Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

MÂY TRỜI CAM LỘ - Giao Chỉ, San Jose

Tin đi thư lại
Trước khi vào chuyện từ San Jose xin có đôi lời mở lối .Trong công việc hiện nay, chúng tôi nhận được rất nhiều thư tín qua bưu điện và điện thoại. Gọi phone lắng nghe đã đành. Thư từ chúng tôi cũng đọc rất trọn vẹn. Trả lời thư có thể không đầy đủ, nhưng đọc thì bảo đảm là đọc hết. Bao nhiêu là tin tức, bao nhiêu là tâm sự, bao nhiêu là đề nghị. Xin ghi nhận hết. Xin cảm ơn đã tin cậy và chia xẻ. Riêng về đề tài Việt Nam Cộng Hòa, chiến tranh, Chân dung người lính, và trận Quảng Trị mùa hè 72 đã nhận được biết bao nhiêu là tin tức. 
<!>
Tất cã đều rất quý, rất mới lạ, để rồi lần lượt kể lại cho bà con thích nghe chuyện cũ sẽ có dịp ôn cố tri tân.. Nhưng hôm nay phải nhắc riêng đến lá thư của anh Phạm Minh. Minh nói rằng gia đình gốc Quảng Bình. Năm 54 di cư vào Nam nhưng chỉ đi qua Bến Hải là định cư ngay tại Quảng Trị . Minh năm nay đã hơn 30, sanh tại Saigon. Cha là ông thiếu úy già của tiểu khu Quảng Trị . Sau trận 72, gia đình vào Saigon. Ông già giải ngũ về Long Hải. rồi đến 90 mới vượt biên. Chuyến đi đau thương, gia đình anh em họ hàng chết sạch, chỉ còn có cha con trôi giạt về tiểu bang Illinois. Ông già anh mới qua đời, trước khi chết vẫn thường kể cho con về quê hương miền đất Quảng. Ông già nói rằng trận Quảng Trị ông mất 3 anh em, 1 em ruột lính sư đoàn 3 và 2 em họ bộ đội địa phương tỉnh Quảng Bình.

Khi gia đình ông nội qua cầu Bến Hải để lại tất cả bà con anh em bên kia bờ con sông Hiền Lương. Vì thương nhớ quê hương nên ông nội không muốn đi xa. Ðịnh cư ngay tại Gio Linh, về sau dọn nhà về Hải Lăng. Trước khi chết vào đầu năm nay, ông thiếu úy từ lính đi lên đã có dịp nói với cháu Minh là ông rất buồn khi báo chí radio tiếng Việt toàn nói về lính dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến. Không ai nhắc đến cuộc đời lính bộ của ông. Cháu Minh đã gửi lá thư kể lể nỗi niềm tâm sự của ông già.Rồi lại thêm 1 lá thư của chị Xuân Thu trách mắng rằng khi nói đến các trận đánh chỉ thấy tên tướng, tá. Chồng em là trung úy, cô Thu viết như vậy, đã hy sinh chiến đấu suốt 8 năm cho đến khi chết mới lên đại úy. Chẳng thấy ai nhắc nhở dù đã hơn 30 năm qua.

Những hoàng tử của chiến tranh

Vì những nhắc nhở như vậy nên bài này sẽ lựa chọn đề tài về vai trò của người lãnh đạo ở dưới cùng trong bậc thang quân lực. Hình như ngày xưa, Napoleon, vị danh tướng của Pháp, người từng chinh phục Âu châu đã ca ngợi rằng sĩ quan cấp úy là hoàng tử của chiến tranh.
Danh từ quân sự của Hoa Kỳ đặc biệt dành chữ lãnh đạo cho trung đội trưởng. Từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn đều gọi là cấp chỉ huy. Riêng trung đội được gọi là lãnh đạo. Platoon leader. Trung đội trưởng hay đại đội trưởng đều là các chức vụ phải tiến lên hàng đầu với khẩu hiệu Follow me. Hãy theo tôi. Huy hiệu của trường bộ binh nổi tiếng Hoa Kỳ tại Fort Benning là dấu hiệu lưỡi lê Follow Me.

Nhân dịp đi tìm nhân chứng và tài liệu để làm phim Quảng Trị, chúng tôi tiếp xúc với các sĩ quan cao cấp thì phần lớn cũng đều thoái thác không muốn nhắc đến chuyện xưa. Nhiều vị ngần ngại khi nói về vai trò cũ trong các chức vụ có trách nhiệm về cuộc chiến.
Ðó là lý do chúng tôi hết sức kiên nhẫn đi tìm các trung úy, các sĩ quan cấp úy là hoàng tử của chiến trường Quảng Trị năm 1972. Và chúng tôi đã tìm thấy những chiến binh tiêu biểu. Ðại úy Giang văn Nhân, đại đội trưởng đại đội 2, tiểu đoàn 3 Thủy quân lục chiến mệnh danh Sói Biển. Ông Nhân là người đã hãnh diện đứng nhìn các chiến sĩ của đại đội ông đứng trên bờ thành Ðinh công Tráng. Dưới chân tường là chiến binh đại đội 2 trong tấm hình dựng cờ vào chiều ngày 15 tháng 9 năm 1972. Bức hình lịch sử này đã được dùng làm bìa báo Chiến Sĩ Cộng Hòa và cũng là bích chương chiến thắng dán khắp nơi tại thủ đô Sài Gòn. Ðó là ngày tháng của thời kỳ Trị Thiên Vùng dậy, Quyết chiến Quyết thắng.

Nhưng câu chuyện của chúng tôi hôm nay không phải là chiến sử của Tổng trừ bị. Bây giờ là chuyện buồn của một sư đoàn 3 bất hạnh. Câu chuyện về cuộc đời bình thường của trung úy Lê văn Trạch, sĩ quan quân báo sư đoàn 3 bộ binh. Anh đã trưởng thành tại Cam Lộ, bên bờ sông Hiếu Giang êm đềm. Học sinh trường Nguyễn Hoàng, tỉnh Quảng Trị, lập gia đình với cô láng giềng Cam Lộ. Ngày nay gia đình anh đang định cư tại thành phố Memphis, bên bờ trường giang Mississippi của tiểu bang Tennessee. Nhưng suốt đời anh vẫn còn vương vất mây trời Cam Lộ bay trên Hiếu Giang.

Bên dòng Hiếu Giang

Ngày xưa đã lâu lắm, các tiền nhân họ Lê, có thể từ Ninh bình Thanh Hóa đã đi theo Chúa Nguyễn Hoàng, vượt núi Hoành Sơn, qua đèo Ngang, qua con sông Gianh chia cắt thời Trịnh Nguyễn và qua cả con sông Bến Hải chia cắt Quốc Cộng sau này. Qua cả vùng Gio Linh với gió Lào để vào đất Ðông Hà. Từ thị trấn nhỏ bé này, những di dân họ Lê, cùng với các giòng họ phiêu lưu mạo hiểm đi tìm đất sống đã xoay qua hướng tây trên con đường về phía cận sơn đi qua xứ Lào. Khi dừng chân bên bờ Hiếu Giang, đám di dân đã chọn Cam Lộ là quê hương mới. Cam Lộ ngày nay là tên một làng, đồng thời cũng là tên của một quận hạt. Sau cùng chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ thứ 19 đã đưa Cam Lộ thành địa danh trong chiến sử.
Những người lính Mỹ từ Hoa Kỳ, của tiểu bang Tennessee đã đến và chết tại Cồn Thiên, Cam Lộ. Ngày nay vật đổi sao dời, tiểu bang Tennesssee lại có cơ hội đón chào gia đình anh lính Việt Nam của xứ Cam Lộ vào vai di dân trên đất mới.

Nếu bạn lấy tấm bản đồ Việt Nam, kẻ hình chữ nhật thật ngay hàng thẳng lối theo biên giới Bắc Nam Ðông Tây. Chính giữa chữ nhật sẽ tìm ra địa danh Cam Lộ. Ðó là nơi Lê văn Trạch ra đời. Nhà cô láng giềng bạn học ở bên kia bờ sông Hiếu Giang sẽ là vợ anh sau này.

Sau khi học hết các lớp của trường Nguyễn Hoàng, tỉnh Quảng Trị, Với bằng tú tài Lê Văn Trạch đi làm tại Ðà Nẵng, gia đình vẫn còn mẹ già phải phụng dưỡng. Sau Mậu Thân 68, lệnh tổng động viên gọi anh vào Thủ Ðức khóa 1/69. Trong số hàng ngàn sĩ quan ra trường có 6 anh chàng Thủ Ðức được chọn về quân báo. Tạm thời biệt phái về phòng 2 /TTM chờ khóa học tại trường Quân Báo Cây Mai.
Ngay khi ra trường, anh xin về Vùng I chiến thuật. Dù là nơi hỏa tuyến nhưng chính là quê nhà. Suốt thời thơ ấu, người thanh niên họ Lê chỉ quanh quẩn ở vùng Quảng Trị, Ðông Hà, Cam Lộ. Con đường số 9 đầy huyền thoại của trận Hạ Lào vất vả nhưng đối với anh là thông lộ quen thuộc dẫn về quê hương.

Ðám cưới trong làng quê

Nhạc sĩ tài danh của Quảng trị là Hoàng thi Thơ đã sáng tác nhạc cảnh hết sức nên thơ về đám cưới nhà quê. Nhưng ngày vui của anh Lê văn Trạch không thể hào hứng được như thế. Tháng 3 năm 1971, anh thiếu úy quân báo từ bộ tư lệnh tiền phương trên Khe Sanh được phép đặc biệt về cưới vợ. Buổi họp mặt hai họ trước ngày vui, chú rể còn mặc áo trận bộ binh với gió bụi Khe Sanh đem về Cam Lộ. Sáng sớm ngày cưới, nhà trai 20 người đi bộ qua cầu Ðuồi đến nạp lễ xin cưới tại nhà gái ở bờ bắc con sông Hiếu Giang.
Mây trời Cam lộ trắng xóa, ánh nắng ban mai chiếu xuống long lanh một dòng sông Hiếu êm đềm. Xa xa vẫn có tiếng súng từ phía núi vọng về. Chú rể mặc áo dài khăn đóng mượn của dân làng, lắng nghe tiếng depart của pháo và tự hỏi không biết trung đoàn đang chạm địch ở đâu.Theo tục lệ của đất Quảng, nhà trai đem trầu cau, rượu bánh và được nhà gái mời tiệc trà. Sau đó tất cả đều ra về chờ đón lễ đưa dâu. Một vài giờ sau phái đoàn nhà gái lối chừng hai ba chục người lại đi bộ từ bờ bắc Hiếu Giang xuôi nam để đưa cô dâu rất quen thuộc về quê hương làng Cam Lộ.
Một lần nữa nghi lễ lại diễn ra với những lời chúc tụng. Khói thuốc Salem bay mịt mù và từ chân trời tiếng máy bay vọng về nhắc nhở không khí chiến tranh. Hạnh phúc vẫn chứa chan với đám cưới quê nghèo thời chinh chiến.
Niềm an ủi lớn lao là anh chàng sỹ quan quân báo cùng với vợ mới cưới có dịp ở gần nhau. Vợ anh Trạch tốt nghiệp ngành điều dưỡng làm nữ hộ sinh ngay tại thị trấn Quảng Trị. Mẹ chồng ở Cam Lộ bờ Nam, mẹ vợ ở An Mỹ, bờ Bắc sông Hiếu giang. Nhà anh, nhà em khi xưa cách một con sông, nay đã yên bề gia thất trong trại gia binh của đơn vị.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, và những đứa con của gia đình lần lượt ra đời. Khi cuộc chiến mùa hè bắt đầu từ lễ Phục sinh 72 thì người vợ mang bầu đứa con thứ nhất.

Trung úy Lê văn Trạch ngày đêm theo dõi trận liệt với các nguồn tin phải giải đoán để cấp trên kịp thời quyết định.
Một trong các tin tức quan trọng anh ghi nhận được là ngày giờ thực sự trận 72 sẽ khởi sự vào cuối tháng 3 năm 1972.
Trong phạm vi riêng tư, anh đã chuẩn bị di tản được gia đình, nhưng bà mẹ vợ với những mối ràng buộc quê hương thân quyến nên ở lại.
Sau này, những quân nhân sư đoàn 3 tan hàng trở về cho biết khi Quảng Trị thất thủ, toàn bộ khu vực Cam lộ, An Mỹ ở 2 bên bờ sông đều bị bom đạn của phe ta san bằng bình địa. Bà mẹ vợ làng An Mỹ của anh đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất quê hương cho đến hôm nay vẫn còn để lại niềm ân hận cho cả 2 vợ chồng đã định cư tại Hoa Kỳ.

Những ngày tháng không quên

Những ngày tháng êm đềm không còn nữa. Suốt từ 72 đến 75 là chuỗi dài những biến cố oan nghiệt. Không phải chuyện chiến sử binh đao mà toàn chuyện gian nan của gia đình. Chuyến chạy thoát Quảng Trị của anh trung úy là người đến bờ sông Mỹ Chánh đợt đầu tiên. Phóng viên ngoại quốc đứng chờ bên phòng tuyến của thủy quân lục chiến được anh xác nhận là quân ta bỏ Quảng Trị. Không phải là tin tức qua phát ngôn viên quân sự mà là con người thực sự từ Quảng Trị chạy về.
Cuộc đời binh nghiệp tiếp theo của anh là trình diện về phục vụ tại sư đoàn 3 đang tái trang bị, tái tổ chức. Vị tân tư lệnh sư đoàn và quân đoàn đều cố gắng đấu tranh với Saigon để xin giữ lại danh hiệu sư đoàn 3 bộ binh, dù phần số hẩm hiu, quyết tâm xây dựng lại tiếng tăm đã mất.
Nhưng định mệnh đã an bài, cơn hồng thủy 75 một lần nữa đã làm cho sư đoàn 3 tan hàng cùng với toàn quân và toàn dân Miền Nam.

Ngay từ tháng 9-1972 dù cho miền Nam chiến thắng Quảng Trị nhưng thực sự vẫn chỉ chiếm lại được Cổ Thành và Thị xã cho tới bờ sông Thạch Hãn. Một nửa Quảng Trị vẫn còn trong tay địch. Trong đó gồm cả Gio Linh, Ðông hà và Cam lộ. Toàn thể lãnh thổ từ bờ Nam sông Bến Hải đến sông Thạch Hãn đã nằm trong khu vực chiếm đóng của Miền Bắc.
Khi từ giã con sông Hiếu Giang, Lê văn Trạch chưa nghĩ đến ngày trở về Cam Lộ.
Dân Cam Lộ hồi cư về Quảng Trị đã dựng lại một khu Cam lộ trên đất Hải Lăng và tại đây cũng là nơi người con gái Cam Lộ tiếp tục làm nữ hộ sinh trong khi chồng đóng quân với sư đoàn 3 tại Ðà Nẵng. Mây trời xứ Cam lộ chẳng bao giờ bay đến Hải Lăng.

Tháng 3-1975, anh Lê văn Trạch lại may mắn tập hợp được gia đình chạy từ Ðà Nẵng vào đến Cam Ranh thì Bắc quân đã đuổi kịp.

Trong khi đoàn người di tản tiếp tục xuôi Nam thì gia đình anh quyết định ở lại Cam Ranh. Chúng ta hãy tưởng tượng hình ảnh gia đình với mẹ già, 2 đứa con và người vợ có bầu, đi bộ qua lại thị xã Cam Ranh tìm nhà hộ sinh. Mặc cho súng nổ, dân chúng và lính tráng chạy ồn ào trong cơn hoảng loạn. Trung úy Lê văn Trạch vẫn còn nguyên quân phục bộ binh, lon trung úy và huy hiệu sư đoàn 3 của thời hỏa tuyến.

Gặp một bà nữ hộ sinh nhân đạo nói rằng vợ anh ở hoàn cảnh nguy hiểm, thai ngược. Hãy thay quần áo rồi phải chở vào nhà thương. Lê văn Trạch vừa thay được bộ quần áo thì nghe tiếng trẻ khóc. Ðứa con gái thứ ba của anh ra đời. Ta hãy gọi cháu là con bé Cam Ranh. Năm nay cháu đúng 34 tuổi. Ngày nay cháu đã thành ni cô tại ngôi chùa Phật trên Nữu Ước. Ðứa con gái này sanh ngược vì những ngày qua là tuần lễ mẹ chạy giặc, rất có thể chết cả mẹ lẫn con ở nhà hộ sinh vô danh tại con phố hẻo lánh. Nhưng Phật muốn có 1 ni cô tương lai cho ngôi chùa tại Nữu Ước nên đã cho cháu ra đời.

Trở lại Quê Hương

Sau cùng gia đình họ Lê quyết định trở về Cam Lộ. Ngược lên miền Bắc qua quốc lộ số 1, anh chàng quân báo sư đoàn ôm đứa con mới đẻ. Vợ vừa sanh, bà mẹ già, thêm 2 con nhỏ, lốc thốc trở lại với dòng sông Hiếu Giang. Vẫn mây trời bay từ Quy Nhơn, Ðà Nẵng qua Hải Vân vào đến đất Thần Kinh, Rồi lại Quảng Trị, Ðông Hà sau cùng đến Cam Lộ. Chuyến trở về hết sức cay đắng với tương lai bất định. Biết chắc là những gì chờ đợi ở quê hương, nhưng Lê văn Trạch vẫn phải đem gia đình trở về. Cộng sản qua những tên du kích nằm vùng đã bắt anh lúc nửa đêm, nhưng dòng sông Hiếu Giang chờ đợi chào đón vợ con anh trở lại.
Anh đi tù 7 năm và vợ anh ở nhà xây dựng cuộc sống từ sỏi đá.
Năm 82 Lê văn Trạch được về đoàn tụ. Năm 1983 anh chị làm được 1 ngôi nhà. Vẫn là nhà ở làng quê nhưng được xây dựng với niềm hãnh diện trong tình tự dân tộc. Trận cháy nhà hết sức đau thương đã thiêu hủy hoàn toàn một lần nữa cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả lại phải làm lại từ đầu. Năm 1984 anh chị vui mừng khi đẻ sinh đôi 1 trai 1 gái. Lê văn Trạch hết sức hãnh diện với đứa con trai
mang họ Lê khi đến nước Mỹ năm 1995. Từ khi ra tù cho đến khi đi HO anh phải mất 13 năm chờ đợi. Vì ở nơi xa xôi, không quen biết, không có tiền bạc nên giấy tờ chậm trễ. Nhưng rồi ngày chờ đợi cũng đến.
Lần này mẹ anh Trạch không muốn ra đi. Bà ở lại với Cam Lộ vĩnh viễn muôn đời.

Trên quê hương mới

Gia đình anh HO theo diện mồ côi, không có ai thân thích bảo trợ. Thân tỵ nạn 12 bến nước, họ đạo tại Tennessee nhận về giúp cho gia đình vợ chồng 5 con xây dựng cuộc đời. Những đứa con đi học, cả 2 vợ chồng đi làm. Chồng làm công việc xuất nhập hàng hóa. Vợ làm việc đóng gói hàng. Thâm niên công việc cũng đã gần 15 năm. Năm 2004 trở về Cam lộ 1 lần nuôi mẹ bệnh nặng. Năm 2005 trở về làm đám tang cho mẹ. Mẹ ruột nằm bên này sông Hiếu giang. Mẹ vợ nằm bên bờ bắc sông Hiếu Giang.
Chuyến đi 2 lần đều chỉ biết có mây trời Cam lộ, không hề thăm viếng nơi nào.

Trở lại Hoa kỳ, vợ chồng vẫn chăm chỉ đi làm. Cô gái út theo chị Cam Ranh cũng đi tu ở 1 ngôi chùa trên Nữu ước. Anh Trạch nói rằng các cháu của chúng tôi không hề gặp tình duyên trắc trở. Không có tư tưởng chán đời. Cũng đã lên đại học như các sinh viên khác, nhưng bỗng nghe theo tiếng gọi của tiếng chuông chùa bèn xin cha mẹ quy y.
Gia đình chúng tôi là gia đình dân dã bình thường, nhưng đã bị giằng xé bởi chiến tranh. Họ hàng ông bà chịu bao nhiêu đau thương. Anh Trạch giãi bầy, Ông nội tôi là lý trưởng Cam Lộ bị Việt Minh giết năm 1946, cha tôi bị Tây xử bắn tại Hải Lăng năm 1949.
Bố vợ tôi chỉ là thầy giáo tập kết bị đưa về Miền Nam năm 1967, trên đường đi gặp VNCH phục kích chết tại Thừa thiên. Mẹ vợ kẹt lại 1972 bị bom đạn bên ta giết chết không toàn thây.
Họ hàng xa gần còn bao nhiêu đồng hương Quảng trị, Quảng bình, Cam lộ chết ở cả 2 bên. Riêng phần tôi vẫn hãnh diện mãi mãi là sỹ quan Thủ Ðức, chiến binh sư đoàn 3 bộ binh dù chẳng hề có chiến công oanh liệt. Hai lần đeo huy hiệu sư đoàn hỏa tuyến là 2 lần tan hàng bỏ chạy. Mang sắc phục bộ binh nhưng suốt từ Gio Linh , Cồn Thiên, Khe Sanh nơi nào cũng có mặt.
Tôi không hề phàn nàn về đơn vị, về quân đội, về đất nước. Ði lính 6 năm, đi tù 7 năm, thêm 13 năm về làm ruộng rồi sang Mỹ lại đi cày 15 năm.
Ước mong duy nhất là lời kinh kệ và tiếng chuông thỉnh Phật của 2 đứa con gái chúng tôi giữa kinh thành Nữu ước sẽ cầu cho tất cả nạn nhân chiến tranh từ Cam lộ, Ðông Hà, Quảng trị siêu thoát đời đời. Các cháu là ni sư của Ðạo Phật dấn thân, đem Phật pháp vào đời, cầu cho người chết và cầu cho người sống
Gia đình chúng tôi không nghĩ rằng lời cầu xin của 2 con gái mà giải tỏa cho tất cả hàng triệu nạn nhân chiến cuộc. Nhưng chắc rằng Trời Phật cũng sẽ động tâm cứu vớt linh hồn đồng hương chúng tôi ở 2 bên bờ sông Hiếu Giang, dưới mây trời Cam Lộ.
Lê văn Trạch tâm sự. “Tôi rất tâm đắc chủ trương nhân bản của bộ phim Quảng Trị sẽ thực hiện. Nhưng bản cờ bay hào hùng là bài ca lịch sử của Thủy quân Lục chiến.
Anh em sư đoàn 3 bộ binh chúng tôi gốc Quảng Trị lại tình cảm với bài ca Dãy phố buồn thiu. Xin gửi đến bác cùng nghe với chúng tôi”.

Ðó là tâm sự của chiến binh Lê văn Trạch qua Mây trời Cam Lộ. Muốn biết thêm về trận mùa Hè 72 và người dân xứ Quảng, xin đón coi bộ phim sẽ phát hành nay mai.

Giao Chỉ, San Jose

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét