Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :28/6/2022


NATO tăng lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên 300.000 quân
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẵn sàng tăng quân số lực lượng phản ứng nhanh thêm 7 lần lên 300.000 binh sĩ nhằm tăng cường năng lực răn đe và phòng vệ tập thể. "Chúng tôi sẽ chuyển đổi lực lượng phản ứng nhanh của NATO và tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000 binh sĩ", hãng tin RT dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay 27/6 cho biết. Hiện tại, lực lượng phản ứng nhanh (NRF) của NATO có khoảng 40.000 binh sĩ. Ngoài kế hoạch tăng quân số cho lực lượng này, NATO cũng dự kiến tăng cường các hệ thống phòng không, dự trữ khí tài.
<!>
Với kế hoạch này, đây sẽ là đợt cải tổ năng lực răn đe và phòng thủ tập thể lớn quy mô lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh. Thông tin được đưa ra ngày trước thềm hội nghị NATO kéo dài 3 ngày bắt đầu từ 28/6. Tại đó, các lãnh đạo NATO sẽ tập trung thảo luận biện pháp ứng phó tập thể đối với xung đột Nga - Ukraine.

"Tôi hy vọng rằng nó sẽ phát đi thông điệp rõ ràng rằng các đồng minh coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của chúng tôi", ông Stoltenberg nói.

NATO đã tăng gấp đôi hiện diện tại các quốc gia thành viên có chung biên giới với Ukraine kể từ cuối tháng 2 khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hiện nay, liên minh quân sự này vẫn chưa coi Nga là mối đe dọa trực tiếp.

Hồi tháng 2 năm nay, NATO lần đầu tiên triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường khả năng phòng thủ trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch tấn công quân sự Ukraine. Thời điểm đó, ông Stoltenberg cho biết: "Các đồng minh đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ và theo đó, chúng tôi đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO trên bộ, trên biển và trên không nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó nhanh với bất kỳ tình huống bất ngờ nào".

Nga có nguy cơ “vỡ nợ” vì quá hạn thanh toán cho trái chủ quốc tế


Một số trái chủ của Điện Kremlin cho biết họ đã chưa nhận được tiền lãi suất quá hạn vào thứ Hai (ngày 27/6), sau khi hết thời gian ân hạn thanh toán 30 ngày. Theo thông lệ, điều này có thể dẫn đến trạng thái “vỡ nợ có chủ quyền” của quốc gia.

Phía Nga cho rằng không thể trả nợ trái phiếu là do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến quốc gia này bị phong tỏa tài chính. (Ảnh minh họa: TSViPhoto/Shutterstock)
Theo kênh Channelnewsasia, Nga đã phải vật lộn để duy trì các khoản thanh toán cho 40 tỷ USD trái phiếu đang lưu hành kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã loại quốc gia này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, khiến dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng.

Điện Kremlin đã nhiều lần nói rằng không có cơ sở để Nga vỡ nợ nhưng họ không thể gửi tiền cho các trái chủ vì các lệnh trừng phạt, cáo buộc phương Tây đang cố gắng đẩy nước này vào một vụ vỡ nợ giả tạo.

Những nỗ lực của Nga nhằm tránh những gì sẽ là vụ vỡ nợ lớn đầu tiên đối với trái phiếu quốc tế kể từ cuộc cách mạng Bolshevik hơn một thế kỷ trước đã gặp phải một rào cản không thể vượt qua vào cuối tháng 5 khi Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã ngăn chặn hiệu quả việc Moscow thực hiện thanh toán.

“Kể từ tháng 3, chúng tôi nghĩ rằng một vụ vỡ nợ của Nga có lẽ là không thể tránh khỏi, và câu hỏi chỉ là khi nào”, Dennis Hranitzky, người đứng đầu vụ kiện tụng có chủ quyền tại công ty luật Quinn Emanuel, nói với Reuters. “OFAC đã can thiệp để trả lời câu hỏi đó cho chúng tôi, và việc quá hạn trả nợ đã ở ngay trước mắt”.

Mặc dù một vụ vỡ nợ chính thức sẽ phần lớn mang tính biểu tượng vì Nga không thể vay quốc tế vào lúc này và không cần phải nhờ nguồn thu xuất khẩu dầu khí dồi dào, nhưng sự kỳ thị có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay của nước này trong tương lai.

Các khoản thanh toán được đề cập là 100 triệu đô la Mỹ tiền lãi cho hai trái phiếu, một bằng đô la Mỹ và một bằng euro, Nga sẽ phải trả vào ngày 27/5. Các khoản thanh toán có thời gian ân hạn là 30 ngày, hết hạn vào Chủ nhật (26/6).

Bộ Tài chính Nga cho biết họ đã thực hiện các khoản thanh toán cho Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia (NSD) bằng euro và đô la, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã hoàn thành các nghĩa vụ.

Một số người Đài Loan nắm giữ trái phiếu đã không nhận được thanh toán vào thứ Hai, các nguồn tin nói với Reuters.

Đối với nhiều trái chủ, việc không nhận được số tiền trả nợ kịp thời vào tài khoản của họ sẽ tạo thành nợ quá hạn (vỡ nợ) đối với người đi vay.

Không có thời hạn chính xác được chỉ định trong bản cáo bạch, các luật sư cho biết Nga có thể có cho đến cuối ngày làm việc tiếp theo để thanh toán cho các trái chủ.

Putin thay tướng lãnh, ‘Đồ Tể Aleppo’ mất chức tư lệnh chiến trường Ukraine


Bộ Quốc Phòng Anh hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Sáu, cho biết Điện Kremlin mới đây đã giải nhiệm một số tướng lãnh, trong đó có Tướng Alexander Dvornikov, tư lệnh chiến trường Ukraine, và Tướng Andrei Serdyukov, tư lệnh lực lượng Nhảy Dù Nga, theo The Telegraph.

Nếu nguồn tin này là chính xác, việc loại bỏ Tướng Dvornikov sẽ đánh dấu thêm một thay đổi lớn đối với bộ chỉ huy quân đội Nga. Tướng Dvornikov được mệnh danh là “Đồ Tể Aleppo” sau khi dùng hỏa lực phi pháo san bằng thành phố Aleppo ở Syria năm 2015.

Giới quan sát cho rằng viên tướng hàng đầu này của Nga có thể đã bị mất chức vì tiến độ chậm chạp ở Donbas, khiến ông dần dần đánh mất sự tin tưởng của Tổng Thống Vladimir Putin.

Bộ Quốc Phòng Nga hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về sự việc. Tuy nhiên, suốt những tuần qua, những lời đồn đại rằng ông Putin không hài lòng với khả năng chỉ huy của Tướng Dvornikov xuất hiện ngày càng nhiều.

Mặc dù nắm quyền chỉ huy các lực lượng Nga tham chiến ở Ukraine từ Tháng Tư, Tướng Dvornikov, 60 tuổi, đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một tháng.

Trong thời gian này, thành tựu lớn nhất mà quân đội Nga đạt được là tiến gần thêm tới mục tiêu chiếm giữ thành phố Sievierodonetsk thuộc vùng Donbas, nơi các lực lượng Ukraine ngày 25 Tháng Sáu coi như đã rút bỏ để lập phòng tuyến khác.

“Ông Dvornikov được lệnh phải chiếm được Sievierodonetsk vào ngày 10 Tháng Sáu. Và trong khi không đáp ứng được yêu cầu đó, ông đã sử dụng chiến thuật tấn công kiểu Aleppo đặc trưng của mình,” theo ông Samuel Ramani, giới chức tại Royal United Services Institute ở London.

Một số cơ quan truyền thông đưa tin Tướng Gennady Zhidko đã thay thế ông Dvornikov làm tư lệnh chiến trường Ukraine. Ông này cũng là một thứ trưởng quốc phòng và từng tham gia vào hoạt động quân sự của Nga ở Syria như Tướng Dvornikov.

Đây là quyết định giải nhiệm mới nhất đối với các giới chức chỉ huy cao cấp quân đội Nga ở Ukraine.

Hồi Tháng Ba, thất vọng vì quân Nga không chiếm được Kiev, ông Putin đã sa thải tám tướng lãnh cũng như người đứng đầu cơ quan tình báo FSB, vốn bị Putin đổ lỗi là cung cấp thông tin tình báo không chính xác trước cuộc xâm lược.

Phần lớn các công ty Nhật Bản vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga


Chỉ 2,4% các công ty Nhật Bản hoạt động tại Liên bang Nga được cho là đã rời bỏ thị trường Nga vĩnh viễn, kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.
Theo dữ liệu từ Teikoku Databank, chỉ 4 trong số 168 công ty đã rời khỏi Nga để phản đối cuộc xâm lược toàn diện của Điện Kremlin nhằm vào nước láng giềng Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2.

Con số đó cho thấy, Nhật Bản là quốc gia có ít số lượng tập đoàn rời khỏi Nga nhất trong số các cường quốc G7.

Vương quốc Anh có tỷ lệ di dời cao nhất trong số các cường quốc G7, lên đến là 48%; trong khi Ý có tỷ lệ thấp thứ hai (5%), theo cơ quan REGNUM.

Trích dẫn một báo cáo từ cơ quan Kyodo, các công ty Nhật Bản đã đưa ra lập trường thận trọng, gần như trung lập, công khai với các doanh nghiệp của họ hoạt động tại Nga.

Mục tiêu được đặt ra khá rõ ràng: Các tập đoàn sẽ tái tham gia thị trường Nga – có lẽ là sau khi chiến tranh kết thúc.

Ngoài ra, Kyodo cho hay, nhiều công ty Nhật Bản còn chưa có lộ trình chuẩn bị trước, trong trường hợp họ phải rời khỏi Nga.

Bốn tập đoàn Nhật Bản được cho là đã rời Nga bao gồm Toyota Motor Co., Nissan Motor Co., hãng lốp xe Bridgestone và hãng thời trang Uniqlo.

Việc rời bỏ một thị trường mạnh mẽ điển hình như Nga (với tổng sản phẩm quốc nội trị giá 1,7 nghìn tỷ USD, xếp thứ 11 trên toàn thế giới) đôi khi sẽ đi kèm với những hậu quả kinh tế.

Hồi tháng 3, hơn 400 công ty phương Tây đã cam kết rời khỏi Nga, khi thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, động thái này được cho là khiến họ phải để lại tài sản tổng cộng “hàng trăm tỷ đô la” đã đầu trước cuộc xâm lược của Nga.

Hôm 24/5, người đứng đầu một hiệp hội thị trường chứng khoán nói với Reuters, các lệnh trừng phạt Nga đã buộc hàng trăm nghìn nhà đầu tư tư nhân phải thay đổi công ty môi giới để tránh các khoản đầu tư của họ bị đóng băng.

Twitter làm ngơ trước các lời nguyền rủa và dọa giết đối với Thẩm phán Clarence Thomas


Câu nói dè bỉu về chủng tộc “Uncle Clarence” (Tạm dịch: Bác Clarence) đang thịnh hành trên Twitter sau khi những người ủng hộ phá thai trên nền tảng này công kích Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vì lật ngược vụ Roe kiện Wade. Đặc biệt, đã xuất hiện rất nhiều lời dọa giết chết Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas.

Trong phán quyết mang tính bước ngoặt vào thứ Sáu tuần qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã lật ngược phán quyết vụ Roe kiện Wade năm 1973 – phán quyết đã khiến việc phá thai hợp pháp trên toàn nước Mỹ.

Các Thẩm phán Tòa án Tối cao gồm Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh Amy Coney Barrett và Samuel Alito đã đồng thuận trong việc lật ngược vụ Roe, trong khi các Thẩm phán cánh tả là Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan không đồng tình.

Gần như ngay lập tức, những người phản đối phán quyết đã sử dụng Twitter để chửi rủa và đe dọa bạo lực. Trong các dòng tweet cho đến nay vẫn còn trên nền tảng này, một số người dùng Twitter đã đe dọa giết Thẩm phán Clarence Thomas, vị Thẩm phán da màu được nhiều người coi là có khuynh hướng bảo hiến nhất.

“Chúng ta nên giết Clarence Thomas,” một người dùng Twitter nói để đáp lại một người khác nói rằng họ không biết làm thế nào để ngăn chặn một cách thực tế việc này.

“Giết Clarence Thomas. GIẾT CLARENCE THOMAS,” một người dùng Twitter khác viết.

“Tôi sẽ giết Clarence Thomas,” một người khác viết.

“Khoảnh khắc thú vị tại quán bar đêm qua với những người bạn cộng sản của tôi, một người trong số họ nói rằng họ muốn giết Clarence Thomas bằng cung tên và mọi người đều hò reo đồng tình,” một người dùng khác viết.

Những người dùng khác đã đề cập đến yếu tố kỳ thị chủng tộc thay vì đe dọa bạo lực – cũng là một hành vi vi phạm các quy tắc của Twitter, nhưng hầu hết những lời nói xấu vẫn được lưu trữ trên nền tảng.

Trước đó, Twitter đã cho phép thuật ngữ “Uncle Clarence” trở thành xu hướng nổi bật trên nền tảng này, ám chỉ đến câu nói dè bỉu về chủng tộc “Uncle Tom”. Thuật ngữ phân biệt chủng tộc “House Nigger” cũng đã được người dùng sử dụng rộng rãi.

[Chú thích: Thuật ngữ Uncle Tom (trích ra từ Túp lều bác Tom) hay House Nigger ám chỉ người nô lệ da màu luôn phục tùng, muốn giành được sự đồng tình của người da trắng; một người bị coi là phản bội lòng trung thành văn hóa hoặc xã hội của họ, theo Urban Dictionary và Oxford Language).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét