Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Nhắc Đến Những Người Hội An - Đỗ Hữu Long


Những diễn tiến nghiệt ngã của lịch sử dân tộc từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay đã đưa các thế hệ người Hội An phân tán đến những nơi xa lạ. Một số người không thể tiếp xúc với nhau trực diện, nhưng qua phương tiện truyền thông, sử sách hoặc một vài cơ hội hi hữu, họ cũng có dịp tưởng nhớ đến nhau với một số chi tiết liên hệ biểu lộ qua bài viết.
<!>
Phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam Lê Minh Thái

Theo bản tin AP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Julie Watson, Ông Lê Minh Thái, một phóng viên nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam đã từ trần ngày 10/10/2014 tại một nhà dưỡng lão ở Encinitas, tiểu bang California- hưởng thọ 93 tuổi sau bảy năm lưu trú tại đây.

Theo lời kể của những người thân thuộc, ông Thái là trưởng nam của một gia đình thương nghiệp tại thành phố cổ Hội An, Việt Nam. Ông trở thành một nhân viên của giới truyền thông Sài gòn khi làm việc với Associated Press vào thập niên 1950 và sau đó cộng tác với tạp chí Life Time trong suốt cuộc chiến Việt Nam.

Ông cũng liên hệ chặt chẽ với Chính Quyền và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cũng như tận tình giúp đỡ các phóng viên ngoại quốc di chuyển khắp lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Ông cũng là nhiếp ảnh viên đặc biệt cuả Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và đã được Tổng Thống yêu cầu chụp những tấm hình chân dung chính thức. Ông cũng xông xáo săn hình trong những căng thẳng bùng nổ giữa Sài Gòn gồm những cuộc biểu tình của sư sải và sinh viên trong lúc chiến tranh leo thang.


Lê Minh Thái — Photo: The Sandiego Union-Tribune

Năm 1963 ông giúp tuần báo Time mở văn phòng tại Sài Gòn. Người Mỹ thường đến tiệm ảnh của ông ở Sài Gòn để chụp hình gởi về gia đình. Ông cũng mời quân nhân Mỹ đến nghỉ ngơi tại nhà hoặc đưa đi dạo phố.

Mở đầu sự nghiệp, ông cung cấp tin tức cho tuần báo Pháp Paris Match. Ông cũng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ, và tiếp theo là phóng viên tại Geneve cung cấp tin tức thỏa hiệp hoà bình chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Ông Thái và gia đình đi Mỹ ngày 23 tháng 4 năm 1975 sau nhiều tháng làm việc giúp đỡ nhân viên Time Life di tản. Ông định cư tại Los Angeles, tiếp tục làm việc cho báo Times đồng thời mở một tiệm chụp hình dành cho khách Việt Nam làm thủ tục cư trú. Ông chấm dứt làm việc với báo Time năm 1984 nhưng vẫn tiếp tục hành nghề chụp hình khi về hưu.

Vào tuổi thanh niên, ông Thái rời Việt Nam để theo học quân sự tại Học Viện Quân Sự Côn Minh (Kunming Military Academy) miền Nam Trung Hoa. Trong cuộc chiến Hoa-Nhật, Ông gia nhập hàng ngủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng trong cương vị một sĩ quan tình báo có nhiệm vụ nhận diện những cảm tình viên thân Nhật Bản. Ông bị trúng một viên đạn bên cạnh sườn và mang trong người suốt đời. Ông chấm dứt liên lạc với Trung Hoa Dân Quốc khi Pháp tái lập kiễm soát Việt Nam sau Thế chiến II. Ông Thái làm giáo viên tại Hội An một thời gian và di chuyển sang Lào với vợ, mở trường học, làm nhiếp ảnh viên cho hoàng gia Lào truớc khi trở lại Việt Nam năm 1953.

Ông sống với vợ -bà Ying- sáu con và sáu người cháu tại Carlsbad, tiểu bang Cali.

Ông Thái hưởng thọ 93 tuổi, suy ra ông sinh năm 1921, như vậy trong khúc quanh lịch sử năm 1945, ông đang độ thanh xuân 24 tuổi. Tiểu sử cuả ông Thái làm người dân phố Hội nhớ đến nhạc sĩ tài hoa La Hối, tác giả bản nhạc bất hủ Xuân và Tuổi Trẻ.

Nhạc sĩ La Hối.

Nhạc sĩ La Hối là một thành viên trong tổ chức của cư dân Hội An gốc Hoa chống Nhật, bị hiến binh Nhật bắt tháng 5 năm 1945, tra khảo và bắn chết với mười đồng chí, chôn chung một huyệt mộ tại chân núi Phước Tường lúc 25 tuổi. Sau khi Nhật đầu hàng, di hài cuả nhạc sĩ và các tử sĩ được thanh thiếu niên Hoa kiều ở Hội An tổ chức nghi lễ trang trọng đưa về an táng tại nghĩa trang đối diện với chùa Chúc Thánh. Thời thiếu niên, chúng tôi có dịp nhìn ngắm hình họa chân dung nhạc sĩ La Hối và các liệt sĩ trưng bày trong sảnh đường cánh phải chùa Ngũ Bang đường Cường Để.


Nhạc Sĩ La Hối – Photo: 1thegioi

Như vậy có thể nghĩ rằng ông Lê Minh Thái là người cùng một đoàn thể với nhạc sĩ La Hối, nhưng đuợc cấp trên điều động đi học quân sự và tình báo tại Học Viên Quân Sự Côn Minh nên tránh thoát cuộc tàn sát cuả quân phiệt Nhật.

Việc theo học các trường quân sự tại Trung Hoa Dân Quốc vẫn là những cơ hội hiếm hoi dành cho một vài cá nhân thuộc những lực lượng cách mạng Việt Nam lưu vong tại Trung Hoa hoặc họat động tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Ông Thái được đưa đi từ Hội An đến thủ phủ Vân Nam, quả là một sự chiếu cố đăc biệt cuả Trung Hoa Quốc Dân Đảng đối với một gia đình uy tín và hữu công.

Cư dân thành phố Hội An từ thời Pháp thuộc đến năm 1954 có một sắc thái đặc biệt với đa số người gốc Minh Hương. Vào thời chúng tôi, bạn học người Minh Hương nhiều lắm, họ chỉ biết tiếng Việt và học chữ Việt, nhưng vào thế hệ của quý ông La Hối, Lê Minh Thái (1920) văn tự và ngôn ngữ chắc hẵn phải nghiêng về Hán văn, Pháp văn, Hoa ngữ, Pháp ngữ. Ngay như bản nhạc Xuân và Tuổi Trẻ, phần lời ca lúc ban đầu do nghệ sĩ Diệp Tuyền Hoa viết bằng chữ Hán. Năm 1946, khi nhà văn Thế Lữ đưa đoàn kịch nói Anh Vũ xuôi Nam, đến Hội An trình diễn, cảm khái cuộc đời cuả tác giả và giai điệu cuả bản nhạc nên xin phép soạn lời ca bằng tiếng Việt, lưu truyền đến ngày nay.

Từ những sự kiện kể trên, có vài người nghĩ rằng ông Lê Minh Thái mang một họ nào khác. Đọc chính sử và dã sử Trung Hoa, người ta hiếm thấy nhân vật họ Lê trong khi họ Lê rất phổ biến trong sách vở Việt Nam, phát tích từ những nơi sơn dã thuần Việt, cổ Việt như Ninh Bình, Lam Sơn. Trước Hiêp Định Geneve, Hội An có nhiều cửa hàng trưng bày đẹp mắt, nhưng muốn tìm mua những vật dụng kim khí như đinh, ốc, kềm, buá… phải ghé tiệm La Thiên Hòa. Cụ La Thiên Hòa cũng là một cội nguồn của một tôn tộc, con cháu nội ngoại đông đảo và thành đạt.

Hồi chánh viên hữu công La Thanh Đồng

Anh La Thanh Đồng là trung úy bộ binh công sản Bắc Việt gốc người Hội An, Quảng Nam. Theo tài liệu The Chieu Hoi Program of Viet Nam cuả SGM Herbert A. Friedman, anh Đồng hồi chánh ngày 20 tháng Giêng năm 1968 với thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Khe Sanh.

Trận chiến Khe Sanh khai hoả ngày 21 tháng Giêng năm 1968, truớc tổng công kích Tết Mậu Thân chín ngày, đựợc nhiều tài liệu và nhiều tác giả nhắc đến với đầy đủ chi tiết.

Một chiến dịch oanh tạc khổng lồ bằng không quân yễm trợ cho thủy quân lục chiến cố thủ Khe sanh. Kể đến giữa tháng Tư, hơn 100.000 tấn bom -tương đương với sức tàn phá cuả năm quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima- do phi cơ của không quân, hải quân, thủy quân lục chiến ném xuống xung quanh căn cứ. Tính ra, mỗi ngày có 1.300 tấn bom được xử dụng hay là 5 tấn cho mỗi đầu người cộng quân Bắc Việt với tổng số ước lượng khoảng 20.000 cán binh tham chiến. Ngoài ra, 158.000 đạn đại pháo cũng được bắn vào những khu đồi núi trong khu vực, bình quân mỗi cán binh cộng sản nhận lảnh 8 quả đạn.

Âm thanh cuả trận đánh Khe Sanh vang dội đến Toà Bạch Ốc, các đô thị lớn cuả Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Tổng Thống Johnson ra lệnh phải giữ Khe Sanh bằng mọi giá. Tuớng Westmoreland cũng nhắc đến vũ khí nguyên tử (Nguyên văn: In late January, General Westmoreland had warned that if the situation near the DMZ and at Khe Sanh worsened drastically, nuclear or chemical weapons might have to be used)

Hồi chánh viên La Thanh Đồng cung cấp kế hoạch hành quân tổng quát cuả cộng quân Bắc Việt và tiến trình cuả trận đánh. Anh trình bày rõ mưu toan cộng quân tiến chiếm Đồi 861 và Đồi 881S để mở đầu cuộc tấn công chính thức nhắm vào trận điạ Khe Sanh. Trong cuộc giáp chiến, cộng quân sẽ đuợc yểm trợ bằng pháo binh hạng nặng đã được che chắn kỹ lưỡng trong dãy núi Co Roc thuộc lãnh thổ Lào. Kể từ khi Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến Việt Nam, Khe Sanh là nỗ lực quan trọng nhất do tướng Giáp chỉ huy. Chiến thắng của thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh có thể là phần đóng góp tin tức từ người hồi chánh qúi báu nầy. (Nguyên văn: The Marine’s victory at Khe Sanh can be attributed in part to the information gained from this valuable Chiêu Hồi).

Sau đó, anh La Thanh Đồng được Bộ Chiêu Hồi tuyển dụng làm đại đội trưởng võ trang tuyên truyền, trú đóng tại trung tâm chiêu hồi Cần Thơ. Anh Đồng là một nguồn tin sống vô giá, cũng là ân nhân cuả người Mỹ vì vậy thỉnh thoảng vẫn có những người Mỹ đến thăm viếng, phối kiểm tin tức, tặng quà.

Vốn là người Quảng Nam, nhỏ con, chơn chất, sinh hoạt và làm việc giữa những đồng đội hồi chánh viên thuộc các đơn vị cộng sản điạ phương miền đồng bằng sông Cửu, anh Đồng cảm thấy khó khăn, cô đơn, anh ngỏ ý muốn được thuyên chuyển về trung ương hoặc một địa phương thích hợp. Một viên chức hành chánh cuả Bộ Chiêu Hồi phụ trách Quân Khu IV ghi nhận nguyện vọng cuả anh và tìm cơ hội gíup đỡ. Tuy nhiên sự thay đổi nhiệm sở đến Quân Khu II, Nha Trang đã xảy ra và lời hứa với người đồng hương không thực hiện được vẫn là mối ám ảnh khó quên.

Sự rút quân và cắt viện trợ cuả Hoa Kỳ kéo theo sự sụp đổ cuả Việt Nam Cộng Hoà tạo ra nổi thất vọng, đau đớn khôn nguôi đối với quân dân cán chính Miền Nam. Riêng đối với các hồi chánh viên đã tích cực đóng góp tin tức, tham gia các cuộc hành quân tiểu trừ cộng sản, cảm thấy tuyệt vọng và phẫn uất cùng cực vì họ là những đối tượng bị Mafia cộng sản xem là phản đảng và bị trả thù tàn bạo nhất.

oOo

Hội An, một thành phố đa văn hoá gồm các màu sắc Việt, Hoa, Nhật (Chùa Cầu), Pháp (nhà thờ Công Giáo). Cho đến 1955, người Việt gốc Hoa giữ ưu thế về sở hữu bất động sản và các hoạt động thương mại. Tiếp theo, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hoà được thiết lập vững vàng với Quốc Hội và Hiến Pháp, cuộc sống tại các đô thị phát triển nhanh chóng, lôi cuốn đông đảo cư dân các quận xa, gần đến sinh cơ lập nghiệp, trong khi môt số thanh thiếu niên gốc rễ Hội An, Đà Nẵng có dịp hướng vào Sàigòn và các tỉnh, thị miền Nam. Tuy đua chen trong khung cảnh mới lạ, năng động và hấp dẫn, một số người vẫn giữ những quyến luyến, những lưu niệm từ khi mới lớn đến lúc ra đi.

Chùa Cầu Hội An

Nhắc lại Hội An với những cá nhân đặc biệt là tâm trạng “hoài hương” của một người luống tuổi chưa có dịp trở lại thăm bà con, mồ mả, bạn bè, “cảnh cũ người xưa” của quê hương xứ Quảng kể từ 1990, khi chuẩn bị tham gia chương trình H.O. tị nạn cộng sản.

Đỗ Hữu Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét