Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

Cuống rún chưa lìa - Mặc Lâm


Một khay bánh hỏi lòng heo điển hình. MXH
Cứ mỗi lần ăn bánh hỏi là tôi lại nhớ về nơi chôn nhau cắt rún, cái món bánh hỏi hình như được lập trình tự động trong tâm trí, dù không muốn nhớ hay nhớ ít thôi cũng không thể được. Từng lớp bánh hỏi như bắt mình phải quay lại những thước phim ngày cũ, từ khi 9-10 tuổi cho tới lúc trường thành. Những món ăn lót từng thước thời gian có nhiều nhưng bánh hỏi chiếm vị trí quan trọng bậc nhất. Không phải vì nó quá ngon mà vì nó quá sống động trong lòng. Nó là sợi dây buộc cuống rún từ khi ra đời và có khi tới chết vẫn còn nhớ tới nó.
<!>
Hồi còn rất nhỏ, mỗi lần có dịp đi ngang cầu Phú Long, cách Phan Thiết 8 cây số, ba má tôi thường xuống xe ở đầu cầu để thăm một vài người quen ở đó. Mẹ tôi chỉ cho tôi nơi bà chuyển bụng sinh tôi trong một căn nhà thật nhỏ nằm sát đầu cầu, bà thường trỏ ngón tay vào nơi ấy và kể nhiều chuyện có liên quan mật thiết đến thời thơ ấu của tôi, tuy ngắn ngủi nhưng tôi biết chắc, nơi đây tôi được sinh ra, cuống rún được cắt và chôn ngay sau bụi chuối phía sau nhà và từ khi biết điều đó tôi mặc nhiên cho rằng đây là quê hương thật sự của mình mặc dù từ khi sinh ra tới khi lìa xa, tôi chỉ đi ngang ghé thăm vài lần, mỗi lần không quá một ngày. Cái nhà đó nay đã bị san bằng chỉ còn miếng đất rất nhỏ. Có thể vì quá nhỏ nên không ai buồn để ý tới nó.

Nhưng tôi còn một lý do khác để nhớ tới nó, nhất là khi ăn món bánh hỏi lòng heo.
Viết đến đây tôi gần như chắc chắn rằng những ai ở Phan Thiết và trạc tuổi U70 sẽ biết chắc cái quán bán bánh hỏi lòng heo mà tôi đang nhắc tới nằm ở đâu rồi. Vâng, nó nằm ở ngay đầu cầu trước chợ lồng Phú Long, tức là đối diện cái nhà mà tôi được sinh ra.


bánh hỏi lòng heo

Cái quán bánh hỏi lòng heo ấy hình như được lập ra cho tôi có nơi để mà nhớ về. Nó âm thầm nổi tiếng cho mãi tận ngày nay sau nhiều đời con cháu. Cái quán này tôi không nhớ tên nhưng món ăn mà nó bán cho thực khách thật không thể nào quên nổi.

Tôi còn nhớ như in mỗi khi ba má tôi dắt vào ăn, việc đầu tiên là thăm hỏi ông chủ quán còn tôi thì lấn cấn theo sau ba má. Khi món ăn được dọn ra tôi luôn luôn lấy cái muỗng múc một chút nước mắm và nếm qua trước tiên. Cái thú nếm nước mắm không biết học ai mà theo tôi suốt đời, nước mắm ngon hay không nói lên chính xác cái món sắp ăn như thế nào.

Rồi kế đến là dĩa bánh hỏi, rồi lòng luộc, dồi, rau sống, bánh tráng… chỉ có thế mà sao mọi người hăm hở ăn như sợ hết… Người ngồi chung quanh bàn chúng tôi cười nói ồn ào bao nhiêu thì ba má tôi lại lẳng lặng bấy nhiêu, có lẽ hai ông bà không còn ở nơi đây nên im lặng nếm cho hết những kỷ niệm mà hai người từng trải qua hơn 10 năm ở cái chợ này. Tôi lí lắc vừa ăn vừa nhúng ngón tay vào chung trà viết lên bàn hai chữ “bánh hỏi” mà không hề biết rằng hai chữ ấy sẽ gặm nhấm tôi đến cả đời.

Nhà tôi có người thân sống nghề làm bánh hỏi. Mỗi buổi sáng thấy đứa em lụi cụi xay bột bằng cái cối đá rất lớn, tôi vẫn tự hỏi tại sao người ta nghĩ ra được cách xay gạo rất dễ dàng mà hiệu quả như thế. Những dòng bột trắng tinh chảy từ từ xuống cái thau lót bên dưới chiếc cối khiến người nhìn có cảm giác như dòng sữa thiên nhiên từ trên cao trút xuống. Những hạt gạo đầy ắp mồ hôi tan dưới sức nặng của chiếc cối tạo cho quê tôi một món ăn mà nhà nào cũng biết cũng ưa: Bánh hỏi.


Bánh hỏi.

Cái bánh hỏi quê tôi cũng khác với bún với mì. Cọng nó nhỏ như sợi chỉ nằm chồng chất lên nhau trông đẹp mắt đã đành, nó ngon hơn bún vì cái sợi nhỏ nhắn ấy mềm mại trong miệng, vừa ăn đến nỗi không có cảm giác no cho tới khi đầy bụng. Người ta cắt hành thật nhỏ trộn với mỡ rồi trét một lớp nhẹ lên miếng bánh khiến khi ăn nó thơm và béo. Khác với bánh hỏi miền ngoài, Bình Định chẳng hạn, thay vì hành người ta dùng hẹ. Hành và hẹ tiếp tục tranh nhau tới nay cái vị trí trên từng xấp bánh đủ thấy người ta yêu bánh hỏi đến mức nào. Hành hay hẹ với tôi không quan trọng, mà quan trọng nhất là nước mắm ăn chung với món bánh hỏi lòng heo.

Nước mắm tại quán bánh hỏi lòng heo Phú Long có lẽ hợp chuẩn nhất vì sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn làm tôi nhớ. Nước mắm tại đây vừa kẹo lại cho ta cảm giác dính chặt vào lưỡi nhưng không quá kẹo khiến cảm giác như nước chấm nem nướng. Tỏi ớt đâm nát vừa đẹp mắt vừa dịu dàng trong miệng vì không cay hay nồng quá, vị chua vừa phải giúp người ăn hài lòng khi nhúng miếng bánh hỏi vào chén nước mắm…. tất cả những thứ ấy là kỳ công, là nỗ lực giữ cho tiếng tăm của quán chứ không hề tình cờ nổi tiếng lên rồi vụt tắt…

Sau hơn 40 năm tôi có dịp ghé ngang, cái tiệm nho nhỏ năm nào bây giờ đã phát triển lớn hơn nhiều lần, thực khách ồn ào người đi kẻ đến khiến tôi hơi thất vọng. Tôi quên mất, có cái quán nào cứ mãi như vậy sau hơn 40 năm?

Thì ra tôi giận lẫy ông chủ quán đành lòng xóa ký ức của tôi một cách mạnh tay… tôi hỏi thăm thì ông bà chủ khi xưa không còn nữa, chủ quán là con hay cháu gì đó tiếp tục cái “công nghiệp” mà hai ông bà để lại. Tôi ngồi xuống bàn không cần xem thực đơn, kêu một phần bánh hỏi lòng heo.

Lâu lắm, cậu chạy bàn mang một khay bánh, rau và thịt ra cho tôi. À, hình thức có đẹp hơn hồi xưa, trình bày tao nhã và bắt mắt. Nhưng khi nhìn vào chén nước mắm tôi… hốt hoảng vì nó không phải là thứ tôi từng nhớ nhung!

Chén nước chấm này được pha bằng cốt me và không có một chút nước mắm nào. Tôi ngạc nhiên vì đây là đất Phan Thiết, con người ở đây sống và thở trong hương vị của nước mắm tại sao lại đành lòng thay muối vào chén nước mắm cho khách chứ?

Sau này tôi được biết chung quanh cái quán “ký ức” của tôi còn có 10 quán khác cùng bán bánh hỏi lòng heo. Nó tạo cho món này một thương hiệu của đất Phú Long, nơi tôi được sinh ra và gắn bó với món ăn nổi tiếng này.
Nhưng tôi vẫn nghĩ hoài, tại sao người ta cam tâm thay chén nước mắm của tôi bằng một chén muối me?

Mặc Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét