Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Tích Cồn Tiên - thơ Linh Đàn & Hạ Thái

 

TÍCH CỒN TIÊN 

Cồn Tiên điển tích của thần tiên
Linh địa ngàn xưa mãi diệu huyền
Khe nước Hảo Sơn hoài chẳng đục
Bàn cờ Thạch Thượng hãy còn nguyên
Chân ngăn Phục Cái dòng sông cạn
Nhát cuốc Khổng Lồ ngọn núi xiên
Hói Cụ cây tre dài tám trượng
Bắc cầu Bến Tắt tới Trùng Yên

Linh Đàn
Gò Vấp,Sài Gòn
<!>
 
TÍCH CỒN TIÊN
 
Sự tích xưa truyền những thánh tiên
Thời gian chứng tỏ thực hay huyền
Hảo Sơn vẫn đó khe không đục
Thạch Thượng còn đây đá vẫn nguyên
Phục Cái chân không ngăn chỗ cạn?
Khổng lồ cuốc bẩm bổ đường xiên
Linh địa ngàn sau… còn bái vọng
Âu nhờ ơn phước được bình yên.
 
Hạ Thái
Ca, USA

Tâm sự bên lề:


Hôm nay tôi đăng lại hai bài thơ TNBC của Linh Đàn Nguyễn Hữu Kiểm và Hạ Thái như là một nén nhang tưởng niệm người bạn già tài hoa hiểu biết quê ở Gio Linh Quảng Trị.

Cũng để tặng đồng hương Gio Linh Quảng Trị, ôn về kỷ niệm một thời yên bình trên đất quê ngọn nguồn Hiếu Giang xuôi về biển đông ra bờ Cửa Việt.

Bắt đầu quen với Linh Đàn khoảng đầu năm 2009, khi tôi đang phụ trách một mục trên trang web saigonecho của Tiến Sĩ Trần An Bài tại San Jose. thời đó google chưa phổ biến nhiều những  blogs. Tuy ở xa nhưng Linh Đàn đã theo dõi kỹ mục tôi phụ trách, anh đã gởi bài tham gia, những bài thơ Đường luật ngắn, qua đó tôi biết đây là một người am hiểu cổ học, 

Sau này khi đã khá thân mới biết anh là nhà nghiên cứu Hán Nôm, anh đã gửi cho tôi nhiều bài thơ Hán Nôm của các vi tiền bối người Gio Linh, yêu cầu chuyển qua thuần Việt với thể thơ luật Đường.

Kế nữa (2010), anh chuẩn bị chuyển dịch nguyên bộ Tiên Sơn Thi Tập của Hiệp; Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc, gốc Hà Thượng Gio Linh. anh đã mời tôi cùng cộng tác. 

Số người cùng tham gia với Linh Đàn nay vẫn còn trong danh sách ghi trên cuốn sách đã xuất bản năm 2017 tại San Diego, CA.USA là 6 người, nhưng chỉ có tôi và nữ sĩ Trần Lệ Khánh là theo sát từ đầu cho chí cuối, nghĩa là mỗi người có hơn 200 bài chuyển thơ Việt, với thể loại Cổ Phong và Đường Luật. Đây là một kỷ niệm lớn của chúng tôi với nhau. 
Sách in cỡ lớn và khá dày, như một bộ từ điển.

Việc làm kéo dài gần 6 năm, trong thời gian này tôi đang làm toàn thời gian cho Stanford University Hospital nên thời giờ rất eo hẹp. Có những lúc gay go, vì từ ngữ cổ chính Linh Đàn cũng không nắm vững, từ điển Hán ngữ tra không ra, phần khác bản gốc lại viết bằng chữ thảo copy từ Viện Hán Nôm Hà Nội.

Tôi từng nhờ một vị giáo sư khoa Hoa ngữ dạy đại học cộng đồng là thân phụ một nữ bác sĩ nơi tôi làm dịch qua tiếng Anh để tham cứu, và sau cùng, tôi liên lạc với nhà văn Huy Phương tức giáo sư Lê Nghiêm Kính, chính thấy Kinh giới thiệu nhà văn chuyên viết sử liệu triều Nguyễn là giáo sư Võ Văn Dật (Võ Hương Giang).

May quá là ông và tôi đã biết nhau trước và ở gần nhau, anh Dật thành thật nói đại ý rằng: trình độ Hán ngữ của tôi chỉ đủ để dùng vào việc nghiên cứu sử liệu, nếu qua lãnh vực thi ca thì e không ổn, vậy tôi giới thiệu cho anh một người hiện ở Huế, từng phụ trách khoa ngữ học cho Đại Học Văn Khoa, anh này tốt nghiệp ở Đài Loan, thế là chúng tôi liên lạc được với nhà giáo Trần Đại Vinh, nhờ ông này mà giải quyết hết những gì còn khó khăn. Cuốn TSTT mới ra đời năm 2017 theo ước nguyện của gia đình.

Kể lại chuyện trên, để tưởng niệm nhà thơ Linh Đàn Nguyễn Hữu Kiểm, người đầu đàn của một công trình mang tính văn học. Trong thời gian này sức khỏe anh có phần sa sút, nhiều lần nằm bệnh phải gián đoạn việc làm.

Với tôi Linh Đàn một con người khá đặc biệt về nhiều lãnh vực, rất được đồng hương Quảng Trị gần xa, thi văn hữu ái mộ kính phục. Riêng thơ xướng họa thì tôi và Linh Đàn trao đổi với nhau khá nhiều, đúng anh là một người tài hoa, làm thơ dễ dàng, từ ngữ phù hợp dễ thương, ý tưởng hoài cổ chất đầy tính bác học.

Đốt nén nhang này kInh cầu mong anh được an nhàn nơi cõi vĩnh hằng.


Hạ Thái 
20/6/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét