Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :25/7/2022


Mỹ hé lộ về việc giúp Ukraine bảo vệ Tổng thống Zelensky Một quan chức an ninh của Mỹ tiết lộ rằng, Nhà Trắng vẫn đang tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Volodymyr Zelensky ngay cả khi cuộc xung đột ở Ukraine hiện chủ yếu tập trung vào khu vực phía đông của đất nước. Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã tiết lộ điều đó trong Diễn đàn An ninh Aspen hôm thứ Sáu 22/7, theo Fox News. Ông Sullivan nhấn mạnh rằng "sự an toàn cá nhân của Tổng thống Zelensky" là điều Mỹ bận tâm nhưng không cho biết thêm chi tiết vì lý do an ninh.
<!>
"Đây là một nhà lãnh đạo trong thời chiến đang phải đối phó với một đối thủ có khả năng làm bất cứ điều gì, vì vậy sự an toàn cá nhân của ông ấy là một mối bận tâm. Tổng thống Zelensky đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân, bảo vệ sự liên tục của chính quyền ở Ukraine, và chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó bằng mọi cách có thể", Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng nhấn mạnh.

Ông Zelensky được cho là đã sống sót sau ít nhất 3 nỗ lực ám sát trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột. Tờ Times of London đưa tin rằng, nhà lãnh đạo Ukraine có thể tránh được những nỗ lực ám sát này vì một số quan chức phản chiến của Nga đã cung cấp thông tin tình báo cho các quan chức chính phủ ở Kiev.

Tờ Times nêu rõ rằng Tập đoàn Wagner, một lực lượng lính đánh thuê bán quân sự của Nga đứng sau hai trong số các âm mưu ám sát ông Zelensky.

Tình báo đặc biệt của Israel và Mỹ đang giúp Ukraina bắt gián điệp Nga


Nhà báo của đài 90FM Attila Shomfalvi đưa tin, cơ quan tình báo nước ngoài Mossad của Israel, hợp tác với cơ quan tình báo Mỹ, đã giúp Ukraine loại bỏ các tình báo của Nga đang hoạt động chống lại lợi ích của Ukraine.

Ông đã viết trên Twitter rằng: “Mossad có tham gia tìm kiếm ‘chuột chũi’ ở Ukraine không? Theo một nguồn tin Israel am hiểu về những gì đang diễn ra ở Kyiv, câu trả lời là có. Mossad và các nhân viên của các dịch vụ đặc biệt của Mỹ đã giúp người Ukraine tìm ra những tên “chuột chũi” và những người cộng tác của Nga đã hành động chống lại lợi ích của Ukraine”.

Shomfalvi đã không cung cấp bất kỳ thông tin nào khác cho phép xác định những kẻ phản bội mà ông đang nói đến.

Vào ngày 19 tháng 7, Quốc hội đơn viện của Ukraina Verkhovna Rada đã cách chức người đứng đầu Cục An ninh Ukraina SBU Ivan Bakanov và ủng hộ việc tổng thống bãi nhiệm Tổng công tố Iryna Venediktova. Lý do sa thải cả hai người được tổng thống chính thức công bố là do “số lượng điệp viên Nga quá lớn” trong các bộ phận của họ.

Vào ngày 16 tháng 7, SBU đã bắt giam Oleg Kulinich, cựu lãnh đạo SBU ở Crimea. Nhân viên được giao nhiệm vụ đặc biệt trong bộ phận của ông này hóa ra là một đặc vụ của Cơ quan tình báo Nga FSB và là một kẻ phản bội. Vào ngày 5 tháng 7, SBU đã bắt giữ cấp phó Yuriy Zdebsky, được lực lượng đặc nhiệm Nga tuyển dụng vào năm 2017.

Thủ tướng Anh tập ném lựu đạn, tham gia huấn luyện với binh sĩ Ukraine


Thủ tướng Anh Boris Johnson đăng tải hình ảnh ông tham gia vào một buổi huấn luyện với các quân nhân Ukraine - sự kiện trong khuôn khổ các nỗ lực hỗ trợ quân sự của London cho Kiev đối phó Nga.

RT đưa tin, Thủ tướng Johnson hôm 24/7 tiết lộ rằng ông đã tham gia một buổi huấn luyện với quân nhân Ukraine trong tuần này. Ông đã đăng lên mạng xã hội Twitter video cho thấy ông mặc đồ rằn ri khi xem xét hàng loạt vũ khí, bao gồm súng phóng tên lửa chống tăng và súng máy lựu đạn. Trong đoạn video, cũng có cảnh người đứng đầu chính phủ Anh tập ném lựu đạn.

"Tuần này, tôi đã đến thăm các quân nhân Ukraine đang được Lực lượng vũ trang Anh huấn luyện ở Bắc Yorkshire", ông Johnson tiết lộ, đồng thời cho biết đã gặp một số binh sĩ Kiev trong tổng số 400 quân nhân Ukraine đang được London huấn luyện. Trước đó, trong chuyến thăm Kiev vào tháng trước, ông Johnson từng tuyên bố, Anh sẽ hỗ trợ đào tạo 10.000 quân nhân Ukraine trong những tháng tới, trong nỗ lực đối phó với chiến dịch quân sự đã kéo dài suốt 5 tháng qua của Nga ở nước láng giềng.

Anh là một trong những bên tích cực hỗ trợ Ukraine nhất trong cuộc chiến và có quan điểm rất cứng rắn với Nga. Tổng cộng, Anh đã viện trợ Ukraine 2,8 tỷ USD liên quan tới quân sự, bao gồm 6.900 vũ khí chống tăng và 120 xe thiết giáp.

Nga nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine có nguy cơ làm cuộc xung đột kéo dài thêm.

Bốn vị tướng kiệt xuất thế giới sẽ giúp Ukraina bảo vệ lãnh thổ


Chiến dịch Thế giới đoàn kết với Ukraine (Unite With Ukraine) đã giới thiệu bốn nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng.
Các nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng thế giới sẽ giúp bảo vệ lãnh thổ Ukraine, Chiến dịch Thế giới đoàn kết với Ukraine (Unite With Ukraine) cho hay.

Chiến dịch Thế giới đoàn kết với Ukraine đã giới thiệu bốn nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng, thành lập nên Hội đồng Cố vấn Chiến lược và sẽ hỗ trợ và tư vấn cho chiến dịch Thế giới đoàn kết với Ukraine. Đội ngũ có kinh nghiệm chưa từng có trong chiến tranh và lập kế hoạch chiến lược bao gồm:

Tướng về hưu Rick Hillier, cựu Tham mưu trưởng Quốc phòng Canada, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Chiến lược,

Tướng đã nghỉ hưu Wesley Clark, cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao Châu u,

Tướng về hưu David Petraeus, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Hoa Kỳ và các lực lượng Mỹ và NATO ở Iraq và Afghanistan, cựu giám đốc CIA,

Tướng về hưu Dick Lauderwijk Berlin,cựu Tổng tham mưu trưởng Hà Lan.

Hội đồng Cố vấn Chiến lược đặt ra mục tiêu cung cấp cho 100.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine các phương tiện bảo vệ chính như mũ bảo hiểm, áo chống đạn, kính chống đạn và bộ dụng cụ y tế.

Các chuyên gia quân sự thống nhất trên cơ sở nền tảng gây quỹ của chiến dịch “Thế giới Đoàn kết với Ukraine”. Thông qua nền tảng này, chiến dịch sẽ gây quỹ trên toàn thế giới để mua thiết bị và Hội đồng Cố vấn Chiến lược sẽ cung cấp trình độ chuyên môn cao nhất để tư vấn, mua sắm và cung cấp cho tiền tuyến những thiết bị cần thiết nhất vào thời điểm hiện tại của cuộc chiến.

Tướng Hillier nói: “Chiến dịch Thế giới đoàn kết với Ukraina đã chuyển giao một số thiết bị quan trọng cho mặt trận, và chúng tôi quyết tâm tiếp tục sứ mệnh này để những người bảo vệ Ukraine đánh bại quân đội Nga”. “Người Ukraine đang đấu tranh cho tự do của họ và cuối cùng là cho cả chúng tôi,” ông nói tiếp.

Công nghệ do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ có thể do thám Bộ chỉ huy chiến lược


Một báo cáo gần đây của CNN đã nêu chi tiết rằng, trong nhiều trường hợp, Trung Quốc hoặc các công ty Trung Quốc đã cố gắng làm gián đoạn hoặc thậm chí đánh chặn liên lạc thông qua các công trình mà họ xây dựng gần các địa điểm chiến lược ở Hoa Kỳ.

Một cựu quan chức FBI cho biết: “Việc này liên quan đến một số điều nhạy cảm nhất mà chúng tôi thực hiện. Nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi trong việc chỉ huy và kiểm soát thiết yếu với bộ ba hạt nhân.”

Báo cáo mở đầu bằng việc chính quyền Trung Quốc đề nghị chi 100 triệu đô la vào năm 2017 để xây dựng một khu vườn Trung Quốc được trang trí công phu tại Vườn ươm Quốc gia ở Washington, D.C. Khu vườn này có các đền thờ, chòi và một ngôi chùa màu trắng cao khoảng 21m.

Nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, họ phát hiện ra ngôi chùa sẽ được đặt ở một trong những điểm cao nhất ở D.C. Đáng báo động hơn, các quan chức Trung Quốc muốn xây dựng chùa bằng vật liệu được vận chuyển trong các túi ngoại giao, mà các quan chức Hải quan Hoa Kỳ bị cấm kiểm tra.

Các quan chức Fed sau đó đã lặng lẽ khai tử dự án.

Kể từ ít nhất là năm 2017, các quan chức liên bang đã điều tra việc mua đất của Trung Quốc gần các cơ sở hạ tầng quan trọng, đóng cửa một lãnh sự quán cấp cao trong khu vực mà Chính phủ Mỹ cho là liên quan hoạt động gián điệp và ngăn chặn đặt các thiết bị nghe lén gần các cơ sở nhạy cảm quân sự và chính quyền.

Trong số những điều đáng báo động nhất mà FBI đã phát hiện ra có liên quan đến thiết bị do công ty Huawei sản xuất đặt trên đỉnh tháp thông tin di động gần các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Trung Tây.

FBI kết luận, thiết bị này có khả năng “bắt và làm gián đoạn liên lạc bí mật cao của Bộ Quốc phòng, bao gồm cả những thiết bị được sử dụng bởi Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát vũ khí hạt nhân của nước này.”

Nhiều nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra nói với CNN, không nghi ngờ gì về thiết bị Huawei có thể chặn không chỉ lưu lượng di động thương mại mà còn cả các sóng radio bảo mật cao được dùng trong thông tin liên lạc của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ.

Ông Eduardo Rojas, người đứng đầu phòng thí nghiệm phổ vô tuyến tại Embry-Riddle Aeronautical cho biết: “Không khó về mặt kỹ thuật để tạo ra một thiết bị tuân thủ Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). Về mặt kỹ thuật, nó khả thi”.

Giám đốc CIA: Kinh tế Sri Lanka sụp đổ vì đặt cược ngu ngốc vào Bắc Kinh


Ngày 20/7, Giám đốc CIA William Burns cho rằng việc “đặt cược ngu ngốc” khi đầu tư vào khoản nợ cao của Trung Quốc là yếu tố dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka. Đây cũng là một lời cảnh báo lớn cho các quốc gia khác.

Ông Burns đã chỉ ra tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng Trung Quốc có rất nhiều điều để thể hiện, có thể đưa ra lý do rất hấp dẫn cho khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, các nước nên nhìn vào Sri Lanka ngày nay, “về việc nợ nần Trung Quốc chồng chất… họ đã đặt cược một cách ngu ngốc đối với tương lai kinh tế của chính mình, cho nên đã gặp phải những hậu quả kinh tế và chính trị mang tính thảm họa”.

Ông Burns cho biết, “Tôi nghĩ đây sẽ là một bài học cụ thể cho nhiều người chơi khác, không chỉ ở Trung Đông hay Nam Á, mà ngay cả thế giới cũng nên để mắt đến những giao dịch kiểu này”.

Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào Sri Lanka và hợp tác chặt chẽ với cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Sri Lanka hiện đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng gần như gián đoạn hoàn toàn. Trong khi đó, trong hàng loạt cuộc biểu tình lớn của người dân, ông Rajapaksa đã tuyên bố từ chức vào tuần trước và chạy trốn sang Singapore.

Sri Lanka đã vay nợ rất nhiều từ Trung Quốc, chủ yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng một số dự án đó kết quả chỉ là tốn kém và không hiệu quả.

Sân bay Rajapaksa được xây dựng bằng khoản vay 200 triệu USD từ Trung Quốc, nhưng nó rất ít được sử dụng đến mức từng có thời điểm không thể thanh toán được tiền điện.

Sri Lanka đã rơi vào tình trạng suy sụp kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm kể từ khi độc lập, và tuyên bố phá sản vào ngày 5/7. Tỷ lệ lạm phát trong nước lên tới 57%, dự trữ ngoại hối cạn kiệt và vẫn gánh một khoản nợ khổng lồ lên đến 51 tỷ USD.

Quốc đảo chỉ có 22 triệu dân này đang gánh khoản nợ khổng lồ 51 tỷ USD. Nợ Trung Quốc chiếm khoảng 10%, nhưng tỷ trọng thực tế được cho là cao hơn nhiều.

Chính phủ Sri Lanka đã cho China Merchants Group thuê cảng Hambantota trong 99 năm để trả nợ và cảng này chỉ cách tuyến đường chính từ châu Á sang châu Âu từ 6 đến 10 hải lý. Có thể nói đây là điểm kết nối quan trọng của “Một vành đai, Một con đường”. Bắc Kinh vì thế cũng bị chỉ trích là đã giăng bẫy nợ.

Năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng một cảng nước sâu ở Hambantota, Sri Lanka, cảng này bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2012. Tuy nhiên, cảng không thu được lợi ích như mong đợi, khiến Sri Lanka rơi vào tình cảnh không trả được nợ.

Báo cáo chỉ ra rằng nhiều gia đình ở Sri Lanka đã dựa vào các thành viên trong gia đình ra nước ngoài làm việc vì nhu cầu việc làm trong nước yếu; đồng thời, Bắc Kinh đã cho vay tiền để tài trợ xây dựng các công trình lớn và sang trọng như trung tâm hội nghị quốc tế quy mô lớn, sân vận động và các trung tâm mua sắm lớn, các công trình này đều xa rời tình hình thực tế của đất nước Sri Lanka, và thường trở thành các công trình hào nhoáng bề ngoài.

Nikkei Asia tiết lộ, trong thời kỳ nội chiến Sri Lanka, Trung Quốc tham gia bán vũ khí lên tới 1,8 tỷ USD; sau khi nội chiến kết thúc, Trung Quốc (ĐCSTQ) còn tuyên bố giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi khoản vay 5 tỷ USD có lãi suất bình quân lên đến 3,3%, gần gấp 5 lần lãi suất cho vay của Nhật Bản; đồng thời, ĐCSTQ còn lợi dụng danh nghĩa “Vành đai và Con đường“, để “đầu tư” 1,4 tỷ USD, và có kế hoạch thực hiện các dự án khai hoang gần bờ biển Colombo để xây dựng một trung tâm kinh doanh hiện đại, với ý đồ để Bắc Kinh nắm trong tay các nguồn tài nguyên chiến lược của Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Trung Quốc thậm chí còn tài trợ việc xây dựng cảng nước sâu Hambantota, cuối cùng đã trở thành một đại diện điển hình cho “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của ĐCSTQ.

Những quốc gia nào có thể trở thành Sri Lanka thứ hai? Hãng tin AP nêu tên 9 quốc gia khác có điều kiện kinh tế cũng đang trên bờ vực phá sản gồm Afghanistan, Pakistan, Lào, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Zimbabwe, Ai Cập và Argentina. Nếu nghiên cứu kỹ, sẽ thấy rằng ngoại trừ Afghanistan muốn tham gia “Vành đai và Con đường” nhưng Trung Quốc chưa hồi đáp, 9 quốc gia khác, bao gồm cả Sri Lanka, có nền kinh tế sa lầy vào vũng lầy, đều đã tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc (ĐCSTQ).

Mỹ giới thiệu mẫu máy bay từ London đến New York chỉ trong 3,5 giờ


Hãng Boom Supersonic (Mỹ) đã giới thiệu thiết kế mới của mẫu máy bay siêu thanh Overture có thể chở hành khách bay giữa London và New York chỉ trong 3,5 giờ – tức giảm khoảng gần 5 tiếng so với thông thường.
Cụ thể, hình ảnh mới của máy bay siêu thanh Overture được Boom Supersonic công bố tại triển lãm hàng không quốc tế Farnborough kéo dài từ ngày 18 đến 22/7. Theo công ty có trụ sở ở Denver, Colorado, đây là kết quả từ 26 triệu giờ thiết kế phần mềm mô phỏng, 5 thử nghiệm trong đường hầm gió và quá trình đánh giá cẩn thận 51 bản thiết kế.

Được biết, Overture sẽ là mẫu máy bay siêu thanh tiết kiệm và bền vững về mặt môi trường. Cấu hình cải tiến bao gồm một số đổi mới kỹ thuật ở mặt khí động, giảm độ ồn và tăng hiệu suất. Blake Scholl, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Boom, mô tả Overture là sản phẩm lai giữa Concorde và Boeing 747.

Overture sẽ hoạt động nhờ 4 động cơ cực mạnh lắp ở cánh, cho phép máy bay lướt ở tốc độ gần 2.100 km/h phía trên mặt nước và 1.239 km/h trên đất liền. Bên cạnh đó, thiết kế 4 động cơ cũng giảm độ ồn và chi phí cho hãng hàng không, đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất dành cho hành khách. Overture có thể bay ở độ cao 1.828 m và chở 65 – 80 hành khách, sử dụng hệ thống giảm ồn tự động đầu tiên trên thế giới, phù hợp với quy định về độ ồn đối với máy bay cận âm.

Thân máy bay có đường kính lớn hơn ở phần đầu và nhỏ hơn ở phía sau giúp giảm lực cản trong khi bộ cánh giống cánh chim hải âu làm tăng hiệu suất bay, đảm bảo độ an toàn và ổn định ở bất kỳ tốc độ nào. Overture sử dụng vật liệu tổng hợp nhẹ, bền và chịu nhiệt tốt hơn kim loại truyền thống. Theo dự kiến, Overture sẽ xuất xưởng năm 2025, cất cánh năm 2026 và chở khách vào năm 2029.

Người Ukraine được tị nạn ở Mỹ như thế nào?

Quỹ “Uniting for Ukraine” sẽ tài trợ chi phí cho việc đưa đón và bảo trợ phúc lợi cho người dân Ukraine tại Mỹ.

National Interest đã đưa ra thông tin về chương trình nhập cư dưới sự tài trợ của quỹ ‘Uniting for Ukraine’ (Tạm dịch: Đoàn kết vì Ukraine) nhằm hỗ trợ người dân Ukraine và các thành viên trong gia đình đến Mỹ để tị nạn.

Ý tưởng của chương trình theo như lời Tổng thống Joe Biden là để đưa khoảng 100.000 người Ukraine đến Mỹ. Quỹ sẽ được sử dụng cho hai giai đoạn, gồm đưa người Ukraine đến Mỹ và trợ cấp phúc lợi. Số tiền cá nhân tài trợ vào quỹ sẽ không phải đóng thuế.

Ngoài ra, theo luật bổ sung được ký bởi Tổng thống Biden vào tháng 5, người Ukraine đến Mỹ sẽ được nhận cả trợ cấp liên bang lẫn trợ cấp tái định cư (đã được gia hạn từ 8 tháng đến 1 năm).

Thậm chí, những người đang nhận 2 khoản trợ cấp này có thể sử dụng tiền của mình để hỗ trợ cho những người Ukraine khác.

Trong trường hợp các khoản tiền không đủ, các cơ quan tái định cư sẽ có thể cung cấp thêm tiền để chu kì ‘hỗ trợ’ diễn ra liên tục.

Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ chương trình này, người Ukraine sẽ cần phải tìm được người cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cho mình trong suốt thời gian tại Mỹ. Người bảo lãnh không cần phải là công dân Mỹ hoặc không nhất thiết phải có thẻ xanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét