Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :21/6/2022


Thủ tướng Đức chia sẻ suy nghĩ về những điều Tổng thống Nga muốn
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Munchner Merkur, đã nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn quay lại chính sách “phạm vi ảnh hưởng” thời Chiến tranh Lạnh.Ông Scholz nói với tờ Munchner Merkur rằng ông Putin muốn quay lại chính sách “phạm vi ảnh hưởng” thời Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, nhưng ông ta sẽ không thành công.
<!>
Nga từ nhiều năm qua đã cảnh báo NATO không được mở rộng về phía Đông. Moscow coi động thái mở rộng đó của NATO là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh quốc gia Nga. Điện Kremlin cũng tuyên bố một trong những nguyên nhân Nga tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine là để ngăn chặn khả năng Kyiv gia nhập khối liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo.

Nga gần đây cũng tiết lộ rằng họ bây giờ coi Liên minh châu Âu (EU) là “nhân tối quân sự gây hấn”, kết hợp cùng NATO và “có tham vọng vươn ra khắp lục địa châu Âu”.

Thủ tướng Scholz nói rõ rằng Đức và các đồng minh của Đức sẽ tiếp tục “kiên định lâu dài” trong việc hỗ trợ Ukraine và duy trì áp lực kinh tế lên Nga, nhưng sẽ không lao vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Moscow.

Theo ông Scholz, ông Putin “dường như lo sợ rằng tia lửa dân chủ có thể lan tới đất nước của ông ta”, và vì vậy Điện Kremlin đã đang “theo đuổi chính sách nhắm tới giải tán NATO và EU”.

Thủ tướng Đức khẳng định rằng cả NATO và EU đều không phải là mối đe dọa đối với Nga. Ông Scholz nhấn mạnh rằng lãnh đạo Nga Putin “phải chấp nhận một cộng đồng các quốc gia dân chủ và lập hiến đang phát triển gần gũi cùng nhau hơn bao giờ hết xung quanh đất nước của ông ta”.

Tên lửa Himars ‘xuất chiêu’, Nga thương vong nặng nề ở Đảo Rắn


Mỹ tiết lộ rằng 60 binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa đào tạo về cách sử dụng hệ thống tên lửa "Himars".

Lực lượng vũ trang Ukraina đã tiến hành một cuộc tấn công dữ dội vào Đảo Rắn do Nga chiếm đóng ở phía tây Biển Đen vào sáng sớm ngày 20. Hàng chục vụ nổ đã xảy ra trong khu vực đóng quân của quân đội Nga.

Theo các báo cáo, quân đội Nga đã bị thương vong nặng nề và các nhân chứng đã nhìn thấy những quả tên lửa từ không trung hướng tới đảo. “Kênh 24” của Ukraina đưa tin rằng Hệ thống tên lửa đa năng cơ động cao M142 “Himars” do Mỹ viện trợ có thể được quân đội Ukraina sử dụng lần đầu tiên để phát động cuộc tấn công.

Báo cáo dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, cuộc tấn công của Ukraina đã khiến nhiều quân Nga thiệt mạng. Theo các nhân chứng, tên lửa bay về phía Đảo Rắn từ 4 giờ sáng ngày 20, sau đó hàng chục tiếng nổ vang lên.

Theo một số phương tiện truyền thông Ukraina đưa tin, ngay sau cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Nga trên đảo Rắn, một vụ nổ đã xảy ra ở Odessa, thành phố cảng Biển Đen của Ukraina. Người ta nghi ngờ quân đội Nga trả đũa vụ tấn công đảo Rắn. Tên lửa ở Odessa bị lực lượng phòng không Ukraina bắn hạ.

Liệu “Himars” có đóng góp gì trên chiến trường Nga-Ukraina hay không vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ mới đây tiết lộ rằng 60 binh sĩ Ukraina đã hoàn thành khóa đào tạo về cách sử dụng hệ thống tên lửa “Himars” và những vũ khí này sẽ được đưa vào chiến trường vào cuối tháng.

Hoa Kỳ cho biết “Tên lửa nhiều dẫn đường” do Ukraina phóng có tầm bắn khoảng 70 km. Phía Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp thông tin tình báo về vấn đề này.

EU tìm cách giải phóng ngũ cốc đang bị mắc kẹt của Ukraine


Dự kiến tại một cuộc họp ở Luxembourg vào ngày thứ Hai (20/6), các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận các phương án để giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine đang bị mắc kẹt do Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraine trên Biển Đen.

Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì hàng đầu trên thế giới, nhưng các chuyến hàng ngũ cốc của nước này đã bị đình trệ và hậu quả là hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt trong các hầm chứa lương thực kể từ khi Nga xâm lược và phong tỏa các cảng biển của quốc gia Đông Âu này.

Moscow phủ nhận trách nhiệm gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực, khiến giá cả lương thực trên thế giới tăng vọt. Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra lời cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra ở các nước nghèo, vốn phụ thuộc rất nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu.

EU ủng hộ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển của Ukraine đổi lấy việc cho phép Nga xuất khẩu lương thực và phân bón. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải có sự đồng ý của Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có quan hệ tốt đẹp với cả Kyiv và Moscow, cho biết, họ sẵn sàng đóng một vai trò trong một “cơ chế quan sát” đặt tại Istanbul nếu có một thỏa thuận như vậy.

Không rõ liệu EU có tham gia vào một cơ chế quân sự để đảm bảo cho một thỏa thuận như vậy hay không.

Một quan chức EU cho hay: “Liệu trong tương lai có cần phải hộ tống những con tàu thương mại [chở ngũ cốc của Ukraine] hay không, đó là một câu hỏi và tôi nghĩ chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời.”

Theo một quan chức EU, các cuộc đàm phán giữa các quốc gia thành viên EU về một gói trừng phạt mới đối với Nga đang tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên quan chức này dự đoán, các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ không sớm diễn ra.

Quan chức này giải thích, các biện pháp trừng phạt hiện tại của EU đã đủ sâu rộng và không có nhiều cơ hội cho một thỏa thuận áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU.

Truyền thông Đức: Không có TSMC, kinh tế toàn cầu sẽ bị hủy hoại trong chốc lát


Ngày 16/6, truyền thông Đức RedaktionsNetzwerk Deutschland (RND)chỉ ra, mặc dù Đài Loan có diện tích nhỏ nhưng tầm quan trọng lại vượt xa sức tưởng tượng. Trung Quốc một khi phát động cuộc xâm lược quân sự đối với Đài Loan, e là chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến chip sẽ bị ngừng toàn diện.

Hôm 16/6, Fabian Kretschmer, phóng viên của RND trú tại Bắc Kinh, đã chỉ ra trong một bài báo có tiêu đề “Vì sao một khi mất Đài Loan, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị hủy hoại trong chốc lát” rằng khoảng cách giữa Đài Loan và Đức là 9.000 km, diện tích Đài Loan chỉ tương đương với Baden-Württemberg – bang lớn thứ ba ở Tây Nam nước Đức, nhưng sự gần gũi về kinh tế của Đài Loan với Đức nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết người Đức. Tất cả những điều này “chủ yếu nhờ công của một công ty Đài Loan: TSMC”.

Bài viết nói rằng công ty này được thành lập vào năm 1987, là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, và năng lực sản xuất của nó vượt đi đầu thế giới. Trong lĩnh vực chip máy tính, thị phần toàn cầu của TSMC đã vượt quá 50%. Hơn nữa, Đài Loan cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ sản xuất chip hiệu suất cao.

Bài viết nói, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu, tác động nghiêm trọng của tình trạng thiếu chip trên phạm vi toàn cầu đã lộ rõ. Máy tính và điện thoại thông minh không thể giao hàng kịp thời, và các nhà sản xuất ô tô đã phải cắt giảm sản lượng. Sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào chip Đài Loan ở mức độ cao, đã để lại ấn tượng rất sâu sắc.

Vào tháng 1/2021, ông Peter Altmaier, khi đó là Bộ trưởng Kinh tế Đức, đã gửi thư tới Chính phủ Đài Loan đề nghị Đài Loan giúp tăng lượng cung ứng chip, nếu không sự thiếu hụt sẽ đe dọa sự phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Đức.

“Cách làm này là bất thường, bởi dù sao thì dưới áp lực từ Trung Quốc, Đức không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan”, bài viết nói. Mặc dù một số chuyên gia cho rằng việc Đài Loan làm chủ công nghệ chip đã trở thành “lá chắn silicon” để ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự, nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền mà vẫn không thể bắt kịp Đài Loan về công nghệ, điều này có thể trở thành lý do để tấn công Đài Loan. Trung Quốc có thể dốc toàn lực và để chiếm lấy căn cứ chip này về cho mình.

Trung Quốc cũng không thể tách rời chip TSMC
Là công ty hàng đầu toàn cầu về xưởng đúc, TSMC là trọng tâm chiến lược của ngành công nghiệp toàn cầu. Sản xuất iPhone, máy tính đám mây Amazon, vi mạch trong bộ xử lý đồ họa, trò chơi điện tử và thậm chí cả máy bay không người lái và máy bay chiến đấu quân sự, chẳng hạn như Lockheed Martin F-35.

Ông Trương Trọng Mưu (Morris Chang), người sáng lập TSMC, từng nói rằng chip bán dẫn không chỉ liên quan đến nhu cầu thiết yếu hàng ngày như điện thoại di động, máy tính mà còn liên quan chặt chẽ đến điều hướng tên lửa hay các loại vũ khí quân sự khác. “Có thể nói chất bán dẫn cần ở mọi nơi.”

Trang tài chính kinh tế của Thời báo Tự Do Đài Loan đưa tin, ngoài việc sử dụng chip Đài Loan trong vũ khí quân sự của Mỹ, thậm chí vũ khí do Trung Quốc sản xuất cũng có thể được nhìn thấy bóng dáng của Đài Loan. TSMC đã thành lập một nhà máy ở Nam Kinh, Trung Quốc, cung cấp cho các nhà sản xuất Trung Quốc chip FinFET 12/16 nanomet, sản phẩm này vốn đã là công nghệ chip tiên tiến nhất ở Trung Quốc.

Năm ngoái, tờ Washington Post tiết lộ rằng “tên lửa tốc độ âm thanh” do Trung Quốc nghiên cứu phát triển, chip của nó đã được bàn giao cho TSMC sản xuất.

Tờ Handelsblatt của Đức gần đây đã chỉ ra rằng Đài Loan có một chuỗi cung ứng chất bán dẫn không thể thay thế, chi phối huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Bởi vì không có chip, máy bay không thể cất cánh, không thể sản xuất điện thoại di động và vũ khí của một số quốc gia có thể không được sản xuất, toàn cầu đều gặp tai họa, thì Trung Quốc cũng không thoát khỏi thảm họa.

Chi nhánh Google tại Nga nộp đơn xin phá sản


Theo tờ Interfax, chi nhánh Google tại Nga đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 5 vừa qua sau khi giới chức trách thu giữ tài khoản ngân hàng của công ty. Động thái này khiến Google Nga không thể trả lương cho nhân viên, thanh toán cho đối tác, cũng như hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính khác.

“Việc chính quyền Nga thu giữ tài khoản ngân hàng của Google Nga khiến văn phòng của chúng tôi không hoạt động được. Do đó, Google Nga đã nộp đơn xin phá sản”, người phát ngôn của công ty chia sẻ.

Theo hãng tin Reuters, các dịch vụ của Google tại Nga vẫn được người dùng tin tưởng và công ty sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ miễn phí như Search, YouTube, Gmail, Maps, Android và Play.

Cùng với đó, Google đã chuyển nhiều nhân viên của mình ra khỏi Nga kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc tấn công Ukraine.

Nga đã cấm truy cập Twitter và Facebook, Instagram từ khi nổ ra xung đột với Ukraine. Google và YouTube dù gặp áp lực nhưng vẫn có thể sử dụng được trong nước. Moscow đặc biệt phản đối cách YouTube hành xử với truyền thông Nga. Dù vậy, Anton Gorelkin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách thông tin Duma, cho biết công ty của Mỹ chưa có khả năng bị cấm.

Ngày 16/6 vừa qua, một tòa án ở Moscow tuyên bố phạt công ty Google thuộc Tập đoàn Alphabet 15 triệu RUBLE, tương đương 260.000 USD, do không tuân thủ yêu cầu về bảo vệ dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Nga.

Dẫu các hoạt động thương mại phải ngừng lại, Google cam kết vẫn cung cấp các dịch vụ miễn phí trên mạng như email, tìm kiếm web, cho người Nga.

Nga tuyên bố biên giới Ukraine trước đây sẽ không bao giờ tồn tại nữa


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây tuyên bố rằng, Ukraine không còn khả năng quay trở lại biên giới trước đây của nước này, theo hãng tin Ilna của Iran.

"Ukraine mà bạn và tôi từng biết, với các biên giới trước đây của họ không còn tồn tại nữa và sẽ không bao giờ tồn tại nữa. Đây là điều hiển nhiên", bà Zakharova tuyên bố nói trong một cuộc phỏng vấn với Sky News.

Tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra khi người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Leonid Pasechnik, cho biết họ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.

Người đứng đầu một nước cộng hòa khác ở vùng Donbass - Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng - cho biết, vấn đề gia nhập Liên bang Nga sẽ "trở thành vấn đề số một" một khi nước cộng hòa này khôi phục biên giới hiến pháp của mình.

Bên cạnh đó, các quan chức của chính quyền quân sự - dân sự Kherson, khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nga từ giữa tháng 3, đã nhiều lần tuyên bố rằng khu vực này cũng đang tìm cách gia nhập Nga.

Ngoài ra, một quan chức cấp cao của chính quyền quân sự - dân sự của khu vực Zaporozhye cũng nhấn mạnh rằng, họ hy vọng sẽ sáp nhập với Nga và trở thành một tỉnh liên bang phía Nam của Nga.

Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2 để bảo vệ các nước cộng hòa tự xưng DPR và LPR ở vùng Donbass của Ukraine mà Nga công nhận độc lập trước đó.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi đầu tháng 6 thừa nhận rằng Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Theo ông Zelensky, chiến tuyến của quân đội Ukraine và Nga hiện trải dài hơn 1.000km, tập trung vào các khu vực phía Đông và Nam Ukraine.

Nga đang giành ưu thế ở chiến trường vùng Donbass và tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu cho hay, quân đội Nga đã kiểm soát 97% Lugansk, một trong hai tỉnh thuộc vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Nếu kiểm soát hoàn toàn Lugansk và Donetsk, Nga coi như hoàn tất mục tiêu mà họ đề ra khi công bố giai đoạn hai của chiến dịch quân sự ở Ukraine là "giải phóng Donbass".

Giới quan sát nhận định, mục tiêu của Moscow là lập ra một hành lang trên bộ từ miền Đông Ukraine đến bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Tuy nhiên, hiện chưa rõ, nếu đạt được mục tiêu kiểm soát Donbass, Nga có mở rộng chiến dịch quân sự sang các khu vực khác của Ukraine hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét