Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

GIỌT NƯỚC TRÀN LY - Ngô Minh Hằng


Ngày 30/4/1975 Dương Văn Minh giao miền Nam VN cho CS Bắc Việt. Màn đêm dầy đặc ập xuống bao phủ nửa mảnh non sông, mặt trời tắt ngấm, trời đất tối mù, kiếp người, VC "giải phóng" thành trâu ngựa. Anh đi tù cải tạo không biết ngày về, chị một mình, tay trắng, ôm 4 con thơ, người con đầu gần 5 tuổi và bé út hơn 6 tháng. Chịu chung số phận nghiệt ngòi với quê hương, chị như một thân cây bị đốn ngang và gục ngã. Lúc bấy giờ dù anh chị em ruột, phần lớn, cùng cảnh ngộ nên ít ai giúp đỡ được ai, may ra, ngoại trừ cha mẹ. Chị không còn cha mẹ ruột để nương nhờ. Cha mẹ chồng thì thấy sau 10 ngày, sau 20 ngày, sau 40 ngày, con trai họ không về, lại thấy chị có tới 4 con nhỏ, sợ chị bám víu cậy nhờ nên vội vàng lạnh lùng, xa cách.
<!>
Việc xa cách sớm nhất là mẹ anh không nhận nửa chục cam chị mang đến trong ngày giỗ và vội vã trừ 50 kg gạo vào bao gạo 100 kg anh chị gởi ở nhà bà vào 10 ngàn mà bà nói là anh mượn để mang đi cải tạo. Chuyện anh mượn bà 10 ngàn mang theo cải tạo hay đưa cho ai hoặc làm gì là điều bí mật của anh vì anh không nói và chị không biết. Chị chỉ biết là gần hai năm qua anh dan díu với cô gái bán bar, chị của chú K. người giữ máy truyền tin trong đơn vị và vài ngày trước khi anh trình diện cải tạo, anh chị đã vét sạch mọi đồng để mua căn nhà. Vì hết tiền, chị đã bán chiếc Honda chị có từ thời con gái, đưa cho anh 2.000 đồng và giữ phần còn lại để nuôi con.

Trường đóng cửa, chị không có việc làm. Buôn bán ở chợ trời hay đi hàng chuyến "chui" như những người vợ tù cải tạo khác thì chị vừa khờ khạo, vừa không có vốn và nhất là không có ai chăm sóc con thơ. Trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, mẹ chồng chị trừ nửa tạ gạo vào 10 ngàn bà nói anh mượn làm chị chới với. Có vài tháng mà chị gầy đi, chỉ còn 31 kg.

Rồi vì đàn con trứng nước, vì bổn phận, bản năng của người mẹ khiến chị phải tự băng bó vết thương của mình mà chập choạng đau buồn đứng dậy.

Qua nửa năm mà trường vẫn đóng cửa, mấy người đồng nghiệp tìm nhau nhưng cũng chẳng ai biết tin gì. Chị vừa chăm sóc đàn con, vừa mua vài thứ lặt vặt như dăm bó củi, vài quả trứng, mấy gói sà phòng để ngay trước cửa bán cho lối xóm mong kiếm chút lời. Hơn tháng sau chị dẹp tiệm vì lúc ấy, kẻ bán nhiều hơn người mua, vả lại, hàng của chị lèo tèo, ít ỏi, vài ngày may ra mới có một người mua bó củi hay quả trứng.

Đã nghèo lại gặp lúc ngặt. Người con gái thứ hai của chị bỗng nhiên đau nặng, chị phải đưa vào bịnh viện Nhi Đồng và ở lại với con. Trời thương chị, một chị bạn đồng nghiệp lúc ấy cũng không có việc làm, lại độc thân nên đến nhà chăm nom cu Út và hai bé lớn giùm cho chị.

Chị sợ lỡ con chị chết, mẹ chồng lại buộc tội vì chị mà con chết như cái chết của đứa con trai trước kia nên chị nhờ người nhà của người mẹ nằm cùng phòng báo tin là cháu nội ông bà đang đau nằm ở Nhi Đồng. Hai ngày sau, sáng sớm, mẹ chồng chị đến. Lúc ấy, chị đang ngồi ôm con trên chiếc ghế bố chia với một người mẹ khác. Bà không hỏi bịnh tình cháu nội mà bước tới đứng trước mặt con dâu, một tay chống vào cạnh sườn, một tay nắm lại, dùng ngón tay trỏ xỉa vào trán chị, chị chao người theo từng cái xỉa ngả về phía sau, bà rít lên: " Tao truyền đời báo danh cho mày biết, con tao nó về, mày bỏ nó thì thôi, mày còn ở với nó, tao cũng không nhìn mày là dâu nữa."

Trong hoàn cảnh cô đơn, khốn khổ của chị lúc bấy giờ và những oan khiên cay đắng chị trải qua trong mấy năm làm dâu, bên cạnh sự đối xử thiếu tình vơi nghĩa của anh thì hành vi của mẹ chồng chị hôm ấy thực sự đã làm giọt nước tràn ly. Lòng chị chán nản đến hững hờ, chị bình tĩnh đáp lời mẹ chồng: "Được rồi, mợ an tâm, con trai mợ về, con sẽ bỏ."

Đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất chị cãi lời mẹ chồng. Sỉ vả một lúc, mẹ chồng chị bỏ về, vài người mẹ nuôi con bịnh trong phòng bình phẩm về hoàn cảnh tội nghiệp của mẹ con chị và thái độ tàn nhẫn của bà. Chị im lặng.

Con gái chị vẫn nóng và nằm thiêm thiếp trong tay chị. Cúi xuống nhìn con, những khúc phim đau buồn của cuộc hôn nhân bất hạnh hiện về. Chị tủi thân, bật khóc. Hồ nước mắt được dịp vỡ bờ không ngăn được. Chị chỉ là một con người, một phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ bình thường khác. Sự chịu đựng, nhẫn nhục của chị đã vượt qua giới hạn từ lâu và lúc này thì hoàn toàn cạn kiệt. Không còn gì để níu kéo thêm nữa và chị quyết định buông. Cầm chéo vải làm mền đắp cho con lên lau nước mắt, chị hứa với lòng là chị sẽ giữ đúng lời chị nói với mẹ chồng chị hôm nay: "... mợ an tâm, con trai mợ về, con sẽ bỏ."

Ngô Minh Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét