Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

DUYÊN KHỞI - OO

Mọi thứ trong đời đều bắt đầu bằng một chữ “duyên” hay “nghiệp”. Nhà Phật nói thế, tôi tin thế. Trong đời tôi, những biến chuyển đổi thay lớn nhỏ, nghiệm ra cũng được bắt đầu bởi những cái duyên không ngờ tới. Sau 1975, xong mấy năm ở trại cải tạo, về sống ở làng với mẹ không xong, tôi trốn vào Đà Nẵng. Vốn liếng mang theo không gì ngoài bộ quần áo rách trên người và chiếc xe đạp thồ. Đạp chiếc xe cọc cạch thồ người, thồ hàng sống qua ngày. Bữa đói bữa no, có khi đói luôn vài ba hôm là chuyện thường. Đói thì có đói, nhưng cà phê thì không thiếu. Bạn bè mới cũ luôn sẵn đó, trong các quán cóc rải rác khắp thành phố. 
<!>
Một bình trà nhạt từ sáng đến chiều, ồn ào những câu chuyện đời rôm rả luôn là những “món ăn” hấp dẫn để quên đói, quên khổ, của những thằng thất thế khinh đời như tôi. Đà Nẵng đang vào hè, những cơn gió từ phía thượng Lào thổi về nóng bức như nung. Hôm đó tôi đứng dưới bóng của những cây kiền kiền góc đường Quang Trung để mong có thể “nhặt” thêm một vài vị khách trong xóm lao động trước mặt. Ngồi trên yên chiếc xe nhấp nhổm, mà lòng cứ mơ về một ly cà phê đen đá với những giọt nước mát lạnh chảy dài ngoài thành ly. Duyên thay! Từ phía đường Nguyễn Chí Thanh, một cô gái vẫy vẫy tay gọi xe thồ. Đó là một cô gái đi bán số đề. Tôi chở cô đến nơi với giá thỏa thuận là ba đồng.

Xuống xe, cô gái cười cười, “Tôi đi ghi số về nên không có tiền sẵn ở đây. Thôi, tôi ghi cho anh một con số giá ba đồng để trừ nợ tiền xe nha!”. Tôi thở dài, đã nghèo còn gặp eo. Không lẽ đè cô ra… ăn vạ? Đành chịu. “Anh muốn con số nào?”. Xưa nay tôi có bao giờ biết đánh đề đánh điếc gì đâu mà chọn, đành chọn đại “cô cho tôi số 00”. Cô gái liếc xéo, “Ông này! số gì không chọn lại chọn số 0!”. Chiều hôm sau, cô gái trở lại tìm tôi với nụ cười toe: “Anh trúng đề rồi, 30 đồng!”. Ơ, vui hè! Mấy đứa đạp xe thồ đang đứng quanh đó ré lên, trúng đề rồi, cho anh em cà phê đi thôi! Ừ thì cà phê, đi hết, tao bao.

Tôi quen biết Thùy trong chầu cà phê hào sảng và tình cờ đó.

Chúng tôi dần thân nhau qua những tâm tình trên trời dưới biển, mến nhau qua cái bạt mạng bất cần đời của nhau. Thùy là chủ bãi đưa người của những chuyến vượt biên qua Hong Kong. Chuyện tôi đi Mỹ, có thể nói, được bắt đầu với cô bán số đề (chưa kịp biết tên) đi xe không tiền trả, con số đề 00, chầu cà phê xả láng có Thùy – để rồi tôi đã sống trên đất Mỹ này 40 năm với biết bao nhiêu nhào trộn, làm nên tôi ngày nay.

Cái duyên trong đời thường bắt đầu, khởi đi từ những chuyện ất ơ như thế.

Ở quán cà phê

Quán cà phê cóc ở góc ngã tư Đống Đa-Quang Trung, buổi sáng đông nghẹt các tay giang hồ chợ búa, xe ôm… Ở đó người ta nói đủ thứ chuyện, chuyện Đông Tây, kim cổ, triết học, văn chương, chuyện hậu chiến, chuyện đâm chém nhau, chuyện ái tình lẫn chuyện hàng lậu… nhưng nóng nhất vẫn là chuyện vượt biên. Ai đi ai ở, ai chết ai sống. Một buổi trưa như thường lệ, thành phố hực nóng, Thùy tạt vào quán kêu một ly cà phê rồi ghé tai tôi nói nhỏ: “Hôm nay có chuyến, em sẽ gửi anh đi. Anh cứ ngồi đây cho đến trưa, em sẽ cho biết thêm”.

Thùy, một tay trẻ tuổi liều lĩnh, thông minh, phóng khoáng, thường ít nói, và hay thích nghe những chuyện “triết học đường phố”… Biết Thùy là một trong những chủ bãi đưa người vượt biên có uy tín nhưng tôi chẳng bao giờ hỏi han chuyện làm ăn của Thùy. Thùy cũng chẳng bao giờ nhắc đến chuyện vượt biên đang rôm rả. Có lần, Thùy hỏi tôi: “Em thấy anh sống ở đây quá khổ, anh có thích đi Mỹ không?”. Tôi cười: “Tao, cái quần đùi còn không được nguyên lành, trưa nay còn không biết có gì ăn… Vàng cây đâu mà mơ chuyện đi Mỹ?”. Thùy cười, nói nhẹ như chơi: “Hôm nào em gửi anh đi, nếu anh muốn!”.

Tưởng đó chỉ là câu chuyện nói cho vui tai mà thôi. Không ngờ, trưa hôm đó ở quán cà phê, Thùy quay trở lại gặp tôi với hai đứa bé, là hai chị em, con chị chừng 12 tuổi, đứa em trai chừng bảy tuổi. Thùy dặn tôi: “Em gửi anh hai đứa này. Anh tiếp tục ngồi đây, rồi lát nữa tìm xuống một quán khác ven biển. Chừng bảy giờ tối, anh dẫn hai đứa đi dọc biển như đi dạo, đoạn xóm Thuận Thành-Tam Tòa. Sẽ có một chiếc ghe ngoài biển chạy vào. Anh thấy có người trong bờ lội ra thì anh theo họ và cùng hai đứa nhỏ leo lên ghe. Thế thôi!”.

Câu chuyện tưởng như chơi đã thành thật bất ngờ. Chẳng kịp suy nghĩ gì, cũng chẳng chuẩn bị gì, tôi cứ làm theo lời dặn của Thùy như cái máy. Chẳng hiểu tại sao lúc đó tôi lại nghe theo Thùy một cách ngây thơ như thế. Như một kẻ bất cần trong tuyệt vọng khốn khổ vớ được một cái phao nổi trôi trên sóng là vớ vào thôi. Không suy tư tính toán gì, chấp nhận một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm chết người một cách hồn nhiên.

Đúng như kế hoạch mà Thùy đã nói. Tôi dẫn hai đứa bé tới lui đoạn biển đó như đi dạo. Đến khoảng gần tám giờ thì có một chiếc ghe máy lạch phạch tiến vào. Tức khắc có mấy người cũng “đi dạo” như chúng tôi ào lội ra. Tôi cùng hai đứa bé cũng vội vã lội ra, trèo lên ghe. Ghe chạy tới chạy lui gần bờ để đón thêm người. Oái ăm thay, người dẫn hai đứa con của ông bà chủ ghe lại bị lạc đâu đó, chờ mãi không thấy. Bà vợ ông chủ ghe nóng lòng, la khóc quá chừng.

Có mấy người khách đã lên ghe, thấy thế, sợ bị phát hiện, đã bỏ ghe lội xuống, trở lại bờ. Thật may mắn lúc ấy trời bỗng đổ mưa nặng hạt và sấm chớp ầm ì, nên biển vắng ngắt không còn một ai và ghe cứ thế tới lui chờ người mà không bị phát hiện. Cuối cùng không thể chờ thêm được nữa, người trên ghe bàn nhau góp lại được mấy chỉ vàng đưa cho bà vợ lội lên tìm con và sẽ tìm cách đi chuyến sau.

10 giờ tối, chiếc ghe dong thẳng ra cửa biển, nhắm hướng đảo Hải Nam trực chỉ để đến Hong Kong. Sóng biển bắt đầu ào qua mạn ghe, nước vào tung tóe, tôi và vài thanh niên hối hả tát nuớc. Bóng đêm trùm khắp, biển đen trước mặt thăm thẳm ghê rợn như địa ngục, phía sau lưng, ánh đèn trên đỉnh Sơn Chà lấp lóe. Quê hương tôi đó, chập chờn dềnh lên dập xuống theo cơn sóng, xa dần, rồi khuất hẳn.

Vượt biển

Sau một đêm chật vật với sóng và gió, sáng tờ mờ hôm sau ghe chúng tôi đến đảo Hải Nam. Đêm qua trong mịt mờ thăm thẳm, ghe cứ quay mũi về hướng Bắc mà chạy theo cái kim la bàn của dân bộ binh mua được ở chợ trời. Trong bụng nhiều người thắc thỏm âu lo, sợ xui rủi, ghe lại chạy ngược vào địa phận Hải Phòng thì khốn. Đảo Hải Nam là địa phận Trung Quốc. Vào những năm đầu thập niên 1980, chính quyền Trung Quốc và Việt Nam đang cơm không lành canh không ngọt vì vết thương của cuộc chiến biên giới 1979. Còn hậm hực thù nhau, nên chính quyền Trung Quốc chẳng làm khó dễ gì những người dân Việt bỏ xứ ra đi.

Ghe chúng tôi ghé vào một cái chợ của một cảng đánh cá nhỏ thuộc đảo, khá ngạc nhiên vì chẳng có ai hỏi han kiểm soát gì. Buổi chợ sáng đang đông, chúng tôi cầm mấy chiếc đồng hồ của người trên ghe, múa tay múa chân để nói chuyện, cuối cùng cũng đổi được một can dầu cặn và một ít nước uống để đi tiếp. Người dân trên đảo thân thiện, bộ dạng cũng vất vả như dân Việt. Có mấy người thấy chúng tôi xơ xác vì mệt, còn dúi cho một túi trái mận.

Sáng ra, có dịp nhìn kỹ chiếc ghe đã đưa chúng tôi đi, mới thấy nó thảm hại làm sao. Đó chỉ là chiếc ghe nhỏ chỉ để dùng đánh cá trong vịnh, động cơ Yanmar10, thân ghe bé hẹp, chỗ rộng nhất độ chừng mét rưỡi, dài không hơn mười mét. Đó không phải là thứ ghe để ra biển lớn. Tạ ơn Trời Phật phù hộ để chiếc ghe ấy đã có thể vượt qua được những con sóng dữ dập dồn, luôn phủ chụp, muốn nhận chìm cả chiếc ghe. Đứng trên bờ, nhìn lại chiếc ghe đang bập bềnh trông như chiếc lá tre nổi trôi mong manh theo con sóng, mới thấy thật xót xa cho mình, cho những thân phận trên ghe.

Ghe có cả thảy 23 người, phần lớn là bà con thân nhân, họ hàng với chủ ghe, có hai cụ già và mấy đứa trẻ còn bế trên tay. Còn lại, “khách” chừng chục người, trong đó năm đứa trẻ tuổi thiếu niên. Bọn trẻ đang sợ hãi dúm dó với lần đầu biết thế nào là vượt biển, sáng ra mới rõ mặt nhau, xác xơ như tàu lá úa.


Những người tỵ nạn Việt Nam ở trại Bataan, Philippines, tiễn nhau khi có người được lên đường định cư sang Mỹ. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Ghe chúng tôi từ đó cứ cặp theo bờ biển của Trung Quốc mà đi. Đêm thì neo lại đâu đó sát bờ để nghỉ. Sáng nổ máy tiếp tục. Có khi gặp các ghe đánh cá của người Đài Loan hay Nhật, họ lại ném cho vài con cá hay bao thuốc lá. Có lần lạc vào một quân cảng, bộ đội Trung Quốc báo động bắn súng chỉ thiên ầm ầm. Họ ép ghe vào bờ để tra hỏi, khi biết chúng tôi là người Việt vượt biên muốn đến Hong Kong, họ cho đi tiếp.

Cứ như thế lênh đênh bảy ngày đêm thì đến Macao. Cảnh sát Macao dẫn ghe chúng tôi vào bờ. Họ cung cấp thức ăn, thuốc men và xuống ghe kiểm tra nhân sự cũng như máy móc. Thấy ghe còn chạy được, họ hỏi chúng tôi có muốn ở lại Macao không hay đi tiếp? Chúng tôi trả lời là muốn đến Hong Kong. Họ cho cảnh sát dẫn chúng tôi ra lại biển, chỉ hướng đến Hong Kong.

Chúng tôi chạy tiếp cho đến khi gặp cảnh sát của Hong Kong. Cảnh sát Hong Kong đưa chúng tôi cập vào một chiếc xà lan đang neo trong vịnh. Trên xà lan có khá đông người Việt đến trước ở chen chúc trong các tấm bạt căng lên tạm bợ. Họ nói chúng tôi phải ở đây chờ, mười ngày sau mới có thể nhận chúng tôi vào bờ. Ở xà lan, ngày chỉ việc ngồi hóng cảnh sát đưa đồ ăn tới, đêm thì ngồi hóng nhìn Hong Kong hoa lệ với những tòa nhà cao tầng chập chùng ngất ngưỡng trời xanh, muôn ánh đèn từ đó hắt ra, lấp lánh, lung linh trên mặt sóng. Thấy cảnh tượng phồn hoa mà thương, mà nhớ, mà xót xa cho cái nơi khốn khó nhọc nhằn mà mình mới vừa vĩnh biệt ra đi.

Trại tỵ nạn Hong Kong

Nơi tiếp nhận chúng tôi lúc đó là một khách sạn cũ, nằm ngay sát bờ vịnh, có cái tên thật đẹp là Jubilee. Sau khi đã được tẩy trùng, chí rận, làm đủ các thủ tục giấy tờ, chúng tôi trở thành công dân của Liên Hiệp Quốc, vào “khách sạn” chờ ngày được Cao ủy Tỵ nạn gọi lên để phỏng vấn, hy vọng sẽ được định cư ở một nước nào đó mở rộng vòng tay. Trại tỵ nạn Jubilee vốn là một khách sạn hạng sang ở Kowloon, với khoảng 100 phòng. Nhưng từ khi thành trại tỵ nạn thì nơi đây chẳng còn dấu vết gì của khách sạn. Hành lang nhếch nhác, bẩn thỉu đầy rác rến, các phòng ngủ nêm chật cứng với giường ba tầng trong trại lính. Các gia đình tự động quây màn, che chắn thành những không gian riêng tư tạm bợ tối tăm. Jubilee đã trở thành trại tỵ nạn cho dân “third world country” đúng nghĩa.

Tuy nhiên vấn đề ở các trại tỵ nạn không phải chuyện ăn và ở, mà ở vấn đề cư xử với nhau. Ban đầu, dân tỵ nạn ỏ phía Nam và dân tỵ nạn phía Bắc (đi từ Hải Phòng, Quảng Ninh…) đều ở chung tại đây. Nhưng rồi mâu thuẫn kỳ thị Bắc-Nam, tới ngày tưởng niệm 30/4, đã đưa đến một cuộc xung đột ẩu đả chết người. Để giải quyết các vụ bạo động thường xảy ra, chính quyền Hong Kong đưa người tỵ nạn phía Bắc sang trại Kaitak. Không dừng lại, Nam-Bắc vẫn đánh nhau lớn, vẫn đâm chém nhau và đốt luôn một phần của trại Kaitak.

Một vấn đề còn làm cho dân tỵ nạn bất an, lo sợ và bi thảm nhất là số phận những cô gái đi vượt biên một mình. Những tay anh chị trong trại lợi dụng sự làm ngơ của cảnh sát Hong Kong không muốn xen vào chuyện nội bộ sinh hoạt của người Việt tại đây, để bức hại những phụ nữ thân cô thế cô. Tôi đến Jubilee trong tình hình phức tạp như thế. Nhưng may mắn thay, tôi thuộc diện là quân nhân của miền Nam trước 1975. Ở Jubilee lớp quân nhân khá đông, tương đối đoàn kết, tạo thành một thế lực mạnh nên chẳng tay anh chị nào dám gây phiền hà gì.

Tôi ở được chừng một tháng thì Jubilee được lệnh đóng cửa, chuyển tất cả qua Trại 3 và Trại 4. Tôi ở Trại 3 (vẫn thuộc Kowloon) vốn là trại lính, cất theo lối military barracks, giường ba tầng xếp thành hai dãy dài, quanh trại có tường cao, rào thép gai. Chỉ huy trại là ông đại tá người Anh. Tại đây tôi được Liên Hiệp Quốc phỏng vấn về chuyện định cư. Khi phỏng vấn, căn cứ vào tờ khai là sĩ quan của quân đội miền Nam, nên người phỏng vấn chỉ hỏi tôi một số câu về chuyên môn của người chỉ huy quân đội, tôi trả lời suôn sẻ. Sau đó tôi nhận được giấy của Lãnh sự quán chấp thuận cho tôi được định cư ở Mỹ. Tôi sẽ chờ ngày có chuyến bay qua Philippines học tiếng Anh và định hướng (orientation) trước khi đi Mỹ.

Ở Trại 3 này, tôi có một kỷ niệm khó quên. Khi thằng bạn làm thông dịch cho trại báo rằng tôi đã có tên trong danh sách tuần sau bay sang Philippines, nhóm chúng tôi quyết định leo rào trốn ra Hong Kong chơi cho biết trước khi tôi đi. Chúng tôi đi theo một đứa thông thuộc bên ngoài, loanh quanh các đường phố, khu thương mại… Hong Kong thật vĩ đại trong con mắt tôi ngày đó, tráng lệ, huy hoàng, văn minh không tưởng tượng nổi. Đang lơ ngơ thì hai ông cảnh sát tiến lại hỏi giấy tờ, và đưa đám tụi tôi… về bót cảnh sát. Sau một hồi tra hỏi thì họ điện cho trại đến lãnh chúng tôi về.

Về trại, chúng tôi bị nhốt trong phòng giam. Tôi lúc ấy rất hoảng, gấp rút moi óc nhớ lại vốn tiếng Anh để chuẩn bị cho cuộc thẩm vấn sau đó. Lên thẩm vấn gặp ông đại tá, tôi trình bày bằng tiếng Anh bồi, rằng vì nghĩ tuần sau sẽ được đi Phi, vì muốn biết thế nào là Hong Kong xinh đẹp văn minh, vì muốn có chút kỷ niệm về Hong Kong v.v. Có lẽ thấy tôi nói được bằng tiếng Anh để ông ấy đủ hiểu với thái độ thành khẩn. Ông đại tá cho tôi về trại.

Tôi ở Hong Kong cả thảy hơn hai tháng, rồi qua Phi.

Trung tâm Bataan, Philippines

Bataan một địa danh nổi tiếng, một chiến trường khốc liệt đẫm máu một thời giữa Mỹ và Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai. Bataan giờ đã là cái tên hằn trong trí nhớ của những người tỵ nạn ở Mỹ. Bataan Processing Center là trung tâm chuyển tiếp để những người tỵ nạn vùng Đông Nam Á về đây học Anh văn và “định hướng” (orientation) trước khi nhập cảnh vào Mỹ. Từ Manila, chuyến xe bus đưa chúng tôi chạy xuyên qua các vùng thôn quê để đến Bataan. Cũng những bờ ruộng xanh rì, những con trâu nhẩn nha gặm cỏ, những bờ tre, những người nông dân xạm nắng… Quãng đường dài chừng bốn tiếng đồng hồ ấy làm tôi nhớ quê mình đến lịm.


Bataan Processing Center (ảnh: Wikipedia)


Một góc trong trại tỵ nạn Bataan thập niên 1980 (refugeecamps.net)

Là một đồi thấp thông ra biển, Bataan chia ra chín khu, mỗi khu có 20-30 căn nhà nhỏ mái lợp tôn. Mỗi căn nhà nhận bốn đến năm người. Tôi được phân về khu số 3, ở cùng với một gia đình khác. Ở Bataan tôi khá nhàn nhã, sáng đến lớp học tiếng Anh, chiều làm công việc thiện nguyện giúp ban lãnh đạo vùng. Thời gian qua thật nhanh, tôi được một hội từ thiện ở Mỹ là Leo Tolstoy bảo trợ. Ngày tiễn tôi đi Mỹ, cô giáo Phi cho tôi đồng xu một penny “lấy hên”, để khỏi phải đến Mỹ mà không xu dính túi.

Người Việt ra đi mang theo quê hương. Ngày ra đi, tôi chẳng mang gì ngoài bộ quần áo rách tả tơi và một tâm hồn tuyệt vọng trống rỗng. Tương lai bất định, không biết sẽ đến đâu, phương trời nào, có bị dìm sâu vào lòng biển cả, làm mồi cho cá, hay sẽ sống sót để có thể trở về…

Tôi chỉ nhớ cái cảm giác mình lặng im bất động trên ghe, khi nhìn bóng núi Sơn Chà nhòa đi trong bóng đêm của vùng biển quê hương, và nghe tiếng thì thầm trong lòng: “Vĩnh biệt!”.

40 năm sau, trên quê hương thứ hai này, đã là một người Mỹ gốc Việt, có đời sống vững vàng đầy đủ, sao tôi vẫn thấy khó thể nào vui cho trọn.

Quê hương! Hai tiếng sao mà quá tội tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét