Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

CON CÁ LIA THIA - Hai Hùng SG


Hồi trước trong xóm tui chỉ có duy nhất nhà ông Bảy Sơ nuôi cá Lia Thia để bán. Đám con nít tụi tui thời bấy giờ ( Thập niên sáu mươi) rất khoái nuôi con này con nọ, trong đó có cá Lia Thia là khoái nuôi nhất.Ông Bảy vốn là người làm nghề thợ Sơn, hàng ngày ông đi theo mấy người Cai vô làm những công trường xây dựng , ông thuộc hàng thợ giỏi nên lương của ông lút nào cũng cao hơn những người thợ khác, mấy người Cai, Thầu khoán rất kính nể ông vì ông làm việc có trách nhiệm và hoà nhã trong cách đối nhân xử thế hàng ngày, vậy mà ông không theo nghề đã nuôi sống ông bấy lâu, bữa nọ ông về nhà làm cái nghề mới mẻ vô cùng đó là nuôi cá Lia Lia để bán.
<!>
Sau cả năm ông sửa sang lại vườn tược, ông dành một khu đất nhỏ trong vườn làm nơi nuôi và ép cá Lia Thia.

Tui còn nhớ mùa Hè năm nọ khi được cho nghỉ ba tháng, thì đám nhóc tì tụi tui xúm lại bày đủ thứ trò chơi, trước đó tụi tui đã nghe phong phanh nhà ba thằng Tèo tức ông Bảy Sơ có nuôi cá Lia Thia , nên thằng Răng Lớn bạn tui nó rủ rê:

- Hôm nay tụi mình kéo vô nhà thằng Tèo coi cá Lia Thia đi, nghe nói ông Bảy nuôi đủ thứ hết , nào là cá Xiêm, cá Phướn, Cá Tàu, cá Bảy màu nữa, nếu ông Bảy bán rẻ rẻ thì tụi mình mua về chơi, chứ chú Ba Tàu bán Cá trước cổng trường mắc thấy mồ luôn.

Tui nghe nó nói vậy tui khoái chí lắm nên hưởng ứng liền:

- Ờ thì vô đó chơi , coi cá xong mình qua chùa Phổ Minh chơi “Đánh đáo” cho mát mẻ

Mấy đứa bạn kia hình như cũng có cái máu tò mò, nghe nói vô nhà ông Bảy coi cá Lia Thia cũng khoái chí tử lắm, nhưng cái máu sợ ma nó lấn át cái tính tò mò nên thằng Cu Hoành bàn ra:

- Chèn ơi! Nhà ông Bảy xung quanh mồ mã không hà, nghe nói có nhiều người bị Ma nhát ban ngày luôn đó.

Thằng Cu bà Mười thì nghe tới cá Lia Thia là nó hí hửng, khi nghe thằng Cu Hoành nói vậy nó cự lại liền :

-Thôi mầy ơi, bá láp vừa thôi , nào giờ Ma cỏ nhát người vào lúc ban đêm thôi, chứ ban ngày mần gì có Ma cỏ gì đâu mà sợ, nếu mầy sợ thì ở nhà đi, còn tụi tao với đó coi cho đã .

Mấy thằng khác cũng hưởng ứng ý kiến của thằng Cu Bà Mười, vậy là cả đám tụi tui bắt đầu đi vô con hẻm ngoằn ngoèo để tiến về khu đất nhà ông Bảy Sơ, thằng Cu Hoành tưởng nó sẽ ở nhà , dè đâu nó cũng lót tót theo sau cho đủ bộ .
Qua khỏi khu chòm mã là tụi tui đã đặt chân lên đất vườn nhà Thằng Tèo rồi, cái hàng rào bằng cây Dâm bụt đã trổ bông thấy mê, cổng rào ông Bảy làm bằng cây tầm vông, nói là cửa rào tưởng đâu nó chắc chắn để ngăn ngừa trộm đạo, nhưng nếu quả tình ai muốn đột nhập vô nhà ông Bảy thì dễ như trở bàn tay, chỉ cần đẩy nhẹ là cánh cửa rào thì nó mở ra toang hoác tức thì, (mà thật ra những năm đầu của thập niên sáu mươi, đất nước thật yên bình có nhà đi ngủ chẳng cần đóng cửa, vì chẳng có ai đi trộm cướp bao giờ, ai cũng chí thú làm ăn theo cái nghề của mình, dân tình sống lương thiện có trước có sau, đùm bọc tình nghĩa xóm làng thật lòng và không câu nệ điều gì. )

Vô sân nhà thằng Tèo tụi tui thật ngỡ ngàng, ông Bảy tạo quang cảnh khu vườn nhà ông như cảnh thần tiên nào đó mà tụi tui từng đọc qua trong cuốn truyện cổ tích, dọc lối đi vô nhà ông trồng những hàng bông sứ Thái Lan trong những cái chậu bằng sành ngó thật đẹp mắt, phía hông nhà ông Bảy cất một cái chái nơi ông để nhiều hồ kiếng nuôi cá Lia Thia , cá Bảy màu, kế bên mấy hồ kiếng là giàn kệ gỗ nơi ông trưng bày những cái hủ bằng thủy tinh, trong mỗi cái hủ là một con cá Xiêm to, loại cá này ông bán cho những người chơi đá cá, nghe đâu một con ông bán cả mấy đồng bạc nên tui hỏi thằng Tèo:

- Ê mầy Tèo, Tía mầy ổng bán mấy đồng một con trong hủ này phải hông mậy.

Tèo nói liền một khi :

- Đúng rồi, nhưng khi mua tía tao ổng vớt trong hồ ra, chứ cá trong hủ để trưng bày thôi, mấy con đó hiếm lắm, từ màu sắc đến dáng điệu nó bơi lượn coi đã lắm.

Nghe thằng Tèo nói vậy tui hơi buồn trong bụng, vì tui lận lưng quần đúng một đồng rưỡi, vậy mà ông Bảy bán tới mấy đồng thì đến Tết “Công gô” thì cái đám cây lố cố tụi tụi mới may ra mua được, tui bèn nói với cái giọng yếu xìu:

- Tao tưởng đâu chừng đồng rưỡi là mua được, ai dè ông Bảy bán cũng cao giá quá chừng, giá này cũng bằng giá chú Ba Tàu bán trước cổng trường của tụi mình đó.

Tui xin mở ngoặc chỗ này chút xíu, tui không dám nói thẳng thừng là ông Bảy bán mắc y như ông Ba Tàu, vì nói vậy tui sợ ông Bảy và thằng Tèo không vui rồi có thể họ sẽ không cho tụi tui ở lại coi cá thì buồn lắm.

Thằng Tèo nghe tui so sánh giá bán cá của Tía nó với chú Ba Tàu, tui nghĩ trong bụng chắc nó sẽ cự nự dữ lắm, ai dè nó cười hiền rồi giải thích cho tụi tui:

- Tụi bây hông phải dân sành về cá Lia Thia, thật ra coi hai con cá giống nhau nhưng cá Tía tao bán là cá được ép từ cá giống loại tốt, cá đá nhiều trận mà chẳng thua bao giờ, còn cá Chú Ba ổng bán là loại cá sa cạ nên giá chú Ba rẻ hơn tía tao là đúng rồi, không tin tụi bây coi nè .

Thằng Tèo đến bên hàng mấy hủ keo đựng cá , nó rút tấm giấy cứng ngăn giữa hai cái hủ keo để hai con cá cận nhau không Phùng mang trợn nó đá cái bóng với nhau, tui nghe mấy người nuôi cá nếu để hai con cá đá như vậy thì con cá sẽ bị xuống sức, do nó hay táp mỏ vô vách cái hủ keo hoài thì bị tà mỏ, do đó khi lâm chiến thiệt thụ thì thua cá đối phương là cái chắc, tấm giấy cứng vừa được thằng Tèo rút ra, hai con cá Xiêm bắt đầu giương kỳ và đổi màu xanh tím xem đẹp mắt vô cùng, hai cái vây phía dưới của con cá Xiêm đỏ rực , hai con lao vào nhau để cho đối thủ biết thế nào là lễ độ, nó uốn éo mình, rồi dùng đuôi quạt mạnh nước về đối thủ , coi được chừng vài giây thì Tèo đã dùng giấy chặn lại khiến hai con cá cũng cụt hứng vì trận đấu dừng lại đột ngột khi chưa phân thắng bại.

Chưa để cho tụi tui thắc mắc, thằng tèo chỉ tay về phía ông Bảy đang thả lăng quăng cho đám cá bảy màu ăn gần đó, nó nói nhỏ:

-Tía tao ông kỹ lắm, ổng không cho tự tiện rút giấy ra cho cá đá nhau, ổng biết là tao bị “Xực “ liền.

Thì ra giàn cá trong hủ này ông Bảy quý như báu vật, ông chỉ biểu diễn khi có mối lái thân thiết mà thôi, được vài giây chiêm ngưỡng như tụi tui như vậy là quý lắm rồi.

Rồi chỗ nọ, Thằng Tèo dẫn tụi tui ra phía sau nhà, một cái ao nhỏ đầy rong rêu hiện ra, đàn cá Xiêm con bơi lội thoải mái trong làn nước mát lạnh , có nhiều con lội đến hòn giả Sơn trong hồ, nó rướn lên rỉa những sợi rêu li ti mọc trên tảng đá gần mặt hồ, ngắm nhìn đàn cá bơi lội tui cảm thấy thư thái trong lòng vô cùng, bổng tiếng ông Bảy vàng lên:

- Sao đây, nay mấy “anh” mua cá gì, tui để vốn cho. Cá Xiêm lớn năm cắc một con, cá Phướn thì bốn cắc, vậy là rẻ lắm rồi đó.

Nghe ông Bảy nói vậy tui lật đật lên tiếng:

- Vậy ông Bảy bán cho con ba con cá Xiêm đi, con lấy cá trong keo phía chái nhà được không ?

Ông Bảy như đụng phải lửa, ông nói liền :

- Thằng Phương mầy giỡn chơi Hoài, mấy con đó ba đồng ông chưa bán nữa đó, thôi bây lấy cá trong ao đi, ông lựa con bự cho về mặc sức mà chơi, còn đứa nào mua nữa không để ông vớt luôn một thể.

Không đứa nào lên tiếng, vậy là có mình tui mua mà thôi, tui cảm thấy Không vui trong bụng vô cùng, vì nghĩ rằng đứa nào cũng mua một và con về chơi, có vậy mới có cơ hội chơi đá cá cùng nhau mới vui, đàng này có ba con cá của tui thôi thì chán chết, hỏi ra thì tụi nó thú thiệt không đứa nào có tiền để mua, vậy thì đành thôi chứ biết sao bây giờ .

Trưa nọ tui đang nằm tòn ten trên cái võng, tự nhiên có bàn tay ai đó vỗ vô lưng tui, chừng nghe tiếng thằng Thành nói thì tui hết mơ màng trong giấc ngủ trưa:

-Ê Phương! Tụi nó rủ xuống đám ruộng Năng gần cầu Đen xúc cá Lia Thia về chơi kìa.

Tui ngồi dậy đưa tay che miệng ngáp, tui hỏi nó:

- Lấy cái gì để xúc cá, phải có đồ nghề gì mới bắt được.

Thành nói:

-Dễ ẹc hà Phương ơi! Lấy mấy cái rổ tre với mấy cái lon sữa bò đem theo là được rồi, còn không lấy bịch nylon đựng cá cũng được.

Tui nói:

- Rổ tre ở đâu ra, nhà tao có hai cái để má tao mần đồ ăn, lấy đi ngâm dưới sình khi về là có “Bánh tét nhưn mây” ăn liền, tao không dám đâu.

Thành liền đáp:

- Mầy yên chí đi, tụi nó có rổ hết rồi, mầy đem theo lon sữa bò thôi, kệ đi cho vui với tụi tao đi mầy.

Thú thiệt nghe Thành rủ đi xúc cá Lia Thia thì tui mê lắm, nhưng tui có phần e ngại vì trước đây trong xóm mấy người lớn tuổi hay kể khu cầu Đen có Ma Da kéo cẳng, rồi nước trong mấy ruộng Năng rất hôi thúi ngâm mình dưới đó về nhà tắm cả buổi chưa hết mùi sình bùn, ông già tía tui biết được sẽ “Cạo đầu khô” tức thì, sau một hồi suy nghĩ thiệt hơn, tui làm liều một phen vì không đành để bạn bè đi mà không có mình, dầu sao tui cũng là đứa hay bày đầu các cuộc chơi, giờ bỏ tụi nó ku ki sao đành, tui nói với thằng Thành:

- Mầy ra ngoài đường lộ trước đi, tao sẽ ra sau, đi cả đám má tao thấy bả hỏi han phiền lắm.
Trưa mùa Hè nắng chói chan, hơi nóng phía trên phà xuống, hơi nước dưới ruộng Năng bốc lên, mùi hôi của sình lâu ngày nay có dịp lan tỏa trong không khí làm cho đám nhóc tụi tui hứng trọn.

Cả đám nhào xuống ruộng Năng, mặt nước trên ruộng đến đầu gối, đi chuyển đến đâu thì mùi sình bay lên đến đó, nước dưới ruộng Năng có phèn nên trong veo như mắt mèo, nó cũng là điều thuận lợi cho tụi tui đi xúc cá, cả đám trải ra hình vòng tròn như để bao vây đám cá, từng cái rổ xúc lên ban đầu chỉ gặp toàn là cá bảy trầu, họa hoằn lắm dính được một vài con cá Phướn con nhỏ xíu, nước dưới ruộng Năng bắt đầu đen thui do bùn sình bị khuấy động, cả tiếng đồng hồ quần thảo với đám ruộng Năng tưởng đâu ra về trắng tay, nhưng Trời Phật còn thương tình tụi tui cũng xúc được cả chục con cá Xiêm đẹp tuyệt trần.

Cá Xiêm xúc được đem về chia đều cho mọi thành viên hôm đó đã tham gia, tui cũng được chia một con Xiêm đẹp nhưng tui không lấy, tui nhường lại cho thằng Răng bạn tui, Răng nói:

-Vậy thời tao lấy con cá Xiêm này cho thằng Răng nhỏ em tao, nó cũng mê cá Lia Thia lắm.

Hai con cá Xiêm của Tui và của thằng Răng đang tỉ thí trong cái “Diệm” tráng men màu da bò, dưới làn nước trong veo hai con quần thảo nhau hồi lâu , điều bất ngờ con cá Xiêm tui mua của ông Bảy lại thua con cá Xiêm của thằng Răng mà tụi tui xúc được hôm nọ, đứa nào cũng trầm trồng khen con cá thằng Răng quá mức, có thằng còn ghẹo tui:

- Con cá năm cắc mà đi thua con cá Cầu đen, quê xệ quá Phương ơi!

Phải công nhận bữa đó tui quê thiệt, vì con cá được ép ra từ nhà ông Bảy thì không thể là con cá tầm thường, vậy mà lại thua con cá hoang dã ngoài ruộng đồng hỏi ai không tức, đã quê vậy mà tui còn phải chung cho thằng Răng cây cà REM đậu xanh do chú Hai đi bán mỗi ngày ngang nơi đây.

Về nhà đêm đó tui nhìn lại ba con cá Xiêm của mình, từ lúc thua trận hồi sáng khiến tui mất niềm tin về đám cá Lia Thia này, nản chí tui chui vô mùng với giấc ngủ chập chờn vì mình là tên bại tướng không bằng .

Mới tờ mờ sáng tui đã nghe tiếng thằng Răng là làng:

- Con cá Xiêm của con đâu rồi má, má có thấy đâu không.

Bác Tư má thằng Răng nói:

- Cá kiết của bây nuôi má có biết đâu mà rờ, bây coi chừng thằn lằn nó câu đó, hồi hôm có đậy lại không.

Bác Tư lần mò đến bên cái bàn nơi mấy hủ cá Xiêm của thằng Răng nuôi, nhiều giọt nước còn đọng lại trên mặt bàn gần cái hủ keo đựng con cá bị mất.

Bác Tư vỗ bàn nghe cái chát, bác nói:

- Đích thị là thằn lằn nó câu rồi bây ơi, mơi mốt nhớ đậy đệm cẩn thận, mấy con thằn lằn nó khôn dàn trời mây luôn đó.

Mất con cá chiến của mình, vì nó mới lập chiến công sáng nay, vậy mà giờ đây nó đã nằm trong bụng thằn lằn rồi, thằng Răng lẫm bẫm nói:

- Đám thằn lằn quỷ này tụi bây sẽ biết tay tao.

Kể từ hôm đó, đám gà nòi của Bác Tư có thêm nguồn thức ăn dồi dào nhiều chất đạm bổ dưỡng, thằng Răng lên chiến dịch tiêu diệt đám thằn lằn trong nhà để trả thù cho con cá Xiêm yêu quý mà chết yểu của nó.
Thời gian như “bóng Câu cửa sổ” đúng y như câu thơ của thi sỹ nào đó đã nêu, mấy chục năm sau mỗi khi có dịp gặp lại nhau tụi tui ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu thật vui, rồi thì cuộc sống vô thường cũng điểm danh từng người, thằng Răng bạn tui nó về thăm ông bà trong cơn bạo bệnh, tui đến viếng tang thăm nó, tui dự định mua một con cá Xiêm, bỏ trong cái hủ đem lại để trên bàn thờ cho nó xem, nhưng tui không dám thực hiện, bởi còn nội ngoại nó hai bên nếu tui làm vậy đôi lúc gây khó chịu cho gia đình vì họ đâu có hiểu chuyện ngày xưa của đám con nít tụi tui, thôi Răng ơi! sau này tới phiên tao về dưới gặp mầy, tao sẽ ráng mang theo bịch cá Xiêm có vài con trong đó để anh em mình tiếp tục chơi trò đá cá Lia Thia nghe Răng .

Một ngày nhớ đến bạn tui
Thứ Bảy 20.7.2022- 18:31

Đây là loại cá thường sống ở đồng ruộng, ao, đầm… được phát hiện tại Đông Nam Á, thường nhất là ở Thái Lan và Campuchia, nên hay được gọi là cá Xiêm. Là loại cá chịu được môi trường khắc nghiệt như lũ lụt hay hạn hán, có sức sống mạnh mẽ và tính thích nghi trong mọi môi trường. Hiện nay, sau một thời gian lai tạo đã có hơn 73 giống cá được công nhận, hầu hết là giống Betta splendens, Siamese hay Fighting fis


những loại đuôi dài lê thê có tên gọi là cá phướn có màu sắc rực rỡ, nuôi để làm cảnh nhiều hơn để đá




Các màu sắc phổ biến của cá lia thia


Lia thia là loài cá dễ nuôi nhất; chỉ cần có một con trống,một con mái là dễ dàng tao được một đàn cá.
Chọn cá lia thia trống mái khi còn nhỏ khá khó, cá khi còn nhỏ có ngoại hình khá giống nhau vì cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Mặc dù vậy, cá khi lớn sẽ có một số khác biệt khá rõ để phân biệt cá trống và cá mái.
 Ngày nhỏ hắn cũng cho cá ép(danh từ dành cho cá lúc giao phối), cũng dễ nhận biết giới tính của cá, con trống luôn sặc sỡ hơn, vi, kỳ cũng lớn và dài hơn. Khi bụng cá mái lớn và ánh vàng là lúc cá cần giao phối, lúc đó thả cá trống vào, sau mọt lúc rượt đuổi hai con sẽ áp sát vào nhau, hai thân cá quấn lấy nhau và dễ dàng nhận diện cơ quan sinh sản của cá mái, nó sở hữu ống dẫn trứng, có thể nhìn thấy rõ một đốm trắng nhỏ giống hạt muối nằm ở giữa vây trước và vây bụng của cá.
Cá trống vặn mình nơi cơ quan sinh dục và trứng tuôn ra từng đợt sau mỗi cái vặn mình. Khi cá trống ép hết trứng là lúc phải vớt cá mái ra để cá trống làm nhiệm vụ nuôi con. Trứng lúc đó chìm dưới đáy chậu, cá trống ngậm từng đợt trứng thả lên bọt nước mà trước đó cả hai đã nhả nổi ở trên mặt. Sau đó cá trống giữ trứng cho đến khi nở ra cá con, hắn không nhớ là mấy ngày nhưng không lâu. Những con cá con nhỏ như những con bọt nước và sau đó cũng được nuôi bằng con bọt nước sau khi vớt luôn cá trống ra ngoài. và cuối cùng đi hớt lang quăng cho cá ăn.
Cũng hết lần này sang lần khác hắn mới biết ép cá, mẹ hắn đem về cho hắn chiếc khạp màu da bò để nuôi cá con. Hắn đâu biết bán, đem cho bạn lối xóm, đổi mại được cái bánh hay que kem rồi cùng nhau mỗi buổi trưa dem cá ra sân sau của niệm phật đường Nguyên Hương bày trạn đá cá, hò hét àm vang sân chùa.
Nhớ lúc đó bố hắn bảo hắn là đi hớt con "bọ gậy" cho cá ăn, hắn gặp lũ bạn nói lại là con bọ gậy bị cả đám cười chế nhạo, nhưng hắn cũng ngoan cố không gọi là lăng quăng.
... Quê hương tôi, cái mùng mà kêu cái màn.... những câu hát chọc thằng bắc kỳ zốn, vậy mà nhớ mãi đám con nít này đã hơn 60 năm
Ara

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét