Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2022

VỀ, MƯỜI MẢNH VỤN - Song Thao

1- Buổi trưa chợ vắng người. Gọi là chợ chứ thực ra chỉ là hai dãy hàng quán bên con đường đất lổn nhổn làm chiếc xe gắn máy nảy lên từng chập. Xe phải tránh người, tránh những chiếc rổ chiếc mẹt của đám con nít bán rong vài mớ hành, ít trái chanh, dăm bó rau muống, và tránh những cục đá nằm rải rác trên con đường hẹp. Người Quảng nhồi lên nhồi xuống từng chập. Những miếng thịt tím bầm khô mặt làm bãi đáp cho đám ruồi xúm xít qua lại cũng nhảy nhổm trước mặt Quảng. Bà bán hàng lười biếng cầm chiếc quạt tả tơi xua đuổi lũ ruồi cho có lệ. Chúng co cẳng bay là đà rồi thản nhiên đáp xuống lại như đám con nít rắn mắt bỡn cợt. 
<!>
Mấy con cá nằm thẳng cẳng giương những tròng mắt đục ngầu bốc mùi tanh tưởi. Nắng và nóng phả xuống vẻ uể oải biếng nhác làm đờ đẫn những người bán hàng đang thèm giấc ngủ trưa. Đường rầy xe lửa nằm song song với con đường đất run lên bần bật. Đoàn tàu ngắn ngủn chỉ năm bảy toa rùng rùng đi ngang. Những toa tàu màu xanh mới được sơn lại quê kệch diêm dúa. Diêm dúa như thành phố Quảng đã mười năm rời xa. Người ta đua nhau sơn phết nhà cửa, đua nhau dựng lên những bảng hiệu nhiều màu chói chang kích thước lớn hơn cần thiết. Đi trong thành phố thấy mệt con mắt. Nhịp thở xốn xang như lạc vào một khu chợ phiên náo nhiệt quay cuồng.

Nhà Vũ ở cạnh đường rầy xe lửa. Ngày xưa Quảng vẫn nể Vũ hàng chục năm đánh bạn với những chuyến xe đêm gọi thức từng chặp mà trước sau nhất định chỉ sản xuất một trai một gái. Vũ có khuôn mặt tròn thứ gì cũng hơi nhiều một chút. Môi, mũi, mắt, tai đều nhỉnh hơn bình thường. Chỉ có những nốt sẹo di chứng của căn bệnh đậu mùa là nhỏ. Nhỏ nhưng dầy. Chúng nằm có lớp lang trên khuôn mặt được chúng bạn gọi đùa là mặt nguyệt. Một khuôn mặt như vậy chẳng có thể được cắm trên một cơ thể bình thường. Thân hình Vũ ô dề dềnh dàng. Khi Quảng đến chào Vũ để lên đường xuất ngoại Vũ chỉ dặn đi dặn lại có một điều. "Nhớ gửi về cho "moa" quần áo lót hiệu Fruits of the Looms cỡ lớn nhất." Cười. "Tây nó mặc cỡ nào thì "moa" mặc cỡ đó".
Cái thân thể người Việt gốc voi đó đổ vào người Quảng. Nắn tay nắn vai. Miệng bai bải la:
- Thế này là thế nào nhỉ?
Quảng âm thầm trở về chẳng báo cho ai biết nên Vũ luống cuống ngạc nhiên. Cặp kính trắng gọng đen có những đường nét cục mịch được Vũ kéo lên liên hồi.
- Cũng Việt Kiều đấy chứ nhỉ? Vào đây!
Quảng bị lôi xềnh xệch vào trong nhà. - Mẹ nó đâu lên mà coi có lạ không này!
Vợ Vũ từ dưới bếp chạy lên, hai tay chùi vào ống quần, kêu lên thảng thốt:
- Ủa, anh Quảng đấy à? Chúa ơi, ai ngờ được gặp lại anh!
Vũ ngồi đối diện với Quảng. Hai ly cà phê trên bàn bốc mùi thơm ngào ngạt. Vũ cười cười ngắm Quảng như ngắm một vật lạ bỗng nhiên bay vào nhà:
- Cậu mập ra đấy nhỉ? Dễ thường cũng vớ được cả chục ký. Nghe này. Việt Minh, Việt Cộng, Việt Kiều. Trong ba Việt ấy Đảng yêu Việt nào? Việt Minh thì tuổi đã cao. Việt Cộng đói rách xanh xao gầy mòn. Việt Kiều tuổi hãy còn son. Đảng yêu Đảng quí như con trong nhà. Sướng nhé! Nhưng đây là thập niên 80. Qua thập niên 90, Việt Kiều các cậu nhiều tên bựa quá. Lừa tình, lừa tiền, nhăng nhăng nhít nhít chẳng ra làm sao cả. Bèn có thơ sửa sai. Việt Minh, Việt Cộng, Việt Kiều. Có ba thằng ấy tiêu điều nước non!

2.- Mẹ Quảng mếu máo ôm chầm lấy con:
- Con về thật đấy hả con?
Bàn tay xương xẩu trên tám chục tuổi nắn nắn tấm lưng của đứa con đã mười năm xa cách. Mừng quá cũng khóc. Buồn quá cũng khóc. Tháng tư năm 1975 cả nhà chui rúc vào gầm chiếc cầu thang xi măng cốt sắt để tránh bom đạn. Chiếc máy thu thanh chạy pin từ trong góc tối ra rả vang lên tiếng đầu hàng của Dương Văn Minh. Mẹ Quảng mếu máo ôm từng đứa con, xoa đầu từng đứa cháu lúc nhúc trong kẹt cầu thang. Rồi chúng mày sống ra sao bây giờ? Những khuôn mặt ngơ ngác thất thần nhìn nhau. Đôi mắt nào cũng đỏ hoe ngấn lệ. Cả nhà như những con thú vừa bị một chiếc lưới khổng lồ chụp xuống. Tê dại. Từng đứa con trai đeo túi xách vào trại cải tạo cùng một ngày. Mẹ Quảng khóc cạn nước mắt. Con mỗi đứa bị dồn vào một góc núi rừng. Mẹ đêm đêm chẳng rời tay khỏi chuỗi tràng hạt. Bao nhiêu nước mắt đã âm thầm trào ra. Rồi nước mắt tiễn đưa những đứa con trốn chạy ra nước ngoài. Nếu tính thêm những chuyến rời của tản cư, di cư, chạy loạn, chạy giặc, đời người có lẽ chỉ là những chuỗi nước mắt kết dính vào nhau.
Quảng lò mò xuống gầm cầu thang cũ. Nước vôi hai mươi năm trước vẫn còn nguyên vẹn. Vàng ố hơn. Trong góc kẹt nơi ngày xưa đặt chiếc máy thu thanh nay giăng kín mạng nhện. Cơn gió vô tình đong đưa những sợi tơ đan kết đều đặn. Sống lưng Quảng bất giác lạnh căm. Ngực anh nóng ran hoảng hốt. Thời khắc kinh hoàng xưa như vẫn còn hằn vết trong Quảng.
*******
Mười năm xa xứ chưa thể xóa nhòa được mười năm khắc khoải bất an với những người coi chữ tín như một thứ xa xỉ thừa thãi. Lúc nào trong người cũng chờ đón bất trắc. Ra đường nhìn trước ngó sau. Lên giường vẫn mường tượng tiếng đập cửa. Tâm chẳng an, hồn chẳng thảnh thơi, chẳng phải chỉ từ khi bước chân xuống phi trường mà hình như từ một ngày trước đó.

3.- Phi trường Charles de Gaulle sáng sớm ngày cuối năm vắng vẻ. Quảng kéo hành lý tới quầy Hàng Không Việt Nam làm thủ tục về nước. Chị cán bộ vắt vẻo ngồi trong quầy khó đăm đăm xăm soi xấp vé máy bay. Những hình ảnh chập lại trong đầu Quảng....
Chị công an phường mạnh bạo dở từng trang cuốn sổ trình diện quản chế sau khi học tập cải tạo về. Đôi mắt khinh khỉnh dò hỏi. Những câu hỏi dấm dẳn cộc lốc....
Chị cán bộ lạnh tanh với hành khách:
- Cho hành lý vào cân.
Quảng đẩy hai chiếc va ly vào. Chiếc bàn cân hiện lên số sáu mươi. Đôi mắt ranh manh, chiếc miệng cười gằn:
- Dư ba mươi ký!
Quảng thản nhiên:
- Tôi đi từ Canada được mang hai va ly mỗi chiếc nặng 32 ký.
- Anh qua đây bằng máy bay của hãng nào?
- Air France.
- Anh ở Paris bao nhiêu ngày?
- Năm ngày.
- Vậy thì anh mất ưu tiên từ Bắc Mỹ qua rồi. Anh chỉ được mang theo ba chục ký.
- Khi lấy vé tôi đã hỏi kỹ về số hành lý được mang theo trên suốt chặng đường bay. Họ có ghi vô giấy đàng hoàng đây.
Quảng đưa giấy của hãng du lịch bán vé máy bay cho anh ra. Chị cán bộ không đọc một chữ vứt trả lại cho Quảng:
- Chờ anh trưởng quầy tới giải quyết. Anh làm mất thời giờ của người khác!
Anh trưởng quầy đứng giữa đám hành khách chuyển tiếp máy bay qui cố hương. Anh vung tay vung chân miệng nói tía lia. Những âm thanh như những tiếng súng. Lổn nhổn. Chói chang. Quảng chờ anh bước về phía quầy vé. Mặt anh gân guốc dường như đã quên cười từ lâu lắm rồi. Mái tóc cắt cao có một vệt xéo trước trán trông như cánh của một con dơi xòa ra mỏi mệt. Chiếc áo len cụt tay choàng bên ngoài chiếc sơ mi trắng vải cứng.Chiếc quần đen thẳng nếp ống chật. Quảng thấy phảng phất hình ảnh của thanh niên Hà Nội 1954.
Chị cán bộ nhìn Quảng hất hàm:
- Anh giải quyết trường hợp anh này. Tôi giải thích mà anh ấy không chịu.
Anh quay sang Quảng dấm dẳn:
- Sao?
Đầu Quảng chập chờn bộ điệu của các cán bộ trong trại cải tạo....
Mười năm ở ngoài nước làm khách hàng được chiều chuộng tập hư cho con người Quảng. Anh sững sờ trước cách đối xử với khách hàng như phong cách của một cán bộ chấp pháp đang hỏi cung. Anh bấm bụng trình bày rành mạch câu chuyện và đưa giấy tờ của văn phòng du lịch nơi anh lấy vé ra. Anh trưởng quầy giật mạnh tờ giấy, liếc mắt đọc rồi lên giọng quyền thế:
- Quy định của chúng tôi là ba mươi ký. Có khiếu nại gì thì về chỗ anh lấy vé mà khiếu nại. Anh muốn mang hết đồ đi thì trả tiền cước rồi về đòi tiền họ.
Quảng bực tức:
- Tôi phải trả thêm bao nhiêu tiền cước?
Anh trưởng quầy hất hàm hỏi chị cán bộ:
- Bao nhiêu?
Chị cán bộ loay hoay tính toán rồi ngẩng mặt lên:
- Năm trăm đô la!
Quảng lấy va ly ra để vứt bớt đồ. Bà khách đứng sau thì thầm vào tai Quảng:
- Cậu dúi cho họ trăm đô là xong.
Quảng lắc đầu. Bụng anh cồn cào khó chịu. Như đang trườn người vào một đường hầm tăm tối chật chội.

4.- Người đàn bà đứng cạnh Quảng quay lại phía sau nói lớn:
- Nhảy nữa đi con!
Đứa bé gái khoảng sáu tuổi chừng như đã mệt nghe mẹ bảo lại tiếp tục co hai chân lên nhảy. Chiếc váy đầm nhỏ xíu bật lên bật xuống. Thấy Quảng ngơ ngác nhìn, người mẹ quay sang anh vừa cười vừa nói:
- Bắt cháu nhảy cho muỗi khỏi cắn!
Khu nhận hành lý của phi cảng Tân Sơn Nhất còn ngái ngủ vào sáng sớm ngày đầu năm dương lịch. Mấy ngọn đèn vàng ạch hắt xuống những vệt sáng thiếu hụt. Không khí ẩm ướt nặng nề. Bầy muỗi chẳng thấy vo ve bay lượn nhưng chúi đầu vào da thịt lúc nào không biết. Mặt đứa nhỏ đã bắt đầu nhăn. Về thăm quê hương cực dữ! Người mẹ quay qua phân bua với Quảng:
- Về thăm nhà mà chỉ sợ cháu bệnh thì khốn!
- Sao chị không thoa thuốc trừ muỗi cho cháu?
- Có thoa rồi đấy chứ! Nhưng muỗi ở đây nó lì lắm!
Thuốc trừ muỗi, thuốc đau bụng, thuốc ngừa sốt rét, thuốc cảm, thuốc trụ sinh... Hành lý về thăm nhà nặng những thuốc. Người đi trước mách người đi sau. Không ăn rau sống, không uống nước đá, không ăn hàng ngoài đường... Toàn những điều cấm kỵ. Tiếng thì là về nhưng cứ như không phải về. Ngày xưa Quảng bỉ thử mấy anh lính Mỹ đánh giặc theo kiểu nhà giàu tha theo cả nước uống. Ngày nay anh lúc nào cũng dính vào mấy chai nước suối, mấy lon coca hoặc pepsi. Phải là coca hoặc pepsi, mới nhấm thử một chút xá xị bản xứ là bụng dạ đã luông tuông mất toi đi mấy ngày nằm nhà. Chỉ có một chuyện nhỏ nhoi là miếng nước uống cũng đủ xa lạ với quê hương bản xứ. Anh tự hỏi. Có phải tôi về không nhỉ?

5.- Một đoàn người rách rưới rồng rắn theo Quảng trong sân chùa Vĩnh Nghiêm. Đứa cháu làm hướng dẫn viên kiêm tài xế xe gắn máy chở anh đi thăm lại cảnh xưa người cũ càu nhàu:
- Cậu cho nó làm chi vậy?
Đứa nhỏ ăn mày quần áo dơ dáy, mũi dãi thập thò, cầm chiếc lon nhôm lải nhải đi theo làm Quảng quên mất lời dặn dò. Phần vì thấy đứa nhỏ tội nghiệp, phần vì muốn thoát khỏi cái phiền toái lẽo đẽo theo sau, Quảng đã dại dột bỏ tờ giấy bạc vào chiếc lon méo mó. Không, anh cũng không đến nỗi dại lắm. Anh đã nhìn chung quanh thấy đứa nhỏ đứng có một mình mới bày tỏ lòng từ bi. Ai ngờ đứa nhỏ như một con chim mồi. Thấy con chim viễn xứ dại dột là Quảng vừa sập bẫy là đoàn người từ khắp các hẻm hóc trong sân chùa túa ra bao vây. Đứa cháu phải nhờ một tu sĩ ra dẹp loạn Quảng mới thoát vòng vây ra khỏi chùa được.
Từ đó Quảng bao kín cái từ tâm cất kỹ vào lòng. Nhìn những người đói khổ như nhìn những chiếc bóng bên đường. Anh về mà như xa lạ. Phải tập dửng dưng. Phải luyện cho cõi lòng chai đá. Sống không phải là bày tỏ mà là che giấu. Quảng nghĩ tới những ngày sống trong trại cải tạo. Thu người lại. Lủi thủi. Một mình một bóng.

6.- Không hẳn là một điều cấm kỵ nhưng chẳng nên dại dột: lái xe ở Saigon. Ông bạn Quảng khoát tay lia lịa. Chớ đấy nhé! Nhìn những khối xe cộ - xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, xích lô, tắc xi - trôi đi như những cơn sóng lũ, sĩ khí trong người nhụt hẳn đi. Bôn ba sao được với các anh hùng anh thư bản xứ. Xe đi ngược chiều nhau lấn ép không chút nương tay. Đôi khi vui tay còn chạy cài răng lược luồn lách vùn vụt. Ngã tư không có đèn lưu thông mặc tình mà lấn. Xe dồn cục tưởng như không có cách gì gỡ ra nổi. Ngã tư có đèn xanh đèn đỏ, xe cộ sắp hàng rú ga chờ đèn xanh là mạnh ai nấy vọt. Quẹo trái khỏi cần nhường xe trước mặt đang phóng tới. Tất cả cứ đường ta ta cứ đi. Mà đường của người ta cũng cứ chen. May nhờ rủi chịu. Bụng Quảng chẳng có một chưởng nào lấy gì mà luồn lách trong cái bát quái trận đồ trên đường phố Saigon.
Vậy mà giữa dòng xe cộ ngổn ngang đó vẫn có những anh tây chị đầm mặt tươi rói bon chen với dân bản xứ trên những chiếc xe gắn máy, xe đạp. Đôi khi đạp cả xích lô nữa. Hai anh tây cởi trần một anh đạp, một anh ngồi trên ghế đi dạo phố phường đảo mắt thích thú nhìn ngang nhìn dọc, tay dập dập chiếc thắng dưới yên xe nghe lách cách vui tai.
Dân Saigon kêu những anh tây chị đầm này là "tây ba lô". Họ là những thanh niên thiếu nữ ít tiền đi du lịch với mỗi một chiếc ba lô trên vai. Tới Saigon cơm đường, cháo chợ, ngủ nhà trọ, thuê xe đạp, đếm từng đô la. Họ tụ tập trên khu Phạm Ngũ Lão, nơi có những nhà trọ chỉ vài ba đô một ngày.
Nhìn vẻ nhởn nhơ của đám người trẻ da trắng đang tham dự một cuộc chơi thích thú vừa với túi tiền Quảng thấy xốn xang trong lòng. Nỗi bất an trong anh như phồng lên. Bụng anh cồn cào nóng nảy. Cô đầm trẻ tóc ngắn ngồi nhún nhẩy trên chiếc xích lô do một anh tây áo vắt vai phô một tảng lông ngực đang thú vị đạp bỗng quay sang Quảng cười. Hello! Quảng "Hi" lại. Những người đang du lịch bao giờ cũng có cái hể hả dễ dãi muốn san sẻ bớt những niềm vui đày ắp trong bụng ra cho người khác. Quảng nhớ lại cái quảng cáo chữ lớn trong văn phòng du lịch anh tới lấy vé máy bay. Bốn chữ cỡ lớn nằm chiếm một góc trên tường: Du lịch Việt Nam. Giỡn. Anh đâu có du lịch Việt Nam. Anh trở về. Anh không có niềm vui trong bụng như cô nhỏ da trắng tóc vàng nên chữ "hi" của anh chắc không phải là điệu nhạc. Đèn vàng của phía đường nằm ngang vừa sáng, chiếc xích lô đã vội vã lao nhanh với tiếng hô của anh tây lông ngực. Cô đầm la theo không quên quay lại gửi Quảng một chiếc hôn gió. Quảng chợt thấy đôi môi rực rỡ tươi như một đóa hoa vừa nhấp nước.
Những đôi môi của các cô gái Saigon quanh anh đều bị băng kín dưới những khẩu trang. Saigon là thành phố của bụi đường. Đi loanh quanh một chút áo quần đã phong trần rít rát, môi miệng ăn đất vàng lườm. Dân Saigon tự bảo vệ bằng những chiếc khăn tay quấn ngang mũi miệng. Cứ như những kiếm khách bịt mặt. Đám con buôn nhanh tay vơ tiền bằng cách sản xuất hàng loạt những khẩu trang tung ra bán khắp nơi. Một miếng vải đủ che kín miệng mũi với hai sợi thung mắc vào tai. Cả thành phố bịt miệng bịt mũi. Cũng có lý. Trăm tội từ cái miệng tuôn ra, ngàn uế khí từ cái mũi thu vào. Bịt quách đi là xong!

7.- Anh xích lô vui tính chỉ tay vào lề đường. Toàn ôm không đấy. Cả một dãy lề tối tăm chỉ được thắp sáng bằng những ngọn đèn tù mù treo ở trước cửa mỗi nhà. Những bóng người ra vô chập chờn như những bóng ma.
- Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần góc Sở Thú đây mà. Phải không anh?
- Dạ, đúng đấy.
- Họ bán gì ở đây vậy?
- Cà phê nhưng cà phê là phụ ôm là chính.
Chiếc xích lô chòng chành theo từng ổ gà. Quảng nắm chặt tay vào thành xe. Anh mỉm cười trước phản ứng tự nhiên của mình. Xe nhào thì thành xe đứng vững được sao? Khi leo lên chiếc xích lô anh đã có cảm giác không yên bụng. Chiếc xe cao nghều nghệu mà lại hẹp ngang khó mà thăng bằng nổi. Anh xích lô nói:
- Không sao. Bác cứ lên đi. Bảo đảm mà.
Cứ liều vậy thôi chứ ngồi mà bụng thót từng hồi. Cả thân người Quảng được đưa phăng phăng vào dòng xe cộ với tiếng thắng, tiếng la của anh xích lô. Nhiều lúc Quảng phải nhắm mắt. Lại một phản ứng tức cười nữa. Nhắm mắt bộ dòng xe cộ tứ tán trước mặt biến mất hết sao?
Anh xích lô thông báo thêm:
- Thịt chó ôm đó. Rồi lẩu ôm, nhà hàng đặc sản ôm, karaoké ôm...
Thời buổi mở cửa cứ bung ra hốt tiền. Có gì bung đó. Làm lớn hốt lớn, làm nhỏ hốt nhỏ. Các cô gái còn trơ trụi thân mình cũng mở cửa kiếm ăn.
Chiếc xe hơi Toyota mới toanh ép xích lô vào lề đường. Anh xích lô buột miệng chửi thề. Quảng liếc thấy chiếc nón cối để trong phía kính sau xe.
- Tư bản đỏ đấy bác. Giai cấp tiền tiến số một.
Anh xích lô lại chửi thề:
- Tiền không đấy.
Quảng vụt nhớ tới anh cán bộ giảng viên trong trại học tập cải tạo. Giọng anh gân lên:
- Trong chế độ Cộng sản hoàn thiện con người làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Chẳng ai cần thu vén của cải cho riêng mình. Vàng chỉ có giá ngang với những viên gạch xây cầu tiêu.
Quảng bỗng muốn nhìn mặt người cán bộ ngồi trong xe hơi. Biết đâu chính là anh giảng viên ngày cũ. Và anh đang ngồi nghĩ cách thu vén thật nhiều vàng. Chẳng phải để xây cầu tiêu. Vàng bây giờ là xe hơi, nhà lầu, đầu máy, tủ lạnh... Cái chế độ Cộng sản hoàn thiện trong sách vở muôn đời vẫn chỉ nằm trong sách vở. Thời buổi thị trường ai mà cộng nữa. Người ta mải miết chia.
Những bức tường rào quanh các cơ quan, doanh trại ngày xưa nay chẳng còn dấu tích. Bức tường Bá Linh còn đổ huống chi mấy bức tường èo uột mỏng dính này. Thế vào những bức tường là những căn nhà kiên cố chiếm kín hết những khu sân rộng xưa. Của công cứ việc chia đồng đều là xong tuốt. Những căn ở mặt tiền biến thành các cửa hàng tư doanh làm ăn nhộn nhịp. Quảng la cà vào một cửa hàng bán đồ sành sứ.
- Con trâu này bao nhiêu đây chị?
- Dạ, anh cho trăm ngàn.
Giọng Bắc lanh chanh nghe cứng cỏi. Cô bán hàng nâng con trâu bằng đất lên đứng sát vào người anh:
- Cả dãy này chỉ có em có đồ sắc sảo nhất. Anh xem kỹ cái mặt con trâu nhé. Trông cứ như trâu thật ấy! Anh là Việt Kiều phải không? Anh lựa con trâu này là có mắt tinh đời lắm. Em nhập bao nhiêu cũng hết. Toàn Việt Kiều mua không đấy. Chỗ anh em, em bớt cho anh chục ngàn đấy. Lấy anh giá vốn chín chục thôi. Để em gói nhé! Mang đi xa là phải gói cẩn thận kẻo vỡ. Anh ngồi vào ghế này chờ em gói nghe! Chỉ một tí là xong thôi.
Con trâu giá vốn chín chục, sau khi trả giá, được bán với giá năm chục ngàn. Đúng qui luật thị trường! Cô bán hàng với bộ đồ màu tím nhạt có thêu hoa óng ả chẳng lỗ gì kể cả những tiếng "em" nũng nịu. Quảng đã gặp nhiều người từ Bắc vào, đàn ông cũng như đàn bà, họ xưng "em" ngọt sớt với bất cứ ai. Chẳng lẽ cái xã hội không giai cấp đã tạo nên những con người thu mình xuống thấp lè tè như vậy cả sao?

8.- Dễ dầu gì chú ơi! Chỗ nào ngon ăn thì cốt cán từ ngoài nớ vô chiếm hết. Cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè của cán bộ chức quyền xếp hàng chui vào cả. Đó là chỉ mới nói tới "thân", còn "thế", còn "ngân" nữa chú ơi. Chẳng ai khi không mà kiếm được việc làm tốt. Chú cứ thử vào các cơ quan mà coi, chỗ nào béo bở một chút là nói giọng Bắc không hè!
Cô cháu lí lắc của Quảng cười nhạt chấm dứt câu nói. Đầu óc Quảng điểm nhanh những khuôn mặt đã gặp. Chị cán bộ quầy vé Việt Nam Hàng Không ở Paris, anh trưởng quầy dấm dẳn, anh phi công phụ, các cô tiếp viên trên máy bay, các nhân viên của trạm chuyển tiếp Việt Nam Hàng Không ở Dubai, Trung Đông... Dân chiến thắng không! Lại một bài tính chia nữa.
Ông bạn già của Quảng gật gù cái đầu trắng như bông điểm xuyết thêm một nụ cười gằn.
- Này ông ạ, sức người ta chỉ cai trị nổi một làng mà giao cho cả một nước thì nó ra sao chắc ông cũng thừa biết đi rồi.
Câu nói gợi cho Quảng nhớ lại vài chuyện mà anh đã muốn quên đi. Chiếc máy bay Boeing 727 Việt Nam Hàng Không mới mua lại của Air France chở Quảng từ Paris về Việt Nam trông cũng còn mới lắm. Trong phòng vệ sinh có một thùng rác nằm kín đáo cạnh bồn rửa tay trên có gắn một tấm bảng đồng xinh xắn đề chữ "waste". Tất cả đều hài hòa, thẩm mỹ. Thế mà trên vách tường chống tiếng động trắng tinh sát đó người ta nỡ nguệch ngoạc viết bằng bút nỉ đen chữ "thùng rác" với một mũi tên xiêu vẹo chỉ xuống. Quảng cảm thấy vừa tức giận, vừa tiếc nuối, vừa ngượng ngùng. Như nhìn thấy một đứa trẻ vò nát một bông hoa đẹp trong công viên.
Nét ngượng ngùng còn lẩn quất trong anh khi anh nhìn những bộ mặt ngơ ngẩn của một vài người ngoại quốc hiếm hoi trên máy bay Việt Nam. Lúc đó máy bay sửa soạn cất cánh bay về Việt Nam sau khi đã lấy xăng và cho hành khách vào nghỉ ngơi tại phi cảng Dubai ở Trung Đông. Hành khách từ phi cảng đã trở về chỗ ngồi. Máy phóng thanh loan báo yêu cầu hành khách ngồi yên tại chỗ để kiểm soát. Các cô cậu tiếp viên chia nhau đi từng dãy ghế đếm đầu người. Anh trưởng trạm đứng ở đầu máy bay điều khiển. Những ngón tay chỉ lên từng đầu người với cái miệng lẩm nhẩm đếm số. Quay trở lại báo cáo anh trưởng trạm tổng số nhiều cô cười ngặt nghẽo. Quên. Lại túa nhau đi đếm lại. Thiếu một người. Đếm lại nữa. Những khuôn mặt ngoại quốc bắt đầu khó chịu nhìn anh trưởng trạm và các cô các cậu loay hoay đuổi bắt những con số giữa những nụ cười, những cái đập vai, những lời nói bỡn cợt như chẳng có gì phải vội vàng cả. Máy bay cất cánh trễ một tiếng.

9.- Chiếc bồn phun nước giữa ngã tư Nguyễn Huệ, Lê Lợi tung lên trời từng vốc nước trắng xóa. Ánh nắng đầu ngày hắt từng mảng ánh sáng xuyên qua những lá liễu ẻo lả làm long lanh những hạt nước đang đuổi bắt nhau rộn ra. Mắt Quảng mường tượng thấy Tín Nghĩa Ngân Hàng ở góc đường bên trái, kem Pôle Nord ở góc phải, đối diện là Rex một bên, Eden một phía. Cả một thời hò hẹn hiện về. Quảng cảm thấy cái mát mẻ thơm dịu trong Pôle Nord. Mắt anh. Mắt em. Những đuôi mắt móc vào nhau nóng bỏng. Ly kem ba màu trên bàn chảy ra thành một màu nhờ nhợ bảng lảng. Vỉa hè mòn gót những tình nhân đi lên đi xuống bát phố không biết mệt. Những mini jupe nhịp nhàng hóm hỉnh, những áo dài quanh quất nghịch ngợm, những đêm lễ lạc áo dạ hội thơm ngát phố phường. Và những bông hồng e ấp trao tay trước những quán hoa bàng bạc chất Paris.
Tiếng động vang vang khắp bốn phía kéo Quảng về với thực tại. Những quán hoa vừa bị đập phá nằm ngổn ngang một đống xà bần. Những viên gạch vỉa hè đẫm chân tình nhân đang được cậy lên từng mảng. Những khối gạch xanh vàng đỏ vô hồn đang được lát vội để kịp làm đẹp thành phố. Quảng thẫn thờ như chính tim anh đang bị cạy ra khỏi lồng ngực.
Đứa nhỏ có dáng dấp già trước tuổi khẽ khều tay Quảng. "Mua không thầy?" Bàn tay nhanh nhẹn rút từ túi áo ra một xấp hình khỏa thân. Quảng lắc đầu. "Chơi lịch đặc biệt không thầy?" Quảng khoát tay thay cho câu trả lời. Đứa nhỏ lủi nhanh như một con sóc vội đi kiếm mồi. Quảng nhìn theo cái dáng tội nghiệp tan biến vào hàng người lui tới trước rạp Rex. Mắt Quảng bỗng vướng víu ngạc nhiên. Một bóng người ăn mặc như lính lệ ngày xưa đang lui tới trên lề đường. Phía sau là một hàng cờ ngũ hành mới tinh. Anh lính lệ có phần diêm dúa với những màu sắc chói chang của áo quần còn xếp nếp. Chiếc nón trên đầu bóng lưỡng quang dầu. Triều đình dinh thự chi đây mà canh gác! Không, anh đang đứng đón khách nơi phố thị thời mở cửa. Nằm trên hàng cờ là hàng chữ bằng đồng bóng loáng. Nhà hàng Cung Đình. Cũng là một thứ cung đình! Người Quảng bừng bừng như lên cơn sốt. Truyền thống dân tộc đang vất vả cúi lượm những đồng tiền xanh.

10.- Tiệm phở chỉ có chừng dăm bảy chiếc bàn vuông vức nhỏ xíu. Chiếc ti vi để xéo trên góc quầy thu tiền. Henry Chúc và Dalena đang nhộn nhịp ca hát. Quảng ngạc nhiên chăm chú vào màn ảnh nhỏ. Một show của Paris By Night. Thực khách vừa ăn phở vừa thưởng thức chương trình ca nhạc của những đồng hương vạn dặm xa xôi. Một số người ghé mắt coi. Một số chăm chú vào tô phở lèo tèo ít miếng thịt. Có lẽ họ đã coi đi coi lại rồi. Nhạc hải ngoại tràn lan khắp thành phố. Những video, CD, băng nhạc mới nhất vang vang trên từng ngõ hẻm. Những Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Khánh Hà, Ý Lan, những Tuấn Vũ, Hương Lan, Duy Khánh thoải mái ca hát. Tại chợ Huỳnh Thúc Kháng, những băng nhạc hải ngoại nằm phơi dưới nắng. Giá cả có phần rẻ hơn ở Canada.
Chẳng cứ nhạc, các đài VOA, BBC... cũng là những khách hàng quen thuộc của dân chúng. Quảng đã có lần nghe trọn bản tin của VOA khi đi dọc theo các ngõ hẻm trong vùng Thị Nghè. Quảng cười thầm trong bụng. Nghe dễ chịu hơn những âm thanh chát chúa của những chiếc loa phường khóm mười năm trước đây nhiều.
Mười năm trước anh đã bỏ nước ra đi. Chẳng nghĩ tới chuyện sẽ có ngày về. Vậy mà hôm nay anh đang sống giữa những người thân trong thành phố cũ. Những khuôn mặt thân thương đã hằn thêm gió bụi mười năm. Anh đã về nhưng anh không có đời sống của những người ruột thịt đang sống. Cuộc sống của anh ở một nơi khác với những lo toan khác. Anh chỉ có thể chia xẻ chứ không sống được đời sống này. Cuộc sống của anh nơi đây là cuộc sống với chai nước suối. Rất vướng víu và bất an.
Vũ dúi cho anh một mẩu giấy nhỏ khi bắt tay từ giã anh tại phi cảng.
- Ông đọc ít câu thơ cho vui. Người ta nói là của Thế Lữ đấy. Đọc cho biết.
"Thế đó, bọn tôi, ở nhà.
Ở đâu? Ta ở chốn này,
Nằm trong hờ hững, gối tay vô tình
Nhỏ to bạn hữu quanh mình
Trông ra thì có mà hình như không".

Song Thao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét