Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :3/6/2022


Đệ nhất phu nhân Ukraine lên tiếng việc nhượng bộ lãnh thổ để dừng chiến sự - "Bạn không thể nhượng bộ các phần lãnh thổ, nó giống như thừa nhận sự tự do", Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska nói trong cuộc phỏng vấn với ABC News được phát sóng hôm nay 2/6. Bà Zelenska cũng nhắc lại quan điểm của Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, nơi Nga đang tập trung lực lượng để giành quyền kiểm soát, sẽ lại thuộc về Ukraine.
<!>
"Ngay cả khi chúng tôi nhượng bộ lãnh thổ của mình, đối phương cũng sẽ không dừng lại ở đó. Họ sẽ tiếp tục dồn ép, tiếp tục triển khai ngày càng nhiều cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ của chúng tôi", bà Zelenska nói thêm.

Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố Ukraine sẽ không nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy việc chấm dứt xung đột với Nga.

Tổng thống Zelensky cũng nói rằng ông chỉ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, không thông qua trung gian. Ông Zelensky khẳng định Tổng thống Putin là quan chức Nga duy nhất ông sẵn sàng gặp để thảo luận về việc kết thúc xung đột.

Theo Tổng thống Zelensky, xung đột Nga - Ukraine chỉ có thể kết thúc thông qua con đường ngoại giao. Ông cho rằng kết quả của các cuộc đàm phán phải "công bằng" cho Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ hồi tháng 5, Đệ nhất phu nhân Zelenska cho biết gia đình bà cũng phải ly tán giống như mọi gia đình khác ở Ukraine.

Bà Zelenska cho biết trong những ngày đầu khi xung đột mới nổ ra, bà hy vọng có thể ở cùng với chồng và các con, nhưng văn phòng tổng thống đã biến thành một cơ sở quân sự, vì vậy, bà và các con không được phép ở lại. Đệ nhất phu nhân cho hay, họ được đưa đến một nơi an toàn và chỉ có thể liên lạc với Tổng thống Zelensky bằng điện thoại.

Bà Zelenska, 44 tuổi, trở thành Đệ nhất phu nhân Ukraine cách đây 3 năm. Ở vai trò này, bà đã tháp tùng Tổng thống Zelensky trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Bà cũng dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề như sức khỏe của trẻ em, cơ hội bình đẳng cho người dân Ukraine và ngoại giao văn hóa.

Kể từ khi chiến sự nổ ra, nơi ở của bà Zelenska và các con được giữ bí mật để đảm bảo an toàn. Mặc dù vậy, Đệ nhất phu nhân Ukraine vẫn hoạt động tích cực trên mạng xã hội với vai trò khích lệ tinh thần của người dân, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế.

Những thông điệp qua mạng xã hội của Đệ nhất phu nhân Ukraine được cho là có sức truyền cảm hứng lớn, khích lệ tinh thần của người dân giữa lúc chiến sự căng thẳng và có tác động tới các nhà làm chính sách ở phương Tây.

Giống nhiều người Ukraine khác, bà Zelenska và các con quyết định ở lại đất nước. Trong khi Tổng thống Zelensky tập trung vào nhiệm vụ điều hành đất nước và quân đội đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, bà Zelenska cũng tập trung cho các vấn đề nhân đạo và trẻ em.

Một trong những ưu tiên của Đệ nhất phu nhân Zelenska là sơ tán những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ khuyết tật, trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ mồ côi, đến các quốc gia sẵn sàng điều trị. Bà tham gia vào nỗ lực nhập khẩu lồng ấp để hỗ trợ trẻ sơ sinh ở các thành phố bị tàn phá bởi xung đột.

Một trong những nhiệm vụ khác của bà Zelenska là hỗ trợ giúp người tị nạn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thích nghi với hoàn cảnh, môi trường sống mới.

"Bóng hồng" đầu tiên trong lịch sử trở thành tư lệnh quân chủng Mỹ


Ngày 1/6, Đô đốc Linda L Fagan đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành tư lệnh thứ 27 của lực lượng Tuần duyên Mỹ. Đây là một dấu mốc có ý nghĩa lớn khi bà Fagan sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử lãnh đạo một quân chủng trong lực lượng vũ trang Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi lời chúc mừng tới Đô đốc Fagan. "Sự nghiệp có tính tiên phong của Đô đốc Fagan đã phát đi một thông điệp tới những người trẻ gia nhập quân đội Mỹ rằng: Không cánh cửa nào khép lại với phụ nữ", ông Biden phát biểu.

"Giờ đây, chúng ta cần tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng Đô đốc Fagan không chỉ là người phụ nữ duy nhất làm được điều này. Chúng ta cần nhiều phụ nữ hơn nữa nắm giữ các vai trò chỉ huy cao nhất trong lực lượng Tuần duyên và trong các quân chủng khác", ông Biden nói thêm.

Trước đó, bà Fagan, 58 tuổi, từng làm phó tư lệnh Tuần duyên Mỹ từ tháng 6/2021. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên là tướng 4 sao trong quân chủng này. Bà được thăng chức sau khi được ông Biden đề cử hồi tháng 4 vì người tiền nhiệm, Đô đốc Karl Schultz, về hưu.

Bà tốt nghiệp học viện Tuần duyên vào năm 1985, rồi học thạc sĩ Hàng hải ở đại học Washington, và bằng thạc sĩ chiến lược tài nguyên quốc gia tại Đại học Công nghiệp của Lực lượng Vũ trang.

Trong bài phát biểu sau khi được thăng chức, Đô đốc Fagan đã gửi lời cảm ơn tới cha mẹ khi ủng hộ sự nghiệp trong lực lượng vũ trang của bà.

Nhân vật quyền lực thứ hai tại Facebook từ chức


Sheryl Sandberg, nhân vật quyền lực thứ hai tại Facebook đã chính thức nói lời chia tay với gã khổng lồ mạng xã hội sau 14 năm gắn bó.

Hãng Bloomberg đưa tin, Meta Platforms – công ty mẹ Facebook thông báo nữ tướng Sheryl Sandberg (52 tuổi) đã chính thức xin rời khỏi vị trí COO của công ty. Sandberg vốn là nhân vật nổi bật trong giới kinh doanh toàn cầu khi còn làm việc tại Google, và càng nổi bật hơn sau khi gia nhập Facebook vào năm 2008, biến nó trở thành một đế chế quảng cáo trị giá hàng tỷ USD.

Cùng với đó, bà còn là tác giả của tựa sách Lean In đã gây được tiếng vang lớn trong năm 2013. Được coi là nhân vật quyền lực thứ 2 tại công ty chỉ sau Mark Zuckerberg, Sheryl đã giúp Facebook giải quyết nhiều bê bối cũng như dành nhiều năm để cải thiện mối quan hệ của Facebook với công chúng và các nhà lập pháp Hoa Kỳ.

Trong bài phỏng vấn với Bloomberg, bà Sandberg gọi khoảng thời gian 14 năm làm việc tại Meta là “vinh dự và đặc quyền trong cả cuộc đời”.

Tại Facebook, bà phụ trách mảng kinh doanh của công ty bao gồm quảng cáo, hợp tác, phát triển điều hành doanh nghiệp. Mark chỉ phụ trách mảng sản phẩm.
Tại thời điểm công bố, Sandberg vẫn còn là thành viên của hội đồng quản trị Meta, đã tiến cử Javier Olivan – người chịu trách nhiệm tốc độ tăng trưởng của công ty sẽ đảm nhiệm vị trí của Sandberg khi chính thức rời đi vào mùa thu tới để tập trung vào quỹ từ thiện của mình.

TTK NATO: Đầu tư giúp Ukraine chống Nga sẽ đỡ tốn kém hơn là để TT Putin chiến thắng


Hôm thứ Tư (1/6), Tổng thư ký (TTK) NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận về việc liên minh quân sự hỗ trợ Ukraine để tự vệ trước Nga. Ông nhận định, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin giành chiến thắng, “cái giá mà chúng ta phải trả thực sự sẽ cao hơn so với bây giờ đầu tư hỗ trợ cho Ukraine.”

TTK Stoltenberg đưa ra phát biểu trên trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C. Hai quan chức này đã trả lời các câu hỏi của các phóng viên về các vấn đề khác nhau, nhưng phần lớn các câu hỏi tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, vốn sẽ đi đến ngày thứ 100 vào thứ Sáu (3/6).

TTK Stoltenberg ca ngợi, có “một mức độ thống nhất chưa từng có giữa các đồng minh và đối tác của NATO trong việc phản ứng trước cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga.”

Tổng thư ký NATO cam kết, khối quân sự này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, mặc dù các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga cũng đã tác động đến các quốc gia thành viên trong liên minh.

TTK Stoltenberg giải thích: “Tất nhiên, các đồng minh châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, đã áp đặt các lệnh trừng phạt [đối với Nga]. Chúng ta cũng phải trả một cái giá cho việc này. Tuy nhiên, một giải pháp thay thế, không hỗ trợ Ukraine, thực sự sẽ giúp Tổng thống Putin giành chiến thắng. Điều đó sẽ nguy hiểm cho tất cả chúng ta, và cái giá mà chúng ta phải trả thực sự sẽ cao hơn so với bây giờ đầu tư hỗ trợ cho Ukraine.”

Hôm thứ Ba (31/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine một số lượng chưa được tiết lộ Hệ thống Rocket Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) M14. Khi được hỏi làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ leo thang sau khi Ukraine nhận được vũ khí mới, Ngoại trưởng Blinken tiết lộ, Ukraine đảm bảo với Hoa Kỳ rằng hệ thống rocket tầm xa sẽ chỉ được sử dụng ở Ukraine, chứ không được dùng để bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Nga không nên ngạc nhiên về việc Hoa gửi hệ thống vũ khí mới cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Không có chuyện núp bóng. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng về việc này ngay từ ngày đầu tiên khi Tổng thống Biden trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện chính xác những gì chúng tôi tuyên bố sẽ làm.”

Khi được hỏi liệu việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể răn đe Nga hay không, Ngoại trưởng Blinken đáp lại: “Tôi sẽ nói rằng vấn đề không phải là răn đe Nga vào thời điểm này, bởi vì họ đã thực hiện cuộc xâm lược, và họ đang theo đuổi nó.”

Cũng trong cuộc họp báo chung này, TTK Stoltenberg còn thảo luận về việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông cho hay, ông sẽ gặp các quan chức cấp cao của Thụy Điển và Phần Lan tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới để thảo luận về vấn đề này.

Ông giải thích: “Phần Lan và Thụy Điển bày tỏ rõ rằng họ sẵn sàng ngồi lại để giải quyết những lo ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra.”

Mỹ, Đài Loan khởi sự thảo luận thương mại, bất kể Trung Quốc phản đối


Mỹ và Đài Loan hôm Thứ Tư, 1 Tháng Sáu, khởi sự cuộc thảo luận nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, bất kể sự phản đối của Trung Quốc.

Theo bản tin của hãng thông tấn AFP, cuộc thảo luận nằm trong khuôn khổ nỗ lực có tên Thương Mại Mỹ-Đài Loan Thế Kỷ 21 (US-Taiwan Initiative on 21st-Century Trade), diễn ra sau khi Tổng Thống Joe Biden loan báo thỏa thuận thương mại với 12 quốc gia Á Châu, nhưng không có Đài Loan.

Cũng như thỏa thuận vừa qua, cuộc nói chuyện với Đài Loan sẽ không bao gồm mức thuế quan hay mở cửa thị trường, vốn là những điều cần có sự chấp thuận của Quốc Hội Mỹ, theo các giới chức từ Tòa Bạch Ốc.

Đại Diện Thương Mại Mỹ, bà Katherine Tai, cho hay trong bản thông cáo gửi tới báo chí rằng “Cả hai sẽ thảo luận để đưa ra lộ trình thương thảo nhằm đạt các thỏa thuận có ý nghĩa về mặt kinh tế trong thời gian tới.”

Dù mục tiêu cuộc thảo luận chỉ có giới hạn, một điều các giới chức cao cấp Mỹ nói rằng để tuân hành quy luật bất thành văn về mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, điều này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh giận dữ.

Trung Quốc luôn đả kích mọi hành động của Mỹ bị coi là đối xử với Đài Loan như một quốc gia độc lập.

Hôm Thứ Hai, Trung Quốc điều động khoảng 30 phi cơ quân sự bay sát đảo Đài Loan và sau đó giải thích phải có sự thao dượt nhằm ngăn ngừa sự “đồng lõa” giữa chính quyền Đài Loan và Mỹ.

Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc rằng Trung Quốc đang ngày càng có nhiều hành động khiêu khích hơn.

Người Đài Loan học bắn súng và kỹ năng sinh tồntrước viễn cảnh Trung Quốc xâm lược


Ngày càng có nhiều người Đài Loan học bắn súng và nghĩ về các kế hoạch sinh tồn khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine làm dấy lên lo lắng về viễn cảnh nước láng giềng Trung Quốc có động thái tương tự với quốc đảo.

Áp lực quân sự ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đối với hòn đảo, cùng với cuộc xung đột ở Ukraine, đang thúc đẩy cuộc tranh luận về cách tăng cường khả năng phòng thủ ở Đài Loan. Nước này đang cân nhắc xem có nên tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc hay không.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc lãnh thổ Trung Quốc, bất chấp việc Đài Loan là một quốc gia độc lập, có quân đội, có chính phủ được nhân dân bầu cử và có hiến pháp riêng.

Đại diện một công ty đào tạo kỹ năng chiến đấu ở Đài Loan cho biết, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra cách đây 3 tháng, số lượt đăng ký học cách bắn súng hơi hạng nhẹ (airsoft gun) hoặc các thiết bị công suất thấp bắn đạn phi kim loại đã tăng gấp gần 4 lần.

Giám đốc điều hành Max Chiang của công ty Polar Light có trụ sở tại ngoại ô thủ đô Đài Bắc cho biết: “Ngày càng có nhiều người đến đăng ký học”.

Ông nói, một số người đến trường bắn trong năm nay chưa từng cầm súng trước đây. Số người đến học đã “tăng gấp 3 hoặc 4 lần” kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine mà Moscow gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Nhiều người Đài Loan lo sợ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào tầm kiểm soát. Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng thời điểm phương Tây đang bị phân tâm trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.

Ở Đài Loan, cách sử dụng súng hơi hạng nhẹ được dạy như một môn thể thao thi đấu. Nhiều động tác và chiến thuật của môn này giống với kỹ năng chiến đấu, từ tư thế bắn đến cách ngắm bắn. Súng hơi hạng nhẹ sử dụng khí nén để bắn các loại đạn ít nguy hiểm hơn, chẳng hạn như các quả bóng nhựa nhỏ.

Trường bắn Đài Bắc vào một buổi chiều Chủ nhật có hàng chục học viên lần đầu tiên cầm súng hơi. Tại đây, các huấn luyện viên giải thích các hướng dẫn an toàn và chi tiết cơ bản.

Hướng dẫn viên du lịch Chang Yu, người đã tham gia khóa học sơ cấp cùng vợ, cho biết nhu cầu tìm hiểu thêm về vũ khí sau khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra là thật sự “khẩn cấp”.

Người đàn ông 34 tuổi này nói: “Cuộc chiến Ukraine - Nga đã khiến mối đe dọa từ bên kia eo biển trở thành hiện thực”. “Nó khiến chúng tôi nghĩ rằng mình nên chuẩn bị như thế nào nếu điều đó xảy ra ở Đài Loan”. Gia đình anh đã tự chuẩn bị đồ bảo hộ ở nhà, từ bình xịt hơi cay đến hệ thống báo động những kẻ đột nhập.

Một số chính trị gia ở Đài Loan đã kêu gọi công chúng bắt đầu suy nghĩ về các kế hoạch sinh tồn trong thời gian mà các thành phố có thể mất điện và mất nước trong nhiều ngày.

Ông Lin Ping-yu của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã khiến ông phải chuẩn bị bộ dụng cụ sinh tồn và thực phẩm dự trữ cho cả gia đình, đề phòng trường hợp xấu nhất.

Ông Lin nói: “Chúng tôi đang phải đối mặt với những rủi ro vô cùng lớn. Nguy cơ mất tự do và dân chủ, mất tất cả mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày”. “Hãy nghĩ về cách bạn có thể giúp bản thân và những người khác tồn tại”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét