Mùa thu năm 1972, tôi là một trong số 54 sĩ quan cấp bậc thiếu úy của 14 tiểu khu, đặc khu thuộc vùng 2 chiến thuật nhận được sự vụ lệnh của Quân đoàn II về trình diện Bộ chỉ huy CSQG khu 2 tại Nha Trang để biệt phái qua cảnh sát. Sau khi trình diện cả 54 tên được đưa đến trung tâm huấn luyện CSQG khu 2 tại cây số 8 Cam Ranh để học một khóa tư pháp cảnh lại trong ba tháng. Tôi gặp thiếu úy Nguyễn Minh cùng theo học khóa này. Tôi được biệt phái từ Tiểu Khu Darlac còn Minh thì từ tiểu khu Tuyên Đức. Sau khi mãn khóa tất cả các sĩ quan đều bốc thăm để về đơn vị mới. Tôi và thiếu úy Minh bốc trúng Bình Định. Tôi được phân bổ về làm trưởng cuộc xã Nhơn Hưng Quận An Nhơn còn thiếu úy Minh làm trưởng cuộc xã Bình Nghi Quận Bình Khê.
Ngày 31/03/75 Bình Định rơi vào tay cộng sản. Khi đó tôi và Nguyễn Minh đã là trung úy và một lần nữa chúng tôi lại gặp và sống chung với nhau nhưng lần này thì ở trong trại tù A30 của bên thắng trận. Hai thằng cùng tổ chăn nuôi. Tổ chúng tôi có tổng cộng 8 người với số heo cần phải phục dịch gần 200 con. Trung úy Minh có nhiệm vụ nấu cháo còn tôi thì đi hái rau và tắm rửa cho heo. Cái tật của Minh mỗi lần nấu cháo thì lại khoái đọc thơ. Nhìn hắn ở trần lòi nguyên bộ xương sườn hai tay gồng cái mái chèo quậy trong cái chảo to đùng miệng ngâm nga, tôi chỉ sợ hắn sẩy chân té vào chảo thì xem như xong đời. Dung tích cái chảo dư sức chứa cả tôi và hắn nếu phải rơi vào. Mái chèo dùng để quậy cháo cái bản còn to hơn thân hình mỏng như lá lúa của chúng tôi. Bốn câu thơ không rõ tên tác giả mà hắn thích ngâm tôi còn nhớ đến bây giờ.
Phượng hoàng ở chốn cheo leo
Sa cơ thất thế phải theo đàn gà
Bao giờ mưa thuận thái hoà
Rủ lông rủ cánh lại ra phượng hoàng.
Hỏi hắn sao khoái làm phượng hoàng dữ vậy thì hắn nói bọn mình cốt cách là những con chim phượng hoàng vì thời thế đảo lộn mà phải đi chung với đám dép râu nón cối từ miền Bắc vào nên mới trở thành gà. Hắn nói sẽ có một ngày nào đó những con gà thất thế sẽ trở thành những con phượng hoàng như trước.
Hy vọng là một viên thần dược trên căn bản không hề tồn tại nhưng trong khốn đốn chúng tôi vẫn tin vào. Vẫn biết đó là điều nghịch lý nhưng cũng nhờ uống viên thần dược có tên là hy vọng đó mà tôi và hắn trải qua 6 năm tù hồi nào không hay. Năm 1981 khi được thả ra hai con phượng hoàng chính thức trở thành hai con gà què với bộ lông tơi tớt vì thiếu ăn. Ra khỏi nhà tù đường ai nấy đi. Tôi về Ninh Hòa sinh sống còn hắn thì nghe đâu nhà ở Sài Gòn.
Năm 1988 vì sinh kế nên tôi kiếm sống bằng nghề buôn lậu trầm sô. Những miếng trầm được gói thành gói nhỏ bó vô chân và quấn quanh bụng đu theo tàu hỏa từ Ninh Hòa vô Sài Gòn để bán. Một bữa tôi đang lớ ngớ trước ga Bình Triệu thì một chiếc xích lô trờ tới. Chẳng nói chẳng rằng tôi leo lên. Tên xích lô hỏi tôi muốn chở về đâu. Nghe âm giọng quen quen tôi ngước cổ lên nhìn và cùng một lúc cả hai cùng phát giác ra nhau. Hai tên ốm nhách nhảy cỡn lên mừng rỡ xém một xíu nữa là mấy miếng trầm bó trong chân rớt ra ngoài. Hắn chở tôi đến một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão giấu “hàng” trước. Xong cả hai tên trung úy thay phiên làm tài xế đạp xích lô chở nhau kiếm quán nhậu. Chúng tôi ngồi giữa nhà tù lớn Sài Gòn uống mừng cuộc hội ngộ nhắc lại bao nhục khổ khi còn ở trong nhà tù nhỏ A 30. Chuyến đi buôn đó lỗ vốn còn hắn thì cũng được nghỉ ngơi một bữa. Đó là lần duy nhất chúng tôi gặp nhau để nhớ đời sau khi được thả khỏi nhà tù.
Đầu thập niên 90 nộp hồ sơ HO đi Mỹ tôi có vào Sài Gòn vài lần để bổ túc hồ sơ phỏng vấn, tôi cố ý tìm hắn trong số những người đạp xích lô nhưng không thấy. Không biết hắn có đi theo chương trình HO hay không? Tôi nghĩ rằng chắc là có nhưng do cơ duyên đã tận nên mất tin tức về nhau.
Nhắn trung úy Nguyễn Minh chức vụ cuối cùng trước 75 là trưởng cuộc xã Bình Nghi Bình Khê Bình Định, nếu bạn vô tình đọc được bài thơ này thì nhớ liên lạc với mình nhé.
CHUYỆN ĐI BUÔN
Gặp lại người bạn đạp xích lô thua trận ở tù ra. Thất nghiệp bạn bè cho mượn vốn đi buôn.
Đôi dép rọ heo manh áo cũ
Đu theo tàu lửa vô Sài Gờn
Vài ký trầm sô đùm từng túm
Giấu tụi công an với thị trường
Chúng nó rình soi từng kẽ háng
Bắt được chúng ăn không chừa xương
Ngủ gà ngủ gật trên tàu lửa
Bụng lo không biết lọt chuyến hàng
Nếu lọt còn mua vài ký gạo
Không lọt xem như cháo trừ cơm
Sáng sớm tàu vô ga Bình Triệu
Loay hoay ta gọi chiếc xích lô
Tên xích lô ốm như còng gió
Giật mình ta gặp lại bạn xưa
Hai tên ốm nhách ôm mừng rỡ
Tưởng bặt tin nhau lúc ra tù
Đâu ngờ đói quá đi buôn lậu
Nhờ vậy gặp thằng bạn xích lô
Gác chuyện đi buôn qua một phía
Hai tên tấp vô quán bên đường
Một tên gọi phở tên hủ tiếu
Không quên xị đế để ăn mừng
Bạn nói làm nghề xích lô đạp
Một ngày kiếm được hai bữa cơm
Gặp hôm mưa gió xem như đói
Từng đói dài dài nên cũng quen
Ta nghe bạn kể ta cười ngất
Té ra hắn khổ giống như mình
Sau ngày quân bắc vô cướp nước
Không khổ mới là chuyện khó hơn
Kiếm cơm thật khó thời khốn khó
Bán buôn cũng khép tội chây lười
Những con cú vọ mang băng đỏ
Xách súng đi ruồng khắp mọi nơi
Sài Gòn tháng tư nắng chảy nhớt
Hai đứa nhìn nhau cùng thở dài
Chiến trận quyết thề không chịu nhục
Vậy mà lại bị nhục sảng tai
Cha mẹ nuôi con cho ăn học
Đâu biết đời con thảm thế này
Những con sâu bọ không chữ nghĩa
Giậu đổ bìm leo lên đầu ngồi
Nghe cô ca sĩ gì đó hát
Sài Gòn thành phố mười mùa hoa
Nghe lời mị ngữ y như thiệt
Bọn thắng xem dân ngu như gà
Dân ví như gà đâu có trật
Chiều chưa chạng vạng lo vô chuồng
Tranh nhau tìm góc nào an phận
Chờ đến phiên mình bị nhổ lông
Thằng bạn có bằng cử nhân luật
Mất nước đem treo ở đầu giường
Lịch sử chúng còn mang ra đốt
Sá gì tấm giấy bằng mỏng tanh
Đứa đạp xích lô đứa buôn lậu
Mỗi đứa lận lưng một lá bùa
Đó là miếng giấy khi ra trại
Chứng chỉ mỗi thằng tù sáu năm
Lần đi buôn đó xem như lỗ
Tuy lỗ suy ra vẫn có lời
Bởi vì hai đứa sang hơn đĩ
Dám bỏ một ngày đi ngao du
Số phận mây trôi như bèo dạt
Gặp nhau là để tay chia tay
Mỗi đứa gia đình con nheo nhóc
Chia tay là để không hẹn ngày
Sau lần gặp đó không gặp nữa
Không biết bây giờ bạn ở đâu
Có đi ra biển theo tiếng gọi
Hay đã vùi thây ở chốn nào
Quan Duong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét