Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

THÁNG BA GÃY SÚNG, THÁNG TƯ TAN HÀNG: NÉN HƯƠNG THẮP MUỘN NGUYỄN - THIẾU NHẪN

     (Trung Uy TRƯƠNG VĂN SƯƠNG)
“Tuổi đã hoàng hôn tội vẫn đầy
Lòng vì non nước ngục trung quây
Bệnh vương màu chết tù đày đọa
Đèn đốt bao đông đã cạn dầu
Ba mấy năm trường vì nghĩa tận
Bước trên gai thép vẫn chân trần
Một lần thác đoạn muôn vàn oán
Một kiếp oan khiên chí trả đầy”
(thơ của Sở Không)
<!>
Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, một trong những tờ báo mà người Việt Quốc Gia miền Nam hết sức căm ghét là tờ l’Express của Pháp. Trong cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam chống lại cuộc xâm lăng của Cộng sản miền bắc, tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này đã gây ra không biết bao nhiêu thiệt hại cho phía những người Quốc Gia. Tờ báo này qua tay bỉnh bút thiên tả nặng ký Oliver Todd đã ra rả tung hô Hồ Chí Minh, đã bỏ công lặn lội vào các vùng do Cộng sản kiểm soát ở miền Nam và ca tụng, thần thánh hóa những cán binh Cộng Sản như những anh hùng của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tháng Tư năm 1975, sự thật đã làm Olivier Todd mở mắt. Tháng 6-1978, tuần báo l’Express đã đăng một bài mang tựa đề “Le Goulag Indochinois” (tạm dịch Đông Dương: Quần đảo Ngục Tù). Đây là một bài viết chứng minh sự phản tỉnh hoàn toàn của Oliver Todd.
Trong bài viết, ký giả phản tỉnh Oliver Todd đã nhắc tới một lời phát biểu của văn hào Nga lưu vong Solzhenitsyn. Trong cơn hấp hối của miền Nam, đoán trước sự chiến thắng của Cộng sản và những gì họ sẽ làm trong tương lai ở Việt Nam, ngày 11 tháng Tư năm 1975, văn hào người Nga này đã gửi đến thế giới một thông điệp vắn tắt: “Toàn thể nước Việt Nam sẽ trở thành một trại tập trung.” Lời tiên đoán này đã trở thành sự thật.
Tiếp theo đó, Oliver Todd còn viết nhiều bài vạch trần những mặt trái của xã hội Cộng sản mà bấy lâu nay được che lấp bởi hào quang và huyền thoại. Một trong những tác phẩm của Todd là quyển “Cruel Avril 1975: La Chute de Saigon” (tạm dịch Tháng Tư Đen 1975: Sự sụp đổ của Sàigòn) để tưởng niệm và tôn vinh một người Việt Nam mà ông đã có dịp gặp gỡ: Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Paris Trần Văn Bá.

Có lẽ mọi người còn nhớ, Trần Văn Bá là con của cố Dân biểu Trần Văn Văn, du học tại Pháp từ trước 1975 và giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp lúc ấy là Nguyễn Duy Quang đang chuẩn bị bàn giao Đại sứ quán VNCH tại Paris cho đại diện Ngoại giao của Cộng sản và không thiêu hủy các hồ sơ mật. Chính Trần Văn Bá đã cùng các sinh viên trong Tổng hội Sinh viên Việt Nam trèo lên tầng lầu chứa các hồ sơ và tiêu hủy các hồ sơ đó.

Ai đã từng theo dõi cuộc đấu tranh chống Cộng của người Việt tại Pháp trong giai đoạn 1975-1980 chắc hẳn không ai mà không biết Trần Văn Bá, một trong những người lãnh đạo chủ chốt. Cùng với các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh (đồng Chủ tịch Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải phóng Việt Nam), Trần Văn Bá trở thành một trong những bộ óc lãnh đạo của tổ chức kháng chiến này.
Ngày 6 tháng 6 năm 1980, sau năm năm chuẩn bị và trăn trở suy nghĩ, chán ngán các trò tranh đấu chống Cộng bằng những cuộc thảo luận tại những phòng khách sang trọng ở các thành phố, thủ đô pháp, Mỹ, Trần Văn Bá bay sang Thái Lan. Dưới bí danh C.4 trong tổ chức, anh đã góp phần tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện cho các chiến sĩ kháng chiến, chuẩn bị xâm nhập quốc nội.

Kỷ niệm hai năm ngày rời Paris, từ vùng hoạt động, anh gửi ra ngoài một lá thư, có đoạn viết: “Tôi vẫn mạnh khoẻ. Thật là gay go và cực khổ. Nhưng tôi cảm thấy được sự liên đới mật thiết giữa tôi với quê hương nghèo khổ, bất hạnh và đói khát. Công cuộc giải phóng đất nước, chủ yếu sẽ là công trình của những người kháng chiến quốc nội, chứ không phải của các chính trị gia lưu vong.” (do tác giả bài này in đậm). Trong những ngày anh còn ở Thái Lan, ông Trần Văn Tòng, anh ruột của anh (sau này là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Trần Văn Bá, trụ sở ở Paris) đã đến thăm và đã được anh tâm sự: “Quả thật là em đang làm cái chuyện đội đá vá trời.” Và rồi, từ giã C.1 (bí danh của ông Lê Quốc Túy) anh cùng C.2 (bí danh của ông Mai Văn Hạnh) và một số chiến hữu khác mang vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc xâm nhập quốc nội. Sa cơ, anh và ông Mai Văn Hạnh cùng một số chiến hữu cùng xâm nhập và một số chiến hữu cơ sở quốc nội bị Cộng sản bắt. Bạo quyền Hà Nội đã mở một phiên tòa hát bội, được quảng cáo rùm beng ngày 19-12-1984 tại Nhà hát Thành phố Sàigòn để xử anh cùng 21 chiến hữu khác trong tổ chức.
Phiên tòa này, thực chất chỉ là một cuộc trình diễn hình thức và đọc lên các phán quyết đã được định trước: 5 án tử hình dành cho các ông Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, giáo sư Hồ Thái Bạch, Huỳnh Vĩnh Sanh và Lê Quốc Quân (em của ông Lê Quốc Túy).

Trước phiên tòa, Trần Văn Bá đã giữ trọn vẹn khí phách của một chiến sĩ Quốc Gia can trường. Mặc dù theo luật, các tử tội có thể xin ân xá, nhưng anh đã thẳng thừng từ chối.
Trong số những người từ bên ngoài xâm nhập Việt Nam để hoạt động, có hai người lãnh án tử hình là Trần Văn Bá và Mai Văn Hạnh. Ba người còn lại thuộc cơ sở quốc nội. Trong những người này, chỉ có ông Mai Văn Hạnh là thoát khỏi mũi súng của đội hành quyết. Là công dân Pháp, ông được chính phủ Pháp tích cực can thiệp và đã được thả về Pháp sau nhiều năm tù. Trần Văn Bá và các chiến hữu khác đã lần lượt đền nợ nước trong năm 1985. Trong phiên tòa, một cán bộ cao cấp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đóng vai trò công tố viên, đã lồng lộn quy kết cho Trần Văn Bá và các chiến hữu của anh những tội danh nặng nề nhất. Đồng thời cũng lên án các “thế lực phản động quốc tế, bọn bành trướng Bắc Kinh, quân phiệt Thái Lan” đã tiếp tay hỗ trợ cho Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước
Giải phóng Việt Nam. Đặc biệt Hà Nội đã tố cáo đích danh Tình báo Lục quân Thái Lan do Tướng Yongchai, Tham mưu trưởng Lục quân Thái lan vào lúc đó chỉ huy đã tận tình giúp đỡ tổ chức này. Youngchai sau này trở thành Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Thái Lan và đã qua thăm Việt Nam. Anh Trần Văn Bá đã chết. Ba mươi năm sáu đã trôi qua. Oliver Todd đã đặt câu hỏi: “Cũng như những người kháng chiến vô danh khác, Trần Văn Bá là người của lý tưởng hay thực tế, can đảm hay mạo hiểm? Anh là một anh hùng gương mẫu hay là một kẻ tuẫn đạo vô ích?

Cuộc đấu tranh mà anh Bá theo đuổi là một cái gì đó mơ hồ, tuyệt vọng hay một thách đố xứng đáng để chúng ta kính phục, thông cảm và ủng hộ?” Đối với người Việt Nam chúng ta, có lẽ không cần thiết phải đặt ra một câu hỏi như vậy. Rõ ràng anh Trần Văn Bá là một người tranh đấu vừa lý tưởng vừa thực tế, can trường và dám mạo hiểm. Anh là một anh hùng gương mẫu và là một kẻ tuẫn đạo, và con đường anh đã theo đuổi, cuộc đấu tranh của anh là một thách đố hết sức xứng đáng để chúng ta kính phục và hết lòng biết ơn.

Cách đây 9 năm, ngày 12 tháng 7 năm 2010, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã tạm trả tự do cho tù nhân Trương Văn Sương đang bị giam giữ tại trại giam Ba Sao, Nam Hà. Là một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trung uý Trương Văn Sương đã bị tù “cải tạo” tại Quảng Bình trong 6 năm (từ năm 1975 đến 1981).
Ra tù, vượt biên đến Thái Lan và gia nhập lực lượng do các ông Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Tuý thành lập với mục đích xâm nhập Việt Nam và lật đổ chế độ Hà Nội. Trương Văn Sương là 1 trong số 21 người bị tù giam trong phiên tòa hát bội vào ngày 19-12-1984 tại Nhà hát Thành phố Sàigòn. Sau 33 năm bị giam cầm, ngày 12 tháng 7 năm 2010 vì đau ốm liên miên, cựu Trung uý Trương Văn Sương đã được trại giam Nam Hà tạm tha 1 năm về nhà để chữa bệnh . Trả lời phỏng vấn của một tờ báo ở hải ngoại, nhà tranh đấu dân chủ Nguyễn Khắc Toàn ở trong nước là người đã có thời gian ở tù chung với ông Trương Văn Sương đã xưng tụng ông này như là “một Nelson Mandela của Việt Nam”.

Đến ngày 19-8-2011, ông Trương Văn Sương đã bị áp giải đến trại giam Nam Hà để tiếp tục thi hành án. Người tù tranh đấu cho tự do, dân chủ cho đất nước đã qua đời chỉ 25 ngày sau khi trở lại vòng lao lý.

“Chao ôi! Tôi chợt tầm thường
Tình không đủ khói e buồn lòng mây!”
(thơ Trần Như Liên Phượng)

Bài viết này xin được coi như một nén hương thắp muộn gửi đến hương hồn người anh hùng tuẫn quốc Trương Văn Sương.
Chết vì nước là sống mãi với thiên thu!
Cũng như anh hùng Trần Văn Bá, cái chết của cố Trung úy QLVNCH Trương Văn Sương mãi mãi sẽ là ngọn đuốc soi đường cho công cuộc tranh đấu giành lại tự do, dân chủ và nhân quyền cho 90 triệu đồng bào trong nước và 3 triệu người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại.

NGUYỄN THIẾU NHẪN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét