Viết tặng Bố Mẹ yêu quý của con. Nhiều nguời không hiểu được vì sao Bố tôi về già lại thương yêu quý trọng Mẹ tôi đậm đà hơn khi ông bà còn trẻ, nhưng tôi thì hoàn toàn có thể hiểu được. Ngoài tình thương yêu một người vợ hiền đảm đang, Bố còn trân trọng Mẹ đã mười mấy năm trời thay mặt Bố nuôi dạy năm đứa con nên người, và biết ơn Mẹ người bạn đời can đảm thủy chung đã luôn sát cánh bên cạnh ông trong những năm tháng đen tối nhất trong cuộc đời của ông. Trước năm 1975, Bố làm việc ở Cục Tâm Lý Chiến, Mẹ đi dạy học ở một ngôi trường gần nhà, cuộc sống của gia đình nhỏ chúng tôi êm đềm như hàng trăm ngàn gia đình khác ở Saigon lúc bấy giờ.
Bố Mẹ tôi đều là nhân viên cao cấp nơi ông bà làm việc, với rất nhiều cơ hội được đút lót và hối lộ, nhưng Bố Mẹ tôi sống rất trong sạch. Bố Mẹ luôn dạy chúng tôi, sống ở trên đời, đồng tiền mất đi còn có thể gầy dựng lại được, nhưng lòng tự trọng một khi đã mất rồi thì khó lòng có thể thay thế. Tuy thanh bạch, nhưng gia đình chúng tôi vô cùng hạnh phúc.
Thế rồi, một ngày đen tối của tháng Tư năm 1975 đã thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, và của tất cả người dân trong đất nước Việt Nam này. Chín tuổi đầu, tôi không hiểu được cảnh hoảng loạn trên đường phố lúc bấy giờ, tôi cũng không nhận ra được những ánh mắt sợ hãi, hoang mang của những người dắt dìu nhau chạy ngoài phố, tôi chỉ biết được trong những tháng ngày sau đó, Bố tôi bỗng trở nên xa vắng trầm ngâm, còn Mẹ thì tất bật vất vả hơn mới lo đủ bữa ăn trong gia đình. Anh chị em chúng tôi tuy còn nhỏ, nhưng cũng cảm nhận được cả một trời mây u ám che phủ ngôi nhà mình, năm đứa chúng tôi chỉ dám ngồi nơi góc nhà, ráng thu mình thật nhỏ lại, để không làm phiền đến Bố Mẹ. Chị lớn của tôi vẫn thì thầm với chúng tôi:
“Chị cũng chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng dù sao, mình vẫn còn Bố Mẹ ở đây, các em đừng lo sợ gì hết nha!”
Vẫn còn Bố và Mẹ! Vâng, Bố và Mẹ là miếng phao mà trong cơn sóng dữ chập chùng lúc đó, tất cả chúng tôi đều bám víu vào, với tất cả lòng tin tưởng và thơ ngây biết bao.
Than ôi, miếng phao mỏng manh đó cũng sớm tan thành mảnh vụn, khi một ngày giữa tháng 6, Bố tôi khăn gói ra đi trong một chuyến gọi là, “một tháng học tập cải tạo”. Một tháng, vâng, nguời ta hứa hẹn một tháng rồi Bố tôi sẽ trở về. Một tháng tất cả các bác, các chú sẽ “cải tạo” xong rồi trở về! Một tháng đó đã trở thành thiên thu cho những chú bác một lần vĩnh viễn nằm xuống trên Đồi Chè Vĩnh Phú, đã trở thành cơn sốt rét rừng hành hạ suốt đời cho những chú bác đã từng bị giam hãm ở những nơi rừng thiêng nước độc. Một tháng đó đã trở thành năm bảy năm cho những chú bác trở về tìm thấy gia đình mình tan tác khắp nơi, đã trở thành chín muời năm cho những chú bác quay về với tấm thân tàn tạ, những căn bệnh mãn tính đeo đẳng. Một tháng đó đã trở thành mười ba năm tù tội cách biệt, mười ba năm khổ xác và lao tâm cho Bố tôi. Một tháng đó đã trở thành cơn ác mộng mười ba năm cho Mẹ tôi một mình chèo chống dắt dìu năm đứa chúng tôi qua cơn bão tố, là đoạn đường dài gian truân mà Mẹ tôi đã gánh gồng một vai nuôi chồng, một vai chống đỡ với những áp lực nặng nề của một xã hội mới, đầy định kiến với những gia đình như gia đình tôi.
Ngày hôm nay, mỗi lần có dịp nhắc nhở về những năm tháng khắc nghiệt đó, Bố tôi đều kết thúc câu chuyện bằng đôi mắt âu yếm nhìn Mẹ. Bố hiểu rằng, và tất cả chúng tôi cũng đều hiểu rằng, nếu không có Mẹ, dù mảnh mai, nhưng vô cùng bền chắc, làm sợi dây kết nối, thì có lẽ gia đình chúng tôi không có được ngày hôm nay. Bố vẫn nhắc đến lần đầu tiên sau bao năm trời tù giam biệt xứ, Mẹ là một trong những người đầu tiên đã lần mò tìm được đường lên thăm chồng tại Vĩnh Phú, một trại tù nằm sâu trong vùng rừng núi Bắc Việt. Bố đã hãnh diện biết bao với anh em bạn hữu trong trại, cũng vui mừng biết bao, vì Mẹ đến thăm Bố, cùng với bao nhiêu lương thực và thuốc men tiếp tế, đã cả về mặt vật chất lẫn tinh thần kéo Bố ra khỏi vực sâu kề cận của Đồi Chè, nơi các bác các chú không may đã vĩnh viễn nằm xuống, không bao giờ còn ngày trở về.
Bao năm trôi qua, như trong những câu chuyện cổ tích, để kết thúc có hậu luôn dành cho nguời hiền, gia đình chúng tôi đã vượt qua những tháng ngày tăm tối đó, đã về được bến bờ bình yên và sống yêu thương hạnh phúc cùng nhau.
Tôi không muốn nhắc và càng không muốn nhớ đến cơn ác mộng năm cũ nữa, và thật lòng ngỡ mình có thể quên được đoạn đường ngày xưa gian truân đến chừng nào… Cho đến ngày chú tôi hỏi và yêu cầu tôi viết cho chú về chuyến đi thăm nuôi Bố. Để ôn lại những chi tiết về chuyến đầu tiên thăm nuôi Bố tại Vĩnh Phú, tôi lần giở lại trang nhật ký của những ngày tháng đó, và không khỏi bàng hoàng khi nhận ra những cảm xúc cũ, những hoang mang sợ hãi xưa vẫn còn chực chờ trong lòng tôi để sống lại.
Tôi, con bé mười ba tuổi năm xưa đã trưởng thành đến chừng nào khi cùng Mẹ vượt qua đoạn đường gian khổ ấy để tìm gặp được Bố....
Mùa Hè năm 1979, gom góp hầu hết tàisản còn lại để mua sắm lương thực thuốc men cho bố, Mẹ giao bốn anh chị tôi ở lại với ông ngoại và dắt tôi tìm đường đi thăm bố. Tất cả những ai chưa từng phải sống trong chế độ Cộng Sản chắc sẽ không thể nào hình dung đuợc những chuyện vô cùng đơn giản như mua một chiếc vé xe lửa đi từ Nam ra Bắc cũng trở thành một chuyện khó khăn đến nực cười. Tôi nhớ hai anh em tôi phải chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến gần một tiếng đồng hồ mới đến được ga Bình Triệu, nơi duy nhất bán vé xe lửa tàu Thống Nhất đi xuyên Việt. Đến nơi là 7 giờ sáng, chúng tôi đã thấy người ta ngồi rồng rắn sắp hàng chờ đợi trước hai quầy bán vé còn đóng kín. Lúc đó còn bé, tôi vẫn thắc mắc trong lòng không hiểu tại sao từ sau ngày 30 tháng Tư, tất cả đều trở nên thiếu thốn như vậy. Từ những món đồ nhỏ nhoi như cuốn tập, cây viết đi học, đến những nhu cầu thiết yếu như miếng cơm manh áo hằng ngày cũng không có đủ. Cái gì cũng phải sắp hàng chờ đợi thật lâu mà cuối cùng cũng chưa chắc đã mua được.Mà thật vậy, anh em tôi ngồi chờ đợi, sắp hàng từ sáng đến chiều tối, bụng đói meo mà rồi cũng đành trở về tay không. Đúng 5 giờ chiều, người ta lạnh lùng treo một bảng nguệch ngoặc viết tay “Hết Vé”, rồi thô lỗ đóng sầm cánh cửa nhỏ lại, mặc kệ lời than vãn chống đối của những người chờ đợi cả ngày giống như là anh em tôi vậy.
Vừa mới lớn và vừa mới được hiểu biết là tôi đã tiếp xúc ngay với sự thiếu thốn đói khổ, và sự vi phạm vào lòng tự trọng mà chế độ lúc bấy giờ áp đặt lên tất cả mọi người dân. Không như các anh chị lớn đã hiểu biết được xã hội Cộng Hòa ngày xưa để so sánh và phẫn uất về sự khác biệt, tôi hồn nhiên chấp nhận sự thiếu thốn và áp bức của xã hội mới, thái độ cục cằn thô lỗ thiếu văn hóa của những người mệnh danh là “đầy tớ của nhân dân”, như con chim nhỏ khờ khạo lớn lên trong chiếc chuồng tre bé xíu bẩn thỉu, nghiêng đầu ca hát mà không biết được bên ngoài song cửa là cả một thế giới thanh lịch, và cả một bầu trời tự do bát ngát. Sự thiếu thốn và áp bức đó hình như chỉ tập cho chúng tôi kiên trì nhẫn nại, và cho chúng tôi sức chịu đựng bền bỉ hơn mà thôi. Sau sự thất bại đầu tiên, hôm sau anh em chúng tôi dậy từ hai giờ sáng, thủ theo bánh mì cầm bụng, và cuối ngày đã hớn hở vui mừng cầm hai vé xe lửa về cho Mẹ.
Con đường tìm gặp Bố thế là đã qua được ải đầu tiên rồi! Sắp đến ngày lên đường thì chị thứ hai của tôi ngã bệnh nặng, chị nằm thiêm thiếp trên giường, đôi môi nứt nẻ mà vẫn ráng cười thều thào an ủi Mẹ yên tâm lên đường thăm Bố. Mẹ gạt nuớc mắt, dặn dò các anh chị còn lại phải chăm sóc chị, chăm sóc lẫn nhau, rồi gởi gấm anh chị tôi cho Ông Ngoại, cho các dì, Mẹ dẫn tôi đi. Tội nghiệp Mẹ, lúc đó tôi chỉ biết quá sung sướng vì được Mẹ cho cùng đi thăm bố, chứ không biết rằng Mẹ quay quắt với trăm ngàn nỗi lo âu. Ngoài nỗi lo về đoạn đường mịt mù trước mặt, Mẹ còn canh cánh trong lòng về sức khỏe và sự bình an của những đứa con Mẹ để lại sau lưng. Chỉ có tình yêu thủy chung Mẹ dành cho Bố, sự đảm đang hy sinh của người vợ hiền mới giúp Mẹ vượt qua tất cả để tiếp tục bước tới mà thôi.
Đoạn đường bốn ngày đêm ngồi gật gù trên chuyến xe lửa chật chội, với phòng vệ sinh bẩn thỉu không nước nôi, và cả một đêm đột ngột ngừng lại tại một ga hẻo lánh vì có tin chuyến tàu trước vừa trật bánh ở đoạn đèo Hải Vân, cũng trở thành chuyến ngắm trăng hóng gió, nếu như so sánh với đoạn đường từ Hà Nội vào đến Vĩnh Phú, Ấm Thượng nơi Bố tôi đang bị giam giữ. Đến Hà Nội trưa hôm trước thì sáng sớm hôm sau, 4 giờ sáng, Mẹ con tôi và gia đình bác Phú, người bạn thân nhất của Bố tôi hiện cũng đang bị giam giữ cùng trại với Bố, dắt díu nhau ra ga xe lửa để đến Ấm Thượng. Ga đông người, với những đôi mắt không thân thiện nhòm ngó đến đám hành lý nặng trĩu mà chúng tôi đang còng vai mang vác. Ngoài chuyện phải cảnh giác nhòm chừng cho nhau, chúng tôi còn phải đề phòng trộm cắp bằng cách may kín tất cả những miệng bao túi lại, đồng thời dùng một sợidây thừng xỏ ngang qua tất cả những quai xách và nắm giữ, cột chặt hai đầu dây vào cổ tay mình. Thật sự đến lúc đó, chúng tôi không lo cho bản thân mình nữa, mà chỉ lo lắng mất đi một bao đồ nào, là thương Bố sẽ mất đi chừng đó lương thực và thuốc men mà thôi. Lên chiếc tàu này, tôi không còn dám than phiền về chiếc tàu Thống Nhất nữa. Những toa tàu ở đây giống như những chiếc toa chở hành lý và súc vật, vì nó chỉ là một toa tàu trống với sàn tàu bẩn thỉu, không ghế ngồi, không tay vịn. Tất cả hành khách hoặc là ngồi duới sàn, hoặc là đứng. Thật ra đứng ở toa tàu này, dù không có tay vịn cũng không có gì là không an toàn, bởi vì họ tiếp tục chất thêm người lên, đến khi không còn một chỗ trống. Nếu tàu có lắc lư, thì cũng chỉ là một đám người ngã nhào lên nhau, chứ cũng không thể nào văng đi đâu được! Tôi may mắn lên tàu sớm, tìm được chỗ đặt ngay những túi quà của Bố xuống và ngồi lên đó. Gần bên cạnh tôi là những người bán cá mang theo những thùng cá lúc nhúc. Nước cá văng ra sàn tàu, ra quần áo những hành khách kế cận, tanh tưởi, nhưng chẳng có ai buồn để ý. Bởi vì nói chung, chúng tôi đã quen với cái mùi hôi thối và cái cảnh chen lấn chật chội đó không biết từ bao giờ. Tôi thật sự lấy làm thán phục Mẹ vô cùng, vì không biết làm sao mẹ dò la lần mò ra được đường đến tận trại của Bố. Lúc đó tôi còn bé nên chẳng giúp ích gì được cho Mẹ ngoài ráng hết sức mười ba tuổi gánh vác hành lý giúp Mẹ. Nghe nói Bố ở Ấm Thượng, tôi cứ ngỡ rằng xuống tàu là trại của Bố cũng gần đâu đó mà thôi. Nhưng đoạn đường đâu cho chúng tôi cái may mắn như vậy. Sáu bảy tiếng đồng hồ từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội, đến Ấm Thượng Vĩnh Phú, xuống tàu, chúng tôi lại dò hỏi và lếch thếch kéo nhau đi bộ chừng hơn một tiếng trên con đường mòn ngoằn ngoèo đầy sỏi đá đến một bến đò.
Sau thêm một tiếng chờ đợi, một chiếc thuyền nhỏ xập xệ xuất hiện, ông cụ già gân guốc nón lá rách tả tơi chèo thuyền đưa chúng tôi đi.Chuyến đò dọc nặng trĩu chở chúng tôi đi từ trưa đến tận chiều tối mới cập bến. Trên thuyền thật lòng tôi chỉ van Trời vái Phật cho ông cụ già đủ sức lèo lái chiếc thuyền nhỏ bé đi đến nơi, về đến chốn bình yên, an toàn. Trên thuyền là một đám đàn bà con nít không biết bơi, cũng chẳng có phao cứu hộ, nhưng đám hành lý lại là cả một gia tài, cả một năm lương thực, và cả tấm lòng của tất cả chúng tôi cho Bố, cho bác Phú, nếu chẳng may có gói hàng nào rơi xuống sông, chắc tôi cũng nhắm mắt mà nhảy theo để mong hòng vớt lên được!!!
Nhưng có lẽ Trời cũng thương,nên khi ánh nắng cuối cùng trôi quyện vào màn đêm, thì chúng tôi cũng đặt chân bình yên lên Bến Ngọc.Đêm đó chúng tôi xin ngủ trọ tại nhà một ông lái xe trâu. Nói tiếng là ngủ trọ cho sang, ông thâu chúng tôi mỗi người một đồng (là số tiền cũng khá lớn lúc bấy giờ), rồi cho phép chúng tôi muốn nằm đâu thì nằm trên... hè nhà bằng đất nện của ông, không một mảnh chăn, không một manh chiếu! Cùng ngủ lại đêm đó tại nhà ông lái xe trâu là vài ba người phụ nữ khác, có người từ ngay ngoài Bắc đi thăm con em họ là tù hình sự, cũng có người từ trong Nam ra thăm chồng “cải tạo”. Cái hè nhà của ông lái xe trâu cũng trở thành chật ních. Mẹ dọn đuợc một chỗ trên nền đất hè nhà ông, trải miếng vải ny lông cho tôi nằm, thôi thì dù sao cũng còn một mái tranh để che sương trên đầu, còn Mẹ thì cứ ngồi gà gật cả đêm để canh đống hành lý.
Thật tội nghiệp cho Mẹ! Lúc đầu, tôi nghĩ sao Mẹ quá cẩn thận, nhưng đến mờ sáng hôm sau, khi một bà la lối, khóc lóc um xùm vì bị mất tiền lận trong áo, thì tôi mới phục Mẹ biết nhìn xa. Nằm cong queo trên nền đất, tôi cảm tưởng như mình chỉ mới chợp mắt thì đã ba giờ sáng, đến lúc phải thức dậy chuẩn bị lên đường. Chúng tôi xúm vào chất đồ đạc lên chiếc xe trâu ọp ẹp. Trong khi ông xe trâu ngồi trên xe, roi vung vẩy lái con trâu già gầy guộc, đoàn người chúng tôi lặng lẽ cất bước theo sau.Trong màn đêm, cảnh núi rừng hùng vĩ nằm yên giấc duới đám sương mù dày đặc, càng làm cho chúng tôi cảm thấy mình yếu đuối, bé nhỏ hơn. Mãi nghĩ về Bố, tôi quên cả đoạn đường dài lên đồi, xuống dốc, lầy lội nước mưa, quên cả cơn buồn ngủ rũ người. Bố yêu quý ơi, giờ này hẳn Bố còn đang ngủ vùi để lấy sức cho một ngày mai lao động cực nhọc, Bố có biết hai mẹ con đang vuợt đèo lội suối để tìm gặp Bố không hở Bố? Trong giấc ngủ, Bố có mơ về Mẹ, về chúng con,về những ngày xưa hạnh phúc của gia đình mình không hở Bố? Miên man với những suy nghĩ về Bố, tôi không nhận ra trời đã bắt đầu rạng sáng. Từ đằng xa, chúng tôi đã có thể nhìn thấy những mái nhà tranh lụp xụp và những cánh đồng cày xới dở dang. Tất cả chúng tôi đều quá hồi hộp với những ý nghĩ về người thân của mình nên chẳng ai bảo ai mà cùng rảo buớc đi nhanh.
Chiếc xe trâu dừng lại ở K5 thì chúng tôi cũng đã cuốc bộ được ba tiếng đồng hồ. Tiếng kẻng xa xa trong trại vọng lại, đúng 6 giờ sáng, thì chúng tôi bắt đầu nhìn thấy... Dẫn đầu là một cán bộ trẻ, tay vung vẩy cây súng dài, sau đó là từng đoàn người lặng lẽ cúi gầm đầu buớc đi,ai cũng như ai, cùng một manh áo rách tả tơi, cùng làn da cháy nắng đem sạm, cùng đôi vai gầy guốc nhô cao, và cùng ánh mắt già nua, mỏi mệt… Đôi mắt tôi nhòa đi trong nước mắt mặn cay, nhưng vẫn ráng chong chóng tìm kiếm hình dáng quen thuộc của Bố. Bố ơi, Bố yêu quý của con ơi, Bố đâu rồi. Nguời ta làm gì Bố của tôi rồi. Lão đánh xe trâu nhăn nhó thúc giục chúng tôi mau chất đồ đạc xuống. Trong khi đó, mẹ quay ra cho biết nguời ta nói Bố và Bác Phú không có ở đây. Họ chỉ lên K1, là trại tù kế tiếp, cách đó vài dặm đường. Thế là chúng tôi lại phải năn nỉ, đưa thêm tiền để ông lái xe trâu tiếp tục chở hành lý chúng tôi sâu hơn vào rừng, về phía trại K1. Đoạn đường đi từ trại K5 đến K1 sẽ mãi mãi ghi vào lòng con bé mười ba tuổi là tôi lúc bấy giờ những ấn tượng không bao giờ quên được. Trong khi tôi cũng đưa mắt tò mò nhìn các bác các chú “tù cải tạo” đang làm việc dọc bên đường đi, thì nhiều bác cũng lén lút dõi mắt nhìn theo chúng tôi, như hy vọng sẽ nhận ra một nét quen thuộc nào của người thân mình. Hy vọng để rồi nỗi thất vọng lớn lao hơn lại hiện ra trong đôi mắt. Họ lại cúi đầu làm việc với vẻ nhẫn nhục của những người đã chịu nhiều áp bức…
Có một bác chăn trâu dắt trâu lại gần, lấm lét ngó xung quanh, rồi đưa mắt nhìn tôi và liệng xuống đất một mảnh giấy nhỏ. Tôi cũng dáo dác nhìn quanh rồi nhanh tay lượm mảnh giấy đó giấu vào lòng bàn tay mình. Mảnh giấy chỉ nguệch ngoạc ghi xuống một địa chỉ và dòng chữ “Anh còn sống, xin thăm nuôi anh!” Mắt tôi nhòa trong màn lệ. Ai gây ra những cảnh tượng đau lòng như thế này hở Trời? Bố ơi, Bố của con cũng đáng thương, cũng tiều tụy như thế sao? Có một bác gánh nước bon bon đi tới, đôi mắt bác nhìn tôi như muốn nói điều gì. Có lẽ bác cũng muốn nhắn gởi gì về cho gia đình bác chăng? Tôi giả vờ cúi xuống săm soi quai dép của mình để đợi bác đến gần. Bỗng từ trên lưng đồi, lớn tiếng quát tháo nạt nộ:
- Anh kia, đi đâu ra đây? Bộ muốn liên hệ gì hả?
Tất cả chúng tôi đều đưa mắt nhìn lên, tên cán bộ trẻ măng thấy được chú ý, lại chống hai tay vào sườn, càng làm ra vẻ phách lối hơn, hình như hắn không nghĩ rằng người gánh nuớc đã lớn tuổi lắm rồi, có thể còn lớn tuổi hơn cả cha mình.
Bằng giọng nhè nhẹ, nghẹn ngào và nhẫn nhục của những người quen chịu nhiều ức hiếp, bác gánh nước đáp:
- Báo cáo cán bộ, tôi đi gánh nước…
- Anh định qua mặt tôi đấy hả?
Tên cán bộ lớn giọng cắt lời:
- Đi vào đây gặp tôi ngay, không gánh gồng gì nữa!
Đi xa tầm mắt cú vọ của tên cán bộ lớn lối ấy, tôi mới hé môi. Đôi môi bị cắn chặt gần muốn chảy máu, nhưng tôi chẳng còn cảm giác gì nữa… Tôi bật khóc, khóc nức nở, gục mặt vào tay mà khóc như chưa từng bao giờ được khóc. Tất cả chúng tôi đều phẫn nộ truớc thái độ hống hách, hiếp đáp của tên cán bộ đáng ghét, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho bác gánh nước. Thương cho bác ấy một phần, mà cũng xót xa cho thân phận tù đày của người thân yêu mình nữa. Xót xa, căm phẫn mà không làm gì được, chúng tôi chỉ biết ôm mặt khóc ròng.
Bố ơi, các bác ơi, tội tình chi mà lại chịu cảnh khổ sở đày đọa như ngày hôm nay, hở Trời?? Những hình ảnh thương tâm của cảnh tù đày, bóng dáng tả tơi tiều tụy của những người tù K5 làm chúng tôi đau đớn xót xa như chính mình bị hành hạ vậy. Chìm đắm trong cơn đau đó, đoàn người chúng tôi bước đi một cách máy móc như những người mất hồn. Con đường dài gian truân, qua bao nhiêu suối, vượt bao nhiêu đồi, chúng tôi cũng không còn nhớ vì đã không còn cảm giác gì nữa. Tôi chỉ hình dung đến Bố qua những hình ảnh khốn khổ của các bác bên K5 vừa gặp là nước mắt lại chảy vòng quanh... Chẳng biết lâu hay mau, chỉ biết ánh nắng mặt trời gay gắt bây giờ đã ở xế trên đỉnh đầu thì chúng tôi nhìn thấy đầu con dốc xa xa là một chòi kiểm soát. Tôi vội vã chùi nước mắt. Phải, đối với những người này, tôi không thèm tỏ ra yếu đuối, tôi không cần họ thương hại, và tôi cũng căm thù những mắt nhìn diễu cợt của họ... Nhưng đây lại là một người cán bộ khá lễ phép. Ông ta nhỏ nhẹ nói với Mẹ rằng:
- Anh là Đại Tá thì chắc đã chuyển xuống K5 rồi chị ạ. Hồi đầu tháng này tất cả các anh Đại Tá ở K1 đã chuyển xuống K5 hết rồi, không còn ở đây đâu, chị hãy quay trở lại đi!
Nhưng K1 đã ở truớc mặt rồi, vả lại cũng không có gì chắc chắn, nên chúng tôi lại tiếp tục hướng về trại K1 buớc đi. Đến nơi, Mẹ trình giấy tờ cho một cô cán bộ trẻ, chúng tôi được hứa hẹn gặp Bố buổi chiều hôm đó.
Tôi đi vào rừng lượm một ít củi về để Mẹ nấu một nồi xôi và luộc cho Bố một con gà. Mấy ngày vừa qua, cả hai mẹ con tôi chỉ ăn qua quít để lót dạ chứ không được bữa nào ra bữa nào cả. Chiều hôm trước ở nhà ông lái xe trâu, hai mẹ con tôi chỉ mua một rổ hạt mít rồi chia nhau, thế là cũng xong bữa. Từ sáng đến giờ chưa được ăn uống gì, ngửi mùi gà luộc gừng thơm lừng, trong bụng tôi cũng thèm lắm, nhưng lúc đó tôi cũng đã muời ba tuổi rồi, nên cũng ý thức được mình phải để dành những món ngon lành nhất cho Bố. Biết thế, nhưng chắc ánh mắt tôi nhìn con gà luộc hẳn phải... tha thiết lắm, nên Mẹ cũng thương hại cho tôi, Mẹ dùng một phần của nước luộc gà ngon ngọt để nấu một nồi cháo cho hai mẹ con và cả bên gia đình bác Phú nữa.
Chúng tôi đang sung sướng xì xụp bát cháo nóng thì bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết từ gian nhà thăm nuôi bên cạnh.Tất cả chúng tôi đều hoảng hốt chạy sang xem có chuyện gì. Trên bàn tôi thấy bày ra một nồi cá kho tiêu thật ngon lành, một tô cơm nóng vẫn còn bốc khói, trên chiếc giường tre la liệt gói to gói nhỏ, có cả một trái mít chín vàng, nhưng trên nền nhà lại ngồi co quắp một người phụ nữ trẻ. Cô ôm vào lòng một em bé chừng bốn năm tuổi và không ngừng gào khóc gọi tên chồng. Em bé gái đôi mắt mở to ngơ ngác sợ hãi, em chẳng hiểu chuyện gì, nhưng thấy mẹ khóc thì cũng mếu máo khóc theo, trông thật thương tâm vô cùng. Những người biết chuyện xung quanh thì thào thuật lại, thì ra hai mẹ con cô lên đây từ tối qua. Cô ở miền Trung, lặn lội ra đến đây thăm chồng, mang theo đứa con gái lần đầu tiên cho chồng biết mặt. Sáng nay hai mẹ con cô dậy từ sáng sớm nấu cơm và làm nồi cá kho tiêu là món mà chồng cô yêu thích nhất. Cả buổi sáng không thấy chồng ra, cô cứ đi vào đi ra hâm lại nồi cá, hy vọng đến trưa sẽ gặp đuợc chồng.
Đến trưa, nguời ta cũng dẫn cô đi gặp chồng thật. Nhưng thương thay,người chồng mà cô thủy chung mong đợi bốn năm qua giờ chỉ còn là nấm mồ đắp sơ sài, nằm chen chúc với vô số những nấm mộ không bia khác trên Đồi Chè Vĩnh Phú. Chúng tôi xúm lại an ủi cô mà nước mắt ai cũng lưng tròng, thương cho cô mà cũng hoang mang lo sợ cho người thân của mình. Từ đó đến chiều, tuy không nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều lo lắng, căng thẳng ra vào không yên. Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, đang ngồi trong nhà, tôi nghe tiếng xôn xao từ bên ngoài, “Các ông ra kìa, chạy ra mau, chạy ra mau các chị…” Tất cả chúng tôi ùa chạy ra ngoài, thấp thỏm nhìn ngó. Từ xa xa, tận cuối con dốc, bốn người đàn ông mặc quần áo dân sự đi tới, bên cạnh là màu áo vàng của người cán bộ cầm súng. Tôi cố gắng tìm ra một nét quen thuộc nào của Bố. Cả bốn bác đều đen đủi gầy gò. Bộ quần áo, chắc hẳn được mặc trong ngày trình diện đi “học tập cải tạo”, đến hôm nay thương sao, đều bỗng dưng trở nên rộng thênh thang như được treo vào những chiếc mắc áo biết đi vậy. Các bác tiến lại càng gần thì tôi càng hoang mang hoảng loạn. Bởi tôi nhận ra được bác Phú trong số người đó, nhưng còn Bố tôi... Bố tôi đâu rồi?? Nguời ta đã làm gì Bố tôi rồi??? Hình ảnh người phụ nữ trẻ ngồi co quắp khóc chồng, khuôn mặt trẻ thơ của em bé mếu máo khóc cha bỗng dưng quay trở lại, bóp thắt trái tim tôi. Tôi thấy mình cũng mếu máo níu tay Mẹ hỏi, Mẹ ơi, Bố đâu rồi hở Mẹ? Bố của mình sao không thấy ra hở Mẹ? Trong lúc đó, Hằng, con gái bác Phú chạy ùa ra đón bác, hai cha con ôm nhau khóc làm tôi càng tủi thân hơn vì nhớ Bố của tôi. Có lẽ nhìn thấy khuôn mặt thất thần của hai mẹ con tôi, bác Phú vội vàng bước đến chào Mẹ tôi và nói ngay cho hai mẹ con tôi đuợc yên tâm, rằng Bố tôi vẫn được mạnh khỏe, nhưng Bố đã chuyển xuống K5 từ đầu tháng rồi.
Hai mẹ con tôi cám ơn bác Phú và ôm nhau trong vui mừng. Bố ơi, Bố ơi, miễn là Bố còn sống mạnh khỏe thì dù ở đâu hai mẹ con con cũng sẽ tìm đến Bố mà. Tội nghiệp bác Phú, vì cố gắng báo cho mẹ con tôi yên tâm về tintức của Bố mà bác bị người cán bộ gay gắt “phê bình, kiểm điểm” (vì dám tự động lên tiếng nói chuyện với người ngoài khi chưa được sự cho phép của cán bộ quản giáo!!!) Chiều tối hôm đó, duới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi lê bước quay trở lại K5. Tất cả những vải bạt bằng ny-lông mang theo, chúng tôi dùng để che đậy đám lương thực và thuốc men cho Bố nên khi đến được căn nhà tranh làm phòng đợi cho thân nhân của những người tù cải tạo thì hai mẹ con tôi đều ướt sũng, lạnh run. Cả người ướt mem, nhưng vì quá mệt mỏi sau một ngày dài băng rừng lội suối, tôi co ro đặt mình xuống chiếc giường tre là ngủ một giấc đến sáng. Chỉ tội nghiệp Mẹ tôi, trước khi chìm hẳn vào giấc ngủ, tôi còn thấy Mẹ lò mò trong ánh đèn dầu, lau khô sắp đặt đám quà cho Bố. Tôi không biết Mẹ có thức trắng thêm một đêm đó nữa hay không, nhưng khi tôi thức dậy thật sớm sáng hôm sau, đã thấy Mẹ đang chiên lại con gà hôm qua cho Bố. Ánh nắng ban mai xuyên rọi qua những khe hở của vách nhà tranh, chiếu lên khuôn mặt Mẹ những vệt nắng loang lổ. Tôi nhìn ngắm Mẹ đang chăm chú nấu nướng cho Bố mà thấy thương Mẹ vô cùng. Chỉ mới có mấy ngày mà trông Mẹ đã hốc hác đi thấy rõ. Trong khi người phụ nữ ngồi kế cạnh giường tôi đang điểm trang, tô son vẽ mắt, đám đồ lèo tèo duới chân giường bà vẫn còn lạnh tanh, ướt sũng, thì Mẹ tôi tóc búi, áo cánh giản dị, đã sắp xếp đồ đạc của Bố ngăn nắp lên chỗ khô ráo, và chuẩn bị sẵn sàng cho Bố một nồi xôi bốc khói, cùng một con gà quay thơm lừng. Tôi hy vọng Bố cũng nhìn thấy Mẹ như tôi đang nhìn thấy Mẹ lúc này đây, bởi dù không phấn không son, nhưng Mẹ tôi nổi bật lên tất cả với vẻ đẹp dịu hiền, đằm thắm của người vợ hiền chỉ biết tần tảo lo cho chồng cho con. Điều đó tôi nghĩ mới vô cùng đáng quý và sẽ không bao giờ phai tàn theo thời gian…
Sáu giờ sáng, một lần nữa, cùng với tiếng kẻng quen thuộc vang lên trong trại, từng đoàn người trong manh áo tả tơi lê bước ra, vai vác cuốc xẻng, tay xách bi-đông nước, ai nấy cùng chung nét gầy gò, đen sạm, và đôi mắt, trời ạ, cùng ánh mắt hoang mang không biết một ngày mai, và cùng một nét nhẫn nhục, chịu đựng, đau thương đến chừng nào... Tất cả chúng tôi đều chạy sát ra hàng rào của sân nhà đợi, và dõi mắt chăm chú nhìn theo từng người đi qua, hy vọng sẽ tìm thấy nét quen thuộc nào của người thân mình. Nhưng có đến hàng trăm các chú các bác bước qua, và hàng chục nhóm rẽ ngang, rẽ dọc vào các cánh đồng đây đó. Tôi bối rối nhìn Mẹ, Mẹ ơi, Mẹ có nhìn thấy Bố không hở Mẹ? Sao con không tìm thấy Bố mình đâu hết hở Mẹ? Mẹ tôi nhìn quanh quất để chắc chắn không có người cán bộ nào trong tầm tay, rồi nhỏ giọng cất tiếng hỏi các bác các chú đi qua trước mặt:
“Các bác ơi, mẹ con tôi ra thăm anh PTT, các bác có thấy chồng tôi không ạ? Các bác có biết anh PTT không ạ? Các bác nhắn dùm cho anh PTT biết là có vợ con ra thăm được không ạ?”
Các bác các chú tuy không dám quay lại nhìn Mẹ con tôi, nhưng ai cũng đều nhỏ giọng trả lời:
“Được rồi, được rồi!”
Có bác cũng giả vờ đưa tay lên gãi mũi, rồi lén hỏi lại Mẹ tôi:
“Thế anh ở cấp bậc gì hả chị?”
“Dạ, trước ảnh làm Đại Tá ạ”.
Mẹ trả lời.
Rồi tôi nghe các bác các chú, người thì gãi cằm, người thì che miệng ho, nguời thì giả vờ hắt hơi... để che mắt cán bộ, các bác các chú truyền miệng nhau “Này, anh có biết ông T. không?” “T. ở đội nào nhỉ? Có phải đội 18 không?” “Không, ông này là Đại Tá mà…” “Thế thì phải ở đội 21 rồi!” “Ông Luân ơi, ông ở đội 21 phải không? Nhắn cho ông T. biết là có vợ con ra thăm này”. “Sướng nhé!!” “Chúc mừng ông T. nhé!!!”
Chúng tôi nghe các bác lao xao nói qua kẽ răng mà vừa thương, vừa cảm động. Đời sống lao tù khổ ải có làm thân xác các bác các chú tiều tụy đi, nhưng vẫn không làm mất đi tình đồng đội của các chiến hữu cũ. Các bác các chú vẫn muốn, bằng cách nào đó, để giúp đỡ, che giấu cho nhau, và thật lòng san sẻ những mừng vui cho nhau như lúc này đây. Hai mẹ con tôi vẫn đang cố gắng giương mắt tìm kiếm Bố thì một bác dừng lại ngay truớc mặt. Xoay lưng lại chúng tôi, giả vờ đưa lon guy-gô lên miệng uống, bác nói:
“Chị T. phải không ạ? Tôi là Luân. Chị nhìn ra cánh đồng trước mặt nhé, gần thằng cán bộ đứng đó, anh T. đang cuốc đất, anh đội cái khăn màu xanh dưới cái nón lá đấy, chị thấy chưa? Tôi sẽ nhắn cho anh T. hay, chị và cháu đứng đây nhé.”
Nói xong, bác đậy lon nước lại và quày quả buớc đi. Một phần chúng tôi quá bất ngờ vội vã theo sự hướng dẫn của bác để tìm Bố, một phần mọi việc diễn ra rất nhanh, nên chúng tôi chưa kịp ngỏ một lời cám ơn thì đã thấy bác bước về phía cánh đồng nơi bác nói Bố tôi đang làm việc. Cánh đồng hơi xa, nên tuy bác Luân chỉ dẫn rất rõ ràng, chúng tôi chỉ đoán được người đó là Bố chứ không thể nào nhìn rõ được nét mặt hay dáng người. Quá xúc động, nước mắt tôi lại trào ra, khiến tôi lại càng chẳng nhìn thấy gì nữa. Trong khi đó, Mẹ vẫn bình tĩnh dõi mắt nhìn đăm đăm theo bác Luân đang len lỏi từ từ tiến lại gần chỗ của Bố. Tôi nghe Mẹ cười khe khẽ: “Bố nhìn thấy mẹ con mình rồi con ơi!” Mẹ giơ tay vuốt tóc, và vẫy một cách rụt rè kín đáo. Bố ngưng tay cuốc nhìn về hướng mẹ con tôi, và mở nón ra quạt. Mẹ cười qua màn nước mắt: “Bố mở nón ra để mẹ con mình dễ nhận ra cái đầu hói đấy mà…” Rồi Mẹ bảo tôi: “Bố đang men dần ra phía bìa cánh đồng kìa, con thử tìm cách đi lại gần Bố xem sao.” Chỉ chờ có thế, tôi men theo hàng rào ra ngoài cổng chỗ đồn công an.
Người cán bộ đưa mắt nhìn tôi dò hỏi, nhưng lúc đó tôi còn bé, lại lúi húi giả vờ lượm củi, nên ông ta cũng mặc kệ cho tôi men dần ra gần cánh đồng. Cách chừng bốn năm thước, tôi vẫn đang lom khom lượm củi, thì khóe mắt tôi nhìn thấy một nguời tiến về phía cán bộ. Tôi cố bước thêm vài bước và ngẩng mặt lên nhìn. Đúng là Bố của tôi rồi! Lúc đó tôi có một cảm giác thật lạ lùng như mình đang sống trong một giấc mơ kỳ ảo, chỉ có Bố và tôi. Trời đất núi rừng đảo lộn xung quanh... Tất cả mọi vật đều mờ nhạt, chỉ có Bố tôi là sáng rực... Nhưng Trời hỡi, Bố tôi đó sao?? Trong ký ức con bé 9 tuổi của tôi ngày Bố ra đi, Bố tôi luôn trắng trẻo, to lớn, gọn gàng trong bộ quân phục oai hùng với ba đóa hoa mai bạc lấp lánh trên cổ áo. Còn hôm nay, Bố gầy gò rách rưới..Bố nhỏ bé đen sạm giữa núi rừng hoang dã. Bộ áo lính cũ rộng thùng thình Bố đang mặc làm Bố càng thêm tiều tụy.. Trời hỡi, tôi muốn gào khóc thật to, sao Ông nỡ đày đọa Bố tôi đến thế này?? Bố tôi có tội tình chi đâu mà sao Ông lại gây cảnh thương tâm đến như vậy? Bố ơi, con thương Bố quá Bố ơi! Xót xa trong lòng, trái tim tôi quặn đau như bị ai bóp nát, tôi như muốn quỵ xuống,nhưng rồi cố gượng. Cắn chặt môi, tôi nhắm mắt bảo mình phải thật bình tỉnh, bởi tôi biết lúc này mà quỵ xuống chắc tôi sẽ không còn bao giờ muốn thức dậy nữa…
Bên tai, tôi bỗng nghe giọng Bố nghẹn ngào:
“Xin cán bộ cho tôi được gặp con gái tôi, đã bốn năm trời nay tôi không được nhìn thấy con tôi...”
“Thì đợi đến chiều nay, chúng tôi sẽ giải quyết cho anh được gặp mà”. Người cán bộ trả lời.
“Nhưng con gái tôi đang đứng ngay ở đây này cán bộ!”
Tôi mở choàng mắt, người cán bộ nhìn tôi bằng đôi mắt dò xét. Tôi đứng thẳng dậy và cố gượng cười. Người cán bộ chắc cũng cảm thấy được sự xúc động khao khát của cả Bố và tôi, nên sau vài phút suy nghĩ, ông ta nhìn quanh và se sẽ gật đầu: “Nhanh thôi đấy nhé!”
Tôi sững lại nhìn Bố, còn Bố thì mếu máo đưa tay về phía tôi. Khuôn mặt Bố tôi lúc đó, chắc suốt đời tôi không thể nào quên đuợc. Thời gian khắc nghiệt in hằn lên khuôn mặt Bố nét già nua tội nghiệp, đời sống lao tù ghi khắc lên đôi mắt Bố vẻ nhẫn nhục, chịu đựng thật đáng thương. Nhưng khi nhìn tôi, cả khuôn mặt và đôi mắt Bố đều bừng sáng lên rạng rỡ. Tôi liệng đám củi, chạy a lại vòng tay Bố. Giọng Bố sũng nước: “Con,ôi con tôi!” Tôi cũng nghẹn giọng gọi Bố, Bố ơi! Ôi “Bố”, tiếng Bố mà cả mấy năm trời nay tôi chỉ có gọi mà không được nghe tiếng trả lời... Trong giây phút diệu kỳ ấy, tôi thấy thời gian như ngưng đọng và quay trở lại thời gian xa xưa hạnh phúc cũ... Tôi vẫn là con bé năm tuổi đòi Bố phải cõng xuống cầu thang mỗi buổi cơm chiều, là con bé bảy tuổi mỗi ngày ngồi trong xe Jeep Bố chở đến trường và nhõng nhẽo bắt Bố phải kể đi kể lại câu chuyện Đường Tăng Thỉnh Kinh, là con bé chín tuổi mà cả thế giới của nó là Bố là Mẹ, một ngày tháng Tư đen tối cũng chia cắt làm đôi.. Tôi nhìn Bố, xót xa làm sao, Bố gầy quá, Bố ơi!
Như đọc được ý nghĩ của tôi, Bố cười trong màn nước mắt, xăn tay áo và cong tay lên khoe với tôi:
“Bố vẫn còn khỏe lắm, con xem này”. Trời ơi, thay vì an ủi, Bố lại làm tôi thương xót và lo lắng cho Bố nhiều hơn. Khác hẳn với khuôn mặt tròn to bủng beo vì thiếu dinh dưỡng, đôi cánh tay Bố gầy nhom,đen đủi, khẳng khiu, như chỉ còn xương bọc da mà thôi. Bố hỏi thăm Mẹ, hỏi thăm hai mẹ con đi đường xa có mệt không. Sau vài câu thăm hỏi bình thường, Bố khịt mũi, nuốt nuớc bọt hỏi tôi:
“Mẹ có mang nhiều đồ không hả con? Có xôi không? Có bánh chưng không? Có gà không?”...
Sau mỗi tiếng Có của tôi, nét mặt Bố rạng rỡ hẳn. Tôi nghe lòng quặn xót, và thương Bố vô cùng. Không biết bố con tôi đã nói được với nhau những gì, nhưng thời gian trôi nhanh như một giấc mơ, nguời cán bộ cắt ngang chúng tôi và hứa hẹn sẽ “giải quyết” tiếp vào buổi chiều. Hai bố con tôi lưu luyến ôm nhau một lần nữa, rồi Bố tần ngần quay ra đồng làm việc tiếp, còn tôi quyến luyến nhìn theo Bố rồi vội quay vào nhà thuật chuyện lại cho Mẹ. Trong lúc nói chuyện với Bố, Bố có nhắc đến đường mật. Mẹ nghe thế nên vội vàng dò hỏi những nguời xung quanh. Họ chỉ quay trở lại làng, đến nhà ông xe trâu hỏi thăm sẽ ra. Thế là Mẹ bảo tôi tìm đường vào làng để tìm mua cho Bố vài lon đường mật. Lặn lội nắng nôi một mình trên đoạn đường dài sáu bảy cây số, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vẻ vì nghĩ đến khuôn mặt rạng rỡ của Bố.
Buổi chiều hôm đó, chúng tôi vẫn chưa được phép gặp Bố, nhưng đứng ở hàng rào nhìn thấy bố làm việc ngoài đồng cũng là một an ủi rất lớn cho hai mẹ con tôi. Mẹ lại bảo tôi đi vào làng hai lần nữa, khi thì mua thêm cho con gà, khi thì vác về bao gạo nếp. Không hiểu sao đi đi lại lại nhiều lần như thế mà tôi vẫn không thấy mệt. Chỉ nghĩ đến Bố được ăn no đủ những món đồ này mà tôi thấy hăng hái vô cùng. Tôi ước mình có thể làm được gì nhiều hơn cho Bố nữa cơ. Buổi chiều Mẹ hỏi và người cán bộ cho phép Mẹ được gởi vào trước cho Bố một ít món ăn, con gà chiên và nồi xôi thơm dẻo. Chúng tôi hy vọng buổi tối nay được ăn uống no đủ, Bố sẽ cảm thấy phần nào khỏe khoắn hơn lên chăng. Tối đó, lần nữa hai mẹ con tôi lại dằn bụng bằng nồi cháo lỏng và thiếp vào giấc ngủ với rất nhiều mộng đẹp. Sáng hôm sau, cả hai mẹ con tôi đều dậy rất sớm. Tôi giúp Mẹ bắt bếp nấu thêm nồi xôi, và luộc thêm con gà mới mua hôm qua. Đám củi tôi luợm về rất có ích, nhưng vì còn uớt nên khói bốc lên mù mịt. Chật vật một lúc rồi hai mẹ con cũng nấu nướng xong xuôi. Mẹ còn pha được bình trà thơm và một ly nước chanh đường thật ngon cho Bố. Đến khoảng tám chín giờ thì chúng tôi nhìn thấy một đoàn bốn năm người từ trong trại đi ra. Mọi người bên ngoài ai cũng cuống quít gọi nhau mau ra để đón người thân mình. Chúng tôi nhận ra Bố ngay, vì khác với bộ áo lính bạc màu hôm qua, hôm nay Bố diện hơn với bộ đồ civil mà Bố mặc khi đi trình diện cải tạo. Có điều, bộ đồ ngày xưa Bố mặc vừa vặn sát vào mình thì giờ đây, thương thay, bỗng trở nên rộng thùng thình, phất phới như áo đi mượn vậy. Tôi ỷ mình là con nít nên mặc dù cán bộ đã dặn dò không được chạy ra khỏi nhà khách, tôi vẫn chạy ùa ra đón Bố và dìu Bố vào. Chắc chiều qua món xôi và gà Mẹ gởi Bố đã nhận đầy đủ ngon lành, nên hôm nay tôi thấy giọng Bố sang sảng hơn, ánh mắt Bố nhìn cũng tinh anh vui vẻ hơn nhiều. Tôi mừng là hôm nay Mẹ mới gặp đuợc Bố, chứ nhìn Bố cận kề như ngày hôm qua tôi thấy Bố, chắc Mẹ sẽ còn đau lòng hơn nữa...
Phút giây hội ngộ mới đẹp làm sao. Cha con, vợ chồng trong vòng tay nhau, mừng mừng tủi tủi, nước mắt hòa nhau, mặn đắng đến quặn thắt trong tim. Nguời cán bộ cho phép chúng tôi được một vài phút ngắn ngủi ôm nhau, sau đó tất cả đều phải vào ngồi trong một chiếc bàn gỗ dài sần sùi. Người cán bộ ngồi đầu bàn, bốn người tù cải tạo ngồi một bên, vợ con họ đuợc ngồi đối diện. Ba người chúng tôi may mắn được ngồi cuối bàn bên này, xa người cán bộ nhất. Một lần nữa giấc mơ như tràn về, khi tôi chỉ còn thấy có Bố Mẹ và tôi ngồi bên nhau mà thôi. Bố uống hết ly nước chanh Mẹ pha, rồi hỏi thăm các anh chị của tôi, hỏi thăm ông ngoại và các bác các dì. Rồi Bố cũng nhỏ giọng hỏi thăm tin tức của Bà Nội và các cô chú bên gia đình bố là những nguời đã di tản vào những ngày cuối tháng Tư năm 75. Cũng may, chỉ trước ngày chúng tôi đi thăm Bố vài tháng, chúng tôi nhận được thư của chị Nga, là cháu gọi Bố tôi bằng chú từ bên Đức gởi về. Chị cho biết bà nội và các cô chú, các bác đều đã bình yên định cư ổn định tại Hoa Kỳ. Được tin này, tôi thấy Bố cũng vui hẳn lên.
Rồi Bố kể cho Mẹ con tôi nghe về đời sống trong trại. Mặc kệ cho ánh mắt không hài lòng của người cán bộ, Bố nói:
“Trong này lương thực thiếu thốn, đói khát lắm, nên ai cũng tìm mọi cách để tăng thêm phần chất đạm (protein) cho mình. Con cóc, con nhái, con chuột, con rắn... hễ con gì nhúc nhích là ăn tuốt. Có anh vừa chụp được con nhái, chỉ đập đầu cho nó chết, rồi phủi đất cát qua loa, bỏ vào miệng nuốt sống luôn đấy!”
Có lẽ nhìn thấy ánh mắt kinh hoàng của hai mẹ con tôi, Bố vội vàng cười, xua tay:
“Nhưng Mẹ con đừng lo, Bố thì khác, Bố cũng ăn, nhưng Bố phải rửa sạch sẽ và bỏ vào lon guy gô nấu chín lên rồi Bố mới ăn. Không sao đâu!”
NgheBố nói mà hai mẹ con tôi thương Bố xót xa. Ngoài xã hội lúc bấy giờ, thật ra chúng tôi cũng như hầu hết nguời dân Việt Nam tại thời điểm đó, cũng đều không no đủ. Một ngày, thường chúng tôi chỉ có một hai bữa chính, chủ yếu chỉ là vài củ khoai sắn hay một chén bo bo sượng cứng (một loại thực phẩm truớc đây chỉ dành cho ngựa và các loại gia súc).
Tuổi đang lớn mà chỉ được chừng đó lót bụng, hầu như lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy đói. Thiếu dinh dưỡng, anh em chúng tôi còn phát sinh ghẻ lở nữa. Mặc dù anh chị em tôi đều bảo nhau không được một lời kêu ca, than vãn để Mẹ khỏi phải thêm lo lắng, nhưng nhìn chúng tôi gầy còm, xanh xao chắc Mẹ cũng đau lòng lắm. Dù vất vả, chật vật, nhưng không biết bằng cách nào, Mẹ vẫn ráng xoay xở cho chúng tôi bữa rau, bữa cháo, và thi thoảng còn được miếng thịt miếng cá. Hơn thế nữa, dù đói khổ, chúng tôi vẫn còn có nhau, vẫn còn có Mẹ, vẫn còn có Ông Ngoại làm nơi nương tựa. Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng, hay nghĩ đến chuyện phải bắt cóc nhái, rắn rết về ăn. Còn Bố, trong những tháng ngày tù tội đó, tự do đã không còn mà miếng ăn cũng không có. Sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần chắc hẳn còn làm Bố đau đớn và kiệt quệ hơn nhiều.
Chúng tôi gặp gỡ và nói chuyện với nhau chừng hơn 30 phút, thì người cán bộ quản giáo cắt ngang, ông bắt đầu, gọi là “kiểm điểm” từng người. Đến phần Bố, ông ta lắc đầu bảo rằng cả đội của Bố chưa thấy ai có một chút tiến bộ nào cả, ông bảo gia đình phải biết “động viên, khuyến khích” để Bố “thành tâm cải tạo, học tập tốt, lao động tốt” thì may ra mới sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Bố nghe người cán bộ phê bình mà vẫn tỉnh bơ nhún vai, và mỉm cuời với mẹ con tôi. Lạ lùng thay, khi nhìn thái độ của Bố, trong lòng tôi vừa lo lắng người ta sẽ trừng phạt Bố, nhưng lại vừa tràn ngập với niềm tự hào. Nguời ta có thể làm cho cơ thể Bố gầycòm suy nhược đến tàn tạ, nhưng họ sẽ không bao giờ khuất phục được ý chí của bố đâu, phải không hở Bố? Mấy bác và Bố tôi có kéo theo một chiếc xe hai bánh kiểu xe bò loại nhỏ để chở đồ tiếp tế vào trong trại, nên khi người cán bộ tuyên bố là buổi nói chuyện kết thúc, tôi nhanh nhẩu chạy lấy xe đẩy đến cho Bố.
Bố cúi xuống định vác một gói đồ bỏ lên xe, nhưng tôi thấy Bố lảo đảo rồi phải bỏ gói đồ xuống. Bố thở dốc, nhưng lại xoay sang cười với Mẹ sung sướng:
“Mẹ mang cho Bố nhiều quà quá!”
Tôi thấy vậy thì vội vàng tiến tới giúp khiêng cái giỏ quà lên xe cho Bố. Gói đồ mà lúc nãy Bố vác không nổi, thì tôi, dù ì ạch, nhưng cũng chất lên xe được. Một lần nữa, nước mắt tôi lại trào ra, thương Bố của con quá đi Bố ơi. Bố của tôi yếu đuối đến như vậy sao? Thật khổ cho Bố quá, tù tội, đói khát, tiều tụy, bệnh tật, cách biệt gia đình. Sao người ta ác độc quá hở Bố? Sao người ta hành hạ Bố của con ra nông nổi thế này?? Mẹ con tôi quyến luyến đi theo Bố đến nửa đoạn đường vào trại thì người cán bộ không cho chúng tôi đi xa hơn. Ba người chúng tôi ôm siết nhau một lần nữa, khóc với nhau một lần nữa, rồi thôi. Bố xiêu vẹo đẩy chiếc xe nặng trĩu đi về phía những mái nhà tranh xa xa, mẹ con tôi nhìn theo, rồi ôm nhau khóc, gọi Bố ơi Bố ơi!
Bốn ngày đêm trên chiếc tàu Thống Nhất bẩn thỉu chật chội, một ngày đò dọc bập bềnh trên sông, hàng chục cây số đường rừng lê gót từ K1 lên K5, đói, lạnh, hoang mang, sợ hãi... chúng tôi được gặp Bố tất cả chưa được một tiếng đồng hồ!
Thế nhưng đó chỉ là khởi đầu, bởi vì sau đó, mỗi năm Mẹ tôi đều tiếp tục con đường gian truân đó, theo đuổi Bố tôi từ hết trại học tập này, sang trại cải tạo khác. Từ rừng sâu Vĩnh Phú, rồi trèo đèo Thanh Phong, lặn lội Hà Sơn Bình, qua núi thẳm Hà Nam Ninh... mỗi năm tóc Mẹ một bạc thêm, vai Mẹ lại gầy guộc, nhưng không đoạn đường gian khổ nào còn có thể ngăn được bước chân Mẹ kiên trì thăm nuôi Bố. Tôi nhớ mài mại ngày còn bé vẫn nghe câu ru à ơi của Mẹ, như sau:
“Thân cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non…”
Bây giờ tôi mới hiểu được hết và khâm phục thật nhiều những người phụ nữ Việt Nam, những người vợ hiền đảm đang, thủy chung nuôi chồng qua bao năm bao tháng. Nhưng tôi thương Mẹ còn can đảm hơn Con Cò nọ, vì không một lần, không một lần nào tôi nghe Mẹ nỉ non than vãn khóc lóc vì phải gánh gạo nuôi Bố những ngày tháng qua...
PLBL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét