Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Người Nhái’ Trần Xuân Tin và những công tác đặc biệt chưa thố lộ - NV


“Người Nhái” Trần Xuân Tin, hình chụp năm 1972. (Hình: Trần Xuân Tin cung cấp) - (NV) – Nức lòng vì trách nhiệm bảo vệ đất nước, Trần Xuân Tin, chàng trai quê Nha Trang nhập ngũ vào Tháng Ba, 1969, tại quân trường Quang Trung để học khóa căn bản quân sự. Sau đó, ông được nhập Khóa 5/69 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường Tháng Tư, 1970, ông về học Khóa 4 Người Nhái ở Trung Tâm Huấn Luyện Người Nhái Cam Ranh. Sau khi ra trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, những bè bạn của ông trong khóa này phần nhiều chọn về những binh chủng tác chiến để thỏa chí “tang bồng hồ thỉ,” như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến… Riêng ông lại muốn trở thành một Người Nhái. 
<!>
Lý tưởng này bắt nguồn từ hình ảnh hào hùng của người anh họ học Khóa 2 Người Nhái. Mặc dù anh họ của ông ra trường với cấp bậc hạ sĩ quan, nhưng bọn du đảng trong xóm hay xóm khác ở Nha Trang khi nghe nhắc đến tên đều kiêng dè. Trong thời chiến, đúng là danh tiếng của đơn vị Người Nhái đã ảnh hưởng đến tâm lý xã hội khiến người ta nể phục.

Thời gian huấn luyện Người Nhái

Năm 1970, Trung Tâm Huấn Luyện Người Nhái Quân Lực VNCH thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng II ở Cam Ranh đã có các khóa huấn luyện Người Nhái cho sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thủy thủ. Lúc bấy giờ, Tư Lệnh Hải Quân Vùng II Duyên Hải là Hải Quân Đại Tá Trịnh Quang Xuân, và chính ông đã chủ tọa cho các lễ nhập khóa Người Nhái.

Ông Trần Xuân Tin kể: “Những quân nhân chọn đơn vị Người Nhái đều phải trải qua những khóa huấn luyện đầu tiên là lội giỏi, chạy bền và chịu đựng cao. Sức chịu đựng bao hàm ý chí, sự am tường chiến thuật, khả năng biến báo trong trường hợp khẩn cấp… Trải qua các vòng trui rèn về cá thể cũng như tinh thần, nếu ai không chịu nổi thì phải bị quân trường loại ra. Những người vượt qua được sự rèn luyện đanh thép trên thì được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Người Nhái ở Cam Ranh. Và, nếu ai có trình độ Anh Ngữ cao thì sẽ được sang Hoa Kỳ để học khóa huấn luyện Người Nhái ‘Team One’ và ‘Team Six’ ở Puerto Rico, New York.

Theo ông, trong thời gian huấn luyện, các khóa sinh không mặc quân phục, không đeo cấp bậc mà chỉ mặc một quần đùi màu vàng và chỉ mang một lưỡi lê (dao găm) bên hông người. Mọi khóa sinh trở nên bình đẳng dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên hạ sĩ quan hay đoàn viên của những khóa đàn anh trước. Đến khi ra trường, chính vị Tư Lệnh Hải Quân Vùng II Duyên Hải sẽ trả lại cấp bậc cho từng khóa sinh.

Đoạn đường huấn luyện đầy cam go và nguy hiểm như dìu một người nặng cân từ biển khơi vào bờ cách khoảng bốn đến năm hải lý. Hoặc khi xác định được tọa độ, các khóa sinh vừa lội vừa dìu bạn mình trong đêm tối để đến mục tiêu. Các khóa sinh không được rời khỏi toán, ít nhất là phải đi đôi với nhau.

Trong tuần “Địa Ngục,” các khóa sinh hầu như phải thức trắng đêm, chỉ ngủ được vài mươi phút trên bãi cát và sóng biển; còn những thời gian khác thì phải luyện chịu đựng gian khổ từ thể xác đến tinh thần như chạy bền, học cách đặt và tháo gỡ những loại mìn bẫy, học sử dụng vũ khí đặc biệt để chống đặc công. Ngoài ra, còn phải trau giồi khả năng linh hoạt khi gặp trở ngại,…

Sau tuần “Địa Ngục,” từ 6 giờ chiều, huấn luyện viên thả 10 khóa sinh ra giữa biển khơi cho đến 2 giờ sáng hôm sau phải tìm ra mục tiêu đã ấn định, có khi mục tiêu ở trên núi cao hay trong rừng sâu hiểm độc.

Người Nhái và những công tác đặc biệt

Đơn vị Người Nhái thuộc loại đặc biệt nên tin tức trong đơn vị không được tiết lộ ra bên ngoài. Trần Xuân Tin và đồng đội thực hiện những công tác bí mật mà không ai được biết, ngoại trừ những đơn vị bạn có chung mục tiêu, hoặc những đơn vị đóng quân gần nơi thực hiện công tác. Đặc biệt nhất là chỉ có Quân Trường Người Nhái thì mới thấu rõ các anh thực hiện những công tác gì. Trong tinh thần bảo mật, cho đến bây giờ, có những công tác đặc biệt mà các chiến sĩ Người Nhái vẫn chưa thố lộ cho ai biết.

Còn các Giang Đoàn Thủy Bộ hoặc Giang Đoàn Trục Lôi trên các sông gạch trực diện với địch hằng ngày. Các chiến sĩ đó đã chiến đấu dũng cảm và thậm chí hy sinh cả tính mạng để bảo vệ hải trình. Người Nhái Trần Xuân Tin được gởi lên trường Quân Cụ trong năm tháng để học tháo gỡ chất nổ, đạn dược, bom, mìn bẫy ở trên bờ. Sau khi khóa học hoàn tất, ông được nhập khóa học chuyên về chất nổ dưới nước tại Quân Trường Người Nhái Cam Ranh. Các loại mìn mà Người Nhái đã học qua đều thuộc loại nguy hiểm.

Ông Tin kể: “Lúc bấy giờ, cơ quan MACV (Military Assistance Command Vietnam – Bộ Chỉ Huy Viện Trợ Quan Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam) còn hoạt động, thì người Mỹ đã chiêu mộ một số hồi chánh viên để làm công tác gián điệp nhị trùng. Những người này vào vùng địch họp rồi trở ra cung cấp tin tức cho các toán Người Nhái. Chính vì vậy, chỉ trong vòng một năm, thành quả của các công tác của Liên Đoàn Người Nhái rất thành công tốt đẹp, bằng hoặc hơn cấp trung đoàn thiện chiến. Vì có khi chỉ có hai cho đến bốn toán Người Nhái lại có thể đánh úp được cả hai đại đội của địch quân. Đó là những chiến công đều được ghi danh, nhưng không bao giờ tiết lộ ra ngoài. Chỉ có Bộ Tổng Tham Mưu và Ban Quấn Huấn là biết rõ.”

Các chiến sĩ Người Nhái biết sử dụng mọi vũ khí như AK, K-54 (của địch), M-16, M-15, M-79, Đại Liên M-60, Colt-45 (của VNCH). Từ những chuyến công tác về lại thành phố, họ thường bị Quân Cảnh xét hỏi, vì theo luật quân đội, họ chỉ được mang trên mình súng cá nhân, nhưng Người Nhái lại mang theo nào AK, M-16 kể cả Đại Liên M-60 về thành phố. Vì thế, Quân Cảnh tạm giữ họ lại để sưu tra. Đến khi nhân viên của Liên Đoàn Người Nhái đến bảo lãnh, thì họ đã giải thích cho Quân Cảnh biết, những vũ khí của địch là những chiến lợi phẩm mà toán Người Nhái mới vừa thực hiện xong chuyến công tác mật.

Trong sự vụ lệnh của Người Nhái là đương sự có quyền sử dụng tất cả những quân phục để ngụy trang và để râu tóc. Vì có chuyến công tác kéo dài từ một đến hai tháng, nhưng đến khi công tác xong thì họ vẫn thực hành theo tiêu chuẩn của quân phong, quân kỷ.

Hoạt động của Liên Đoàn Người Nhái

Liên Đoàn Người Nhái của Hải Quân VNCH có ba đơn vị chính: Một là Hải Kích, tổng cộng có bảy khóa, xuất phát từ UDT (Underwater Demolition Team). Các toán viên được huấn luyện qua chiến thuật rộng hơn với danh hiệu Navy SEALs (Sea-Air-Land-Teams) để có thể hoạt động trong cả ba môi trường là chiến đấu trên không, nhảy dù bằng trực thăng vận đeo theo bình hơi xuống biển khơi, sông rạch hoặc trong đất liền. Đơn vị Hải Kích chuyên đi vào vùng địch đánh phá, lấy tin tức nên công tác rất nguy hiểm. Biệt đội Hải Kích còn được gọi là “Biệt Đội Mặt Rằn,” vì họ phải vẽ mặt rằn ri khi thực hành công tác bằng những chiếc xuồng nhỏ với động cơ giảm thanh đi từ ngoài biển vào những sông rạch nhỏ. Một toán viên phải ở lại một địa điểm ấn định để canh giữ xuồng rồi chờ rước toán về, vì đó là vận mệnh của anh em trong toán. Những người còn lại tuần tự đi theo tiền sát viên mang Đại Liên M-60. Khi xâm nhập vào vùng địch, họ thường ngụy trang đội nón cối, mang dép Bình Trị Thiên, có lúc bị địch phát hiện thì toán dùng ám số để tránh bị bắt, rồi tìm đường rút.

Hai là Biệt Đội Tháo Gỡ Chất Nổ và Chống Đặc Công, tổng cộng có sáu khóa. Nhiệm vụ của họ là hằng đêm, những Người Nhái này phải lặn kiểm soát xung quanh mạn tàu dưới nước để tránh đặc công địch có thể gài mìn các tàu chiến, các thương thuyền địa phương hay ngoại quốc đang neo đậu tại vùng biển thuộc chính phủ VNCH kiểm soát.

Ba là Đơn Vị Trục Vớt, đơn vị này không huấn luyện theo khóa, vì quân trường sẽ gởi những toán viên Trục Vớt đi tu nghiệp ở Phi Luật Tân. Nhiệm vụ của toán Người Nhái này là mỗi khi có chiếc tàu nào đó bị chìm do tai nạn, hoặc bị địch đánh chìm thì Giang Đoàn Người Nhái Trục Vớt sẽ làm nhiệm vụ trục vớt để khai thông thủy trình.

Giang Đoàn Trục Vớt đã từng trục vớt chiếc Giang Pháo Hạm HQ-327 mang rất nhiều đạn dược bị chìm ở Kênh Chợ Gạo, Mỹ Tho. Đây là một vùng khá nguy hiểm nên đòi hỏi sự phối hợp của ba đơn vị: Chiến đấu trên bờ, lặn xuống gỡ mìn và trục vớt tàu.

Năm 1971, trong một đêm mưa gió, toán của ông bắt được một Việt Cộng từ Nam Ô, Đèo Hải Vân, người này đang tìm cách vận chuyển mìn qua bán đảo Sơn Trà. Đó là những bẫy mìn cực kỳ nguy hiểm. Có lần chiếc Trans Colorado bị đặc công đặt loại mìn này. Lúc đó, các thủy thủ đoàn phải rời khỏi tàu, chỉ có hạm trưởng ở lại để lái tàu vào bãi cát chờ toán Người Nhái tháo gỡ và cắt mìn.

Trục vớt tám Thiết Giáp M-84 bị chìm dưới sông

Tuy trực thuộc Biệt Đội Tháo Gỡ Chất Nổ Chống Đặc Công, nhưng mỗi lần có tàu chìm, ông Trần Xuân Tin đều tham gia công tác trục vớt.

Năm 1973, khi đang làm trưởng toán ở Cát Lái, toán của ông được gọi đến cầu Quân Cảng để dò tìm tọa độ của tám chiếc thiết giáp M-84 bị rơi xuống lòng sông. Nguyên do là các nhân viên có nhiệm vụ chở những chiếc thiết giáp, vì buộc cột không đúng kỹ thuật, nên khi tàu lớn đi ngang qua gây sóng đánh khiến sà lan tròng trành lật chìm những chiếc thiết giáp xuống sông.

Bối cảnh thời bấy giờ là phía Hoa Kỳ yểm trợ cho VNCH trên nguyên tắc “một đổi một.” Vì vậy, khi những chiếc thiết giáp nói trên đã qua thời gian hoạt động, chính phủ VNCH phải đưa trả chúng để phía Hoa Kỳ, rồi được Hoa Kỳ đổi cho những chiếc mới.

Ông Tin kể: “Lệnh công tác trục vớt còn đưa ra yêu cầu là phải thực hiện càng nhanh càng tốt để bảo toàn các thiết bị máy móc của tám chiếc thiết giáp. Công việc hết sức vất vả, bởi vì do nước sông chảy xiết lại thêm nước bùn khuấy đục nên mọi thứ chỉ có thể quan sát mờ mờ trong tầm nhìn hạn chế. Vậy mà tám chiếc thiết giáp đều được trục lên chỉ trong vòng 10 ngày. Đó cũng nhờ các toán Người Nhái đã dày công khổ luyện, và đã học chi tiết của các loại thiết giáp nên họ đã nắm rõ chỗ nào có thể câu móc được và sử dụng loại cần cẩu nào cho phù hợp.”

Trục vớt trực thăng rơi xuống biển

Một kỷ niệm khiến Người Nhái Trần Xuân Tin không bao giờ quên được, và ông rất hãnh diện khi thực hiện xong công tác này. Đó là sự kiện xảy ra vào 25 Tháng Hai, 1972, khi Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn, tư lệnh phó Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1, và Đại Tá Ngô Hán Đồng, chỉ huy trưởng Pháo Binh, cùng Thiếu Úy Nguyễn Đình Thư, sĩ quan tùy viên của Tướng Soạn, cùng bay trực thăng từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 đến họp với phía Quân Đội Hoa Kỳ tại tàu Hải Quân Mỹ đậu ngoài khơi Đà Nẵng. Người lái chiếc trực thăng này là một thiếu tá phi công Mỹ. Trên chuyến bay trở lại đất liền, trực thăng bị rơi và gây tử thương cho cả đoàn. Chỉ có xác của Thiếu Úy Thư do không có cột dây an toàn đã nổi lên qua vài ngày sau, còn xác của Tướng Soạn, Đại Tá Đồng và thiếu tá phi công vẫn không tìm được.

Sau đó, chiếc tàu Mỹ đã thả phao nổi để đánh dấu tọa độ chiếc trực thăng bị rơi. Thời đó, Giang Đoàn Trục Vớt của Hải Quân Hoa Kỳ đang đóng ở bán đảo Tiên Sa, nên họ muốn thực hiện việc vớt xác. Tuy nhiên, sóng gió và độ sâu của biển cả khoảng 500 mét đã khiến họ không tìm ra tọa độ trong vòng ba tuần lễ, lại thêm có một chiếc tàu đánh cá của dân thấy một phao nổi đã vô tình lấy phao nổi đó đi. Phía Quân Đội Hoa Kỳ yêu cầu VNCH xác định lại tọa độ của chiếc trực thăng bị rớt. Tư Lệnh Phó Hải Quân Vùng I là Trung Tá Nguyễn Hữu Xuân cho lệnh toán Người Nhái của Trần Xuân Tin lên nhận công tác này.
Thời đó, chưa có trang thiết bị tối tân như bây giờ để dò tìm tàu chìm hay máy bay bị rớt xuống biển. Trực thăng bị rớt tư trên cao có thể bị vớt ra từng mảnh, nên khả năng để tìm được tọa độ chính xác thì rất là mông lung. Trần Xuân Tin mới nghĩ ra cách trình lên cấp trên là xin cho ba chiếc ghe giả cào của ngư dân đi song hành trên vùng mà chiếc trực thăng bị rớt, vì những chiếc ghe giả cào có lưới cào bắt cá tôm sâu xuống đáy biển, và họ di chuyển để bắt cá tôm, nên có thể ghe sẽ cào trúng vào chiếc trực thăng bị rớt.

Lâm Hoài Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét