Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Một thoáng hương xưa - Hắc Long Lê Văn Nguyên

Một thoáng hương xư - Một thoáng ngậm ngùi...
Michigan vào đầu mùa đông thời tiết thật lạnh, có khi chỉ còn một hoặc hai độ Fahrenheit. Từ bên trong khung cửa kính, tôi nhìn ra bên ngoài, một màu trắng xóa bao phủ mọi thứ, những hạt tuyết nhỏ li ti lất phất bay trong gió. Màu trắng của tuyết, màu xám nhạt của bầu trời mùa đông khiến người ta có cảm giác cô đơn và nhỏ bé hơn bao giờ hết. Tôi đã có tâm trạng ấy mỗi khi đông đến, 24 mùa đông là bấy nhiêu cái bồi hồi trong dạ mỗi khi nhìn thấy cảnh vật nhạt nhòa trong tuyết trắng. Cuộc sống của tôi thật bình lặng, êm ả không chút bận tâm về mọi thứ, nó giống như mặt nước hồ thu của buổi sáng trong sương mù, không gợn sóng, không lay động dù là một cơn gió thổi qua.
<!>
Thời gian qua thật mau, thấm thoát đã 24 năm sống ở xứ người, cuộc sống của người tị nạn, con dân của vùng đất tự do đã bị cộng sản chiếm đoạt năm 1975, tôi rời quê hương ở cái tuổi không còn trẻ trung gì nữa, cái tuổi tứ tuần sau bao năm sống trong một chế độ đầy nghi kỵ và hận thù khiến tôi có cái cảm giác mình là kẻ thừa thãi trong một xã hội đầy bất công này. Một kẻ đã bị loại khỏi vòng chiến, người chiến bại trong cuộc chơi thì cái giá phải trả cho tương xứng, cái giá ấy được bên thắng cuộc đưa ra thật đắt: Phải chết!

Cựu trung đội trưởng, cựu huấn luyện, cấp bậc thiếu úy, binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, đơn vị phục vụ tiểu đoàn 5.

Tôi đi tù vào giòng tháng 6 năm 1975 lúc đó mới vừa 24 tuổi với tội danh Ngụy quân. Sau 6 năm đằng đẵng trong trại “học tập” người lính thua trận mới được tha về, tôi đã trải từng chặng đường gian khổ, mỗi nơi đều có mồ hôi đổ ra công việc khổ sai, mỗi chỗ có nước mắt tuôn trào vì bạn tù vừa nằm xuống, mỗi địa danh có nhiều nấm mồ của những người lính thua trận được chôn sơ sài giữa rừng già hiu quạnh: Bù Gia Mập, Kà Tum, Hàm Tân.
Ba năm lính, sáu năm tù, một cái giá thật đắt cho một sĩ quan thuộc loại hạng bét trong Quân Đội, một bản án khắc nghiệt mà kẻ thắng cuộc dành cho người thua trận sau hàng chục năm chiến tranh dai dẳng thù hận giữa hai lý tưởng: Tự Do và Cộng Sản.

Năm 1972 cộng sản Bắc Việt mở ba cuộc tấn công lớn với vào ba tỉnh: Quảng Trị, Kon Tum và An Lộc. Đất nước đang lâm nguy, miền Nam Việt Nam có thể rơi vào Cộng Sản cho nên bắt buộc phải ban hành lệnh Tổng Động Viên trong toàn quốc, tôi rời bỏ khung trời Đại học để tham gia quân ngũ và trường Bộ Binh Thủ Đức là nơi đào tạo tôi thành người sĩ quan trong tương lai. Khóa 2/72, đại đội 41, trung đội 413 với vô vàn kỷ niệm cho những tháng ngày gian khổ của quân trường này.
Đầu năm 1973, đầu quân về TQLC, phục vụ tiểu đoàn 5, đại đội 4, tôi có những ngày tháng vui buồn trong đơn vị này, mặc dù không lâu lắm nhưng đã in đậm vào tâm khảm của người lính vừa mới đáo nhậm đơn vị. Cái chết của thiếu úy Chính, trung đội trưởng, toàn thân đầy máu của người đại đội phó tên Lễ, rồi những cái chết của các người lính trong trung đội 4, tất cả đã khiến tôi bàng hoàng chua xót khi nhận ra rằng số phận con người thật mong manh trong chiến tranh. Họ giống như những chiếc lá héo tàn rơi rụng mỗi khi có cơn gió thổi qua. Quảng Trị, vùng đất của chiến tranh, vùng đất mà cả hai bên giành giật nhau từng tấc đất đánh đổi bằng máu, sinh mạng của con người trong năm 1972. Bích La thôn nép mình bên dòng sông Vĩnh Định hiền hòa như cái tên của nó, cầu Ba Bến nhộn nhịp với những chiếc GMC chở đầy những người lính trẻ, họ được tăng cường cho các đơn vị, từng cơn bụi mù bốc lên đằng sau chiếc xe khi ẩn khi hiện khiến người ta liên tưởng đến những đến chiếc xe tang đang đưa con người vào chỗ chết. Đồi Dương với những thân cây gầy guộc, xơ xác với lỗ chỗ vết đạn, mảnh bom, chúng rền rĩ, than khóc cho vùng đất thân yêu đã tan hoang vì chiến tranh.

Một năm trấn thủ lưu đồn và cuối cùng tôi cũng rời khỏi Quảng Trị để về Trung Tâm Huấn Luyện Nguyễn văn Hùng theo nhu cầu đòi hỏi cấp thiết: Sĩ quan huấn luyện viên. Sau khi trình diện người chỉ huy phó, đại úy Trần Xuân Bàng cùng vài lời nhắn nhủ về quân phong, quân kỹ, tôi được phân công về ban Tổng Quát do trung úy Phạm duy Mác phụ trách. TTHL/TQLC nằm trong căn cứ Sóng Thần, một khu vực rộng lớn được bàn giao từ quân đội Mỹ, căn cứ này ngoài TTHL Nguyễn văn Hùng còn có các hậu cứ của các tiểu đoàn tác chiến, bệnh viện Lê hữu Sanh, khu gia binh, trường trung học v.v... Nhiều người không biết TTHL có tên là Nguyễn văn Hùng nên cứ thường gọi là TTHL Sóng Thần. Giống như các quân trường khác trong nước, Nguyễn văn Hùng đầy đủ các ban huấn luyện nhưng quy mô nhỏ hơn bởi chỉ đào tạo cho riêng binh chủng TQLC. Ban tổng quát, chiến thuật, tác xạ vũ khí mìn và cuối cùng là cơ bản thao diễn, môn này còn thêm phần cận chiến do hai huấn luyện viên phụ trách: Thượng sĩ Trần văn Ngà, huyền đai tứ đẳng nhu đạo và La văn Sáu huyền đai nhất đẳng Thái cực đạo, người cùng trung úy Nguyễn văn Đào đoạt huy chương vàng trong hai hạng: Đai đen nhất và tam đẳng. Cả hai mang rạng danh cho đơn vị trong đại hội võ thuật toàn quân năm 1974.

Phục vụ trong binh chủng đều là tình nguyện cho nên bất cứ ai muốn kiếm chữ thọ trên đầu thì không thể trừ phi bị thương tích trên người hoặc nhu cầu đòi hỏi, nói khác đi là loại sĩ quan bất khiển dụng, hoặc chiến trường không cần đến. Tất cả sĩ quan trong TTHL đều thuộc Khối Bổ Sung, khối này có nhiệm vụ quản lý nhân sự, nhận lệnh thuyên chuyển từ cấp trên ban xuống mỗi khi có nhu cầu cần đến: Nguyễn văn Long, Phạm lê Vỹ trở lại hành quân phục vụ trong đại đội vũ khí nặng, tiểu đoàn Tổng hành dinh.
Hầu hết các sĩ quan trong TTHL đều bị thương ngoài chiến trường, họ không còn khả năng phục vụ trong đơn vị tác chiến mà giải ngủ thì chưa đủ tiêu chuẩn vì vậy để giải quyết vấn đề là đưa về đơn vị không tác chiến để phục vụ.
Hồ văn Lành bị ăn trúng đạn cối, người chi chít mảnh pháo.
Vũ đình Nghị bị đạn 12 ly 7 bắn thủng ngực trong hành quân Hạ Lào, Lam Sơn 719.
Trần Ngọc Ẩn đạp trúng mìn may mà không đứt tiện 2 chân.
Nguyễn Kha Lạt bị thương vào đầu, cuốn Poncho chờ mang đi chôn.
Trần thành Nghĩa bị bệnh suyễn nặng...
Còn nhiều sĩ quan khác như: Lý mộng Thu, Huỳnh thiên Thản,
Nguyễn văn Châu, Nguyễn trọng Sơn, Nguyễn minh Chiếm, Trương
công Chính.v.v....

Như đã nói qua bởi vì người nào cũng là dân tác chiến nên không có vụ nổ văng miểng văng khói của thời xưa mà chỉ duy nhất đấu hót về cuộc sống, sinh hoạt và nhất là tình cảm cá nhân của mình, có thể hầu hết ai ai cũng có bạn gái hoặc người yêu, chỉ duy nhất một mình tôi là không, chẳng biết là cao số hay tại sinh vào can Canh mà đến vào giờ phút đó vẫn mình không chiếc bóng.
Cuộc sống của các sĩ quan trẻ trong TTHL rất buồn chán và tẻ nhạt, ngoài những buổi ra bãi tập để huấn luyện khóa sinh, tôi cùng các sĩ quan khác bù khú về những ngày ngoài Quảng Trị, cái nóng như thiêu đốt của mùa hè, lạnh cắt da thịt vào mùa đông và những cơn mưa dai dẳng kéo dài cả tuần lễ trong lúc thu về. Chính vì cuộc sống vô vị trong đơn vị cho nên bọn trẻ như tôi thường tìm cách dọt về Sài Gòn để xem phim hoặc uống cà phê, tán tỉnh các em học sinh non dạ nhẹ lòng. Cafeteria, La Pagode, Brodard cùng với các rạp chiếu phim như: Mini A, mini B, Bến Thành đều có mặt thường xuyên của tôi và một số bạn bè khác trong TTHL. Một đôi khi cùng với Lành, Nghị hoặc quá giang Trung úy Lý mộng Thu, Huỳnh thiên Thản về Sài Gòn thăm bạn bè cũ khi còn mài đũng ghế nhà trường, đại học Khoa Học: Lê việt Dũng, Trần cao Tuấn, Nguyễn trọng Luật, Lê văn Tánh.v.v.

Cuộc sống của người lính trẻ độc thân trong đơn vị huấn luyện thật nhàm chán bởi không bao giờ được cầm lấy tờ giấy phép trong tay họa hoằn lắm thì chỉ duy nhất là 4 giờ phép. Cái lý do từ ngài chỉ huy trưởng đưa ra thật chí lý: Đơn vị đang hành quân ngoài Quảng Trị thì chúng ta cũng nên chấp nhận cái hiện thực này. Nói khác đi là ngài chỉ huy trưởng thi hành lệnh từ trên đưa xuống một cách máy móc và bất cứ ai vi phạm sẽ bị trừng trị một cách nghiêm khắc: 4 ngày trọng cấm và gia tăng... Và tôi cũng là nạn nhân của lệnh này sau khi “dù” về Saigòn xem bộ phim Papillon đang ăn khách.
- Mẹ kiếp! Phạt thì phạt, tớ cóc sợ, cùng lắm trở lại tác chiến thôi.
Tôi chửi thề một cách hùng dũng mà không hề úy kỵ dù đang ngồi cùng với các sĩ quan đồng cấp và cao hơn. Lúc ấy tôi thật sự bực bội bởi sự kiểm soát nghiêm khắc kia, ra cổng và vào đều bị ghi tên dù là ra bãi huấn luyện để công tác, cuộc sống không khác gì đang ở tù cho nên trở lại đơn vị tác chiến thì cũng tốt thôi hơn nữa tôi cũng từ ngoài mặt trận trở về chẳng sợ thằng tây nào khi bị hăm dọa hoặc bị kỷ luật.

Bộ phim Papillon được tạm dịch “Người tù khổ sai” từ tác phẩm của nhà văn người Pháp tên Henri Charrière dựng thành phim và chính cái tên Papillon quỷ quái này đã khiến cuộc đời của tôi đi vào khúc quanh không lối thoát. Thứ nhất là bị 4 ngày trọng cấm vì bất tuân lệnh khi ra khỏi đơn vị mà không được sự đồng ý của cấp chỉ huy, thứ hai là bị châm chọc từ Lan khi tôi và cô ấy tranh luận về lối phát âm của chữ Papillon…
Hôm ấy vào cuối tuần, hình như là thứ bẩy thì phải. Hồ văn Lành cùng ban Tổng Quát và cùng cấp bậc rủ tôi ra Thủ Đức uống cà phê, nói như vậy thì bạn phải hiểu là cả hai ra ngoài mà không có tờ giấy phép lận lưng, đi mà không e ngại gì cả nếu dưới cái nhìn của cấp chỉ huy là loại vô kỷ luật, loại đáng bị nhốt vào chuồng cọp, cũng như mang đi cho cá mập ăn.

Bạn cũng thông cảm cho bọn sĩ quan trẻ như tôi, lặn lội ngoài bãi huấn luyện cả ngày bất kể mưa nắng, bất kể nhọc mệt, khổ sở để rồi sau đó giam mình trong căn phòng từ ngày sang ngày, chẳng có một điều gì làm ngoài công việc được giao phó mà không có trò tiêu khiển nào khác, cái sở thích duy nhất là vào câu lạc bộ Hoa Biển để uống cà phê đồng thời đấu láo với nhau. Tôi và Lành nhấp nháp chút cà phê, nghe nhạc và sau đó quay về TTHL.
- Ghé vào đây một chút rồi về cũng không muộn, vã lại trời còn sớm.
- Trời đất! 7 giờ rồi ông Lành, sớm hay muộn gì nữa đây cha.
- Ghé nhà bà Lan, bạn gái của ông Nghĩa (trung úy Trần thành Nghĩa, tiểu đoàn phó, tiểu đoàn 2 khóa sinh).
- Bạn ông Nghĩa chứ đâu phải bạn của tôi mà ghé thăm.
Tôi bực bội càm ràm.
- Thì có sao đâu, mình ngồi chơi một chút thôi.Đúng là thiếu úy khó à nghe. Hồ văn Lành cười khà khà châm chọc.
- Thiệt là xui hết sức. Điệu này thì không phải là 4 củ mà là gia tăng
thành 8 khi vào trại quá trễ.
Tôi làu bàu than thở.

Nhà của Lan là căn biệt thự nhỏ, đối diện với hậu cứ của tiểu đoàn 3
TQLC, trại Đặng đình Thích. Nhà không lớn nhưng nom gọn gàng với những khóm hoa đủ màu sắc được trồng dọc theo lối đi vào nhà. Vừa bước vào trong sân, tôi đã nghe tiếng reo lớn của cô gái:
- Eo ui! Vừa nhắc đến ông thì liền có mặt. Hay thật!
Giọng Bắc Kỳ lanh lãnh khiến tôi toát mồ hôi vì sợ, người ta nói các cô gái Bắc thường là đanh đá, chua ngoa và mồm mép, tuy chưa gần gũi nhiều về họ nhưng trong thời gian còn mài đũng ghế nhà trường tôi đã từng tiếp xúc với các cô thì quả không sai chệch bao nhiêu. Một Khánh Vũ liến thoắng, mồm mép, Ngọc Ngà chua ngoa và sau này một Tâm Thái, Nhã Khanh đều như vậy cho nên cứ nghe tiếng của các cô gái Bắc thì lập tức tôi liền tránh né, chính nhà thơ Nguyễn tất Nhiên còn phải ca thán:
“Anh nhớ tính tình cô gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”

Thú thật là thằng tôi không phải kỳ thị Bắc, Trung, Nam hoặc chê bai này nọ bởi bản thân cũng là Bắc Kỳ lai, nói khác đi rau muống và giá sống lẫn lộn trong người. Cha là Bắc chính tông, nguyên quán Nam Định còn mẹ là Nam rặc gốc gác Biên hòa và thằng tôi ra đời và lớn lên trong miền Nam trù phú, dĩ nhiên mang tính xuề xòa, mộc mạc của người Nam phần, tuy nhiên vẫn phải có ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phong cách của ông già. Nói khác đi vẫn còn một chút khách sáo, màu mè của Bắc Kỳ, tuy không đến nỗi “Mời ông xơi cơm, mời bà xơi cơm hoặc vâng ạ, vâng ạ...” nhưng nhất định vẫn còn mang đặc tính sĩ diện hảo và lối phát âm mang hơi hướm nhẹ nhàng của người miền Bắc chứ không tuềnh toàng của dân giá sống chẳng hạn như: “Đi dìa, đi dô” hoặc là “con cá gô bỏ dô gỗ nó nhảy gột gột”…

Trở lại câu chuyện của Lan, không những chỉ duy nhất một mình cô ta mà còn có 2 người khác. Một cô gầy teo như cây sậy và khuôn mặt có nét hao hao giống Lan áng chừng là em hoặc là người thân, cô còn lại thì dáng thon thả với mái tóc đen huyền óng ả xõa ngang vai, cô không đẹp nhưng có nét duyên dáng hiền hậu nhưng khi nghe 2 cô ríu rít nho nhỏ trò chuyện với nhau thì… lại là cô Bắc Kỳ nho nhỏ.
- Ông Lành này, bộ phim Papillon đang chiếu ở rạp Mini A đã xem chưa nhỉ?
Lan chợt lên tiếng khiến tôi thấy có chút không đúng bất giác khiến suýt tí nữa phì ra tiếng cười lớn nhưng còn kịp giữ cái lịch sự tối thiểu chỉ nhếch mép mà thôi.
- Bộ tôi nói không đúng sao mà ông cười. Lạ thật!
Tôi sững sờ đến nỗi không biết trả lời ra sao cho hợp lý bởi chữ Papillon mà Lan phát âm không phải giọng Pháp. “Papi… lon” mà chữ “lon” được kéo dài và nhấn mạnh. Thật sự là khóc không ra nước mắt, nói xa hơn là nằm cũng trúng đạn, tôi chỉ biết gãi gãi mũi cười gượng nhưng trong lòng chửi thầm cô gái đanh đá kia. Nếu ai đã học Pháp văn thì 2 vần “l” liền nhau thì biến thành âm “giong" nhưng thật nhẹ, thí dụ như động từ Travail khi được chia vào số nhiều như: “Nous travaillons, vous travaillez” thì phải đọc thành “tra- vai- giong” chứ không thể thành âm “lon" như Lan đã phát âm.
- Đâu có… Tôi...Tôi…
- Tôi cái gì? Rõ ràng là ông cười tôi đấy mà! ông Le phải không? Có bao giờ tôi nhìn thấy ông trong TTHL đâu, mới về phải không?
Lan chất vấn liên tục không hề ngừng nghỉ giống như khẩu M16 đang mở “ra phan” khi đụng trận.
- Tên Lễ chứ không phải là Le. Bà Lan này thiệt tình ghê! Lễ về TTHL lâu rồi nhưng không thường tiếp xúc với người khác nên bà không biết thôi.
Lành lên tiếng bào chữa dùm tôi.
- Lễ hay Lê hoặc gì gì đó tôi không cần biết, ông Le! Hồi nãy tại sao lại cười?
Tôi dỡ khóc dỡ cười vì với lý luận bá đạo của Lan nhưng tốt nhất là đừng chọc giận nữ nhân:
- Tại vì chị Lan phát âm hay và chuẩn quá nên cười chứ ngoài ra không có ẩn ý gì khác. Phim “Người tù khổ sai” rất hay và gay cấn tôi đã xem rồi, chị cùng 2 cô này cần nên xem.

Có lẽ được khen ngợi nên Lan không chiếu tướng tôi nữa mà quay sang tiếp tục trò chuyện với Lành. Hai cô gái đối diện cũng ngừng nói với nhau nhưng lắm khi liếc tôi với nhiều tò mò lẫn thắc mắc, có lẽ các cô đã từng lên TTHL nhưng chưa bao giờ gặp tôi ở đó cũng có thể xót xa cho một nạn nhân bởi tính điêu ngoa của Lan.
Trên đường về trại, Lành phân trần giải thích về chuyện đã xảy ra vừa rồi:
- Tính của Lan là vậy hay tranh cường, hiếu thắng nhiều khi ông Nghĩa cũng chịu thua, ông cũng đừng quan tâm đến cô ta.
- Tôi biết! Không ngờ trên đời lại có loại người bá đạo như thế thật là
hết ý kiến!

Sau đó rồi dần dà quên đi chuyện bực mình ấy. Thế nhưng chuyện đời không đơn giản như vậy, tôi lại gặp các cô gái đó khi họ lên TTHL, mỗi lần như thế là tôi tránh xa vì ngại lẫn sợ hãi bởi ông bà xưa vẫn thường nói “Tránh voi chẳng xấu mặt”, với tính tình ngang ngược như Lan thì thà rằng nói với đầu gối còn sướng hơn trò chuyện với cô ta. Thường thường bộ ba đi cùng với nhau, chắc chắn mỗi lần lên đây là có Nghĩa ra cổng nhận người vào hoặc đôi khi trung úy Nghĩa đi công tác thì Lành thay chân làm việc này.
Câu lạc bộ Hoa Biển là nơi phục vụ cho các sĩ quan trong TTHL: Đón tiếp thân nhân, người quen, bồ bịch hoặc là nơi cho bọn sĩ quan độc thân như tôi lên bù khú hàng giờ bên ly cà phê nóng hổi, đắng nghét nhưng đậm đà tình chiến hữu, đó là thời gian hạnh phúc nhất trong đời của tôi, một sĩ quan trẻ độc thân không người yêu lẫn bồ bịch khi cuộc sống bị gò bó trong khuôn khổ kỷ luật khắt khe của quân đội.

Là huấn luyện viên, các sĩ quan phải mẫu mực, nghiêm khắc trong tác phong cùng tư cách: Giày phải đánh bóng, tóc hớt cao, ống tay áo xắn trên cùi chỏ, lon cổ áo phải thêu rõ ràng và bảng tên đơn giản chứ không được màu mè thêm dấu trên đó v.v....
Dù không muốn dính dáng gì đến Lan nhưng một đôi khi tôi cũng phải bị lôi cuốn vào chốn thị phi này bởi không cầm lòng nổi với những lời năn nỉ của Lành:
- Ông ra cổng nhận người dùm đi, ông Nghĩa đi công tác, tôi đang bận cạo râu cũng như chưa tắm rửa gì hết.
Hoặc là:
- Một mình tôi đối phó cả ba rất mệt hơn nữa chả có gì thú vị hết. Làm ơn đi ông Lễ!
Chính vì cả nể và không muốn buồn lòng bạn bè mà cuộc đời người lính
trẻ đi vào ngõ rẻ không lối thoát. Tôi ra cổng nhận người và lịch sự mời cả ba cùng vào câu lạc bộ sau khi ký vào phiếu kiểm soát từ nhân viên gác cổng đưa cho. Một điều thú vị là Lan không dám tai quái như hôm nào, cô ăn nói từ tốn và lịch sự với tôi, có thể cô biết đây là nơi có lắm con mắt nhìn vào, thứ hai phải gìn giữ sĩ diện cho Nghĩa và cuối cùng đây không phải là nơi để cho Lan tác oai tác quái như ở nhà.

Từ khi có dịp tiếp xúc với ba cô gái, tôi được biết thêm về họ: Huệ và Hiền. Huệ là em ruột của Lan, Hiền là bạn của hai chị em từ khi còn ở trường trung học Hưng Đạo.
- Hiền còn đang học hay đã đi làm?
- Dạ, Hiền đang làm ở Thư Viện Quốc Gia.
Giọng Bắc êm êm và mượt mà có khác với các cô gái mà tôi đã từng quen biết, đặc biệt là Hiền sinh ra vùng đất nổi tiếng về hai mặt: Câu ca quan họ và nhan sắc, chính vì vậy mà tôi thường trêu cô:
- Hiền có biết về bài hát mà trong đó có câu nghe thật hay.
- Câu gì vậy hở anh? Hiền không biết.
Cô mở to mắt với vẻ ngạc nhiên lẫn tò mò.
- E… hèm… tôi hắng giọng... em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa.
Cô đỏ mặt đồng thời nguýt một cái rõ dài, dài cả cây số cùng với nét ngượng ngùng trên mặt.
- Không dám đâu.
- Có gì mà không dám, em gái Bắc Ninh cùng anh trai Biên Hòa là xứng đôi vừa lứa, Lễ là dân Biên Hòa chính cống mà Hiền hình như quê quán ở Bắc Ninh. Đúng là xảo hợp.
Lành ngồi bên nói thêm vào khiến Hiền đỏ mặt tía tai vì ngượng lẫn
xấu hổ, cô gằm mặt nhìn xuống đất không dám ngước lên trong suốt buổi hôm ấy, mặc ai nói gì thì nói Hiền giữ im lặng một cách kỳ lạ hoặc có thì chỉ gượng gạo trả lời qua loa chiếu lệ. Thực sự từ khi biết Hiền cho đến ngày hôm ấy, tôi chưa bao giờ trò chuyện nhiều với cô ngoài những câu khách sáo rỗng tuếch nhưng chắc chắn là từ trong thâm tâm đã cất giấu hình ảnh cô Bắc Kỳ nho nhỏ ấy rồi, một cảm giác cô đơn trống vắng mỗi khi cô vắng mặt trong những lần thăm viếng. Tôi chỉ muốn nhìn thấy khuôn mặt của Hiền, muốn nghe giọng Bắc êm ả ngọt ngào của em, muốn nghe tiếng cười giòn tan mỗi khi nghe câu thú vị nào đó của bạn bè thốt ra. Một thứ tình cảm thật nhẹ nhàng trong sáng không bợn nhơ bởi dục vọng và tôi biết đó chỉ là tình yêu đơn phương bởi Hiền chưa bao giờ biểu hiện lời nói nào cũng như cử chỉ thân thiện với tôi cả.

Tháng 3 năm 1975, miền Nam Việt Nam đang đi vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành hình quốc gia tự do dân chủ. Triệt thoái khỏi vùng Cao nguyên tức là bỏ ngỏ vùng 2 chiến thuật cho cộng sản chiếm giữ, rồi lui binh của TQLC ra khỏi Quảng Trị để rồi tan hàng ở bãi biển Thuận An, tin tức chiến sự dồn dập đưa ra từ báo chí Tây Phương cũng như các đài truyền thông như BBC, VOA… những tin tức một chiều hoàn toàn bất lợi cho miền Nam và vô tình đưa quốc gia nhỏ bé nhưng vô cùng kiên cường này vào sự hỗn loạn chưa từng thấy. Hiểm họa mất nước đang dần đến, một nguồn tin không mấy chính xác cho biết: Các đơn vị tinh nhuệ của Dù, TQLC thành lập hành lang an toàn từ Sài Gòn ra Vũng Tàu để rồi dùng các vận tải hạm bốc tất cả đưa về miền tây tức quân khu 4 chuẩn bị cho việc tái chiếm các vùng đất đã rơi vào tay giặc.

Tình hình bi quan như thế khiến tôi cảm thấy bi ai trong lòng, nếu thật sự là như vậy thì người lính miền Nam sẽ hứng chịu một sự trả thù ghê gớm nhất là hàng ngũ sĩ quan như tôi chẳng hạn. Người Cộng Sản vô thần, duy vật sẽ dùng mọi hình thức tàn khốc để đối phó với kẻ thù của họ khi cả triệu cán binh bỏ xác ở rừng già Trường Sơn, trong các trận đánh lớn, những địa danh như Dakto, Pleime, Khe Sanh, Mậu Thân, đặc biệt trong mùa hè đỏ lửa 1972 hay sau cùng là Thường Đức. Mỗi nơi, mỗi trận đánh đều thất bại to lớn cùng với hàng trăm tử thi bỏ lại trận địa, thảm hại như thế thì làm sao họ bỏ qua cho chúng tôi. Không biết tương lai và cũng không biết số phận mình ra sao, tôi quyết định viết một lá thư dài gửi đến cho Hiền, viết trong ánh hoàng hôn của buổi chiều tà, lá thư viết trên giấy học trò và gửi qua hệ thống khu bưu chính của đơn vị, viết rất dài chỉ tiếc là thời gian quá lâu nên không nhớ nổi những gì mình đã trình bày, nhưng chắc chắn là bày tỏ nỗi niềm của mình trước một tương lai mờ mịt cũng như nói về tâm tình của người lính trẻ với cô gái Bắc... Khởi đầu bằng 2 chữ “Hiền mến!” và kết thúc với sự nồng nàn “Anh và em".
Tôi thở dài nhẹ nhõm bởi những gì mong muốn đều làm xong và bây giờ bình thản chờ đợi số phận hẩm hiu đang dần đến. TTHL trong những ngày cuối cùng thật bi ai, vài trái đạn cối rơi xuống sân cờ, lá cờ vàng ba sọc đỏ trên cao phải vội vàng hạ xuống bởi nó sẽ là điểm ngắm tiếp theo cho địch quân pháo vào đồng thời vào ban đêm TTHL chìm trong màn tối, mọi đèn đuốc không được sử dụng, tất cả sĩ quan trong đơn vị phải ra tuyến phòng thủ cùng với binh sĩ cơ hữu và tân binh.
Ngồi trên tuyến phòng thủ với chiếc áo giáp cồng kềnh trên người, tôi phóng mắt về Sài Gòn trong màn đêm, hàng vạn ánh đèn lấp lánh như các vì sao trời, chợt sáng, chợt tắt trong cái tối của đêm khuya, một vài cột lửa bốc cao về hướng phi trường Tân sơn Nhất.
- Tụi nó đang pháo vào phi trường.
Người lính cơ hữu thì thầm bên cạnh, âm thanh bình thản không một chút lo âu, tôi ngồi như vậy thật lâu mà không biết mình đang suy nghĩ điều gì, chỉ biết là bừng tỉnh khi nhiều tiếng nổ lớn vang lên từ trong căn cứ Sóng Thần. Qua tần số truyền tin nội bộ cho biết là Chi khu Lái Thiêu yêu cầu pháo binh phòng thủ trong căn cứ bắn yểm trợ đồng thời phải bằng mọi cách bắn sập cầu Lái Thiêu để ngăn cản sức tiến quân của cộng sản hướng về Sài Gòn.

Tháng 6 năm 1975, tôi và các bạn bè khác đi vào trại tập trung, ngày trước khi còn trong quân đội con đường binh nghiệp cũng lắm chông gai, đánh đổi bằng máu, nước mắt thậm chí cả cái chết để lấy hư danh quyền lực nhưng còn có con đường sống sót nếu may mắn và hiện tại con đường trước mắt thật xa, con đường không bao giờ đến: Phú Lợi, Thành ông Năm, Kà Tum, Long Giao, Bù gia Mâp, Hàm Tân… Mỗi nơi đều có người chết, chết vì bệnh hoạn, vì lao động quá sức, đói ăn hoặc bị sát hại khi trốn trại, tra tấn trong phòng giam, những cái chết thương tâm ấy không một ai biết đến kể cả thân nhân của họ ngoại trừ bạn tù, người chung sống với nhau.
Thân xác bị vùi dập trong rừng già hiu quạnh không cổ quan tài, không vật tùy thân ngoài bộ đồ tù cùng những vài khối đất ném xuống lòng huyệt từ tay bạn tù tiễn đưa, tôi đã tiễn đưa Huỳnh hồng Quang ở trại Kà tum, chôn anh trong bãi lau sậy hiu quạnh hoặc mang xác Phan quang Kiếm từ đáy hào đẫm máu bởi những vết đạn thù khi anh trốn trại không thành công. Tất cả chết một cách bi thảm còn thua cả con vật, ngày xưa người lính tử trận còn có huy chương tưởng thưởng còn được truy thăng và nước mắt của người thân đưa tiễn và bây giờ họ ra đi âm thầm lặng lẽ không có lời nhắn nhủ cuối cùng.
Sống trong hoàn cảnh cam go cùng với tương lai mờ mịt khiến tôi không có thời gian suy nghĩ về điều khác ngoài việc cầu khẩn ơn trên ban phước lành cho mình để vượt qua cơn khốn khó, có vài lúc trong khi lao động, một mình giữa khu rừng già bát ngát tôi để lòng mình hòa vào thiên nhiên: nghe tiếng suối reo, nghe âm thanh rì rào trong gió của rặng thao lao cao vút và từ trên cao những nụ hoa tím nhẹ nhàng bay lượn trong gió. Lúc ấy tôi chợt nhớ về người xưa, cô gái Bắc Ninh xinh xắn với giọng nói êm ả nhẹ nhàng, mối tình đầu chớm nở nhưng vội tàn phai theo năm tháng, không biết Hiền có yêu tôi không nhưng tận đáy lòng của tôi là yêu cô tha thiết, yêu với tất cả tấm lòng của người lính trẻ, yêu mà chưa bao giờ được thổ lộ với người ta ngoài bức thư gửi đi ngày nọ.

Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa,
cho tôi về đường cũ nên thơ,
cho tôi gặp người xưa ước mơ,
hay chỉ là một giấc mơ thôi......

Giọng hát khàn khàn của bạn tù Phạm văn Vàng cao vút trong đêm khuya khiến tôi bàng hoàng ngơ ngẩn cả mấy phút đồng hồ. Những kỷ niệm tưởng chừng đã không còn hiện hữu thế nhưng khi nghe ba chữ “Thoáng hương xưa” thì tôi lại hồi tưởng đến những ngày sống êm đềm ở TTHL, nhớ đến khuôn mặt của em, nhớ đến dáng điệu e ấp khi bị người khác trêu đùa... Tất cả đều đi vào dĩ vãng mọi thứ chỉ là giấc mơ.

Tháng 6 năm 1981 tôi ra tù, tính về thời gian thì vừa vặn đúng 6 năm cùng với một năm quản chế. Cuộc sống của người vừa ra khỏi trại cải tạo không dễ dàng khi đối diện với một xã hội đầy dẫy nghi kỵ và phân biệt giai cấp, kiếm một việc làm dù là loại bẹt hạng cũng không bao giờ có, một lý lịch xấu với từ ngữ miệt thị “Sĩ quan ngụy” thì sẽ không ai dám đón nhận. Tôi làm đủ mọi thứ để hy vọng kiếm tiền, không nhiều chỉ mong là vừa đủ chi tiêu cho bản thân: Bốc vác gỗ ở lâm trường, nhặt than đá cho xí nghiệp tư nhân, kế toán hợp tác xã và cuối cùng là bất đắc dĩ mở lớp dạy toán tại nhà.
Bươn bả với cuộc sống khó khăn khiến tôi không còn suy nghĩ gì khác kể cả việc tìm kiếm người xưa bởi trong suy luận cặn kẽ thì Hiền hẳn đã lập gia đình rồi, không người con gái nào muốn phí hoài tuổi xuân của mình, hơn nữa giữa tôi và cô chưa có lời ước nguyện gì với nhau thì hà tất níu kéo làm chi khổ lòng.
Vài tháng sau ngày ra tù, tôi vui vẻ với lũ học trò nhỏ sau bao thăng trầm trong việc làm, công việc không vất vả cho lắm ngoài việc giảng bài, ra bài tập và chấm điểm.
Cứ nghĩ mọi thứ bình thản trôi qua nhưng rồi có một ngày…
Hôm đó sau khi cho lũ trẻ ra về thì 3 thanh niên lạ tìm đến và cho biết đang công tác tại Nông trường Lê minh Xuân, tất cả đều là thanh niên xung phong. Tôi rất lạ lùng vì không quen lẫn không biết bất kỳ ai đang làm nơi đó nhưng lịch sự mời vào nhà.
- Các anh tìm đến tôi có chuyện gì không nhỉ?
- Sau khi hoàn thành công tác, bộ chỉ huy cấp phép cho về thăm nhà, trước khi đi chị Hiền cho địa chỉ và gửi lời thăm đến anh.
- Chị Hiền? Có phải Hiền làm thư viện quốc gia?
- Dạ. Chị ấy trong ban thư viện lưu động, hàng tháng mang sách đến nông trường để phục vụ cho đơn vị.
- Thế cô Hiền có thư từ gửi đến?
- Không có, chỉ hỏi thăm thôi.
- Như thế này, các anh chờ một tí nhé, cho phép tôi viết vài câu và nhờ mang đến cô ấy được không?
Lá thư được mang đi cùng với sự mong đợi lẫn hồi hộp, không biết bao nhiêu lần tôi thắc mắc về những tin nhắn ấy! Bao câu hỏi được đặt ra nhưng cuối cùng vẫn không hiểu nổi tại sao cô lại làm vậy, nếu đã lập gia đình thì chắc chắn sẽ không bao giờ Hiền làm chuyện này mà cũng có thể cô quan tâm đến những bạn cũ ngày xưa nhất là các sĩ quan học tập cải tạo, muốn biết ai còn ai mất và hơn nữa bố cô cũng là sĩ quan cơ mà: Trung úy, phục vụ ở Biệt Đoàn 5 CSDC.

Tôi chờ đợi từng ngày cùng với bao hy vọng trong lòng, ngày qua tháng lại và cuối cùng mọi mong chờ tan biến như bong bóng xà phòng, Hiền không bao giờ hồi âm tin nhắn của tôi giống như lá thư gửi đi vào tháng 3 năm 1975. Hãy trả lại cho quá khứ, những gì đã qua thì đừng khêu gợi lại chỉ khiến buồn lòng cho đôi bên.
Sang Hoa Kỳ vào đầu năm 1995, gia đình 3 nhân mạng được đưa về Michigan, thành phố Grand Rapids, đáng lý là gia đình sẽ được định cư ở Marietta, bang Georgia theo đơn thỉnh nguyện thế nhưng vì kinh phí cuối năm của hội bảo trợ của tiểu bang không còn cho nên bị liệt vào diện đầu trọc (diện không có thân nhân hoặc hội đoàn bảo trợ) và tổng hội USCC sẽ tùy nghi quyết định cho các trường hợp này.

Đến Michigan vào đúng mùa đông, vừa ra khỏi cổng phi trường, chúng tôi như bị đóng băng bởi cái lạnh khủng khiếp, đâu đâu cũng thấy trắng xóa của tuyết, nó bao phủ mọi thứ, cây cỏ trơ trọi khẳng khiu đứng trơ vơ trong màn trắng mờ nhạt của những hạt tuyết bé li ti. May mắn là người bảo trợ, ông Don Brush chuẩn bị từ trước, ông mở xe lấy ra một chồng áo jacket dày cộm và phân phối cho từng người. Cho đến giờ phút này đã nhiều năm trôi qua tôi luôn mang ơn người bảo trợ. Dù đã mất đi nhiều năm nhưng cứ vào ngày ông từ trần tôi mang bó hoa đặt trước mộ để tỏ lòng thành kính, bởi ông Don là người giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều trong buổi ban đầu đầy khó khăn, một người bảo trợ vị tha, nhân từ và giàu lòng bác ái.

Cuộc sống ban đầu ở xứ người thật vô vàn khó khăn nhất là sinh ngữ bởi suốt năm trung học với sinh ngữ chính là Pháp văn và cùng vốn liếng ít ỏi Anh ngữ của 3 năm sau cùng không thể nào hòa nhập vào xã hội mới mẻ và văn minh như ở Hoa Kỳ. Nói khác đi là quơ tay hơi nhiều cũng đôi khi thêm vào vài câu tiếng Pháp lãng xẹt không giống ai. Người ta thường nói "Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc", cuộc sống của tôi rồi cũng ổn định theo thời gian, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định dù không bằng ai nhưng vẫn còn tốt hơn nhiều khi còn sống ở Việt Nam.
Là người lính mũ xanh của một thời huy hoàng lừng lẫy, tôi vẫn còn lưu luyến về những tháng ngày phục vụ trong binh chủng TQLC, đặc san Sóng Thần là nơi tôi gửi gắm nỗi niềm của mình qua vài bài viết chẳng hạn như: Đôi bờ chiến tuyến, trận đánh đầu đời của chuẩn úy mén, tù cải tạo nỗi vui buồn khó phai v.v.....

Viết thì có nhưng tôi chưa bao giờ tham dự các buổi họp mặt hàng năm của binh chủng TQLC dù đã một lần được tổ chức ở thành phố Grand Rapids nơi tôi đang sống, không phải không hòa đồng hoặc thế này thế kia nhưng cảm thấy thời gian phục vụ quá ít, kinh nghiệm chiến trường không bằng ai, cấp bậc chỉ là loại bẹt hạng trong binh chủng, cho nên tốt nhất là đừng tham gia. Tâm trạng của tôi giống như câu nói người xưa:
“Tướng giữ thành, thành mất thì tướng phải tan theo”.
Chẳng phải là tướng giữ thành, tôi chỉ là loại sĩ quan thấp kém, không hơn bao nhiêu so với người lính khinh binh mở đường, một thứ tiền quân hiệu lực chính cống trong các trận đánh. Khoác chiếc áo trận trên người với nhiệm vụ bảo vệ đất nước giữ gìn nền tự do dân chủ và bây giờ đất nước tiêu tan, thành quách bị san bằng thì tướng thủ thành cùng binh lính cũng phải tan theo vận nước, chính vì vậy tôi rất sợ nhìn lại bộ quần áo rằn ri sóng biển ngày xưa bởi nhìn thấy nó là cảm thấy bùi ngùi trong dạ có thể nước mắt rơi xuống vì tiếc thương.
Trong nhiều lần suy nghĩ và cuối cùng tôi Email đến đại úy Lê đình Đơn hỏi về các sĩ quan trong đơn vị, muốn biết ai còn, ai mất và vị niên trưởng tốt bụng này cho biết chỉ duy nhất một người là đại úy Nguyễn trấn Quốc hiện đang sống ở Dallas, Texas, niên trưởng Quốc là trưởng khối bổ sung của sư đoàn đồng thời kiêm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 khóa sinh và từ niên trưởng Quốc biết thêm về trung úy Nguyễn kha Lạc, Nguyễn sỹ Hải, Hoàng trọng Thiêm, Trần đăng Trình v...v.... Ông cũng báo tin cho biết vài người trong đơn vị đã ra đi vĩnh viễn chẳng hạn như Trung úy Sầm Gia Thuận, Trung úy Nguyễn Anh Tuấn, Thiếu úy Trương Công Chính, Thiếu úy Hồ Văn Lành...

Tôi ngẩn ngơ thật lâu với nỗi bàng hoàng trong lòng, tất cả đều không xa lạ gì với tôi bởi cùng ban Tổng Quát cùng sánh bước ra bãi để làm nhiệm vụ huấn luyện cho khóa sinh tân binh và bây giờ họ ra đi mãi mãi.
- Lễ có biết hình của ai đây không?
Niên trưởng Lạt gửi cho tôi bức ảnh qua email cùng với câu hỏi dí dỏm, trong bức ảnh có 3 phụ nữ chụp chung với Lạt, với vị niên trưởng này thì tôi không thấy thay đổi bao nhiêu tuy có già hơn còn 3 người còn lại thì hoàn toàn xa lạ dù cố gắng tìm kiếm nét quen thuộc nào đó trên khuôn mặt.
- Nhìn không ra ai hết! Có thể là bà xã của ông và bạn bè của bà ấy.
- Tầm bậy! Thật sự là nhìn không ra?
- Không biết...
Tôi cau mày dứt khoát trả lời.
- Người đứng bên cạnh là bà Lan, bạn ông Nghĩa ngày xưa, kế bên là Châu bạn của Thiếu úy Nhân, tiểu đoàn 2 Trâu Điên chết trước ngày ngừng bắn 1973 và người sau cùng…. Lạt bỏ lửng câu trả lời như thăm dò tâm trạng của tôi.
- Là Hiền, làm việc ở TVQG ngày trước, ông nhìn ra chưa?
Tôi bàng hoàng ngơ ngác thật lâu mà không thốt nên lời bởi không bao giờ nghĩ rằng sẽ gặp lại cô ấy ở xứ sở bao la rộng lớn như Hoa Kỳ, một sự gặp gỡ kỳ diệu tưởng chừng như một chuyện cổ tích. 44 năm trôi qua tôi đã không còn nhìn thấy cô ấy cũng như quên đi hình bóng người xưa trong tâm khảm và bây giờ cô lại xuất hiện đột ngột khiến tôi rơi vào trạng thái buồn vui lẫn lộn.
- Hiền đã lập gia đình năm 1982, có 2 con và ông chồng mất cách đây 4 năm, anh ta tên Phước cũng là sĩ quan Biệt động Quân, cùng trại cải tạo Suối Máu với tôi.
- Có phải Lê hữu Phước nhà ở Biên Hòa, phục vụ tiểu đoàn 33 BĐQ.
- Không phải, anh ta cư ngụ ở đường Phan thanh Giản, Sài Gòn, dân Nam kỳ và có nét hao hao giống Lễ, người gầy cao và mang kính cận thị. Có một điều kỳ lạ là mỗi lần gặp tôi là Hiền hỏi tin về ông không phải một mà là nhiều lần như vậy, hồi còn ở TTHL có bao giờ thấy 2 người đi chung với nhau đâu, thế mà cứ gặp mặt là hỏi về ông Lễ. Lạ thật!

Thật sự là tôi không biết trả lời sao cho đúng bởi thường thường là Lành ra cổng đón người họa hoằn lắm thì phải nhờ đến tôi, còn tiếp đãi mấy cô thì đa phần là do Nghĩa, Lành phụ trách thỉnh thoảng mới có sự góp mặt của tôi cho vui thôi cho nên trong TTHL không ai biết tình cảm của tôi dành cho Hiền kể cả lá thư tỏ tình của mình.
Rồi đến một ngày Lạt chuyển cho tôi số phone và nói là của Hiền:
- 781***** Chúc 2 người vui vẻ nghe.
Mã số vùng thuộc bang Massachusetts, thành phố Malden nơi cô đang cư ngụ.
Tôi mang tâm trạng nửa vui nửa buồn bởi biết tin về người xưa. Vui vì gặp lại cố nhân và biết người ta luôn quan tâm và tìm kiếm mình trong suốt bao năm dài, buồn vì cô đã vượt khỏi tầm tay với của mình và mãi mãi không còn nhìn thấy nét thơ ngây dịu dàng e ấp dưới suối tóc dài đen nhánh của ngày nào. Suy nghĩ thật lâu gần như cả tuần lễ để rồi cuối cùng tôi gửi tin nhắn đến Hiền qua Message hình như là vào tháng giêng 2019 và cũng từ đó tôi và cô biết thêm về những điều gút mắc đã xảy ra ở quá khứ cũng như giải mã các bí mật bị chôn vùi trong suốt bao năm qua.

Anh Lễ mến!
Từ hôm Lạt cho em biết tin về anh khiến tâm trạng hồi hộp lẫn vui mừng bởi bao năm qua em tìm kiếm tin tức của anh qua Facebook, Twitter nhưng hoàn toàn vô vọng bởi có nhiều người trùng tên họ nhưng không phải là anh, cứ ngỡ là ông trời đối xử bất công với mình và không ngờ... Phép nhiệm màu phải không anh? Làm sao có thể tìm được người yêu dấu trong đất nước mênh mông rộng lớn và đông người trong đất Mỹ này và ông Trời sắp đặt sẵn để rồi chúng ta gặp lại nhau sau 44 năm xa cách. Anh Lễ! Em yêu anh một cách thắm thiết, yêu mà lúc nào cũng suy nghĩ về anh, mối tình đầu không bao giờ phai nhạt, người ta nói: “Đời chỉ một lần yêu.” Câu nói ấy chí lý vô cùng bởi không một ai yêu tới hai lần trong đời, thiên hạ thường lầm lẫn giữa thương yêu và thương hại. Chính vì vậy mà thường khó có hạnh phúc trong cuộc sống chung và nếu có chỉ tạm bợ bằng nghĩa và tình. Nó giống như trường hợp của em vậy, hôn nhân đến một cách chóng vánh bởi lòng thương hại mà ra. Sống trong đất nước ly loạn, chiến tranh triền miên và em có cảm tình với các người lính trẻ, thông cảm với cuộc sống cam go đánh đổi mạng sống của bản thân để bảo vệ sự tự do của đất nước và anh là một trong những người đó. Lần gặp gỡ đầu tiên ở nhà chị Lan khiến em có cảm tình với anh rồi đó: Hiền lành, ít nói và trí thức với cặp kính cận ít ra dưới cặp mắt của em thì anh không phải là loại ba đá, hung dữ dù anh đang khoác trên người bộ đồ rằn ri và thật sự yêu anh trong những lần gặp gỡ ở hội quán Hoa Biển, có phải chăng câu nói trêu đùa “Anh trai Biên Hòa, em gái Bắc Ninh” đã bắt cầu se duyên cho chúng ta sau này và nó đã chứng thực khi nhận lá thư vào tháng 3 năm 1975.
Em đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần cùng với hạnh phúc dào dạt dâng trào: Người ta đã yêu thầm mình từ lâu rồi, yêu mà không dám thổ lộ. Tại sao anh lại nhát như thế chứ? Em cũng đang chờ đợi câu tỏ lòng từ anh thế nhưng người ta im lặng, là nữ giới thì làm sao em dám...

Còn nhớ vào tháng 5 năm 1975 em cùng Huệ, ông Lành lặn lội từ Sài Gòn lên tận nhà anh ở Biên Hòa để thăm và nhất quyết sẽ nói cùng anh những lời ngọt ngào yêu thương thế nhưng vì lý do nào đó anh lại vắng mặt. Có phải chăng tạo hóa đã không muốn chúng ta gần gũi với nhau, ngài nhất định chia uyên rẻ thúy cho mối tình đầu của đôi lứa?
Đâu đã hết, vào tháng 9 năm 1981 em nhờ Phong, một thanh niên xung phong mang tin đến với anh và hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhưng một điều sơ ý là không viết vài dòng chữ gửi đi, chính vì sơ ý tài trời này đã khiến chúng ta chia tay vĩnh viễn và một điều trớ trêu là Phong cũng đã chết trong tai nạn trước khi trở lại nông trường. Nhiều sự trùng hợp lạ lùng như vậy đủ để chứng minh ông tơ bà nguyệt không muốn chúng ta gần nhau. Đầu năm 1982 em lập gia đình, anh ấy sĩ quan BĐQ và cũng đi cải tạo học tập như anh, có thể hôn nhân chóng vánh bởi lòng thương hại mà ra, như đã nói ở trên yêu và chỉ yêu một lần.
Anh thân mến! Trãi qua bao thăng trầm trong cuộc sống điều mà em nghiệm ra rằng muốn có hạnh phúc thì phải có tình yêu trước rồi sau đó là tâm đầu ý hợp với nhau có như vậy mới bách niên giai lão, thiếu một trong các yếu tố ấy thì chóng hay chầy rồi cũng sẽ đổ vỡ thôi. Chúng ta ở vào cái tuổi Thất thập cổ lai hy thì không nên nói chuyện yêu thương nữa, bên nào cũng bận bịu chuyện gia đình cho nên muốn nối lại duyên xưa là điều không bao giờ có, chúng ta chỉ xem như là bạn bè đi. Hãy để mọi chuyện ở quá khứ trôi qua và đừng bao giờ nhắc lại nữa!
Và cuối cùng em chỉ mong rằng nếu kiếp sau gặp lại thì nguyện cầu tạo hóa nên se duyên cho chúng ta. Ông trời cay nghiệt với anh và em quá nhiều thì nhất định phải bù trừ cho sự mất mát đó ở kiếp sau…

Một chuyện tình không đoạn kết, tôi mãi mãi yêu cô và Hiền cũng vậy không ai muốn ra rời với nhau nhưng rõ ràng là duyên nợ không đến, mọi cơ hội đưa đến nhưng thế rồi để vuột mất một cách tức tưởi. Từ nay trở đi mỗi người đi theo con đường của mình ráng sống cho những ngày còn lại và mong rằng ở kiếp sau tôi và cô sẽ gặp lại, lúc đó chim liền cánh, cây liền cành.
Một thoáng hương xưa với bao kỷ niệm yêu dấu của những ngày tháng hoa mộng và một thoáng ngậm ngùi kết thúc với chia ly vĩnh viễn.

Nhắm mắt sao hồn bỗng thấy thương đau.
Ôi! sao ngàn trùng mãi xa nhau.
Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
Em ở đâu? Anh ở đâu?

Hoặc:

Hình bóng cũ đã quá xa mờ theo thời gian.
Kiếp sau xin chắp lời nguyền cùng sánh bước lang thang…

Hắc Long Lê Văn Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét