Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

ĐI BƯỚC NỮA - st


Chuyến xe cuối cùng sắp rời bến mà hai người già tóc bạc trắng vẫn dùng dằng bên nhau. Giọng bà nghẹn ngào: - Anh vào trong đó nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng làm việc cố sức nhé! Ông buồn bã nắm bàn tay chai sần của bà: - Em nhớ điều trị dứt bệnh ho, để lâu ngày phổi bị hỏng đó. Hành khách ngồi trên xe nhìn xuống ai cũng nghĩ "vợ chồng già mà thương nhau quá, thật là hiếm có." Nhưng thật ra họ không phải là vợ chồng. 30 năm về trước bà là cô giáo dạy trẻ góa bụa, một nách hai con thơ phải thuê quán để bán nước nuôi con, còn ông thì bị vợ chê nghèo bỏ đi theo người khác, để lại ba đứa con lít nhít cách nhau năm một. Ông dựng cái chòi cạnh quán nước của bà để sửa xe.
<!>
Cùng khổ như nhau nên hôm nào nấu món ngon, bà nói con gái lớn đưa qua cho mấy bố con ông, còn nhà bà có gì hỏng hóc là ông lại xắn tay áo lên sửa giùm.
Vì quá hận người vợ cũ nên ông không muốn mở lòng nữa, nhưng rồi lòng tốt của bà, sự chăm chỉ chịu khó của bà, sự dịu dàng của một cô giáo đã làm ông dịu lại. Thỉnh thoảng trong những giấc mơ của ông thấp thoáng bóng dáng duyên dáng, mặn mà của bà.
Ngặt một nỗi họ nghèo quá và ai cũng mang gánh nặng trên vai với bao nhiêu nỗi niềm nên đành nhủ lòng chờ con lớn rồi tính.
Sau khi đứa con gái lớn đi lấy chồng thì thằng út lấy được vợ giàu nó đưa bà đi mất. Cùng ở trong thành phố nhưng có khi vài tháng bà mới về lại chốn xưa thăm ông được.
Con dâu bà đẻ dày, mới chục năm đã ba đứa. Mỗi lần ông ghé thăm thấy bà tất bật cơm nước, giặt giũ, chạy đuổi theo cháu đút từng muỗng cơm ông đau lòng lắm. Con dâu bà mỗi lần thấy ông đến thì đá thúng, đụng nia, khua bát đĩa loảng xoảng. Có lần ông nghe thấy nó vừa cười mỉa vừa hỏi bà:
- Mẹ già rồi còn ham hố gì nữa?
Bà đứng cúi đầu như trẻ con phạm lỗi, nước mắt dân dấn. Ông nghẹn lại, muốn nói với nó là ông bà đâu có ham hố gì, bởi nếu có ông bên cạnh thì những khi bà ho như xé ruột, ông sẽ vỗ lưng cho bà bớt ho chứ không phải nằm vò võ một mình ho suốt đêm rồi sáng phải lo dậy sớm hầu hạ gia đình nó, nhưng giọng ông cũng nghẹn lại, không thể thốt ra.
Ông thương bà lắm, thương người phụ nữ sống với ai cũng chân tình, có trước có sau như bát nước đầy. Biết bao lần ông rủ bà về sống với ông mà bà không đành bỏ mấy đứa cháu, rồi lại sợ thằng con đay nghiến. Nó bóng gió xa xôi rằng nếu bà đi với ông về già có đau ốm gì thì đừng trông chờ vào nó.
Còn đứa con gái thì nói với bà, nhà chồng nó khó khăn, ưa soi mói lắm nên bà cứ ở với vợ chồng thằng em, cho vợ chồng nó được yên thân.
Lần này ông đến báo với bà, chỗ ở của ông bị giải tỏa, con gái ông lấy chồng trong Nam có mảnh vườn to lắm, biết bà thích trồng trọt, chăn nuôi nó đề nghị ông đưa bà vào, hai người già hủ hỉ với nhau sống cùng gia đình nó.
Bà phân vân trong buồn và tủi, 70 tuổi rồi chả còn biết sống được bao nhiêu năm nữa, bà không dám theo ông. Có lẽ đây là lần cuối gặp nhau, vì tuổi đã lớn lại Nam Bắc xa cách.
Xe chạy, bà vẫn ôm gối ngồi trong sân, nước mắt giàn giụa. Ba mươi năm trước, khi chồng bà mất sớm bà đã nghĩ rằng cuộc đời mình thế là hết. Nếu không có ông âm thầm giúp đỡ, chăm sóc, che chở cho gia đình bà suốt bao năm qua thì bà làm sao có thể lo cho các con chu đáo được.
Đời kiếp này, ở cái tuổi 70, bà biết ơn và thương ông nhiều lắm! Nhưng đành lỗi hẹn với ông, bởi bà không dám vượt qua cái ngưỡng dư luận nặng nề của con cháu!

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét