Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

Cây Đàn Guitar Cũ - Bùi Phạm Thành


Từ ngày ra trường, Trung sống và làm việc ở Los Angeles, một thành phố đông đảo, ồn ào, và nhộn nhịp nhất của tiểu bang California, không thích hợp với tánh tình trầm lặng của Trung. Thế cho nên khi hãng có mở chi nhánh ở Quận Cam, miền nam của tiểu bang, thì Trung là người đầu tiên xin chuyển về nơi đó. Hầu hết nhân viên trong hãng không muốn bị chuyển đi nơi khác bởi vì họ đã có gia đình và cư ngụ lâu năm ở Los Angeles. Thế cho nên, đơn xin của Trung được hãng chấp thuận ngay lập tức, cho dù ông trưởng phòng không muốn mất đi một nhân viên giỏi giang và siêng năng như Trung.
<!>
Hãng cho Trung nghỉ phép một tuần để tìm nơi cư ngụ mới. Vì hãng đã chuẩn bị kỹ càng cho chi nhánh mới, nên đã liên lạc với một văn phòng địa ốc địa phương để giúp nhân viên di chuyển dễ dàng về trụ sở mới. Vì chi nhánh của hãng ở một khu vực kỹ nghệ mới phát triển, chung quanh đều là nhà và chung cư rất mới. Theo lời của nhân viên địa ốc thì khu vực này chưa tới năm tuổi, nên giá thuê hơi cao, bởi vậy Trung đồng ý với Jim, một anh bạn độc thân cùng sở và cùng "cảnh ngộ", để chia nhau ở trong một căn chung cư hai phòng khang trang, mỗi phòng đều có phòng tắm và phòng vệ sinh riêng biệt, ở từng thứ tư của một khu chung cư rất mới, có đầy đủ tiện nghi như phòng tập thể dục, hồ bơi, và cả một khu sinh hoạt chung có bán thức ăn nhẹ, nước giải khát cũng như cà phê và bia.
Một tháng trôi qua thật nhanh, Trung và Jim đã bắt đầu quen thuộc với văn phòng mới cũng như tiện nghi của nơi ở. Trung có máu văn nghệ, hồi còn đi học ở tận tiểu bang Minnesota vẫn nghêu ngao đàn hát với bạn bè. Sau khi ra trường, vì tìm được việc làm ở Los Angeles nên đã tặng hầu hết các vật dụng cũng như quần áo ấm và cả cây đàn guitar cho những đứa bạn còn ở lại cái vùng băng giá đó. Thằng Jim thì chỉ mê chơi video game, thế cho nên Trung muốn tìm mua một cây đàn guitar để giải khuây.
Trung có ghé qua Guitar Center để thử một vài cây đàn guitar, thế nhưng cái nào "nghe được" thì giá lại "không được", thế cho nên cả mấy tuần vẫn chưa thể quyết định mua. Một hôm, tình cờ đọc thấy trên trang "rao vặt" của một tờ báo có đăng bán cây đàn guitar cũ, thuộc hãng chế tạo đàn danh tiếng của Mỹ, nhưng không cho biết giá bán là bao nhiêu. Không hiểu vì lý do gì, có thể là do sự tò mò, khiến Trung nảy ra ý định muốn xem và nếu có thể sẽ mua, dù là đàn cũ. Người trả lời điện thoại khi Trung gọi là tiếng của một người đàn ông, giọng có vẻ là người lớn tuổi, yếu ớt. Qua một vài câu chào hỏi xã giao, bỗng người đàn ông ở đầu dây bên kia hỏi:
- Anh là người Việt Nam hả?
Trong khoảnh khắc ngạc nhiên, Trung chỉ trả lời với một chữ "Dạ" cộc lốc.
Có tiếng cười nhẹ bên đầu dây:
- Tên anh là Trung thì chắc là người Việt Nam rồi. Tôi tên là Thạch.
Trung đã lấy lại được bình tĩnh:
- Dạ, chào... bác Thạch. Bác đoán đúng rồi, cháu là Trung, người Việt Nam.
Sau đó thì cuộc đàm thoại trở nên vui vẻ, thân mật hơn. Cuối cùng thì Trung lấy giấy bút ghi địa chỉ của nhà ông Thạch, và hẹn chiều thứ Sáu, sau giờ làm việc, sẽ ghé qua để xem cây đàn. Ông Thạch cho biết vì có chút việc bận, nên muốn hẹn gặp Trung sau 9 giờ chiều.
Ngày giờ qua nhanh, chiều thứ Sáu, Trung theo sự chỉ dẫn của bản đồ đến gặp ông Thạch để xem cây đàn. Căn nhà của ông Thạch ở một góc khuất, cuối đường hơi thiếu ánh sáng vì có nhiều cây lớn, bên cạnh là một miếng đất trống nên có vẻ như riêng biệt. Thời đó chưa có Google Map, nếu không có quyển bản đồ thì chưa chắc đã dễ tìm ra.
Vừa gõ được vài tiếng thì ông Thạch đã mở cửa, mời vào. Trong nhà có vẻ nghèo nàn, cũ kỹ, có lẽ vì tiết kiệm nên đèn chỉ vừa đủ sáng để chủ và khách nhận ra nhau. Ông Thạch lên tiếng:
- Tôi ở một mình nên bừa bộn và tối tăm, chắc cậu không phiền...
Trung cười nhẹ, trấn an:
- Có sao đâu bác...
Ông Thạch mời Trung ngồi ở chiếc ghế ở bàn ăn, rồi bước vào phía trong, mang ra một cây đàn guitar đưa cho Trung. Vừa cầm đàn trên tay, tim Trung bỗng dưng đập mạnh, có lẽ vừa nhìn thấy tên Martin Co. bằng khảm xà cừ ở chỗ lên dây đàn. Trung dùng ngón tay lướt qua sáu dây đàn thì âm thanh quả là trong trẻo, khi vỗ nhẹ vào thùng đàn và gảy nốt trầm thì âm thanh thật ấm áp tuyệt vời; cây đàn được lên dây đúng nốt, tim Trung dường như rung theo tiếng đàn và đập mạnh hơn. Trung buột miệng:
- Đàn đã được lên dây... vậy là bác biết chơi đàn... sao lại bán?
Ông Thạch mỉm cười:
- Không, tôi chả biết đàn địch gì cả... một nốt nhạc cũng không.
Rồi ông giải thích:
- Cây đàn này của con gái tôi. Nó không còn ở với tôi nữa, nên chẳng lẽ để đó mà phủi bụi, nên muốn bán nó đi...
Đột nhiên ông Thạch hỏi:
- Cậu có biết hát không?
Trung hơi ngạc nhiên, nhưng cũng thẳng thắn trả lời:
- Cháu cũng biết đàn hát đôi chút, nhưng mấy năm rồi không sờ đến cây đàn hoặc hát hò gì cả.
Ông Thạch gật đầu:
- Vậy bây giờ với cây đàn này đây, cậu hát thử một bài cho tôi nghe được không?
Trung đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác nhưng bỗng dưng cảm thấy hứng thú:
- Nếu thế thì cháu hát thử bài “Cây Đàn Bỏ Quên” cho bác nghe nhé...
Có lẽ vì âm thanh ngọt ngào của cây đàn và nguồn cảm hứng bất chợt nên Trung đã say sưa đưa tiếng hát quyện vào với tiếng đàn nhịp nhàng, trầm bổng. Sau khi Trung ngưng hát thì ông Thạch có vẻ như rớm nước mắt, cảm động:
- Hay quá, cậu hát hay quá, ước gì...
Ông Thạch bỏ lửng câu nói, và Trung thì cảm thấy như có một điều gì khác lạ, ấm áp, êm đềm phủ xuống chung quanh hai người.
Tay vẫn ôm chặt cây đàn vào lòng như sợ nó tuột mất, sau vài giây ngần ngừ, Trung nhìn thẳng vào mắt ông Thạch:
- Thưa bác, theo như cháu biết thì cây đàn này là loại đắt tiền, bác nên đem ra tiệm đàn để người ta định giá cho, nếu không thì sẽ bị lừa đấy...
Ông Thạch đưa tay ngắt lời Trung:
- Cậu quả là thật thà. Tôi không biết đàn, nhưng tôi biết giá trị của cây đàn. Không ai lừa gạt được tôi đâu. À mà cậu có thích cây đàn này không?
Trung gật đầu:
- Dạ thích, thế nhưng có lẽ bác nên đem ra tiệm đàn để họ định giá cho đúng, vì xem chừng bác cũng cần có thêm một số tiền để đỡ vất vả đấy chứ...
Ông Thạch cười ra tiếng:
- Hà... hà... người xưa có nói “Vật tìm chủ” quả là như thế này đây. Cây đàn này đã tìm ra chủ mới của nó rồi đấy. Vậy thì “vật đi theo chủ” là đúng chứ sao? Tôi tặng cây đàn này cho cậu đấy. Cậu có nhận không?
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến Trung nghẹn lời và tim đập liên hồi tưởng chừng như người ngoài có thể nghe được. Trung ấp úng:
- Nhưng... nhưng mà...
Ông Thạch ngắt lời:
- Cậu không phải nói thêm điều gì nữa cả. Cậu chỉ cần nói cho tôi biết là tôi tặng cậu cây đàn này thì cậu có nhận hay không mà thôi?
Trung lắp bắp, nói trong hơi thở và nhịp tim đập thình thịch:
- Dạ... nhận...
- Thế mới phải chứ!
Ông Thạch lập đi lập lại hai ba lần, rồi ngước mặt và giơ hai tay lên như phân trần với trời đất, hay một kẻ vô hình nào đó: “Cây đàn tìm được chủ mới rồi đấy... ha... ha... ha... Tốt lắm... tốt lắm... Bằng lòng chưa? Bằng lòng chưa?... ha... ha... ha...”
Đột nhiên ông Thạch quay sang Trung:
- Hôm nay tôi vừa trải qua nhiều việc nên hơi mệt, cần đi ngủ sớm. Thôi cậu hãy mang cây đàn này về nhà đi, và đừng nghĩ ngợi, thắc mắc gì nhiều. Chúc cậu tìm được nguồn vui trong âm nhạc với cây đàn này.
Trung chỉ biết cảm ơn rối rít trong khi ôm chặt cây đàn vào lòng như sợ ông Thạch đổi ý. Và chỉ cảm thấy yên tâm khi đã về đến phòng.
Ngày hôm sau, Trung vào trang web của hãng sản xuất đàn Martin, rồi đánh số thứ tự của cây đàn để tìm hiểu thêm, và được biết là cây đàn này đã được làm cách đây hơn năm năm, vì được chế tạo bằng loại gỗ đặc biệt của Phi châu nên số lượng chỉ có hơn hai trăm cây đàn được bán ra thị trường, và trị giá thời bấy giờ là ba ngàn năm trăm đô-la.
Sau khi được biết về chi tiết của cây đàn, Trung lại càng cảm thấy áy náy với cảm giác không công bằng với ông Thạch. Sau nhiều ngày dằn vặt, thứ Bảy tuần sau, Trung quyết định lái xe đến nhà ông Thạch một lần nữa. Đến nơi, Trung hết sức ngạc nhiên vì thấy trước sân nhà có cắm bảng "For Sale". Trung ghi số điện thoại của nhân viên địa ốc rồi gọi và theo lời chỉ dẫn, Trung ghé đến văn phòng địa ốc gặp người đứng bán căn nhà, để tìm hiểu thêm về người chủ nhà, ông Thạch, người mà một tuần trước đây đã tặng Trung cây đàn guitar quý giá, nay lại bán nhà đi đâu, chẳng rõ.
Người nhân viên địa ốc giải thích với Trung:
- Theo luật của địa ốc, để tránh thưa kiện có thể xảy ra sau này, chúng tôi, nhân viên bán nhà, phải tiết lộ cho người mua tất cả những gì liên hệ đến ngôi nhà đang được rao bán. Ngôi nhà này trước kia chỉ có hai cha con ở chung, và cả hai đều chết trong nhà. Cô con gái 18 tuổi, nghe nói là một nhạc sĩ, bị tai nạn xe cộ, bác sĩ tưởng không có gì nguy hiểm nên cho về nhà. Qua sáng hôm sau thì chết vì ra máu trong não. Người cha của cô ta, vì quá đau lòng, nên lên cơn đau tim và gục chết ngay cạnh cô con gái. Vì căn nhà vẫn còn nợ nhà băng nên phải rao bán để lấy lại vốn, thế nhưng đã hơn một năm vẫn chưa bán được, vì hàng xóm đồn rằng căn nhà đó có ma. Theo tôi thì chỉ là lời đồn đại vẩn vơ vì ngôi nhà bị bỏ hoang cả năm trời, trông có vẻ tối tăm, cũ kỹ, thuộc loại "fixer upper", thế nhưng rất tốt cho người mới mua căn nhà đầu tiên, vì vị trí của nó rất tốt, đất đai rộng rãi, có cả vườn sau, sân trước, và giá thì rất rẻ... Ông có muốn tôi chở đến đó để xem bên trong nhà hay không?

Bùi Phạm Thành
Ngày 4 tháng 6 năm 2022

Không có nhận xét nào: