Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ NGUYỄN HIỀN - Dương Viết Điền


Tác giả và Nhạc sĩ Nguyễn Hiền
Khi nhận được giấy mời xuống Quận Cam để tham dự buổi họp tân niên của Hội VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGỌAI (Trung tâm Nam California), tôi cùng nhà văn Việt Hải liền bay xuống để tham dự vì chúng tôi là hội viên. Vì ở tại thành phố Canogar Park dưới thung lũng San Fernando cách Quận Cam hơn một tiếng đồng hồ nên tôi và anh Việt Hải phải xuống sớm nếu không sẽ bị kẹt xe. Vì vậy khi đến nơi tổ chức buổi họp, tôi thấy chỉ mới có một vài người hiện diện: nhà văn Trần Thy Vân (chủ tịch hội VBVNHN), thi nhạc sĩ Anh Vũ Thiện Tín tức anh Võ Đôn (thủ quỹ), nhà văn Lê Anh Dũng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhà thơ Vũ Lang, nhà thơ Trần Đức Hân, nhà văn dược sĩ Vũ Văn Tùng, nhà văn Lâm Xương Yên, nữ thi sĩ Vũ Hoài Mỹ.
<!>
Trong lúc chờ đợi anh em văn nghệ sĩ của Hội VBVNHN đến được đầy đủ, tôi và nhà văn Việt Hải ngồi nói chuyên phiếm với một vài anh trong Hội. Tình cờ, chúng tôi ngồi quây quần với nhau trong một bàn tròn. Tôi nhớ bữa ấy, bàn tôi gồm có nhà văn Lê Anh Dũng, nhà văn Việt Hải, nhà văn dược sĩ Võ Văn Tùng, nhà thơ Trần Đức Hân và nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

Sau khi nhà văn Việt Hải đề cập vài vấn đề liên quan đến văn học nghệ thuật, nhà văn Lê Anh Dũng kể một câu chuyện trong Tam Quốc Chí, thì đến lượt nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể chuyện.

Không biết bữa ấy ai nêu lên vấn đề báo chí ca ngợi, tâng bốc Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện quá mức tôi cũng quên mất, nhưng khi nghe anh em đề cập đến vấn đề nầy, nhạc sĩ Nguyễn Hiền lên tiếng ngay:

- Báo chí nó làm rùm beng vậy thôi chứ Nguyễn Chí Thiện là cái thớ gì? Nó là thằng nhà quê lên tỉnh. Tôi này, nhạc sĩ Nguyễn Hiền, con nhà giàu ở phố Hàng Bông, Hà Nội. Ai bảo nó là “ngục sĩ”. Mà “ngục sĩ” là cái gì? Phạm Duy bảo Nguyễn Chí Thiện là “ngục sĩ” đấy. “Ngục sĩ” là cái gì? Tôi tra tự điển mãi vẫn không tìm thấy được chữ “ngục sĩ” đâu cả.

Thấy nhạc sĩ Nguyển Hiền đề cập đến Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với một vài tình tiết vui vui, tôi lại càng lắng tai chăm chú nghe nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói. Thấy tôi say sưa ngồi nghe, nhạc sĩ Nguyễn Hiền vừa nhìn tôi vừa nói tiếp:

- Sáng nay vào uống cà phê ở Le Croissent Doré, luật sư Đỗ Hiếu Liêm gặp tôi bảo rằng anh ta rất hãnh diện vì chiều qua đã được dùng cơm tối với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện! Cái gì mà hãnh diện! Nguyễn Chí Thiện là cái gì mà hãnh diện?

Theo tôi nghĩ có lẽ lúc bấy giờ vì báo chí quá ca ngợi anh Nguyễn Chí Thiện nên nhạc sĩ Nguyễn Hiền mới biểu lộ những lời lẽ như trên chăng? Riêng trường hợp luật sư Đỗ Hiếu Liêm, tôi không biết luật sư Liêm ở tù bao lâu, nhưng khi gặp anh Nguyễn Chí Thiện đã vào tù ra khám đến 27 năm, chắc luật sư Liêm cũng nể thật. Nói đến “ngục sĩ” Ngyễn Chí Thiện, tôi nhớ có lần tôi và anh vợ tôi ghé nhà anh Phan Nhật Nam đang ở để thăm anh Nam. Anh vợ tôi vì là bạn học cùng khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt với anh Nam nên mấy chục năm chưa gặp, giờ có việc xuống Quận Cam nên ghé thăm anh ấy luôn. Còn tôi ghé vào nhà để gởi cho anh Phan Nhật Nam mấy cuốn sách và tập thơ nhờ anh ấy đem đến nhà hàng, sắp chung với những tác giả khác trong đêm tổ chức văn nghệ quyên tiền giúp gia đình anh Nguyễn Đình Nghĩa đang lâm trọng bệnh ở thành phố Maryland. Trong lúc anh Phan Nhật Nam đang sửa soạn bàn ghế cho gọn gàng, tôi và anh vợ tôi đi qua lại ở phía sau nhà. Khi đến gần góc nhà ở phía sau, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi uống cà phê, đôi mắt nhìn theo khói thuốc lá như đang trầm ngâm một chuyện gì. Nhìn kỹ, tôi thấy người đàn ông này sao mà giống nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả của thi phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực”. Thế rồi tôi và anh vợ tôi lên tiếng chào anh ta.

Sau khoảng mười lăm phút thăm anh Phan Nhật Nam, trước khi ra về tôi có hỏi anh Nam người đàn ông ngồi ở góc bàn sau kia có phải là anh Nguyễn Chí Thiện không, anh Nam nói rằng đúng như vậy. Đó là nhà thơ Nguyển Chí Thiện. Thế là tôi lấy lui một tập thơ nơi anh Nam để ký tặng anh Nguyễn Chí Thiện. Tôi liền cầm tập thơ đi ra phía sau nhà trao cho anh ấy thì anh ấy vào đâu trong phòng rồi. Tôi liền trao tập thơ của tôi cho anh Nam và nhờ anh Nam trao lại cho anh Nguyễn Chí Thiện rồi ra về. Để trở lại đề tài, tôi xin được tiếp tục câu chuyện.

Ngồi nói chuyện khoảng chừng mười phút rồi mà anh em vẫn đến chưa được bao nhiêu nên chúng tôi lại tiếp tục kể chuyện phiếm cho nhau nghe. Thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền là văn hữu lớn tuổi nhất trong bàn nên anh em chỉ ngồi nghe nhạc sĩ kể chuyện thôi. Thấy vậy nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể tiếp một vài chuyện khác liên quan đến hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Văn Cao. Thấy tôi có vẻ chăm chú ngồi nghe, nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể tiếp:

- Tôi kể cho các anh nghe chuyện hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Văn Cao gặp tôi ở Sài gòn sau khi Cộng sản đã chiếm miền Nam Việt Nam. Sau khi nhạc sĩ Văn Cao cầm tập nhạc của ông ta trên tay trong đó mấy bản nhạc của ông ta đều được dịch ra tiếng Anh, ông ta đọc di đọc lại nhiều lần thấy thích quá. Nhạc sĩ Văn Cao liền đi tìm các giáo sư Anh ngữ ở các đại học Tổng hợp tại Hà Nội để hỏi xem người dịch những bản nhạc của ông ta trình độ Anh ngữ phải như thế nào mà dịch hay thế! Các giáo sư Anh ngữ ở đại học tổng hợp đều nói rằng người dịch những bản nhạc nầy phải là người có trình độ Anh ngữ rất giỏi mới dịch được như thế.

Nói đến đây, nhạc sĩ Nguyễn Hiền bỗng nở một nụ cười có vẻ thích chí rồi nhạc sĩ kể tiếp:

- Tôi đã dịch những bài đó rất công phu. Nhất là đoạn “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Hồng”.

Nghỉ vài dây nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể tiếp rằng, khi biết người dịch nhạc của mình ra Anh ngữ là nhạc sĩ Nguyễn Hiền, người bạn thân cũ ở Hà nội, nhạc sĩ Văn Cao liền tìm cách vào Sài gòn ngay để tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Thế là hai nhạc sĩ đã gặp nhau sau mấy mươi năm xa cách. Tại Sàigòn, nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã hỏi nhạc sĩ Văn Cao rằng ngoài những tác phẩm được in trong tập nhạc đó, có còn những tác phẩm nào nữa không, nhạc sĩ Văn Cao trả lời rằng không còn tác phẩm nào nữa cả.

Khi nghe nhạc sĩ Văn Cao nói như thế, nhạc sĩ Nguyễn Hiền liền hỏi nhạc sĩ Văn Cao rằng thế thì còn một bản nhạc nữa đâu (bản nhạc nầy tôi quên tên mất, nhưng đại khái lúc Việt Minh tiến quân vào Hà nội, nhạc sĩ Văn Cao có sáng tác một bản nhạc đầy chiến đấu tính). Nghe hỏi vậy, nhạc sĩ Văn Cao im thin thít không dám nói một lời.

Sau đó nhạc sĩ Nguyễn Hiền đề cập đến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói rằng bài Quốc ca của chúng ta hát trước đây do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác. Mà Lưu Hữu Phước lúc bấy giờ theo cộng sản rồi và đang sống tại Hà Nội. Vì vậy nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã có lần gặp Ông Ngô Đình Nhu trong thời Đệ Nhất Cộng hòa để xin Ông Ngô Đình Nhu đổi bài quốc ca thành bài khác. Nhưng ông Ngô Đình Nhu không bằng lòng lấy cớ rằng bài Quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ đã được trên 40 quốc gia thừa nhận rồi nên không thể đổi được nữa. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể tiếp rằng khi Lưu Hữu Phước vào Sài gòn gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nói với nhạc sĩ Nguyễn Hiền rằng, nhạc sĩ Nguyễn Hiền nên tìm cách mà đi đi chứ trong xã hội này, nhạc sĩ Nguyễn Hiền không có đất để dung thân.

Trong hội VBVNHN, nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một trong những người lớn tuổi, rất đứng đắn, có tinh thần chống Cộng cao. Vì thế tôi có nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết mấy lời bạt về hai tác phẩm của tôi để tôi sẽ cho tái bản.

Chiều ngày 08 tháng 12 năm 2004, tôi đã gọi điện thoại xuống cho nhạc sĩ Nguyễn Hiền hỏi xem thử lời bạt về hai tác phẩm của tôi đã được viết xong chưa để tôi xuống lấy thì nhạc sĩ trả lời mới viết xong được một lời bạt thôi, cuốn thứ hai đang viết nửa chừng. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền có hỏi tôi tại sao không thấy xuống tham dự party cuối năm của Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại luôn tiện lấy bài viết lên luôn, tôi liền trả lời là bận đi làm nên không thể xuống tham dự được.

Vì ở xa Quận Cam hơn một giờ đồng hồ lái xe nên lâu lâu tôi mới về một lần. Vả lại ngày thứ bảy hay chủ nhật gì tôi cũng đi làm cả, nhưng nhiều khi ngày thường lại nghỉ ở nhà nên ít khi tham dự được các buổi họp ở dưới Quận Cam.

Vì thấy tôi ít xuống tham dự nên nhạc sĩ Nguyễn Hiền hỏi địa chỉ tôi để gởi bài viết lên cho tôi. Nhưng tôi đã nói với nhạc sĩ là đợi cuối năm nghỉ thường niên tôi sẽ xuống lấy lên luôn cho tiện. Nhạc sĩ Nguyển Hiền nói rằng vì cuối tác phẩm “Trại Ái Tử và Bình Điền” của tôi có mấy bài thơ và mấy bản nhạc nữa do tôi sáng tác trong tù nên nhạc sĩ bảo tôi chờ một thời gian ngắn nữa để nhạc sĩ viết thêm nhận xét cho đầy đủ vì con người thật đa năng, đa hiệu. Tôi nói với nhạc sĩ Nguyễn Hiền rằng tôi chỉ là học trò của nhạc sĩ thôi, nhạc sĩ Nguyễn Hiền lại nói rằng mỗi người một vẻ thôi, có gì đâu. Cuối cùng thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền cũng đã viết cho tôi hai lời bạt, một cho tác phẩm “Trại Ái Tử và Bình Điền”, một cho tác phẩm “Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân” để sau này khi tái bản tôi sẽ đưa vào thay lời tựa. Sau đây là hai LỜI BẠT về hai tác phẩm của tôi do nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết:

Lời giới thiệu tập hồi ký TRẠI ÁI TỬ VÀ BÌNH ĐIỀN của tác giả DƯƠNG VIẾT ĐIỀN.

Năm 2003 vừa qua, độc giả bốn phương đã đón nhận tập hồi ký “TRẠI ÁI TỬ VÀ BÌNH ĐIỀN” do nhà văn Dương Viết Điền soạn và qua tác phẩm, được biết đến những năm tháng dài mà anh em tù cải tạo từng phải chịu đựng với nhiều đọa đày xác thân cũng như tinh thần của họ.

Trước đây khi còn ở nước nhà, điểm qua sinh hoạt văn học, chúng ta thấy có rất ít tác phẩm diễn tả cảnh lao tù dưới thời Pháp thuộc cũng như dưới chế độ Cộng sản từ 1945 khi những người Mác xít cướp chính quyền từ tay thực dân Pháp. Chỉ sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 phần lớn các chiến sĩ VNCH bị đi tù tập thể trong các trại giam đội lốt “học tập cải tạo” trải ra trên khắp ba miền đất nước. Họ đã phải chịu đựng kiếp đọa đày mà vẫn kiên trì phấn đấu khắc phục hoàn cảnh khó khăn với niềm hy vọng một ngày được trở lại đời sống tự do trong mái ấm gia đình.

Đương nhiên sau ngày vận nước suy vong đó, chúng ta đã có một dòng văn học gồm những tù nhân chính trị viết lại sinh hoạt của họ trong các trại giam cộng sản. Và do vậy những cây bút ấy đã góp phần phong phú hoá cho vườn hoa văn học hải ngoại được thêm nhiều màu sắc. Trong số đó có văn hữu Dương Viết Điền đã viết cuốn hồi ký “TRẠI ÁI TỬ VÀ BÌNH ĐIỀN” xuất bản năm 1993 và nay lại tái bản theo yêu cầu độc giả hải ngoại.

Lối văn hồi ký ghi những kỷ niệm trong thời gian đi tù “cải tạo” của Dương Viết Điền như kể chuyện đã hấp dẫn người đọc tìm hiểu về tâm tư tác giả cùng những bạn tù và chế độ các trại giam của cộng sản. Đặc biệt ở gần chương cuối tác giả còn ghi lại mấy bài thơ và vài ca khúc do anh sáng tác, chứng tỏ Dương Viết Điền là người đa năng, nhiều khả năng sáng tạo rất phong phú.

Tôi trang trọng giới thiệu hồi ký “TRẠI ÁI TỬ VÀ BÌNH ĐIỀN” trong lần tái bản này với ước mong tác phẩm được quý bạn đọc hải ngoại đón nhận nhiệt tình.

Lời BẠT tập biên khảo “NHỮNG ANH HÙNG VI QUỐC VONG THÂN” của DƯƠNG VIẾT ĐIỀN.

Tập biên khảo “NHỮNG ANH HÙNG VI QUỐC VONG THÂN” của DƯƠNG VIẾT ĐIỀN lần tái bản đến tay tôi, khi đọc đã đem lại một thích thú đặc biệt.

Thật vậy ở thời trước biến cố 1975 khi còn ở trong nước, mọi người đã từng say mê theo dõi những phóng sự chiến trường sôi động nói lên sự chiến đấu dũng cảm của lớp trai thời đại trưởng thành trong khói lửa. Nhưng sau biến cố thê thảm ngày 30 tháng 04 năm 1975 ấy, những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phần lớn sau khi buông súng mặc dầu còn lưu luyến cuộc đời người lính chiến oai hùng, họ đã phải được lệnh đi trình diện, nói là để “học tập cải tạo”, nhưng trong thực tế là đi tù tập thể tại những trại giam với chế độ khắc nghiệt trải trên khắp ba miền đất nước.

Trong cuộc sống đoạ đày gian khổ ở trại tù cộng sản, phải nói rằng họ đã có sức chịu đựng vô biên để mong được tồn tại chờ ngày được về xum họp với gia đình vợ con. Trong khổ đau từng ngày tháng năm dài, họ đã tự trui rèn bản thân để thách đố với hoàn cảnh khó khăn. Và ngẫu nhiên tư duy họ đươc phát triển không ngờ để rồi sau khi được sống trở lại cuộc đời tự do họ đã trở thành những người viết văn, làm thơ và soạn nhạc để biểu lộ nỗi niềm qua các tác phẩm xuất bản cũng như phổ biến ở hải ngoại chúng ta. Nhờ vậy vườn hoa năn học nghệ thuật hải ngoại đã trở nên hết sức phong phú nếu điểm qua sinh hoạt cộng đồng hằng tuần ở các tiểu bang Hoa Kỳ cũng như khắp năm châu thế giới.

Như thế phải nhận xét rằng sau năm 1975, văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại đã đánh dấu thêm một “giòng văn học tù cải tạo” hay giòng tư tưởng kiên trì bất khuất của một thế hệ trai thời đại. Tác phẩm biên khảo “NHỮNG ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN” của DƯƠNG VIẾT ĐIỀN do Đại Nam xuất bản lần thứ nhất năm 2003 lại sắp tái bản để đáp ứng với nhu cầu độc giả trên khắp thế giới.

Tôi trang trọng giới thiệu tác phẩm này như một bông hồng trong vườn hoa văn học Việt Nam hải ngoại và ước mong được giới hâm mộ văn học bốn phương đón nhận.

Vào ngày 10 tháng 12 năm 2005, khi nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền lâm trọng bệnh, nhân dịp xuống Quận Cam dự tiệc cưới con của một người bạn cùng khóa, tôi có điện thoại đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Hiền để xin phép vào thăm nhạc sĩ. Sau khi xin phép tôi để được biết quý danh, phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền trả lời rằng vì ngày hôm ấy con cháu ở xa về đang tụ tập quanh nhạc sĩ để chăm sóc và thăm hỏi nên gia đình hơi bận rộn. Vì vậy phu nhân nhạc sĩ nói với tôi ngày mai đến cũng được .Thế rồi tối hôm ấy sau khi tham dự tiệc cưới xong tôi đành phải lên vì ngày hôm sau tôi phải đi làm nên cũng không xuống được.

Ngày 23 tháng 12 năm 2005, tôi có việc phải xuống Quận Cam, nhân tiện vào nhà quànq Peek Family để chia buồn cùng anh Võ Đình Dược, tức thi nhạc sĩ Anh Vũ Thiện Tín, Tổng Thư Ký hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Trung tâm Nam California), vì phu nhân của anh ấy vừa qua đời. Sau khi từ giã thi nhạc sĩ Anh Vũ, tôi liền đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Hiền để vào thăm vì tuần trước không thăm được. Vừa vào đến trước cửa, tôi gặp một người đàn ông từ trong nhà bước ra. Tôi liền xưng tên, họ của tôi và nói cho anh ta biết rằng tôi ở trong hội Văn Bút Việt Nam Hải ngoại với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nghe nhạc sĩ lâm trọng bệnh nên đến đây để xin thăm nhạc sĩ. Người đàn ông này cho tôi biết ông ta là em trai của nhạc sĩ Nguyễn Hiền và khi nghe tôi nói như vậy anh ta liền nói:

- Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã qua đời lúc 10 giờ sáng hôm nay rồi anh ạ!

Nghe em trai của nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói như vậy, tôi hết sức sửng sốt.

Em trai của nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói tiếp:

- Khoảng 1 giờ chiều nay, xe sẽ đến đưa thi thể của nhạc sĩ vào nhà quàng Peek Family. Và chúng tôi sẽ thông báo giờ thăm viếng từ ngày 28 đến ngày 31 tháng này.

Tôi liền xin phép em nhạc sĩ Nguyễn Hiền vào thăm nhạc sĩ lần cuối và em nhạc sĩ bằng lòng rồi dẫn tôi vào trong nhà. Vừa bước vào phòng khách, tôi thấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền nằm an nghỉ trên giường kê sát tường, khuôn mặt rất gầy guộc, miệng như còn mở ra để lộ hàm răng trên. Toàn thân đã được đắp bằng một tấm ra trắng. Thấy có người lạ vào, hai thiếu nữ từ phòng sau bước ra chào tôi. Em nhạc sĩ Nguyễn Hiền liền giới thiệu tôi với hai thiếu nữ ấy và sau đó cũng nhờ em nhạc sĩ, tôi mới biết hai thiếu nữ ấy là ái nữ của nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Một trong hai thiếu nữ ấy nói với tôi:

- Bố tôi an nghỉ rất êm ái, nhẹ nhàng.

Sau đó tôi liền xin phép em nhạc sĩ và gia đình được cầu nguyện ngay tại chỗ.

Sau khi được chấp thuận tôi liền bước đến gần thi thể của nhạc sĩ Nguyễn Hiền đang nằm trên giường rồi chắp tay trước ngực cầu nguyện.

Sau vài phút cầu nguyện, tôi liền xin phép em nhạc sĩ và hai ái nữ của nhạc sĩ ra về. Khi tiễn tôi ra cửa, em nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói với tôi:

- Vào một đêm nọ, khi dự tiệc tại nhà Ông Bùi Bỉnh Bân, cô con gái của Ông Bùi Bỉnh Bân nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hiền đàn một bản nhạc bằng đàn accordion. Đêm ấy khi vừa về đến nhà, nhạc sĩ Nguyễn Hiền thấy trong người quá mệt mỏi, uể oải có lẽ vì lớn tuổi rồi mà lại kéo đàn accordion. Sáng hôm sau, nhạc sĩ Nguyển Hiền lái xe chở một người cháu đi học như thường lệ, nhưng lúc lái xe nhạc sĩ Nguyễn Hiền lái không được vững như hằng ngày và có vẻ hơi loạng quạng. Vì vậy khi về nhà người cháu đã nói với phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền về vụ lái xe này. Thế là phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hiền không để cho ông ta lái nữa và bảo nhạc sĩ Nguyển Hiền phải đến bác sĩ mà khám bệnh. Sau khi khám bệnh, thử máu, chụp hình, các bác sĩ đã khám phá ra một cục bướu ở trong phổi mới biết nhạc sĩ bị ung thư phổi. Thế là một tháng sau, nhạc sĩ Nguyễn Hiền qua đời.

Tôi hỏi em nhạc sĩ Nguyễn Hiền:

- Tại sao nhạc sĩ Nguyễn Hiền không đi khám bệnh và xin chụp hình phổi hằng năm cho biết mà lại để cho có cục bướu như vậy?

Em nhạc sĩ Nguyễn Hiền trả lời:

- Nhạc sĩ Nguyễn Hiền ở đây 17 năm, có medical mà không chịu đi khám bác sĩ anh ạ. Đã thế nhạc sĩ Nguyễn Hiền còn hút thuốc nữa mới ra thế.

Cuối cùng tôi xin chia buồn cùng em nhạc sĩ Nguyễn Hiền rồi xin phép anh ta ra về.

Dương Viết Điền
Blog/TrầnYênHoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét