Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

PHỎNG VẤN NGƯỜI LÍNH CẦM BÚT NGUYỄN THIẾU NHẪN - Nhà văn Diệu Tần

(Nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn)
1- Xin anh cho biết, anh viết truyện ngắn hay truyện dài thoải mái hơn? Độc giả thấy anh thành công ở cả hai thể truyện này.
ĐÁP: Ngắn, dài gì tôi cũng đều viết rất thoải mái. Có cái là tôi “viết ở trong đầu” hơi lâu. Cám ơn nhà văn Diệu Tần, cám ơn độc giả đã “thấy tôi thành công ở cả hai thể truyện này.” Tôi thì tôi nghĩ mình phải học hỏi, suy nghĩ và... sáng tạo nhiều hơn nữa để có vài truyện ngắn, truyện dài “ngồi” được – nói theo cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân.
<!>
2- Trong những truyện ngắn anh đã viết, anh ưng ý truyện nào nhất?
ĐÁP: Truyện “Người Đi Tìm Trái Tim Thất Lạc” viết vào năm 1971, đã đăng trên tạp chí Văn ở trong nước. Truyện này đã được nhà thơ Minh Triết Trần Thiện Đạt lúc còn ở New York đã gửi cho tôi. Và anh cho biết là rất ngạc nhiên khi so với những truyện tôi viết sau này ở hải ngoại, văn phong đã khác rất xa. Ở hải ngoại, truyện ngắn ưng ý nhất là truyện “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông” được viết tại trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân, cũng là tên tập truyện ngắn đầu tiên tôi xuất bản ở hải ngoại. Truyện này đã được tái bản lần thứ hai. Trong truyện này, tôi đưa ra một “ẩn dụ”: Người Đàn Bà là đất nước Việt Nam, hết bị Trung Hoa tới Pháp, tới Nhật rồi đến Mỹ, Liên Xô... hãm hiếp. Đứa con mà Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông cưu mang là 2 triệu người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới. Một ngày nào rồi cậu bé Nam sẽ về nước Việt... Chúng ta có quyền hy vọng điều đó, phải không anh? Lúc tôi in tập truyện này, có nhiều người rất ái ngại vì lúc đó tiểu thuyết của nhà văn “phản kháng” Dương Thu Hương đang ăn khách tại hải ngoại. Không ngờ tập truyện tôi in ra lại là best seller. Ba tháng sau hết sạch. Nhà xuất bản Thế Giới sau đó, đã đến thương lượng và tái bản. Năm 1992, nhà xuất bản Bình Minh (Houston) in truyện dài “Cơn Bão Giữa Đời” và nhà xuất bản Sống Việt (San Jose) in tập truyện ngắn “Quà Tặng Những Kẻ Yêu Nhau.” Năm 2007, tôi đã tuyển một số truyện trong hai tập truyện ngắn và in chung thành quyển Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông.

3- Anh vừa sáng tác văn, vừa viết báo như vậy công việc làm báo có gây trở ngại cho việc viết văn không?
ĐÁP: Trở ngại quá đi chứ. Nhất là lại viết phiếm luận là cái món là nhiều người ái mộ nhưng cũng có lắm kẻ không ưa, nhất là những cá nhân, tổ chức, đảng phái... mà mình nói đến. Trước, tôi có đọc một bài viết của nhà văn Lê Tất Điều (viết phiếm ký bút hiệu Kiều Phong) bảo là khi viết phiếm ông không còn viết truyện được nữa. Lúc đó, tôi không tin lắm. Nhưng bây giờ thì thấy là... có lý. Có điều tôi vẫn viết văn, làm thơ, làm báo và viết.... phiếm.

4- Theo anh, những người hoạt động văn học nghệ thuật có cần phải về Việt Nam một thời gian ngắn để thu lượm chất liệu cần thiết cho việc viết văn, làm thơ cho sát với thực tế, như một nhà văn đã tuyên bố và đã làm như vậy?
ĐÁP: Ý anh muốn đề cập tới nhà văn Nhật Tiến, phải không? Theo tôi, “về Việt Nam để thu lượm chất liệu...” chỉ là một cách nói ngụy tín để che giấu ý đồ hôn đít bạo quyền Việt Cộng. Theo tôi, những chất liệu thu lượm đó chỉ có tính cách thời sự. Văn chương được chắt lọc qua thời sự và suy nghĩ của người viết khi thời sự đã lắng đọng. Qua báo chí khai thác tin tức thời sự ở trong nước, theo tôi, những người cầm bút ở hải ngoại đã dư sức để thu lượm chất liệu. Tôi đã có ý kiến với nhà văn Nhật Tiến trong bài viết “Những Người Đi Hái Phù Dung”. Trong một bài phỏng vấn của ông/bà Vị Giang của báo Ngày Nay ở Houston, nhà văn Nhật Tiến đã mạt sát tôi là “bất xứng” khi “bêu rếu những nỗi đau thương của những phụ nữ vượt biển bị hải tặc hãm hiếp.” Có điều ông nhà văn Nhật Tiến, người đã từng được Giải thưởng văn chương Việt Nam Cộng Hòa năm nào đã hoàn toàn sai lầm khi trả lời cuộc phỏng vấn, vì chính tôi và gia đình là nạn nhân của một chuyến tàu vượt biển hai lần gặp hải tặc đón cướp và hãm hiếp đàn bà, con gái trên tàu. Chính vì những đau thương đã kinh qua mà tôi đã phải lên tiếng về việc làm bất xứng của ông nhà văn Nhật Tiến. Tôi đã trả lời ông nhà văn này bằng hai bài viết trên tờ Việt Nam nhật báo nhưng chẳng thấy ông nhà văn “về Việt Nam thu lượm chất liệu để sáng tác” này trả lời, trả vốn gì cả. Đó là chuyện của những năm 1995. Nay, thì ông nhà văn Nhật Tiến đã lộ rõ bộ mặt hôn đít bạo quyền khi được VC cho phép in chung với người em là nhà văn Nhật Tuấn một quyển truyện và được phát hành ở trong nước. Ông nhà văn này thì cũng giống như ông nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Để biết rõ những việc làm hôn đít bạo quyền của các ông nhà văn này, độc giả có thể tìm đọc hai quyển tạp luận “Máu Mực Bể Dâu” xuất bản năm 2002 và “Thiên Hạ Phong Trần, xuất bản năm 2005.

5- Anh nghĩ gì về trường hợp có vài người viết văn, viết báo lợi dụng tự do ngôn luận và tự do cá nhân ở xứ người. Họ đã viết ra những truyện ngắn, truyện dài, bài viết có luận điệu vô tình hay cố ý bênh vực, tuyên truyền cho một chế độ chủ trương không có tự do cá nhân và thủ tiêu tự do ngôn luận?
-ĐÁP: Tôi không đồng ý và lập tức bày tỏ thái độ bằng những bài viết. Tôi quan niệm cầm bút như cầm súng tiếp tục cuộc chiến bị bức tử vào tháng Tư tai họa năm xưa để chống lại hiểm họa cộng sản. Năm 1989, đang theo học accounting tại DMACC tức trường Đại học Cộng đồng ở Des Moines, tiểu bang Iowa, tôi đã ứa gan khi đọc một bài viết của Thế Uyên đăng trên nhật báo Người Việt, tôi đã viết “Thư gửi Thế Uyên”, ông nhà văn đã im thin thít. Sau, ông nhà văn viết bài hăm mấy anh em HO qua Mỹ tiếp tục tranh đấu chống Cộng sẽ bị cơ quan INS hỏi thăm... sức khoẻ. Mười chín hội đoàn ở Washington State đã lên tiếng, có người nào đó đã viết trên vách nhà của Thế Uyên cho biết nếu còn tiếp tục viết bậy sẽ “xin tí huyết”. Thế Uyên đã câm miệng từ bấy tới nay. Sau này, người ta mới biết nhà văn Thế Uyên phải muối mặt làm những chuyện làm nhục hương hồn văn hào Nhất Linh chỉ vì anh ta là người phụ trách một đường dây dưa du sinh Việt Cộng qua Mỹ. Lúc ca sĩ Thanh Lan qua San Jose để mở màn tuyên vận tấn công vào cộng đồng Bắc California, ông nhà văn Nguyễn Bá Trạc có viết một bài “làm dáng” về việc dẫn vợ vào tham dự dạ hội, và tỏ ý buồn vì “cộng đồng bể đôi”, tôi viết ngay “Thư gửi Nguyễn Bá Trạc” để bày tỏ thái độ. Khi cộng tác với tuần báo “ốc Mỹ mượn hồn Việt” Việt Mercury, ông này đã viết bài “Tháng Tư cà nhỏng chợ trời”, tôi đã viết ngay một bài để công kích việc làm vô ý thức của ông này trong mùa Quốc Hận. Có điều là sau đó, chúng tôi vẫn gặp nhau, uống trà, hút thuốc lào và tán gẫu. Khi hội thảo “Bể Dâu” của nhóm “Mực và Máu” và quyển “Phía Bên Kia Thiên Đường” của nhóm Mỹ phản chiến và các nhà văn Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Khởi Phong, Võ Phiến... diễn ra, tôi đã viết bài “Máu Nào Đã Đổ Xuống, Mực Nào Đã Viết Ra Trong Cuộc Bể Dâu Này?” Người mà tôi công kích thẳng thừng là nhà văn Võ Phiến là một người tôi rất mến mộ. Lý do là ông nhà văn này có một truyện ngắn được dịch ra Anh ngữ và đăng trong tuyển tập này. Được một chương trình phát thanh ở Nam Cali phỏng vấn, ông cho biết là ông đồng ý cho dịch truyện này để in vào quyển sách. Chuyện “người ta” dùng “danh tiếng” của ông để tuyên truyền thì ông không biết. Qua một thân hữu là nhà thơ Thái Tú Hạp, ông cho biết vì ông (Võ Phiến) đang bệnh, khỏi bệnh, ông sẽ có một bài viết để trả lời bài viết của chúng tôi. Lâu quá, không thấy bài trả lời như ông đã hứa. Chắc là ông nhà văn Võ Phiến vẫn còn đang bệnh. Dù sao tôi vẫn cầu mong cho ông khỏi bệnh. Ông trả lời cũng tốt, để tôi được học hỏi. Ông không trả lời cũng không sao, vì đó là quyền tự do của ông ta. Chẳng phải điều tranh đấu cuối cùng và trên hết của những người cầm bút là sự tự do, hay sao!

6- Mới đây, chính quyền Hà Nội chủ trương là phải sửa đổi cách viết báo để nhằm vào đối tượng độc giả người ngoại quốc và người Việt ở hải ngoại. Họ tự phê bình như sau: “Nói chung thì rất nhiều bài vở thường viết dài dòng, tẻ nhạt, đọc chán ngắt.” Vì sao họ phải sửa đổi như vậy? Vấn đề chính, cơ bản, không thay đổi lại chủ trương sửa đổi trên ngọn, rồi họ có sửa đổi được không, thưa anh?
ĐÁP: Với tôi, tất cả những gì liên quan đến chính quyền Hà Nội đều trí trá. Điển hình, như vào năm 1995, ông Trần Độ, đảng viên cao cấp của đảng CSVN, đã gửi đến Bộ Chính Trị đảng CSVN bài viết với tiêu đề: “Góp ý về Đại hội VIII – Từ Đảng của sự nghiệp giải phóng dân tộc đến Đảng của sự nghiệp phát triển đất nước”, nhiều người ở hải ngoại đã lớn tiếng ca tụng là ông này chống Đảng, tôi đã viết bài “Trần Độ: Chống Đảng hay cứu Đảng?” để vạch rõ âm mưu cứu Đảng của ông này. Như vào năm 2005, ông Hoàng Minh Chính, một lý thuyết gia cao cấp của CSVN bị “thất sủng” vì tội “xét lại”, được bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đưa qua Mỹ chữa bệnh ung thư tiền liệt tuyến đã thực hiện âm mưu hòa giải hòa hợp qua đề nghị “Tiểu Diên Hồng: Bàn Tròn Ba Bên” Khi người Cộng sản định sửa đổi một điều gì thì chỉ vì quyền lợi của họ. Như khi ông Gorbachev đề ra glasnost, pestroika cũng chỉ vì quyền lợi của đảng Cộng sản Liên Xô. Ông ta không ngờ chính ông ta đã buông tấm ván thiêng đậy nắp quan tài cái thây ma Cộng sản Liên Xô để Boris Yeltsin đóng đinh mai táng. Biết đâu qua chủ trương này nọ, mấy ông Cộng sản Việt Nam cũng đang buông tấm ván thiêng.

7-Trong thời gian sắp tới, tuy bận rộn với việc làm báo, anh có định ra mắt độc giả một tập truyện nào nữa không?
ĐÁP: Trong năm 2002, tôi đã xuất bản 2 quyển “Máu Mực Bể Dâu”, tạp luận và truyện dài “Mưa Trên Sông Đồng Nai.” Năm 2005 đã phát hành tạp luận “Thiên Hạ Phong Trần”. Tháng 3 năm 2007 đã tái bản lần thứ hai tập truyện “Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông”, như đã nói là gồm hai quyến Người Đàn Bà Mang Thai Trên Biển Đông và Quà Tặng Những Kẻ Yêu Nhau. Năm 2008, vì nhu cầu tranh đấu giành lại danh dự bị chà đạp và nền dân chủ bị tuớc đoạt bởi Nghị viên Madison Nguyễn và Thị Trưởng Chuck Reed trong việc đặt tên cho một khu thương mại trên đường Story tại thành phố San Jose, thuộc miền Bắc tiểu bang California, tôi đã in chung với anh Kiêm Ái quyển tạp luận “Sàigòn Business District: Hồi Chuông Báo Tử”.
Hiện nay tôi đang chuẩn bị in quyển NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỀN TẬP để kỷ niệm 20 viết văn, làm báo, sinh hoạt cộng đồng của một-người-lính-cầm-bút để tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản, sau khi cuộc nội chiến ngoại khiển đã bị bức tử vào tháng 4 năm 1975.
Tuyển tập dự trù dày khoảng 1.500 trang. Anh Diệu Tần, trong thư phỏng vấn, anh có yêu cầu tôi trả lời hết các câu phỏng vấn, tôi đã làm tròn mọi chuyện. Xin anh cho tôi được nói thêm vài lời là xin anh và độc giả đọc mấy câu trả lời của tôi mà thấy là chả ra làm sao cả thì xin niệm tình tha thứ vì tôi vốn không quen trả lời phỏng vấn.
Nói cho cùng, chuyện quan trọng của người cầm bút là những tác phẩm mà anh ta đã cống hiến cho đời và cái còn lại của người cầm bút là khi anh ta đã nằm xuống, phải không anh?.
*
ĐOẠN VIẾT THÊM:
Bài phỏng vấn này được thực hiện bởi nhà văn Diệu Tần, cựu Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại vào năm 2008.
NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP, TẬP I dày trên 600 trang đã được phát hành vào tháng 1 năm 2010.
NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP, TẬP II dày trên 800 trang, dự trù sẽ phát hành vào cuối năm 2010; nhưng đến nay, tháng Giêng năm 2018 vì nhiều lý do chưa thực hiện được.

Sơ lược tiểu sử:
-Tên họ: Nguyễn Văn Nghiêm
Sinh năm 1945 tại Biên Hoà (hiện nay là tỉnh Đồng Nai). Nam Việt Nam;
-Cựu sĩ quan QLVNCH;
-Cựu tù 6 trại “cải tạo” và 2 “trung tâm tạm giam”

Ngoài bút hiệu Nguyễn Thiếu Nhẫn, còn có các bút hiệu Lão Móc, Trúc Giang cư sĩ, Đồng Nai công tử, Ký giả Vịt Trời, Lệnh Hồ, Tú Nạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét