Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Thơ Tứ Tuyệt và thơ Cổ Phong - Nguyễn Van Hoà


Thơ Ðường luật phổ biến trên thi đàn Việt Nam xưa, xuất xứ từ đời Ðường (618-907) bên Trung Hoa. Nói đến thơ Đường người ta thường nghĩ ngay đến các bài Thất ngôn bát cú, bảy chữ tám câu. Thất ngôn bát cú có luật lệ gò bó khó làm; trong đó có hai cặp 4 câu thơ: 3&4; 5&6 mà nội dung của bài thơ thường phải gói gọn trong 4 câu “biền ngẫu” Thực và Luận này. Nó rất chi ly, ngặt nghèo về thanh, vần, niêm, luật, đối, bố cục mà chỉ cần sa sẩy một chút là bị coi là thất luật. Thể thơ này các người lớn tuổi ưa thích, thường hay dùng để bày tỏ tình cảm ý chí, ngâm vịnh, trào phúng, xướng họa, khai bút đầu Xuân...
<!>
Trong trường thi ngày xưa, người ta bắt buộc thí sinh phải làm một bài Đường luật. (Có lẽ khi buộc làm bài thơ Đường, thí sinh phải gói gọn ý tưởng trong 56 từ ngữ mà không được nói lan man, thí sinh viết cùng thể loại, lại là loại khó, giám khảo sẽ dễ chấm bài!).

Nguồn minh họa: Internet.Gọi là thơ Đường luật để phân biệt với thơ Cổ phong xuất hiện trước đời Đường không có luật lệ nhất định.

Các biến thể khác của thơ Đường luật là Ngũ ngôn bát cú, Ngũ ngôn Tứ tuyệt và Thất ngôn tứ tuyệt.

Thất ngôn tứ tuyệt thường thấy giống như các bài thơ Đường luật bảy chữ tám câu được lược bỏ đi 4 câu giữa, còn lại bốn câu gồm hai câu mở đề và hai câu kết. Nhờ vậy người viết sẽ dễ thể hiện bài thơ vì nó ít gò bó hơn. Đồng thời sự cô đọng đến cao độ của bài thơ mang đến cho người thưởng lãm như được nhìn một bức tranh thủy mặc phác thảo, hay giống như một thông điệp cho kiếp nhân sinh; khi đọc lên ta thấy rung cảm đến lạnh người! Thơ Tứ tuyệt chỉ có 4 câu, đôi khi các câu đầu rất thông thường, nhưng câu Kết lại là những câu xuất thần, ta gọi là “Thần cú”. Có người chỉ nhớ vài câu “thần cú” ấy mà quên cả bài thơ hay tên của tác giả, ví dụ như bài:

Lương Châu Từ

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, BB TT BB B
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi. TT BB TT B
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, TT BB TT T
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? BB TT BB B

Dịch nghĩa:
Chiếc ly dạ quang đầy rượu Bồ Đào (một thứ rượu nho nổi tiếng ngon tuyệt)
Vừa muốn uống say, thì tiếng đàn tì bà (thúc quân) đã vang từ trên lưng ngựa.
Dù có say ngủ lăn trên sa trường, mong anh đừng chê cười,
Trước nay chinh chiến mấy người về đâu?

Đó là bài thơ Tứ tuyệt với luật Bằng vần Bằng của Vương Hàn.
"Từ" là bài thuộc loại "Thơ ca" của các chiến binh.
Còn đây là bài thơ Tứ tuyệt với luật Trắc vần Bằng của Trương Kế:

Phong Kiều Dạ Bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên TT BB TT B
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên BB TT BB B
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự BB TT BB T
Dạ Bán chung thanh đáo khách thuyền. TT BB TT B

Dịch thơ:
Đỗ thuyền đêm ở bến Phong Kiều

Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bãi sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Bản dịch tiếng Việt của Tản Đà đã chuyển thể thành lục bát
).

Thầy dạy của Lý Công Uẩn là Thiền sư Vạn Hạnh, một nhà sư uyên bác, một trí thức đứng hàng đầu trong những người có học vấn đương thời. Hãy đọc một bài thơ “Thị đệ tử" của ông để cảm nhận chất Thiền trong bài thơ:

Thị đệ tử

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc Xuân vinh, Thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa:
Thân người như bóng chớp, có rồi lại không
Như muôn cây cỏ mùa Xuân tươi tốt đến mùa Thu khô héo
Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi
Vì thịnh suy nối tiếp nhau như hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ.

Dịch thơ:
Dạy đệ tử

Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối Xuân tươi, Thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương trong.
(Ngô Tất Tố dịch)

Bài này nói rằng trên cõi đời không có cái gì là vĩnh cửu. Thân của con người, cũng như cái bóng chớp, có rồi lại biến thành không, như các thứ cây cối, mùa Xuân tươi, Thu lại khô. Vận của đời người dù có lúc thịnh lúc suy, nhưng cũng đừng sợ hãi. Sự thịnh suy đó chỉ là những việc tạm thời như giọt sương đọng trên ngọn cỏ.
Và đây là bài thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt luật Trắc vần Trắc:

Giang Tuyết

Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kinh nhân tung diệt
Cô chu thôi lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết.

(Bài thơ thất niêm - thanh thứ 2 của câu 1 khác với thanh thứ 2 câu 4)

Dịch nghĩa:
Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng,
Trên đường muôn ngã, dấu người vắng tanh.
Thuyền trơ trọi, ông lão áo tơi, nón lá
Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh.

Chỉ cần có vài mươi chữ thôi, bài Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên phác họa cho ta một bức tranh sơn thủy hữu tình, đẹp đến tê tái, lay động lòng người. Bài Phong Kiều Dạ Bạc nêu trên cũng cũng là một trong những bài thơ diễm tuyệt, hay đến nỗi khi nhắc đến thơ Tứ tuyệt điển hình là người ta đã nghĩ ngay đến nó.


Nguồn minh họa: Internet. Thơ Cổ phong

Khác với thơ Đường luật ở chỗ thơ chỉ cần vần chứ không cần phải theo luật bằng, trắc. Các bài thơ Cổ phong có thể dài ngắn khác nhau. Số câu trong Cổ phong cũng không quy định cụ thể. Đoản thiên có thể bốn câu, sáu câu, tám câu hoặc trên mười câu... Trường thiên là những bài thơ dài. Nó gần giống như thơ “mới” chúng ta ngày nay.

Vần trong thơ Cổ phong cũng tự do hơn. Có thể là bài thơ chỉ dùng một vần trong cả bài. Cũng có thể thay nhiều vần.

Các thể thơ “Phú” hoặc “Hành” cũng thuộc những thể thơ Cổ phong. Bài Hịch Tướng sĩ của Hưng Đạo Vương cũng là bài Cổ phong. Về lời (số chữ) trong câu thì được phép dài, ngắn khác nhau không phải nhất thiết năm hay bảy chữ trong suốt bài thơ.

Bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang như sau, là một ví dụ:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

(Ta để ý số câu: 4; trong đó 2 câu đầu 5 chữ, hai câu sau mỗi câu 6 chữ).

Dịch thơ:
Trước chẳng thấy người xưa
Sau chẳng thấy ai cả
Ngẫm trời đất vô cùng,
Một mình lệ lã chã.
(Vũ Đức Sao Biển dịch )

Trần Tử Ngang (651 – 702) tự là Bá Ngọc, người tỉnh Tứ Xuyên. Ông sống trong thời thịnh Đường, vẫn có những bài thơ cổ thi bất hủ.

Hãy đọc lại bài thơ của Mãn Giác Thiền sư* (1052-1096) thuộc loại Cổ phong mà ta rất quen thuộc:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thư*ợng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Ta để ý số câu: 6 ; trong đó bốn câu đầu 5 chữ, hai câu sau mỗi câu 7 chữ)

Dịch thơ:
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Già đến Trên đầu rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai.

Đây là bài thơ Mãn Giác Thiền sư đã đọc lên trước khi viên tịch. Là vị cao tăng thời Lý; tên thật của ông là Lý Trường. “Mãn Giác đại sư”* là pháp danh do vua Lý Nhân Tông truy tặng cho ông.

Ông đã trả lời cho ta về lẽ tử sinh của đời người mà ai ai cũng phải trăn trở. Lẽ sống chết đã được quan niệm một cách mới mẻ, lạc quan hơn, và được nhìn một cách nhẹ nhàng! Đó là di chúc của một vị Thầy đối với hết thảy mọi người. Tu hành được mãn giác, có thể vượt ra ngoài cuộc sinh hóa của trời đất. Cũng giống như cành mai ấy, là niềm tin cho sự trường tồn, sự tiếp nối bất tận. Với Mãn Giác, mùa Xuân không phải chỉ là lúc Chúa Xuân ngự đến, mà bất chợt khi vài đóa mai nở muộn trước thềm đêm qua, đóa mai sẽ không tàn phai theo năm tháng.


Nguồn minh họa: Internet.Ta không phải là các nhà thơ chuyên nghiệp. Ta làm thơ để chia sẻ vui buồn cho nhau. Nhưng cho dù không có tham vọng để lại cho đời sau các bài thơ bất hủ, ta vẫn mong để lại một cái gì đó như ông lão Behrman trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của O. Henry: vẽ chiếc lá cho cô Sue. Bức vẽ không đẹp về mặt mỹ thuật. Nhưng chiếc lá thắm đậm tình người, vẽ bằng nguyện ước của cả cuộc đời người họa sĩ nghèo, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Chính vì vậy nó trở thành bất tử.

Mong lắm thay.

NGUYỄNVĂNHÒA_http://www.trunghockientuong.com/readingroom/110418_nguyenvanhoa_thotutuyet_thocophong.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét