Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Góc Đường Thi : HÀ HOÀNG CỰU TỐT - Đỗ Chiêu Đức


Để nối tiếp theo cái hào khí " Túy ngọa sa trường " của Vương Hàn, TRƯƠNG KIỀU cũng người của thời Vãn Đường nói lên cái vô tình tàn khốc của chiến tranh bằng một bài tứ tuyệt thật đơn sơ bình dị mà dễ làm xúc động lòng người ! Xin mời đọc bài HÀ HOÀNG CỰU TỐT...
<!>

河湟舊卒 HÀ HOÀNG CỰU TỐT
少年隨將討河湟, Thiếu niên tùy tướng thảo hà hoàng,
頭白時清返故鄉。 Đầu bạch thời thanh phản cố hương.
十萬漢軍零落盡, Thập vạn Hán quân linh lạc tận,
獨吹邊曲向殘陽。 Độc xuy biên khúc hướng tàn dương !
張喬 Trương Kiều

TRƯƠNG KIỀU, thi nhân đời Tàn Đường, không rõ năm sanh năm mất, tự là Bá Thiên, người đất Trì Châu ( thuộc huyên Quí Trì, tỉnh An Huy hiện nay ). Khoảng giữa năm Hàm Thông ( 860-874 ) đậu Tiến Sĩ, sống ở đất Trường An, cùng với Hứa Đường, Trịnh Cốc... xưng là HÀM THÔNG THẬP TRIẾT. Khi loạn Hoàng Sào, ông ẩn cư ở Cửu Hoa Sơn và mất ở nơi đó. Ông làm thơ giản dị nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, thiên về Ngũ Ngôn Luật Thi. Trong TOÀN ĐƯỜNG THI còn lưu lại 2 quyển thơ của Ông.


CHÚ THÍCH :
1. HÀ HOÀNG 河湟 : là sông Hoàng Thủy, phát nguồn từ tỉnh Thanh Hải, chảy về đông đổ vào sông Hoàng Hà ra biển. Hà Hoàng trong thơ chỉ vùng đất Lũng Tây do Thổ Phồn chiếm giữ từ thời Đường Túc Tôn, bao gồm Qua Châu, Y Châu... mười châu quận luôn chìm ngập trong khói lửa chiến tranh do hai bên Hán Hồ luân phiên cát cứ ròng rã suốt cả trăm năm, dân chúng sống trong cảnh điêu linh đồ thán.
2. CỰU TỐT : Cựu là Cũ, Tốt là Con Chốt, là Lính. CỰU TỐT là Người lính cũ, là Cựu Chiến Binh.
3. THẢO : là Thảo Phạt, từ chỉ nước lớn đem binh đi đánh nước nhỏ, hoặc đi dẹp loạn.
4. THỜI THANH : Thời cuộc trở nên thanh bình, không còn giặc giã nữa. THẬP VẠN : Mười Vạn là Một Trăm Ngàn.
5. LINH LẠC : Do Thành ngữ THẤT LINH BÁT LẠC 七零八落 Có nghĩa như " Thất Điên Bát Đão " để chỉ thua trận, " Tơi Bời Hoa Lá " nếu dùng để chỉ cỏ cây, " Ba Chìm Bảy Nổi " nếu dùng để chỉ hoàn cảnh....Nói theo bình dân Thất Linh Bát Lạc là Xất Bất Xang Bang !
6. ĐỘC : là Đơn độc có một mình. XUY ; là Thổi ( Tiêu, hoặc Sáo ).
7. BIÊN KHÚC : là Những khúc nhạc ngoài biên cương được thổi bằng Tiêu hoặc Sáo.
8. TÀN DƯƠNG : là Ánh nắng tàn của buổi chiều tà.


DỊCH NGHĨA :
Khi còn trẻ ta đã theo các tướng đi đánh giặc ở đất Hà Hoàng. Kịp đến lúc thanh bình thì đầu đã bạc mới được về lại cố hương. Mười vạn quân lính của người Hán khi xưa giờ đã tan tác gần hết ( may mà ta còn sống sót ). Một thân đơn độc ta cảm khái mà thổi lên khúc sáo của vùng biên tái trong ánh nắng chiều tàn thoi thóp !


DIỄN NÔM :

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH ĐẤT HÀ HOÀNG



Trẻ đi đánh trận ở Hà Hoàng,
Đầu bạc mới về lại xóm làng.
Mười vạn Hán binh tan tác hết,
Một mình thổi sáo lúc chiều tàn !

Lục bát :
Trẻ đi đánh giặc Hà Hoàng,
Thanh bình đầu bạc về làng lang thang.
Trăm ngàn quân Hán tan hoang,
Một mình thổi sáo chiều tàn biên khu !


杜紹德


Đỗ Chiêu Đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét