Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Đại Lộ Kinh Hoàng (18/7/1972) - Nguyễn Phúc An Sơn


May mắn sống sót sau những cơn bão lửa khủng khiếp kinh hoàng đốt cháy đất trời quê hương Miền Nam Việt Nam trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, một cậu bé đang vừa bế vừa cố gắng che đầu cho đứa em gái nhỏ bé bỏng, tội nghiệp của mình (không đủ quần áo che thân) đi về phía Nam trên Quốc Lộ 1, phía Nam Quảng Trị, nơi còn được biết đến dưới cái tên gọi “Đại Lộ Kinh Hoàng”, vẫn còn những hình ảnh tang thương, ghê rợn và hãi hùng, đầy mùi tử khí (hình chụp ngày 18/7/1972).
<!>
“Đại Lộ Kinh Hoàng” là tên mà nhà báo Ngy Thanh (Đặc phái viên của báo Sóng Thần tại thời điểm đó) đặt cho đoạn đường dài khoảng 9 km trên Quốc Lộ 1 từ cầu Bến Đá tới cầu Trường Phước thuộc quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nơi mà dân chúng (cùng binh lính) Miền Nam VNCH rút về phương Nam trong những ngày hè năm 1972 và đã bị bọn phỉ quân cộng sản bắc việt xâm lược bắn trực xạ hàng ngàn những quả đại pháo vào đoàn người tị nạn vô tội đang xuôi Nam tìm sự sống.
Đoạn đường này nằm giữa các đụn cát trắng, không nhà cửa, cây cao và chỉ là các lùm cỏ bụi; do vậy, dễ dàng nằm trong tầm ngắm của các tiền sát viên (đề lô) phỉ quân cộng sản bắc việt khi gọi pháo 122 ly, 130 ly, cối 160 ly… của bọn chúng từ hướng rừng Trường Sơn bắn thẳng vào dòng người di tản khốn khổ và tội nghiệp.
Theo ước tính, có gần 2000 người chết (nhưng chỉ thu gom được 1841 xác người gần như còn lành lặn) và hơn 500 xe cộ các loại (của dân chúng và quân đội) bị phá hủy trong trận pháo thảm sát trên đoạn đường này.
Lúc đó, Nhật Báo Sóng Thần đang thực hiện chương trình "Sống Một Mái Nhà" và để giúp đỡ cho các nạn nhân chiến cuộc tại Quảng Trị, ký giả Đường Thiên Lý đề nghị quyên tiền để giúp thu nhặt xác các nạn nhân tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng do đạn pháo kích của bọn cộng sản xâm lược và mọi người đã thống nhất đặt tên cho chương trình này là "Thác Một Nấm Mồ".
Máu chảy ruột mềm, đáp ứng của độc giả đối với lời kêu gọi đóng góp của báo Sóng Thần cho chương trình "Thác Một Nấm Mồ" vừa mau mắn vừa đông đảo, cho thấy tính nhân bản và tình thương rất cao của người Việt miền Nam đối với các đồng bào ruột thịt miền Trung thiếu may mắn chết mà chưa yên, thân xác còn phơi nắng dầm sương ròng rã đã nhiều tháng trời, khiến không ai là không khỏi đau xót.
Dọc hai bên Đại Lộ Kinh Hoàng là một bầu không khí đầy mùi tử khí trong một khung cảnh tang thương kinh hoàng với nhiều chiếc xe, kể cả quân xa GMC, chiến xa, cháy rụi nằm ngang dọc đó đây, áo quần đồ đạc vương vãi bên những xác người đã rữa nát nằm chết đủ kiểu la liệt khắp nơi, trong đó có nhiều xác đàn bà và trẻ con.
Một trong những hình ảnh làm họ nhớ nhất, tới tận bây giờ, là hình ảnh một người mặc đồ lính đã rách nát, nằm xoãi hai chân hai tay, đầu gối trên một khúc cây gẫy, khuôn mặt gần như chỉ còn xương với tí thịt rữa còn vương dính lại, hai hốc mắt là hai cái lỗ đen ngước lên như chất vấn trời cao.
Có lẽ anh lính đã chỉ bị thương, chưa chết, đã cố gắng lết tới đây; rồi vì không đi được nữa nên đã nằm vật ra, mặt ngửa lên trời, và chết dần trong cơn đau đớn cùng cực.
Những gì có thể giúp để nhận diện xác chết, như thẻ căn cước, hay một món đồ đặc biệt nào đó tìm thấy gần xác đều được mọi người ghi lại trong sổ tay, bên cạnh số của xác đã được ghi trên bọc plastic đựng xác.
Mỗi chuyến xe chở xác về xếp trong ngôi trường của thị trấn Mỹ Chánh, nhiều người có thân nhân trong những nạn nhân trên Đại Lộ Kinh Hoàng chờ chực sẵn ở đó xúm lại tíu tít hỏi thăm, mặt ai cũng bơ phờ, thất thần, thấy thương tâm hơn cả người đã chết nay không còn gì để phải vương vấn nữa.
Các anh em Nhật Báo Sóng Thần cho biết con số đích xác của những xác người đã được “hốt” về từ Đại Lộ Kinh Hoàng là 1.841 xác. Những xác người bất hạnh này đã được chôn cất tại một khu đất sau lưng trường Tiểu Học Phong Nguyên ở Mỹ Chánh, được biết tới với tên Nghĩa Trang Đồng Bào Chiến Nạn Quảng Trị.
Trong tác phẩm “Mùa Hè Cháy”, xuất bản tại Việt Nam năm 2005, tác giả là đại tá Nguyễn Việt Hải (Qúy Hải), chỉ huy trung đoàn pháo Bông Lau (trung đoàn trưởng Cao Sơn) của bọn phỉ quân cộng sản bắc việt xâm lược, đã viết thật rõ ràng là chính đơn vị của hắn ta đã khai hỏa tập trung pháo 122, pháo 130 và pháo 155 mà hắn ta gọi là trận địa pháo cường tập trên Quốc Lộ 1 bắn trực xạ vào đám “ngụy quân/ ngụy dân” trên đường bỏ chạy.
Đoạn đường mang tên “Đại Lộ Kinh Hoàng” ngày nay dĩ nhiên không còn xác chết, không còn dấu vết của tội ác của đám quỷ dữ khát máu mượn chiêu bài “giải phóng” để xâm lăng ăn cướp Miền Nam theo lệnh quan thầy Tàu - Nga. Họ đã được thân nhân mang về mai táng ngay sau đó. Nhưng từ năm 1975 mỗi năm đến ngày giỗ tập thể, hàng ngàn gia đình ở vùng quê hương Quảng Trị chỉ âm thầm thắp nén hương thơm tưởng nhớ người thân.
Có những người không còn thân nhân thì mồ hoang, mả lạnh, không chút khói hương. Nghĩ đến xót xa làm sao! Họ đã chết tức tưởi mà đến nay có lẽ linh hồn của họ vẫn còn u uất nơi ven đường, bụi rậm, không sao siêu thoát được bởi quê hương Miền Nam Việt Nam cũng đã chết cùng với họ từ tháng Tư năm 1975. Nhưng có lẽ họ cũng không sao ngờ được là 50 năm sau, người đời vẫn còn thương cảm cho những oan khiên tức tưởi của họ.

Nguyễn Phúc An Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét