Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

Tôi không đi Mỹ - Nguyễn Khắp Nơi


Qua được ba ngày yên tĩnh, mặc dù chúng tôi đã thành tâm cầu nguyện, đám hải tặc thứ ba vẫn cứ xuất hiện. Một, hai người đàn bà can đảm đã đến trước mặt chúng tôi, xin chúng tôi đừng chống lại đám hải tặc nữa, họ đã lỡ bị làm nhục rồi, thì có bị làm nhục một lần nữa cũng đành cam chịu cho số phận phũ phàng, còn hơn là lại nhìn thấy những người thân bị chết thảm. Chưa bao giờ những người đàn ông trên ghe cảm thấy hèn hạ như lúc này, nhưng chúng tôi biết làm gì bây giờ? Trong tay không một tấc sắt mà bọn hải tặc thì dao búa đầy người và lại quá hung tợn!
<!>
Bọn cướp đã lên ghe, nhìn chung quanh, nhìn thân thể những người đàn ông đầy những vết dao chém, nhìn những vũng máu khô còn đọng rõ nét trên sàn ghe, chúng biết rằng chiếc ghe chẳng còn gì cho chúng cướp nữa, và những người đàn ông trên ghe cũng chẳng là mối đe dọa nữa, nên đám hải tặc này cứ điềm nhiên bắt những người đàn bà trên ghe, lột quần áo của họ ra mà hiếp họ ngay trước mắt chúng tôi. Nhục quá, chịu không nổi, chúng tôi ào lên lôi chúng ra khỏi những người đàn bà mà xô chúng xuống biển. Một người chồng khi thấy vợ mình sắp bị một tên cướp làm nhục, ông đã hét lên một tiếng phẫn nộ, nhào lại cướp cây mã tấu của tên cướp để bên cạnh mà chém mạnh một dao vào hắn. Bọn cướp biển ùa lại vây kín người chồng mà chém anh ta tơi bời. Những tên còn lại vung mã tấu tấn công chúng tôi, rượt chúng tôi chạy quanh ghe nhất định giết hết đám đàn ông đã cản trở chúng. Không còn đường nào thoát, chúng tôi đành phải nhẩy bừa xuống biển thoát thân, bọn hải tặc cười lên sằng sặc, chia nhau đi quanh ghe chém xuống mỗi khi thấy chúng tôi tìm cách leo lên.
Khi rời ghe, bọn hải tặc đã đem theo tất cả những gì chúng có thể lấy được kèm theo bốn cô gái trên ghe.

Chúng tôi vừa phải chống chọi với sóng gió, vừa phải cứu những người không biết bơi, ngơ ngác bất lực nhìn lên những cô gái đáng thương mà không có cách nào bảo vệ cho họ. Những cô gái cũng nhìn lại chúng tôi với ánh mắt thảm sầu thê lương, cùng chia nhau cái số phận của những kẻ khốn nạn bị dồn đến từng cuối cùng của địa ngục. Những ánh mắt này đã ám ảnh tôi cho mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.
Ghi chú: Sau này, khi đến được trại tỵ nạn, thân nhân của các cô gái đã nhờ Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế và Cảnh sát Thái Lan đi tìm tông tích những người này, nhưng tìm khắp các xóm chài, các nhà chứa, cũng không tìm được các cô gái này. Có thể họ đã bị giết chết hết cả rồi.
Chúng tôi cố gắng chống chỏi lại với sóng biển, chờ cho bọn hải tặc đi khỏi mới giúp nhau leo lên ghe trở lại. Tinh thần suy sụp kèm theo những hành hạ về thể xác, những người còn lại trên ghe, vì bản năng sinh tồn, cũng đã ráng hết sức binh sinh để điều khiển chiếc ghe, kềm sóng gió, nhắm hướng Thái Lan mà xả máy chạy càng nhanh càng tốt, hy vọng thoát khỏi đám hải tặc dã man tới được bến bờ tự do sớm chừng nào hay chừng nấy. Bọn hải tặc trước khi ra đi, cũng đã làm một hành động coi như thí ân cho chúng tôi một ít đồ ăn và nước uống, nên chúng tôi không bị đói khát, cứ ráng sức mà chống chọi với thiên nhiên.
Nhưng số mạng chiếc ghe của chúng tôi vẫn còn nhiều gian truân lắm.
Chỉ vài ngày sau, chúng tôi lại phải đối đầu với một chiếc ghe hải tặc khác.
Gặp quá nhiều hải tặc rồi, chúng tôi đã trở thành chai đá, bọn hải tặc lên ghe chúng tôi, chúng muốn làm gì thì làm, muốn cướp gì thì cướp, vì chúng tôi đâu còn gì nữa đâu! Khi thấy không còn gì để cướp nữa, bọn chúng đã hè nhau tháo bù long ốc vít gỡ máy ghe của chúng tôi đem đi. Không có máy ghe thì làm sao mà chạy? Làm sao mà đến bến bờ tự do? Chúng tôi đã hết sức năn nỉ, quỳ lạy bọn chúng muốn làm gì chúng tôi thì làm, miễn là đừng gỡ máy ghe, nhưng bọn hải tặc này làm gì có tình người! Chúng la hét dữ dằn, nắm các bà các cô thẩy ra ngoài rồi dùng dao búa hăm dọa bắt chúng tôi lên trên sàn ghe hết để bọn chúng rảnh tay mà gỡ máy đem đi.

Không còn máy ghe, cũng không có tài công, chiếc ghe của chúng tôi bồng bềnh trên sóng nước trôi trên biển cả mêng mông một cách vô vọng. Sóng biển đánh vào ghe, đẩy chiếc ghe tuốt lên tận cùng mây xanh rồi chúi nhũi xuống biển, tưởng chừng như lôi chúng tôi vào những hang sâu vô tận. Chúng tôi gom tất cả những gì còn lại trên ghe đốt lửa lên để kêu những chiếc ghe ở gần đó tới cứu, nhưng không có chiếc ghe nào tới cứu chúng tôi cả, dù đó là những chiếc ghe của hải tặc.
Đến khi không còn gì để ăn, không còn gì để đốt lên kêu cứu nữa, chúng tôi mới gặp được một chiếc ghe đến gần. Chiếc ghe này cũng chỉ là một trong những chiếc ghe hải tặc đội lốt đánh cá mà thôi. Bọn này lên ghe chúng tôi, đi tới đi lui không còn kiếm được bất cứ món đồ hay người gì nữa, chúng hung hãn đốt luôn chiếc ghe của chúng tôi rồi giận dữ bỏ đi, không cho bất cứ một hột gạo lon nước gì cả. Chúng tôi lại phải dùng tàn lực múc nước biển dập tắt ngọn lửa rồi chỉ còn một cách cuối cùng là tụ nhau lại mà cầu nguyện thượng đế xót thương. Chúng tôi ráng sống bằng cách bắt cá, khi nào trời sắp mưa là chúng tôi phải cởi hết quần áo ra mà giăng trên ghe để hứng nước mưa để uống. Cuối cùng, không còn gì để ăn, không còn gì để uống, không còn sức lực đâu mà chối chọi với thiên nhiên, chúng tôi cứ từng người... từng người giã từ cõi đời... đến phiên tôi...
Tôi mơ thấy tôi và những người đàn ông trên ghe đã từ dưới biển bay lên đánh gục đám cướp biển mà cứu các cô gái trở về ghe và đưa họ đến bến bờ tự do an toàn...

Tôi lại mơ thấy ba tôi trở về với tôi... ông đứng nhấp nhô trên làn sóng bạc mà nói:
"Con đã làm hết sức của con nhưng vẫn không thể nào để cứu các cô gái đáng thương. Con đã sống oai hùng thì hãy chết cho xứng đáng nhe con...
Tôi đang chìm dần vào đại dương thì lại thấy chú Tư Lý đang quơ súng chạy lại, chú kêu hãy chờ chú một chút... chú bắn mấy băng đạn vào bọn hải tặc, rồi còn ném lựu đạn lên tầu của bọn chúng nữa... Tôi chìm dần ... chìm dần xuống đáy biển.....

...... Hình như có những tiếng động kỳ lạ vang lên chung quanh tôi... Tôi nhớ là khi tôi từ giã cõi đời, chung quanh rất là im lặng... nhưng bây giờ lại có những tiêng động chung quanh tôi... hình như lại có ai đó nắm lấy cánh tay của tôi chích vào người tôi một chất gì đó mà tôi cảm thấy thật là dễ chịu, tỉnh táo...
Tôi không tin rằng tôi vẫn còn sống sót, nên khi nghe được những tiếng động ở xung quanh, tôi cứ nằm im mà suy nghĩ xem mình đang ở thế giới nào?
Đến khi có một bàn tay cầm lấy tay tôi lắc lắc, và một giọng nói vang lên:
“À may quá, em đã tỉnh lại rồi hả?”
Đó là tiếng người!
Chắc là tôi vẫn còn sống!
Tôi từ từ mở mắt ra, nhìn lên...
Một guơng mặt phụ nữ hiền hậu đang nắm tay tôi mà bắt mạch cổ tay.
Người đàn bà nhìn tôi cười khuyến khích:
“Em đã tỉnh lại rồi hả? Cám ơn Thượng đế đã cho một người nữa trên chiếc ghe định mạng sống lại.”
Thì ra chiếc ghe của tôi đã trôi dạt vào đến một bến bờ nào đó và tôi là một trong những người trên ghe đã được cứu sống. Tôi yếu ớt cất tiếng hỏi chị y tá:
- “Đây là đâu hả chị?”
- “Đây là bệnh xá của trại tỵ nạn Songkla, có cả thẩy hai mươi ba người trên ghe được cứu. Em là người thứ năm đã tỉnh lại, những người kia chắc là sắp tỉnh lại rồi đó.”

Khoảng một tuần lễ sau đó, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo để được biết rằng, chiếc ghe của chúng tôi cuối cùng đã trôi dạt vào vùng biển của Thái Lan và được dân địa phương kéo vào bờ. Trên ghe, trừ một số đã chết, số còn lại đều bị thương và đều ở trong tình trạng hôn mê vì đói khát và kiệt sức. Tất cả đã được đưa vào bệnh viện của trại để săn sóc vết thương cho ăn uống tĩnh dưỡng chờ cho sống lại. Tính ra, từ khi chiếc ghe khởi hành cho đến khi được vớt, chúng tôi đã ở trên biển cả đúng 30 ngày 31 đêm.
Ở trại được một tháng thì tôi được phái đoàn Mỹ tới phỏng vấn.
Những người Mỹ này đều mặc quần áo thường, tất cả nhân viên đều là Mỹ chứ không có người da vàng tóc đen nào. Điểm đặc biệt của họ là, dù họ là Mỹ trắng hay Mỹ Đen, hầu như tất cả mọi người trong phái đoàn đều nói tiếng Việt rất rành rẽ, cử chỉ và cách ăn nói của họ tạo ra một cái gì đó rất là máy móc và kỷ luật. Tôi nhớ lại những cử chỉ và cách hành xử của ba tôi, tôi cho rằng, những người Mỹ trong phái đoàn này, nếu họ không là lính, họ cũng phải thuộc về một tổ chức nào đó rất kỷ luật và thận trọng về lời ăn tiếng nói, chắc chắn họ không phải là những công chức của Bộ Di Trú như cái tên Phái đoàn Di Trú mà họ đang làm việc.

Sau khi kê khai tên tuổi, chụp hình lăn tay rồi, một người Mỹ trắng phỏng vấn tôi, ông giới thiệu tên ông là Tom, tôi đoán chừng ông trạc tuổi ba tôi, nên tôi gọi ông ta là chú. Chú Tom hỏi tôi:
- “Tại sao em lại đi vượt biên?”
- “Thưa chú Tom, vì con không thể sống ở Việt Nam nữa: Gia đình của con bị đuổi nhà, mẹ con không được đi làm, con bị gọi là thành phần con cháu của ngụy quân bán nước cho Mỹ, nên không được đi học.”
- “Chú đọc hồ sơ của cháu, ghe vượt biên của cháu bị cướp tới bốn lần, bị hải tặc Thái Lan giết, bắt cóc nhiều người, ghe bị lấy mất máy, trôi dạt khắp nơi, gần như bị chết gần hết mới được cứu. Có đúng như vậy không?”
- “Thưa chú, đúng như vậy. Bọn hải tặc rất là tàn ác, tụi nó đã giết những người đàn ông, hãm hiếp đàn bà và còn bắt đi bốn cô gái. Xin chú làm ơn, nếu có thể được, hãy tìm bắt những tên hải tặc này và giải thoát cho bốn cô gái đó. Họ rất là tội nghiệp.”
- “Chú sẽ làm bất cứ những gì chú có thể làm để giúp cho những người tỵ nạn và tìm kiếm những người bị bắt, bị mất tích... Ba mẹ cháu có cùng đi vượt biên với cháu hay không?”
- “Thưa chú không. Má và em của con còn lại ở Việt Nam. Ba của con đi lính Cộng Hoà, bị tử trận ở Hạ Lào năm 1971. Con có người bác tên là Phước, cũng đã tử trận tại chiến trường Chợ Lớn, trong trận Tổng Công Kích Têt Mậu Thân năm 1968.”
- “Cháu có bất cứ một thứ gì đó để có thể chứng minh cháu là con là con của lính hay không?”
-“Dạ có. Đây là tấm thẻ bài của ba con và đây là tấm thẻ bài của bác của con.”
- “OH! Magnificant! Làm sao mà cháu có những thứ này?”
- “Trước khi con đi vượt biên, bà nội và mẹ đã đeo vào cổ của con hai tấm thẻ bài này. Bà nội nói rằng: “Con phải đem theo những thứ này để chứng minh con là con, là cháu của những người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Con phải nói cho tất cả mọi người biết rằng, bác của con, cha của con đã tử trận ở chiến trường, để bảo vệ cho đất nước Việt Nam Cộng Hòa.” Và con hãnh diện đã là cháu, là con của những người lính này.”
- “Ba và bác của con thuộc binh chủng nào? Chức vụ ra sao?”
- “Ba con là Đại Uý Thiết Giáp, khi tử trận vinh thăng Thiếu Tá. Còn Bác Phước thuộc binh chủng Biệt Động Quân, khi tử trận thăng cấp Đại tá.”
- “Ba của cháu thì chú không quen biết, but I knew colonel Phooc! Chú có biết bác của cháu, hồi còn ở quân đội, bác cũng đã có dịp gặp bác của cháu. Tất cả những người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đều là những quân nhân can đảm, đã phục vụ và chiến đấu hết sức mình cho tổ quốc của họ. I admired them.”
- “Con cám ơn chú đã có nhận xét về ba của con, về bác của con và về những người Lính Việt Nam Cộng Hòa.”
- “Cháu là người con trai còn lại của gia tộc họ Đào, chú có nhiệm vụ phải bảo vệ cháu. Nhân danh Chính Phủ Hoa Kỳ, chú chấp nhận cho cháu được định cư tại Hoa Kỳ.”
- “Cháu cám ơn chú, nhưng cháu... muốn được định cư ở Úc Đại Lợi.”
- “Sao cháu lại từ chối? Đây là một vinh dự cho cháu mà! Cháu có biết rằng biết bao nhiêu người muốn đi Mỹ mà chú không chấp nhận hay không? Thôi, chú cho cháu thời hạn một ngày để suy nghĩ, ngày mai trở lại đây trả lời cho chú.”
Ngày hôm sau tôi trở lại gặp phái đoàn thì được một người Mỹ khác, trẻ tuổi hơn, phỏng vấn tôi. Người Mỹ này cho biết, phái đoàn hôm qua đã hết nhiệm kỳ, đã trở về Bangkok rồi, ông ta là trưởng phái đoàn mới. Ông ta hỏi tôi:
“Phái đoàn Hoa Kỳ của ông Tom đã chấp nhận cho anh được định cư ở Mỹ. Đáng lý ra, sau khi anh từ chối, ông Tom đã đóng hồ sơ của anh rồi, nhưng vì ông Tom có biết tên tuổi của bác của anh, nên ông đã gia hạn cho anh một ngày để suy nghĩ.
Vậy anh đã suy nghi kỹ chưa?”
- “Tôi cám ơn phái đoàn Hoa Kỳ. Tôi vẫn giữ ý định của tôi: Tôi không đi Mỹ. Tôi xin được đi Úc.”
- “Anh có biết rằng, nếu anh từ chối đi Mỹ, hồ sơ của anh có thể sẽ bị phái đoàn Mỹ giữ lại để cứu xét, và thời gian cứu xét này sẽ... vô hạn định...?”
- “Tôi hiểu là được phái đoàn Hoa Kỳ chấp thuận cho định cư ở Mỹ là một vinh hạnh, nhưng ở Mỹ tôi không có một người bà con nào hết, thì tôi sống với ai? Xin ông hiểu dùm tôi, tôi có người cậu và đứa em trai đã được định cư ở Úc rồi, nên tôi muốn được qua Úc để xum họp với người thân của tôi.”
- “Tôi thông cảm hoàn cảnh gia đình của anh. Nhưng quyết định của anh căn cứ vào hoàn cảnh cá nhân. Còn ông Tom, ông ta quyết định nhận anh định cư tại Mỹ là căn cứ trên lợi ích quốc gia của Mỹ. Do đó, anh sẽ phải đi Mỹ.”
- “Tôi bỏ xứ ra đi cũng chỉ vì muốn được sống một cuộc sống tự do. Nếu chính phủ Mỹ bắt tôi phải theo quyết định của Mỹ, tức là tước đoạt tự do của tôi, tôi phản đối. Tôi không đi Mỹ. Xin cho tôi được đi Úc.”
Từ đó, hết ngày này qua ngày khác, biết bao nhiêu phái đoàn của các quốc gia như Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Pháp, Thuỵ Sĩ, Na Uy... tới phỏng vấn người tỵ nạn, tôi không hề được phái đoàn nào kêu lên phỏng vấn hết. Tôi có lên văn phòng trại tỵ nạn để hỏi về tình trạng của tôi, người trưởng trại đã trả lời:
“Hồ sơ của em bị chính phủ Mỹ... xù rồi. Một khi bị xù, phái đoàn Mỹ sẽ giữ hồ sơ của em, không giao lại cho phái đoàn nào khác hết, thì làm sao mà em được phỏng vấn nữa!”

Tôi buồn bã bỏ ra ngoài bãi biển đứng nhìn về phía xa. Tôi không biết nhìn về hướng nào để thấy lại quê hương Việt Nam của tôi, trong đó có mẹ tôi, có bác Phước và có bà Nội... Tất cả mọi người đều mong chờ tin tức của tôi. Tôi tưởng rằng mình đã chết trên đường vượt biên, nay đã được cứu sống, nhưng vận mạng đen đủi vẫn còn bao chặt lấy tôi... Bao giờ tôi mới được đến bến bờ tự do?
Ông Tom có thể có lý do của ông khi nhận tôi đi Mỹ. Có thể ông nghĩ rằng, tôi là đứa con trai duy nhất còn lại trong gia tộc họ Đào, nên ông muốn bảo vệ tôi. Tại ông không biết rõ đó thôi, các anh con bác Hai Phước cũng đều còn sống như tôi, họ đã đi du học ở Pháp từ lâu lắm rồi, và vẫn còn đang ở xứ đó. Cũng có thể ông nghĩ khác... ông cho rằng cái chết của bác Phước của tôi còn có nhiều nghi vấn, nên ông không muốn tôi đi định cư ở bất cứ đâu, vì có thể sẽ có ai đó lợi dụng tên tuổi của bác tôi mà tạo nên những bất lợi cho người Mỹ, nên ông ta phải ngăn chặn trước, phải cho tôi vào Mỹ để tôi được yên thân, và chính phủ Mỹ cũng khỏi bị phiền phức.

Ở lâu trong trại tỵ nạn, tôi gia nhập toán cấp cứu tiếp nhận những người tỵ nạn mới đến trại. Đa số những người này đều gặp hải tặc, có người còn mạng sống, có người bị chúng giết chết. Những chiếc ghe khác, nếu không bị hải tặc thì cũng bị sóng gió tang thương. Có những chiếc ghe bị cướp của giết người hay bị bắt ngay từ khi chưa rời khỏi Việt Nam, rất ít ghe tỵ nạn đến đảo được an toàn như lần đầu tiên tôi vượt biên. Nếu tính theo cách tính của tôi, thì trong bốn người vượt biên tới Thái Lan, chỉ có một người tới sống sót tới bờ biển của Tự Do.
Tôi cũng được tin có một số hải tặc Thái Lan bị bắt đưa ra tòa và đã bị phạt tù xứng đáng. Tiếc thay, hình phạt tù đó cũng không thể đưa những người bị chết sống trở lại và những cô gái bị bắt cóc được trả về.

Mãi đến khi trại tỵ nạn Songkla bị đóng cửa vào năm 1983, chuyển hết tất cả người tỵ nạn về trại Sikiew, tôi mới được làm lại hồ sơ mới để chuyển trại.
Tới trại Sikiew, tôi được phái đoàn Úc phỏng vấn ngay. Phái đoàn di trú này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy đa số đều là những nhân viên... tóc đen da vàng mũi tẹt như tôi. Trong khi làm việc, họ nói chuyện cười đùa với nhau rất là thoải mái, làm cho tôi có cảm tưởng họ sống chung trong một gia đình hơn là một phái đoàn chính phủ. Tôi thích thái độ cởi mở và thân thiện của họ.
Nhân viên phỏng vấn tôi nói tiếng Anh và người thông dịch viên (cũng là người tỵ nạn như tôi) dịch ra tiếng Việt cho tôi hiểu.
Ông cũng hỏi tên tuổi, lý do tôi vượt biên và tại sao tôi muốn xin định cư tại Úc?
Khi tôi nói tới hai cái thẻ bài của ba tôi và của bác Hai tôi, người phỏng vấn hỏi liền:
- “Những tấm thẻ bài đó đâu rồi?”
- “Ông Tom còn giữ, chưa trả lại cho tôi”.
- “Tiếc quá! Đó là một bằng chứng rất quan trọng. Chắc là họ giữ luôn rồi, nhưng tôi sẽ liên lạc với ông Tom để biết chính xác về tin tức của hai cái thẻ bài này. Gia đình của anh có truyền thống yêu nước mà tôi rất khâm phục. Tôi hy vọng anh giữ được truyền thống đó.”
Kết thúc cuộc phỏng vấn, anh ta nói với tôi qua thông dịch viên:
“Anh thuộc loại mồ côi, nên nếu anh được chấp nhận định cư tại Úc, chúng tôi sẽ phải tìm một gia đình bảo trợ cho anh.”
Tôi cám ơn ông và bước ra khỏi phòng, người thông dịch viên ở lại tiếp tục thông dịch cho những người được phỏng vấn sau tôi. Khi ra tới cửa phòng, tôi thoáng nghe tiếng người phỏng vấn tôi nói... tiếng Việt với người thông dịch:
“Câu trả lời của anh Hùng dịch như vầy là chưa hoàn toàn đúng.”
Thì ra họ cũng đều biết nói và viết tiếng Việt của tôi, có đều họ không lộ ra mà thôi.
Một tuần sau, danh sách những người được chấp nhận cho di dân qua Úc được phát ra: Tôi đã được chấp thuận cho định cư tại Úc.

Tôi tới Melbourne vào năm 1983 và sống tại đây từ đó tới nay.
Tôi đã bảo lãnh được mẹ tôi và đứa em trai qua Úc sống với tôi, cả gia đình chúng tôi đoàn tụ sống vui vẻ tại Úc.
Cho tới nay, tôi vẫn hãnh diện vì quyết định xin định cư tại Úc.
Tôi chỉ muốn được chính phủ Hoa Kỳ trả lại tấm thẻ bài của bác tôi, của ba tôi lại cho tôi, vì đó là kỷ vật của gia đình.
Tấm thẻ bài của bác Phước là do bà nội tôi cho mượn, tôi phải trả lại cho gia đình bác Phước đang sống tại Pháp.
Tấm thẻ bài của ba tôi, tôi phải giữ, vì tôi hãnh diện là con của một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đã hy sinh mạng sống của mình cho Tổ Quốc Việt Nam Cộng Hòa, Miền Nam Việt Nam.
Nếu ông Tom đọc được những lời này của tôi, mong rằng ông sẽ trả lại tôi hai tấm thẻ bài thương yêu đó cho gia đình tôi.

NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI - GIÒNG HỌ ĐỜI THỨ HAI CỦA NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỦA TÔI – LÀ THẾ ĐẤY.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

Viết theo lời kể của anh Đào Thế Hùng, con của một người Lính Thiết Giáp, cháu của một chiến sĩ Biệt Động Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét