Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

Viếng mộ vợ và truy tầm 5 con bị thất lạc tromg mgày 30 tháng 4 năm 1975 - Duy Xuyên Tacoma


Tôi gặp lại anh Nguyễn Văn Đán, cựu đại úy, thuộc Tiểu Khu Darlac, Ban Mê Thuột, sau 17 năm.Anh Nguyễn Văn Đán và tôi thụ huấn cùng một Khóa 7, tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức. Khóa 7 Sinh Viên Trừ Bị nhập học ngày 25/6/1958 và gần 1 năm sau ra trường ngày 10/6/1959 với 346 sĩ quan tốt nghiệp Chuẩn Úy..Anh Nguyễn Văn Đán, bị rớt ở giai đoạn 2, nên chỉ được mang cấp trung sĩ.Các sinh viên bị rớt được Bộ Tổng Tham Mưu -Phòng 3 Quân Huấn, đem xe GMC đến đón tại Trường Bộ Binh ThủĐức, trước ngày Lễ Mãn Khóa một vài ngày, để phân phối cho các đơn vị đang cần bổ sung quân số.
<!>
Số sinh viên sĩ quan đã tốt nghiệp, hàng ngày phải ra Vũ Đình Trường, để tập dợt nghi lễ mãn khóa.

Khóa 7 được Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lần đầu tiên chủ tọa và được Tổng Thống đặt tên là Khóa Nhân Vị. Từ ngày ra trường cho đến 30/4/75 anh Đán và tôi chưa gặp lại nhau lần nào!

Bất ngờ vào ngày 26/5/75, chúng tôi lại gặp nhau tại địa điểm tập trung cải tạo, gọi nôm na là trại tù ngụy quân ngụy quyền bị tập trung cải tạo tại Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, Dục Mỹ, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Ngay ngày đầu mới gặp lại nhau, tôi cũng rất ngạc nhiên vì tôi nghĩ anh Đán chỉ loanh quanh ở hàng Hạ Sĩ Quan thôi. Nên tôi hỏi anh:- Sao anh lại bị vào đây?

- Anh Đán với vẻ mặt ngơ ngác đáp:

- Tôi đã lên đại úy rồi!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao anh thăng cấp nhanh quá vậy?

Anh đáp:

- Tôi học lại khóa 9 Thủ Đức mà!

Anh giải thích thêm:

- Hồi đó, các anh em bị rớt khóa 7, nếu ai có đơn tình nguyện xin thụ huấn lại khóa 9, được Phòng 3 Quân Huấn Tổng Tham Mưu chấp thuận và cho trở lại Thủ Đức thụ huấn khóa 9 ở giai đoạn 2.

Tôi trở lại Thủ Đức, sau đó chừng 1 tháng, khi khóa 7 làm lễ mãn khóa.

Nghe anh kể xong, tôi chia sẻ cùng anh:

- Hèn chi! Tôi cứ tưởng dù anh có thăng cấp nhanh lắm chỉ lên đến chuẩn úy gìa là cùng! Mà chuẩn úy thì chưa có lệnh tập trung!

Giạo đó, tại Lam Sơn tập trung rát đông tù nhân cải tạo nên chúng tôi ít gặp lại nhau.

Mãi đến khi chúng tôi bị di chuyển về trại tù lao động Củng Sơn, anh Đán và tôi được ở chung một lán, nên anh đã kể cho tôi nghe hoàn cảnh vô cùng thương tâm của gia đình anh, đến rơi nước mắt.

Anh Nguyễn Văn Đán kể:

*(Khi anh Đán kể cho tôi nghe, anh đã kể các địa danh, tên các đơn vị và ngày tháng rất tỉ mỉ, rõ ràng, nhưng câu chuyện đã trôi qua 46 năm rồi và với trí nhớ của một người cổ tích 90 tuổi như tôi, quả thật có điều tôi nhớ, có chuyện tôi không nhớ rõ lắm, mong được người đọc lượng thứ.)

Anh Nguyễn Văn Đán kể:

"-Tôi đang là Đại Đội Trưởng Đại Đội Biệt Lập của Tiểu Khu Darlac. Đơn vị tôi đang hành quân tại vùng Buôn Hồ, Buôn Mê Thuột. Tình hình chiến sự tại Buôn Hô vô cùng yên ắng. Không một tiếng súng, không có bóng dáng của địch quân xuất hiện nơi đây.

Cả một tuần lễ đơn vị tôi không tốn một viên đạn, không bị tổn thất một ngưòi lính nào.

Đột nhiên giữa đêm 23/3/75, tôi nhận được lệnh di tản chiến thuật.
Trước đây, tôi chưa bao giờ được nghe cụm từ 'di tản chiến thuật' bao giờ.

Hoặc cụm từ 'Di tản chiến thuật' đã có trong thuật ngữ quân sự, nhưng vì tôi còn thuộc hàng sĩ quan trung cấp, nên chưa biết cụm từ này.

Nhưng tôi nghĩ, nếu 'di tản chiến thuật' cũng đồng nghĩa với 'hành quân rút lui' phải có nhiều yếu tố quan trọng như:

1/. Yển trợ:

- Đại đội tôi thi hành kế hoạch hành quân rút lui, thì đơn vị nào sẽ yểm trợ cho đơn vị tôi thi hành kế hoạch rút lui theo thế chân vịt.

2/. Lộ trình hành quân rút lui:

- Tôi không được bất cứ một thượng cấp nào ban lệnh phải tút lui theo lộ trình nào?

3/. Điểm tập trung:

- Điểm tập họp tại tọa độ nào? Phú Bổn, Phú Yên hay Khánh Hòa?

4/. Truyèn tin liên lạc:

- Các tầng số liên lạc và các ám ngữ nhận dạng nhau.
Bốn vấn đề vô cùng quan trọng của một cấp chỉ huy khi thi hành kế hoạch rút lui, đã không được ban hành theo một Lệnh Hành Quân chi tiết thật tỉ mỉ mà chúng tôi đã được học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức.

Tôi đang hành quân ở vùng Buôn Hồ, mà muốn hành quân rút lui, phải mất ít nhất 2 ngày, mới khỏi bị tôn thất quân số.Nhưng hồi đó, tôi biết mình phải làm gì; nên tôi rút lui càng nhanh càng tốt, vì chậm trể, đơn vị tôi sẽ bị tổn thất nặng nề giữa gọng kìm của hai phía.

Hơn thế nữa, tôi phải có mặt tại thành phố Ban Mê Thuột càng sớm càng tốt, để mang theo vợ và 5 đứa con của tôi cùng rút lui theo đơn vị.

Tôi về đến Tiểu khu Darlac khoảng nửa đêm ngày 23/3/75.

Tôi muốn tìm một cấp chỉ huy nào đó để xin thêm xăng trên đường di tản vì 5 con tôi còn rất nhỏ, chúng không thể nào đi bộ theo đoàn quân được.

Tiểu khu vắng hoe, không một bóng người.

Tôi rời khỏi Tiểu Khu và chạy nhanh đến Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận mong được cung cấp nhiên liệu.

Nơi đây, dân chúng đang tranh giành gạo, và đồ Quân Tiếp Vụ. Tôi chạy nhanh đến kho nhiên liệu, may mắn xăng vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi và tài xế lấy 12 can xăng bỏ lên xe dodge 4/4 và phóng nhanh về nhà tôi trên đường Y Yút.

Trước đó, tôi cho phép những quân nhân nào có gia đình cư ngụ trong thành phố về nhà thu xếp và sáng mai phải có mặt nơi điểm tập trung tại Sân Vận Động Ban Mê Thuột để lên đường di tản.

Sáng hôm sau, vợ và 5 đưa con tôi ngồi phía sau xe 4/4 cùng với 2 người lính cận vệ.

Xe tôi đến điểm tập trung, lác đác chỉ có vài quân nhân gốc Kinh tập trung trước đó và mãi đến giờ đã hẹn, chỉ vỏn vẹn có 32 quân nhân người Kinh, còn quân nhân góc Thượng, không thấy bất cứ một người nào!

Như vậy Đại Đội Biệt Lập của tôi quân số chỉ còn lại 35, kể luôn cả vợ và 5 đứa con tôi là 41 người.

Lương thực của 35 quân nhân đã được phân phối trước đó tại Buôn Hô là 7 ngày. Trên xe tôi còn mang theo một bao gạo 100kgs và một ít lương khô của Quân Tiếp Vụ; có thể sử dụng được trong vòng 7 ngày.

Chúng tôi bắt đầu di tản theo tỉnh lộ 7B. đếm Phú Bổn.

Không có một cuộc Di Tản Chiến Thuật nào trông giống như Cuộc Tháo Chạy, trong hổn loạn, mạnh ai nấy chạy, dưới lằn đạn pháo kích kinh hoàng của địch quân. Không ai chỉ huy ai!

Đơn vị nào thì cấp chỉ huy của đơn vị đó tự lo liệu.
Chuyện chết sống có thể xảy ra trong gang tất.

Lời người viết: Ở đây tôi không muốn viết lại những thảm cảnh chết chóc của cuộc tháo chạy để thoát chết của đoàn quân di tản, vì đã có nhìều tác gỉa trình bày rất mạch lạc đến vô cùng khủng khiếp.

Nơi đây tôi chỉ muốn viết lại hoàn cảnh bi thảm của gia đình anh Nguyễn Văn Đán thôi.

"- Anh Đán kể:

" Gia đình tôi cũng lần lượt đến Phú Bổn an toàn, sau 6 ngày đường vô cùng vất vã và tràn ngập sự nguy hiểm.

Đơn vị tôi cũng lê thê lếch thếch đến Phú Bỏn, sau khi kiểm tra quân số, đại đội tôi còn lại 19/35 quân nhân, số qiân nhân sai biệt, họ cũng có thể di chuyển về phía trước hay còn uể oải, ục ịch đang di chuyển ở phía sau.

Đêm hôm đó, 29/3/75. anh em chúng tôi ngủ đêm tại một garage, bãi đậu xe của Phú Bổn.

Gia đình tôi giành được một góc nhỏ trong nhà đậu xe.
Vợ tôi ôm một đứa con nhỏ nhất 6 tuổi, nằm ở phía sát vách, rồi đến 4 đứa con còn lại, nằm dọc theo mẹ. Tôi nằm phía ngoài để bảo vệ vợ con.

Khoảng nửa đêm, một trái pháo 175 ly, rơi ngay trong nhà đậu xe.

Một tiếng nổ long trời lở đất, bụi cát tung toé mịt mù, hòa lẫn với tiếng khóc, tiếng rên rỉ thảm thiết, thất đảm kinh hoàng đến rợn người.

Tôi giựt mình, choàng người dậy, rờ vợ con nhưng tôi không nghe thấy gì!

Đèn đuốc tối thui.

Tôi mò vào ba-lô lính, lấy cây đèn pin rọi vào chỗ ngủ của vợ con tôi. Tất cả vợ con tôi không còn ở chỗ cũ, đã văng xa chỗ đã nằm trước đó; kể cả bản thân tôi, cũng đã bi tung lên cao khoảng vài tấc, tồi bị văng ra khỏi chỗ ngủ một khoảng cách rất xa.

Tôi đang loanh quanh rọi đèn pin đi tìm vợ con.
Bỗng nhiên tôi nghe tiếng đứa con gái lớn 15 tuổi, khóc thét lên:

- Bố ơi! Bu ơi!

Tôi chạy ngay về phía con Tâm.

Phản ứng tự nhiên, tôi rờ khắp thân thể nó và hỏi:

- Con có sao không?

Con Tâm không nói gì, ôm tôi chặt cứng.

Tôi hỏi nó:

- Bu và các em đâu?

Nó cũng đang khiếp sợ nên chỉ ôm chặt lấy tôi mà không trả lời! Tâm đang khóc mếu máo...

Tôi kéo tay nó lẽo đẽo đi theo tôi để tìm vợ và 4 đứa con còn lại.

Xác người chết nằm ngổn ngang. Không khí vô cùng ngột ngạt.

Tôi gọi tên vợ và tên các con trong hoãng hốt:

- Hồng ơi! Yến, Xuân, Lan, Mỹ... ở đâu!

Không có tiếng hồi âm! Chỉ vang vọng tiếng thet gào gọi tên nhau ơi ới, trong tiếng khóc nghẹn ngào.
Một chập lâu sau, tôi tìm được 3 đứa con, mỗi đứa đang ngồi mỗi góc, mếu máo khóc thảm thiết.

Tôi tập trung chúng vào một chỗ và giao cho bé Tâm giữ các em. Còn tôi đi tìm vợ và đứa con trai Út, chưa tròn 6 tuổi.

Xác vợ tôi đang ôm chặt đứa bé trong lòng. Vợ tôi bị mảnh đạn cắt nát làm hai phần. Hai chân bay đâu mất, Thân đứa con trai Út cũng bị cắt mất hai chân. Hai mẹ con vẫn còn bám chặt vào nhau, nằm chết xồng xộc trên vũng máu đang chảy ra lênh láng.

Phải khó khăn lắm, tôi mới thu lượm lại được hai chân của vợ tôi và chỉ tìm lại được một bàn chân của thằng con trai Út. Còn bàn chân kia, có lẽ bị cắt nát thành nhiều nảnh vụn, đã bị lẫn lộn trong những miếng thịt bầy nhầy đang nằm vung vãi đâu đó!

Mạnh ai nấy lo liệu chôn cất thân nhân của mình cho nhanh gọn rồi tiếp tục cố chạy thoát ra khỏi vùng pháo kích của địch quân.

Gia đình tôi được may mắn có các anh em trong đại đội giúp đỡ, đào lỗ chon cất vợ con tôi.
Tôi đánh dấu tọa độ, địa thế của ngôi mộ, tôi vẽ chi tiết hai ngôi mộ trên một quyển sổ nhỏ rất cẩn thận.

Hai ngôi mộ của vợ con tôi được chôn dưới một gốc cây cổ thụ, cách bờ suối 15 bước chân.

Tôi đặt một hòn đá kká lớn để đánh dấu, chỉ mong sao sau này có dịp, tôi sẽ lấy hài cốt của vợ con tôi, đem đi an táng một nơi khác, ổn định hơn.

Tôi tiếp tục nối đuôi theo đoàn xe di chuyển về Nha Trang Tiểu Khu Khánh Hòa và sáng ngày 22 tháng 5 năm 1975; cha con tôi đến Nha Trang.

Toàn thành phố Nha Trang bỏ trống.

Cướp bóc hoành hành. Các du kích tự dộng mang băng đỏ giữ trật tự,
Đơn vị tôi tự động giải tán tại Trường tiểu học Tân Phước Nha Trang kề từ ngày ấy.

Gia đình chúng tôi nằm lê lếch ngoài hiên trường Tân Phước! Mạnh ai nấy sống!

Hai ngày sau, giữa nửa đêm 25 rạng sáng 26 tháng 5 năm 1975, các loa phóng thanh treo trên các cành cây, trên các trụ đèn, đồng thanh kêu gọi ngụy quân từ cấp thiếu úy trở lên, mang theo 10 ngày ăn, tập trung tại sân trường tiểu học Tân Phước Nha Trang, để học tập cải tạo theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản Nha Trang.

Cần nói thêm, trước đây, các anh em Hạ Sĩ Quan cũng đã được tập trung tại một vài địa điẻm để học tập chính sách khoan hồng của Mặt Trận Giải Phóng, rồi sau đó 10 ngày, cũng được tha về đoàn tụ gia đình, làm ăn bình thường như các công dân vô tội khác.

Phần đông anh em chúng tôi đều nghĩ như vậy, trong đó có tôi.

Tôi đánh thức 4 đứa con còn lại, dặn dò tỉ mỉ cho đứa con gái lớn, bé Tâm 15 tuổi, trông nom các em. Tôi còn hứa chắc chắn với các con, Ba chỉ đi 10 ngày và sẽ về dẫn các con trở lại Ban Mê Thuột...

Tôi chuẩn bị cho chúng 15 ngày gạo, mắm muối, cá khô và căn dặn chúng, đừng bỏ đi đâu xa vì tôi chỉ đi học tập 10 ngày rồi lại về dẫn các con trở lại Ban Mê Thuột.

Tôi lập đi lập lại, căn dặn nhiều lần như thế, nên các con tôi đều tin như vậy!

Sáng hôm đó, 26/5/75, xe GMC, che phủ kín mít, chở chúng tôi ra Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn tại Dục Mỹ - Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Tại đây, sau khi học tập đủ 10 ngày, chúng tôi được giải thích, ai học tập tốt, lao động tốt, sẽ được xét cho về sớm.

Tôi rất lo lắng cho đàn con 4 đứa, mà đứa con gái lớn nhất đang tuổi còn đi học, biết gì để săn sóc, nuôi nấng, trông nom các em...

Tôi không có một thân nhân nào ở Nha Trang, nên chẳng biết ai dể gởi gắm các con trước đó.

Tôi căn dặn các con tôi, đừng đi đâu sẽ bị thất lạc.

Hai tháng sau, vài trăm người trình diện trể, cũng được đưa về đây – Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn.
Tôi hỏi thăm, họ cho biết:

" Trường Tiểu Học Tân Phước đưọc mở cửa để cho học sinh đi học lại và đoàn người tản cư tự giải tán, không biết họ đi đâu... về đâu ...
Tôi thất lạc các con của tôi từ đó, cho đến hôm nay 2/9/1981.

Tôi và anh Nguyễn Văn Đán cũng được Ra Trại cùng một ngày, trong đợt thả 650 tù nhân đông nhất.

Anh Đán biết tôi có nhà ở Nha Trang, nên xin đi theo tôi về Nha Trang tìm con.

Xe đò chở chúng tôi về Nha Trang, từ bến xe, muốn về nhà Mẹ tôi phải đi qua trường tiểu học Tân Phước.
Anh Đan chạy nhanh vào sân trường, các lớp yên ắng đang học bình thường.

Anh Đán đứng ngơ ngác như người chết và được nhà trường khuyên anh đến Phường Tân Lập để hỏi thăm tin tức về các con của anh.

Phường Tân Lập cũng gần đó, nên tôi cùng đi với anh Đán đến đó, để hỏi tin tức các con anh.
Nơi đây trả lò, họ không biết.

Anh Đán xin theo về nhà tôi, tá túc vài ngày để tìm con.

Tôi đồng ý, khi về đến nhà, Mẹ tôi cũng đồng ý cho anh Đán tá túc 5-3 ngày để tìm kiếm đàn con.
Nhưng khi chúng tôi đến Phường Phước Hòa đăng ký tạm trú, nơi đây không đồng ý cho anh Nguyễn Văn Đán tạm trú và de dọa tôi còn có ý đồ gì đây!

Anh Đán cũng chẳng được Mẹ tôi thết cơm một lần nào mà anh lủi thủi ra đi.

Tôi không gặp lại anh Nguyễn Văn Đán kể từ ngày ấy... cho mãi đến năm 1995, tôi được anh Đán kể cho tôi nghe hành trình đau khỏ của anh, đi tìm lại mộ vợ và truy tầm các con anh trên điện thoại.

Tôi đến Mỹ theo diện H.O. 12 - vào tháng 7/1992 và sau đó cũng đã quên hẳn câu chuyện gia đình của anh Nguyễn Văn Đán.

Mãi cho đến năm 1995, một buổi sáng trời trong, tiếng điện thoại reo vang.

Tôi đặt ống nghe vào tai.

Đầu giây bên kia có người hỏi:

- Tôi xin lỗi. Có phải anh Duy Xuyên, Đỉnh Sương Mù đó không?

Tôi không ngạc nhiên gì cho lắm, vì anh em bạn tù, thường gọi tôi như thế.

Tôi đáp: - Đúng rồi! Bạn tù nào gọi tôi đó!

Đầu giây bên kia vồn vã hỏi:

- Khoẻ không anh Duy Xuyên. Tôi là Đán đây! Nguyễn Văn Đán nè! Đán Cùng Sơn, bạn tù A.30 của anh đây! Anh còn nhớ tôi không?

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Vội vàng trả lời nhanh:

- Sao mà tôi quên anh được!

Tôi lập lại:

- Đán, bà Sơ nuôi! Đán cô đơn phải không?

Anh qua Mỹ hồi nào vậy?

- Gần 3 tháng nay rồi! Đang ở Renton, cùng một tiểu bang Washington với anh đây!

Tôi hỏi vội:

- Có tìm được các cháu và anh có đem được cháu nào theo anh qua Mỹ không?

- Có 2 đứa! Chuyẹn rất nhiêu khê! Hôm nào gặp lại, tôi sẽ kể cho anh nghe chi tiết hơn.

Tôi ngắt lời anh:

- Bây giờ anh có rảnh không? Cho tôi địa chỉ, tôi sẽ chạy đến nhà anh. Mời anh về nhà tôi, dùng cơm trưa và hàn huyên với nhau cho vui! Được không?

Anh Đán đồng ý. Tôi dặn anh, chuẩn bị. Khoảng 40 phút nữa, tôi sẽ có mặt tại nhà anh.

Chẳng bao lâu sau, chúng tôi có mặt tại nhà thuê của anh Đán, trong một chung cư tương đối quang đãng.
Người ra mở cửa mời chúng tôi vào là một phụ nũ còn trẻ đẹp, trạc độ 40.

Cô ta ngập ngừng:

- Mời ... vào nhà!

Tôi không nghe rõ tiếng: Mời anh, hay mời bác. Vì nếu là bé Tâm, cô ấy phải gọi tôi là 'bác' vì tôi lớn hơn anh Đán, 3 tuổi!

Nếu đúng là bé Tâm, cô con gái lớn của anh Đán, năm nay phải 35 tuổi rồi.

Tôi ngờ ngợ, cất tiếng hỏi:

- Xin lỗi: Cô là ...?

Vừa lúc đó, anh Đán từ nhà sau, bước lên, bắt tay tôi. Giới thiệu:

- Đây là Mai, em vợ tôi. Dì ruột của các cháu và hiện nay là ... hiền thê tôi.

Tôi gật đầu: - Chào chị!

Sau một vài phút xã giao thăm hỏi; chúng tôi mời vợ chồng anh Đán lên xe về Tacoma.

Hai vợ chồng anh Đán chuẩn bị lên xe. Tôi nhìn quanh, không thấy các con anh, nên tôi vội hỏi:

- Các cháu đâu? Sao không thấy cháu nào cùng đi với anh chị?

Anh đáp: - Mình lên xe về nhà anh đi! Câu chuyện rất dông dài! Dọc đường tôi sẽ kể cho anh chị nghe.

Thanh Đào, vợ tôi lái xe. Vợ anh Đan cùng ngồi ghế trước. Tôi và anh Đán ngồi phía sau, để dễ hàn huyên tâm sự.

Xe bắt đầu ra xa lộ 99. Tôi đề nghị với anh Đán ngay:

- Anh Đán ơi! Kể đi! Câu chuyện phải bắt đầu, từ lúc tụi mình bịn rịn chia tay nhau tại nhà tôi nghen!

Anh Đán dường như còn muôn hồi tưởng lại cả một quá khứ đau buồn mà hoàn cảnh nghiệt ngã đã trút xuống đời anh! Hơn thế nữa 4 đứa con anh, đứa con gái lớn nhất lúc anh xoa đầu nó căn dặn trăm điều, phải săn sóc các em và anh còn hứa với nó 10 ngày nữa, anh sẽ về và dẫn các con trở lại Buôn Mê Thuột và sau đó tìm cách cải táng mộ vợ.

Anh im lặng một chập thật lâu như nghẹn ngào muốn khóc.

Anh bắt đầu kể. Giọng anh thật buồn nhưng có lúc cũng kể chuyện một cách rất hứng thú như những hoàn cảnh tưỏng như thất vọng nhưng lại có tin vui trong giờ tuyệt vọng!

Anh Đán kể:

"- Lúc tôi chào Cụ Bà, Mẹ anh, để ra đi, vì công an địa phương nơi anh sẽ đăng ký thường trú, Mẹ anh có nhét vào túi áo tôi một số tiền.
Khi rời hơi xa nhà Mẹ anh, tôi mới lấy ra xem, mới biết Cụ cho tôi 25 đồng.

Chắc anh cũng còn nhớ, sáng hôm đó khi anh em mình được trại A.30 phát giấy Ra Trại. Nhà bếp chỉ phát cho 2 trái bắp luộc và 23 đồng tiền mua vé xe lửa từ Tuy Hòa về Nha Trang.

Từ sáng sớm khoảng 5 giờ sáng, mãi đến 5 giờ chiều, anh em mình mới đến đưọc Nha Trang, bụng dạ cồn cào đói meo; mà tôi với anh còn đi loanh quanh tìm các con tôi. Lúc tôi chia tay anh là 7 giờ tối rồi!

Tôi không biết đêm đó, phải ngủ đêm ở đâu. Sau một hồi say nghĩ, tôi quyết định hỏi thăm đường để đến bến xe đò Liên Tỉnh Nha Trang-Bưôn Mê Thuột.

Tôi lang thang tìm đến bến xe khoảng 8 giờ đêm. Nhưng bụng quá đói mà mùi bún bò thơm phức, nước bọt tôi ứa ra vành môi. Chịu hết nổi nửa rồi, tôi mon men hỏi bà bán bún bò:

- Bao nhiêu một tô vậy bà?

Bà ân ần đáp:

- 1 tô không giò, không rau thì 2 đồng! Còn tô có giò, có rau 3 đồng.
Tôi đang lưỡng lự, so sánh, vì đã 2 lần đổi tiền, thì tôi bún bò 2 đồng bằng 35 ngàn đồng trước năm 1975.

Tôi còn đang lâm râm tính nhẩm. Bà bán bún bò ngước nhìn hỏi tôi:

- Chú mới ở tù ra hả? Tù cải tạo hay tù hình sự! Trại nào?

Tô đáp nhanh:

- Tù cải tạo. A.30.

Tôi vừa nói xong, bà đưa về phía tôi một cái ghế đẩu, mời tôi ngồi.

- Chú ngồi xuống đây đi! Tôi sẽ múc cho chú một tô đầy, mời chú ăn. Không tính tiền chú đâu! Đừng ngại! Con trai tôi 6 năm rồi vẫn chưa về nữa đây!

Miệng nói, tay bà bỏ bún vào tô!

Bà múc cho tôi một tô bún đầy thịt vun lên.

Phần vì quá đói. Phần thì 6 năm qua, có bao giờ tù nhân chính trị như anh em chúng mình có một chút thịt giò heo như lúc này đâu!

Dù đói thật, thèm thuồng và hối hả thật! Song dù sao phong cách và thể diện của một cựu sĩ quan QLVNCH đã knông cho phép tôi có những cử chỉ, lời nói suồng sã, ăn uống cục mịch được!

Tôi nhai ngấu nghiến từng miếng thịt nhỏ để nhận thức được cái ngon của một buổi tối mà trong 6 năm, chưa có lần nào ăn ngon như tô bún bò đêm hôm đó!
Cần nói thêm, một chai rượu nếp nằm ngất nghểu trên cái bàn nhỏ. Nhìn chai rượu, và tôi ước gì được thưởng thức một vài hớp.

Bà tinh ý biết tôi cũng đang thèm rượu, nên định rót cho tôi một ly.

Tôi nhanh ý chận tay bà lại và nói cho bà hiểu, tôi không biết uống rượu nhưng thật tình trong lúc gặm giò heo mà nếm được rượu nếp thì thật quá đỗi hạnh phúc.

Đêm hôm đó, bà bán bún bò được tôi kể cho nghe hoàn cảnh lạc mất con, bà đã không lấy tiền tô bún bò béo ngậy với tốp hành bềnh bồng, kích thích bờ môi. Bà còn cho tôi thêm 5 đồng, hơn thế nữa bà còn huy động những hành khách chờ xe sáng sớm hôm sau đi Buôn Mê Thuột, mỗi người cho tôi thêm vài đồng, tổng cộng tôi được cho thêm 17 đồng nữa.

Thật ra, nhờ bộ quần áo tù có sọc xanh, mà bà con nhận diện rất nhanh. Thành thật mà nói, dân chúng thành phố Nha Trang, thật hiền hòa, họ thương tù chính trị nhiều lắm.

Có dịp tôi sẽ kể chuyện này cho anh nghe sau:

Bây giờ tôi sẽ kể tiếp chuyện đi tìm con và tìm thăm mộ vợ cho anh nghe:

"Đêm đó, tôi trăn trở, thao thức mãi, không thể nào ngủ được vì tôi phải quyết định rõ ràng, tôi phải làm gì trong những ngày sắp tới.

Trong giấy Ra Trại có ghi rõ: "Đương sự (Nguyễn Văn Đán phải trình diện Chính Quyền địa phương để bố trí / phân bổ lao động.

Chính Quyền địa phương quản lý và đương sụ bị quản chế 12 tháng tại địa phương theo thông tư số ... của Bộ Nội Vụ. Tuy nhiên dù hoàn cảnh sẽ xảy ra như thế nào, tôi cũng phải ở lại Nha Trang vài ngày để tìm 4 đứa con tôi!

Việc đầu tiên là tôi trở lại quanh quẩn trường tiểu học Tân Phước.

Suốt cả 2 ngày trời, tôi gõ cửa từng nhà lân cận để thăm dò. Tất cả như vô vọng! Tôi lẽo đẽo đi sâu vào các con hẻm, ngõ cụt nhưng càng lúc càng thất vọng.
Một vài người khá hiểu biết về tình hình sau năm 1975, những người bán buôn hàng rong, không cửa không nhà, kể cả chợ trời, phường phe phẩy đã bị lùa đi vùng kinh tế mới. Do đó, họ khuyên tôi lên các vùng kinh tế đó mà tìm, có nhiều hy vọng hơn.

Tôi cũng nghĩ như vậy, nên tôi đã đi đến các vùng knh tế mới Đồng Trăng, Đất Sét nhưng vẫn mịt mù biển khơi như mò kim dưới đáy biển.

Nhiều khi ngồi tư lự một mình, tôi mới nhận ra mình sao quá dại dột mà trình diện học tập tại Nha Trang, mà không chịu dẫn con về Buôn Mê Thuột thì dẫu tôi đi tù 6 năm, cũng sẽ có người còn biết tin tức của các con tôi!

Bây giờ thì tôi sợ nhất là các con tôi đã bị kẻ gian dụ dỗ, bán cho các ổ mãi dâm trá hình tại Cao Miên như lời đồn của nhiều người dân lúc đó; sau khi Quân Đội Nhân Dân tiến chiếm Cao Miên năm 1979.

Mà sao tôi có thể tin, cứ mang 10 ngày ăn thì cũng sẽ chỉ học 10 ngày rồi về!

Tôi quẩn trí như người điên! Khờ khạo như người mất trí.
Tôi lưu lại Nha Trang 15 ngày và sau đó tôi cũng phải buộc lòng trở lại Buôn Mê Thuột, để trình diện chính quyền địa phương.

Tôi hối hả hỏi anh:

- Nhưng anh có tìm lại được 4 con của anh không?

- Có! Tìm lại được cả 4 đứa!

Tôi hỏi dồn dập:

- Còn anh có thăm được mộ của chị và thằng con trai Út, 6 tuổi của anh không?

Mắt anh đỏ hoe.

- Mồ mã bị san bằng như bình địa để trồng mì. Do đó, nên không còn một dấu tích nào để mình xác định được! Nơi nào là mồ mã! Ở đâu là sắn là mì Ấn Độ?

Trở về chốn cũ:

Tôi theo cha tôi từ Bãi Cháy Bắc Việt, di chuyển theo tiểu đoàn 55 V.N Bắc Việt đến Buôn Mê Thuột đồn trú, sau hiệp định Genève.

Sau đó cha tôi giải ngủ và Cụ đã định cư tại Khu Trù Mật Buôn Mê Thuột, làm quê hương thứ hai của gia đình tôi.

Tôi lớn lên tại dải đất Buồn Muôn Thuở này rồi nhập học khóa 7 Thủ Đức và thuyên chuyển về mièn đát đỏ đó, cho đến 30/4 như anh đã biết.
Địa chỉ nơi tôi Ra Trại là một cư xá sĩ quan của Tiểu Khu Darlac.

Việc đầu tiên, tôi phải tìm về cư xá cũ.

Nơi đây không còn là một cư xá bằng gỗ thô sơ nữa mà đã được xây dựng lại khang trang với những chủ nhân mới hoàn toàn xa lạ. Không một người quen nào trước đây còn cư ngụ tại đây nữa!

Không ai biết tôi và một vài người khuyên tôi nên trình diện với ông Thôn Trửởng.

Tôi bị ông Thôn Trưởng hạch hỏi đủ điều về việc không tuân hành lệnh quản chế và phải làm kiểm điểm, kê khai tôi đã liên lạc với những phần tử phản động nào và với ý đồ gì?

Dù tôi giải thích sự thật như thế nào, ông ấy cũng không tin và giải giao tôi cho một công an khu vực.
May mắn cho tôi, anh công an khu vực sau khi đọc bản kiểm điểm của tôi, anh ấy cũmg rất thông cảm và không còn tra hỏi tôi lôi thôi thêm điều gì nữa.

Theo tôi biết, trước khi tôi được thả cho về, trại A.30 cũng đã gởi hồ sơ lý lịch tù của tôi về địa phương nên tôi không bị gây khó dễ gì!

Sau đó, tôi được giới thiệu vào Hợp Tác Xã Cao Su và trở thành người giữ kho của Hợp Tác Xã.

Bờ Lưng Tròn Tuổi 41:

Sống ổn định vài tháng sau, tôi xin phép công an địa phương đi Pléku để tìm con. Công an đồng ý không gây khó dễ gì!

Tôi hy vọng các con của tôi tìm về Pléku với dì ruột của các cháu, trước 75, đã có tiệm may y phục phụ nữ trước trường tiểu học, vợ tôi thường dẫn các con về Pléku thăm em.

Vào những mùa học sinh nghỉ hè, bé Tâm đã học lớp 9, nên thường về Pléku để được dì Mai dạy may vá thêu thùa.

Mai vẫn còn ở chỗ cũ, vẫn sinh hoạt bình thường như trước đây.

Đến lúc gặp lại tôi, Mai mới biết chị mình đã chết thê thảm ở Phú Bổn và 4 cháu đang bị thất lạc tại Nha Trang.

Mai chỉ biết tôi mang theo vợ và 5 con di tản theo đoàn quân, ngoài ra Mai cũng không biết hoàn cảnh chiến tranh đã là một bi kịch cho gia đình tôi.

Nàng đề nghị với tôi trở lại Phú Bổn để thăm mộ chị và cháu nàng.

Lẽ dĩ nhiên tôi đồng ý ngay.

Từ Pléku chúng tôi đi xe đò về Buôn Mê Thuột và tiếp tục đi Phú Bổn.

Đường gập ghềnh khó đi vì có rất nhiều hố bom pháo kích vẫn còn hiện diện trên tỉnh lộ 7B.

Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới đén được Phú Bổn.

Đến nơi trời đã tối thui, chúng tôi định thuê phòng trọ để ngủ qua đêm nhưng nhân viên phòng trọ không đồng ý vì chúng tôi không có giấy giới thiệu của chính quyền Buôn Mê Thuột.

Buộc lòng, chúng tôi trở lại bến xe Phú Bổn ngủ gà ngủ gật cho đến sáng sớm hôm sau, tôi tìm đường ra mộ vợ.

Quang cảnh hoàn toàn đổi thay.

Cây cổ thụ bị chặt biến mất, đường ra con suối được mở rộng, nên tôi không thể nào định hướng được vị trí hai ngôi mộ của vợ con tôi, đã bị vùi chôn ở đâu?

Loanh quanh, cả ngày để hỏi thăm các nông dân đang trồng mì gần nơi đó, nhưng chẳng có ai biết.

Phần đông những nông dân đang cư ngụ đều là người Bắc vào Nam sinh sống sau 1976 -1977, nên không ai thấy có 2 ngôi mộ ven đường ra suối.

Chúng tôi trở về Pléku để bàn bạc phương kế truy tầm các con tôi bị thất lạc từ 1975 đến 1982.
Đêm hôm đó, tại thành phố Pléku, sương mù bao phủ, tôi nằm đong đưa trên chiếc võng ni-long, thả hồn trong giấc mộng mơ hồ...

Sáng hôm sau, Mai nấu một vài món ăn ngon đễ cúng giỗ chị nàng.
Trong lúc quỳ lạy, cúng vái, Mai đã khóc nức nỡ.

Tôi ngồi phía sau, đưa hai tay ôm Mai, dỗ dành, an ủi nàng.
Bất chợt bàn tay tôi đi lạc đâu đó trên bờ lưng tròn, tuổi 41.

Mai ngồi yên thút thít khóc và trở thành vợ tôi khi nào, lúc nào tôi cũng không biết nhưng sáng hôm sau, tôi thấy mình đang ôm bờ vai Mai. Và cô thợ may, tuổi hạt, trở thành vợ tôi từ đêm hôm đó!

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng:

Đúng hai năm sau, tôi được trả quyền công dân và cũng đã hết thời gian bị quản chế của địa phương. Tôi vén khéo thu xếp, di chuyển về Pléku, chính thức sống với Mai như vợ chồng.

May mắn cho tôi, vào giữa năm 1984, tôi về Buôn Mê Thuột mua một vài thứ linh tinh, vô tình, may mắn gặp được vợ của một người bạn lính cũ, cùng đơn vị trước đây, từ Nha Trang về thăm bà con ở Bưôn Mê Thuột.

Bà cho biết, Tâm cô con gái tôi đang định cư với chồng và 2 con tại Đồng Lát, Cam Ranh Nha Trang.

Tôi vô cùng mừng rỡ, hối hả trở về Pléku báo tin cho Mai.

Hai ngày sau, chúng tôi vội vàng đi về Đồng Lát tìm con.

Đến nơi, vì đã có sự hướng dẫn trước của vợ một người bạn, nên tôi không khó khăn gì mà gặp Tâm ngay sau khi t6i vừa bước xuống xe Lam, từ Ba Ngòi chạy về Đồng Lát.

Vừa thấy tôi, Tâm đã nhận ra tôi. Tâm ôm tôi và khóc nức nở. Sau đó, Tâm mới hoàn hồn la lớn: - Ba. còn đây, mà họ đã bảo là Ba của con đã chết rồi! Chính mắt vợ chồng con, đã đọc tên Ba trên mộ bia bằng thanh gỗ mỏng mãnh viết bằng sơn trắng: NGUYỄN VĂN ĐÁNG, mà!

Con gái tôi vừa nói xong, tôi biết ngay, đã có sự sai lầm, trong chuyện này.

Tôi ôm Tâm vào lòng và hỏi nó: NGUYỄN VĂN ĐÁNG, có 'G'phải không?

Tâm đáp: - Dạ đúng!

Tôi nhắc Tâm: - Còn tên Ba, Nguyễn Văn Đán. có 'g' không?

- Dạ tên Ba, chữ Đán, tận cùng không có 'g'!

Tôi giải thích: - Như vậy là 2 người tù khác nhau! Sao con không chịu hiểu như vậy!

Lúc bấy giờ Tâm càng ôm tôi chặt hơn và nhảy tung lên một cách sung sướng như trẻ thơ.

Tâm nói tiếp: - Con không biết Ba Mẹ, mất ngày nào, nhưng cứ đến 30/4 con lại cúng giỗ BA-MẸ cùng một ngày!

Tôi nựng cầm nó: - Con gái rượu của Ba, có hiếu quá!
Mai, vợ tôi. hồi nẩy đến giờ thấy cha con vui chuyện nên nàng cũng vui mừng theo!

Tôi kéo tay Tâm và nói với nó:

- Ôm Mẹ vào lòng đi con.

Bé Tâm hiểu ra liền và ôm Mai, gọi là Mẹ, một cách rất thân mật.

Lúc bấy giờ Mai mới lên tiếng:

- Ba và Mẹ cũng phải ở lại đây với các con vài ngày. Con nên đi đăng ký tạm trú với công an khu vực đi con!

Mai hỏn hẻn cười:

- Anh công an khu vực này và thằng Xã Đội Trưởng phải trình diện trước mặt Ba, để Ba hỏi lý lịch tụi nó, đó Ba.

Tôi thắc mắc hỏi: - Tại sao vậy con?

Tâm thản nhiên cười đáp:

- Công an khu vực là rể của Ba! Còn thằng Xã Đội Trưởng lại là chồng con Yến!

Mai và Tâm dì cháu lại siết nhau vừa khóc vừa cười trong hạnh phúc đoàn tụ.

Tôi kéo tay Tâm hỏi:

- Còn 3 đứa kia đâu?

Tâm đáp: - Dạ. Tụi nó cũng ở quanh đây thôi Ba à!

Tôi hỏi tiếp:

- Còn 2 cháu ngoại của Ba đâu?

- Một đứa đang học lớp 1.

Một đứa nữa đang ở Nhà Trẻ, Ba hà!

Tôi vội vàng hỏi:

- Còn con Yến ra sao rồi?

- Tâm đáp:

- Nó cũng đã có chồng, 1 con rồi! Yến đang là cô giáo Nhà Trẻ, tại đây nè Ba hà!

- Em Xuân và em Lan còn độc thân. Hai em đang bán hàng tại Hợp Tác Xã Buôn Bán Đồng Lát tại đây, Ba hà! Chiều nay Ba sẽ gặp hết mọi người, kể cả chồng của con và chồng con Yến nữa.

Tâm nói với tôi:

- Ba Mẹ chờ con một tí! Con kê vài thứ cần thiết, gởi cho con bạn, sẵn dịp nó đi chợ Đá Bạc, mua giùm con một ít thứ linh tinh, để chiều nay Ba Mẹ chung vui với con cháu trong ngày hội ngộ đầu tiên.

Thoáng chốc Tâm mang tờ giấy nhỏ qua nhà bạn rồi nhanh nhẹn trở về nhà kể chuyẹn những ngày bị thất lạc cho tôi và Mẹ Mai nó nghe.

" Ba biết không? Lúc ba lên xe vẫy tay, con nhìn theo thấy Ba muốn khóc. Con cũng muốn khóc theo, nhưng cứ nghĩ Ba chỉ đi 10 ngày rồi sẽ về! Ai ngờ hai ngày sau khi Ba đi... họ đuổi hết tất cả mọi người tản cư ra khỏi trường học, để lấy chỗ dọn sạch sẽ đón học sinh đi học trở lại.

Lúc đó con mới 15 tuổi, Còn con Yến 13, một đứa 10 và một đứa nữa 8 tuổi.

Cả một đàn em nheo nhóc, vừa đi vừa khóc vừa chạy theo con, không tiền không bạc. Gia tài chỉ có vài cân gạo, không một người quen thân thích, biết đi đâu bấy giờ!

Do đo`, con phải dẫn đàn em đi theo một vài gia đình tản cư cũng bị đuổi đi... như tụi con.

Họ đến ngụ tại Miếu Cô Hồn gần chợ Phước Hải nhưng sau đó cũng bị đuổi đi!

Nói chung chung, mấy người này đi đâu, con cũng dẫn 3 em theo họ.

Khổ nhát là con Lan, lúc đó nó mới lên 10 tuổi, mà lại ốm o, mặc quần hổng đít lại khóc nhè, không chạy theo kịp người lớn, mà lẹt đẹt theo sau, trong khi hai đứa lớn đi trước một khoảng xa, chỉ cần qua một khúc quẹo là lạc mất nhau rồi! Con phải vừa kéo tay em, dắt díu đàn em chạy theo người lớn, trong khi đó nó kêu than "em đói bụng quá chị Tâm ơi! Con muốn khóc, nhưng biết làm sao bây giờ! Dừng lại chờ nó, sẽ lạc mất hai đứa kia!

Có một vài lần, khoảng 10 ngày đầu, tù lúc Ba đi, con biểu Yến giữ em, con đến trường Tân Phước, mong Ba sẽ về đúng hẹn trở về nhưng Ba thì biền biệt.

Tụi con đến chỗ nào rồi cũng bị đuổi, sau cùng lại ở trong một nghĩa trang tại Phường Củi.

Nơi đây tụi con được yên tám thân.

Ban ngày từ sáng đến xế chiều, con nhận hành củ về lột vỏ để người ta làm hành chua. Đủ sống từng ngày.

Một hôm con Yến nhớ Ba, nó ngồi khóc và đưa tay làm Thánh Gía.

Bất ngờ một người đàn bà đang đi thăm mộ người thân. Bà hỏi con Yến:

- Tụi con là người công giáo hả? Yến gật đầu!

Bà khách lại hỏi: - Ba mẹ các cháu đâu?

Yến đáp: - Tụi con không cha không mẹ!

Vừa lúc đó, con trở về!

Bà hỏi con:

- Tụi con có muốn theo cô về Cam Ranh, có Cha Dũng người công giáo, đang lập Trại Đồng Lát không?

Con cũng ngờ ngợ, nửa muốn theo bà, nửa muốn không đi, vì sợ ...

Sau khi bà nghe con kể rõ hoàn cảnh, bà khuyên con nên dẫn đàn em đi Đồng Lát, để về với Cha Dũng.

Một hồi lâu sau, con quyết định theo bà về Đồng Lát và được Cha Dũng, cũng người miền Bắc như chúng con, nên Cha Dũng đồng ý cho chúng con cư ngụ như những đứa con tinh thần của Ngài.Năm con 20 tuổi, quen với chồng con bây giờ! Anh ấy từ Cambochia, phục viên trở về và được tuyển chọn vào công an khu vục, sau một khóa học.

Còn chồngYến cũng người địa phương, bị thương ở Cambochia, cũng phục viên và hiện nay là Xã Đội Trưởng đó Ba.

Tôi nghĩ thần không nói ra, sợ bé Tâm giận: "Lại 2 phe nữa rồi!"

Nhưng bé Tâm tinh ý, hiểu tôi đang suy nghĩ gì, nên nó giải thích với tôi:

- Hai thằng rể của Ba, Phe Ta, đó Ba!

Bữa cơm trưa rất đơn giản nhưng tôi cũng được một chai bia Sài Gòn để nhăm nhi với mấy con mực luộc.

Khoảng 4 giờ chiều, chồng Tâm từ đồn công an Phường trở về! Nghe Tam giới thiệu, nó hết đỗi ngạc nhiên, bối rối lúc ban đầu rồi sau khi nó nghe vợ trình bày, nó quỳ xuống trước mặt tôi, ôm gối tôi, nói thiết tha:

- Con đội ơn Ba đã sinh Tâm ra để trở thành vợ của con. Công ơn của Ba biết đời nài con trả ơn cho Ba được! Con xin lạy Ba bây giờ, vì ngày cưới của tụi con, đã không có Ba Mẹ!

Tôi ôm choàng lấy nó và kéo nó dậy, ngồi đối diện tôi. Hai Cha con hàn huyên rất cởi mở với nhau.

Phút chốc chồng con Yến cũng về. Chồng Yến cũng đã lễ phép, cung kính chào hỏi tôi và Mai thật lễ phép. Ba cháu ngoại của tôi cũng về!

Cả nhà vui rộn rã chen lẫn tiếng khóc lẫn tiếng cười của ngày đoàn tụ gia đình.

duy xuyên
Tacoma
23/4/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét