào cũng nhướng lên, cho nên người trong làng đặt tên là thầy Huế nheo. Ông thầy từ ngoài Huế lưu lạc về xứ Long Bình Điền được ông Cả Tam cho một miếng đất gần bờ đi cất nhà sinh sống bằng nghề trồng bông bán chợ Tết. Thầy Huế nheo thỉnh thoảng cũng có chỉ vẽ cho con cháu người trong làng ít chữ nghĩa vậy thôi.
Ông thường hay kể là người trong Nam lo chơi, học hành ít lắm nên đến đời vua Minh Mạng là vì vua thấy xa trông rộng và thương, nhớ ơn đến các bậc công thần đã theo phò tiên đế mà qua biết bao nhiêu kỳ thi không bao giờ thấy có người trong Nam đỗ đạt nên đến kỳ thi năm Bính Tuất, nhà vua sai quan Chánh chủ khảo lựa một bài thi xuất sắc của người miền Nam cho đậu vớt và thành đồng khoa Tiến sĩ năm ấy. Ông nói: “Cả miền Nam chỉ có mỗi một ông Tiến sĩ Phan Thanh Giản.”
Sau nầy con cái các chức việc trong làng biết nhiều chữ nghĩa nên đặt tên con nghe cũng rất hay và luôn luôn mang niềm hy vọng trở thành sự thật. Hai Kiệm, cháu nội Cả Tam đặt tên cho con theo vần là Cử, Anh, Quan, Trạng. Lúc mấy đứa nhỏ lớn lên cũng gởi lên chợ Mỹ Tho đi trọ học, nhưng chỉ học được một vài năm rồi cũng trở về làng cũ sống đời công tử con nhà điền chủ, sướng như xưa. Học hành chi cho cực thân.
Thầy địa lý thường coi đất trong Nam nói là không có Thanh Long, Bạch Hổ chầu. Ý nói là không có núi non đất đá, chỉ là đất non vũng bồi, bùn đọng nên không phải là nơi phát khoa. Lại càng không thể ẩn long mạch phát vương được. Miền Lục tỉnh chỉ là đất lưu dân, người tứ xứ tới đây lập nghiệp làm ăn sinh sống vậy thôi. Chuyện học hành thi cử không phải là mối bận tâm.
Một số ít lưu dân sau khi đã yên bề mọi việc, nhưng trong lòng vẫn còn thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn nên khi có con thường hay đặt tên con theo địa danh làng cũ. Có một gia đình, người anh tên Thủ, người em tên Thừa để nhớ về quê cũ Thủ Thừa, Long An. Sau nầy người anh lập gia đình trụ lại ở làng quê mới Long Bình Điền và đặt tên cho con theo vần là Hai Thường, Thủ Thường, ý nói là yên phận đời dân dã.
Người em là Sáu Thừa bỏ quê lên chợ Mỹ Tho làm công cho một tiệm xe đạp ở bên nầy đầu cầu Quay, đường Thủ Khoa Huân. Hiền lành, dễ thương lại có nghề sơn xe đạp thủ công chạy chỉ viền nổi tiếng nên chủ tiệm gả cho cô con gái lớn. Được vài năm làm ăn khấm khá chủ tiệm xe đạp xây lầu trở thành một trong những ngôi nhà lầu cao nhất tỉnh vào khoảng những năm 59, 60 có hàng chữ đúc xi măng ở trên sân thượng cao chót vót “Nhà buôn xe đạp Ngọc Hoa.”
Sau đó gặp thời, có người giúp đứng ra lãnh thầu vé số Kiến thiết quốc gia, đã giàu có nhờ buôn bán xe đạp nổi tiếng, nay thêm thầu vé số nên ngày càng giàu to. Nhưng cơ trời dung ruổi, người đại diện được ủy quyền đi lãnh vé số ôm trọn bộ số tiền bỏ trốn mất, tin đồn nghe đâu tới gần 5, 6 triệu đồng tiền thời bấy giờ. Để đền bù số tiền thất thoát, chính quyền sau đó đã tịch thu toàn bộ nhà cửa và tài sản ở phố.
Gia đình tứ tán, sản nghiệp tiêu tan chú Sáu Thừa bèn dẫn hết vợ con về quê, người anh chia đất do cha mẹ để lại, cất nhà sinh sống ở làng quê cũ như xưa. Vì quen sống trên chợ nay về quê lao động nặng nhọc sao kham, vợ con lại là người thành thị không quen mặc quần vải, áo bô nên bà con lối xóm vô cùng dị nghị.
Được gần tròn năm, chú Sáu Thừa quyết định trở về lại chợ Mỹ Tho che lều bên lề đại lộ Hùng Vương vẫn trương bảng hiệu sửa xe đạp Ngọc Hoa. Thế mà làm ăn ngày càng khấm khá và sau cùng sang nhượng được một ki-ốt bên hông trường học, đường Lê Đại Hành lập tiệm mua bán xe đạp như cũ.
Nhà thơ và Triết gia nổi tiếng GS. Phạm Công Thiện là con trai lớn của chú Sáu Thừa.
Đến khi đất chật người đông, mọi người đua nhau lên gần lộ tráng nhựa cất nhà sinh sống bằng nghề thương mãi, che khuất các khu mồ mả mà người xưa khi xây cất nhà thường hay kiêng kỵ theo nếp là “tiền mả, hậu gia.” Lâu dần biến thành những khu san sát hai bên đường gần giống như phố chợ, rồi con cái đi học ngày càng nhiều nên tất cả đều có tên âm điệu nghe văn hoa chữ nghĩa như trong tiểu thuyết. Không còn những cái tên quê mùa Nhãn, Trà, Mận hay Mừng, Rỡ… như xưa nữa.
Đất nào cũng là địa linh, người xứ nào cũng có nhân kiệt. Tùy theo số phận và tên tộc. Có người họ Đồng, một dòng họ lớn ở đất Gò Công tới làng Long Bình Điền lấy vợ, cưới người họ Đỗ lập nghiệp. Gia đình lại rất hiếu học. Sau nầy cả nhà đều là thầy cô giáo. Đứa con trai lớn đặt tên là Đồng Đỗ Đạt. Quả nhiên sau nầy trở thành Cử nhân Đạt làm Đốc học trường Đốc Binh Kiều, Cai Lậy. Đúng là như vậy, anh em đồng đỗ đạt.
Từ khi có trường tiểu học, việc lập giấy tờ khai sanh cho trẻ con đi học rất phổ biến nên cha mẹ đời sau đặt tên cho con cũng không còn “trai Văn gái Thị” như trước nữa mà thường là tên chữ đôi, con gái lấy tên các loài hoa cao cấp mà đặt như Ngọc Lan, Xuân Mai, Thu Cúc, Mỹ Hạnh…; con trai là Trọng Đức, Trọng Nhân, Ngọc Ẩn, Ngọc Vũ… Nói chung nghe rất văn hoa chữ nghĩa đầy đủ. Duy nhất con gái đa số là còn lưu lại chữ “thị” trên giấy tờ khai sanh.
Năm 1975 cộng sản về, cờ hai màu xanh đỏ, sao vàng ở chính giữa bay phất phới cũng đem theo những cái tên người nghe rất lạ, không kể là bí danh, bí số hay tên giả, tên thiệt rất khó phân biệt. Tên người nghe lạ đã đành, đến các con đường trong làng nhỏ xíu, ngắn ngủn mà họ cũng đặt tên toàn là liệt sĩ ở đâu không ai biết, còn kinh rạch thì bỏ tên cũ từ đời xưa lấy tên cán bộ tử thương mà đặt như kinh Đồng Dương, Cò Tứ, Tư Thâu…
Được vài năm, khi cờ đỏ sao vàng và danh xưng đảng Cộng sản chính thức được treo khắp nơi thì một loạt người từ trong bưng, đồng về xã nắm chính quyền. Trưởng công an xã là Hai Giái, cán bộ là Ba Đực, Tư Đua… cho nên dân chúng chỉ dám gọi là anh Hai, anh Ba, chú Tư để tránh tên húy. Đã học hành chữ nghĩa không được bao nhiêu mà còn có nhiều điều từ lời ăn tiếng nói cho đến cung cách cư xử rất là khác lạ. Dân làng thông cảm nhưng tính khí hung ác mới là điều làm cho mọi người sợ hãi. Lâu dần những cái tên như vậy dù khó kêu hay đẹp đẽ đến đâu mà khi nghe đến tên gọi là thấy cả một trời bất nhẫn.
Hai Đồng, con chú Sáu Giỏi, nhà ở gần cây cầu Ván bên kia bờ rạch Chiếu, khi “cách mạng” về thì mới hay hắn là địa điểm giao liên của Cộng sản. Hắn trở thành sĩ quan công an. Nghe đâu thuộc bộ phận tiếp liệu của công an thành phố Mỹ Tho. Về làng hắn quên hết mọi người, có thể do say xỉn suốt ngày mà cũng có khi quen ngước mặt nhìn lên trời vênh vênh nên không còn thấy ai ở dưới đất. Dân làng quê mùa lại sợ nên cứ gọi đại là ông Bí thư. Lâu dần mọi người quên mất luôn tên cũ của hắn.
Đổi đời đổi cả cái tên. Chẳng những thế đổi luôn đức hạnh. Còn đâu những cái tên quê mùa, chơn chất. Còn đâu những ước mơ dân dã Cử, Anh, Quan, Trạng hay Công, Thành, Danh, Toại. Còn đâu để mà Hiền, Lành, Phúc, Hậu…
Nghĩ mà buồn.
Trần Bạch Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét