Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

TỪ CHÁNH NIỆM ĐẾN GIÁC NGỘ - Nisư TRIỆT NHƯ


Đây là nhan đề một quyển sách của Thiền sư Ajahn Brahm, một thiền sư hiện đại người Úc, đệ tử của ngài Ajahn Chah. Quyển sách này giới thiệu pháp Thở. Tuy vậy trong bài viết ngắn này, mình trình bày nội dung khác, mình chỉ tạm mượn cái nhan đề mà thôi. Cái nhan đề này cho mình hình dung giữa bước đầu “chánh niệm” và bước cuối “giác ngộ” có một khoảng cách, là khoảng cách không gian mà cũng đồng thời là khoảng cách thời gian nữa. Mà khi nói có không gian và có thời gian là chúng ta đang ở trong thế giới tương đối rồi. Cho nên bài viết này xem như nhắc lại con đường đi của chúng ta trong thế giới hiện tượng, là thế giới tương đối của hành tinh mình.
<!>
Mình tạm trình bày từng bước thực hành, thiệt ra đây là một diễn tiến liên tục của dòng tâm và trí, làm sao cắt ra từng đoạn rõ ràng được.

Bước một: CHÁNH NIỆM CỦA TRÍ NĂNG TỈNH NGỘ: đây là nấc thang đầu tiên, nếu chúng ta thực sự muốn dấn thân theo đức Phật. Điều kiện tỉnh ngộ là quan trọng nhất, nếu không thực sự tỉnh ngộ thì mãi mãi chúng ta sẽ đi xuôi theo dòng đời, cuốn hút chúng ta chìu theo dục vọng của đời sống: tiền bạc, của cải, ăn uống thỏa thuê, ngủ nghỉ giải trí, gia đình vợ chồng, con cháu, bạn bè, anh em thân ái vui chơi mãi, qua hết một đời. Có người dây dưa hoài không bứt rời được sợi dây thân ái trói mình, ba mươi năm, bốn mươi năm, năm mươi năm, càng ràng buộc lâu thì sơi dây càng bền chắc. Có người trong lúc tỉnh ngộ đã cắt đứt rồi mà: “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”, nên thời gian ngắn sau lại trở về chịu trói buộc lại.
Tại sao vậy? Chỉ vì mình chưa tỉnh ngộ thực sự.

Trí năng là trí hiểu biết, thông minh, khôn ngoan, nhạy bén của mình. Trí năng tỉnh ngộ khi biết rõ cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Đó cũng là chánh kiến, hay chánh tri kiến (right view). Nói cụ thể hơn, biết rõ tham, sân, si là sai, biết rõ không tham, không sân, không si là đúng. Câu này, có thể có bạn sẽ cười, ai lại không biết, nói hoài, dư rồi! Vậy mà bình tâm lại, suy xét coi mình có khi nào bực bội ai không? có khi mình khởi ý phải chi mình có cái đó, mình được thế này...thì đó là sân, là tham rồi. Có khi nào mình buồn, mình chán nản hay không? Thì là si rồi.

Kinh điển nói rộng hơn, chánh tri kiến là hiểu biết Tứ diệu đế, qui luật nhân quả, luân hồi...để biết phân biệt cái nào đúng, cái nào sai. Những kiến thức về giáo pháp vi diệu này, chúng ta đã học qua rồi, mà có khi mình nghe qua như gió thoảng, nó chưa đọng lại trong tâm mình, nó chưa thành kho báu trí tuệ của mình. Nếu nó đã trở thành kho báu trí tuệ của mình rồi, thì mình không cần tới những bước thực tập kế tiếp nữa. Đó là sự thật, một sự thật đau xót. Vì sao vậy? Không tham, không sân, không si, thì sao? có phải tâm mình trong sạch, thanh thản rồi. Đâu còn pháp ác, bất thiện nữa.

Tuy vậy tâm phải hoàn toàn tĩnh lặng, không còn khởi vọng tưởng, mới là cắt hết tham, sân si. Cho nên chúng ta phải tiến lên bước thứ hai, khó hơn một chút. Mình nói khó hơn một chút khi nào chúng ta đã thực tập bước thứ nhất cẩn thận, tâm mình bớt tham đắm trong cuộc đời rồi, không còn thiên lệch thương người này ghét người kia, xét đoán lỗi người khác mà quên ngó lại mình. Do đó tuy còn là biết đúng biết sai, còn cái Biết của Ý thức phân biệt, của trí năng có lời, nhưng tâm mình đã bắt đầu trong sạch và khách quan, đúng biết đúng, sai biết sai, thì cũng là biết Như Thật. Ta bước lên bước Biết rõ mà tâm bắt đầu dừng lại, yên lặng.

Bước hai: CHÁNH NIỆM CỦA TÁNH GIÁC: chúng ta có cụm từ quen thuộc là: Biết không lời, hay Biết không lời nói thầm trong não.

Cái Biết không lời, có thể chúng ta tu tập nhiều năm rồi, đã có chút ít kinh nghiệm tâm dừng lại yên lặng trong vài giây. Thực tập nhiều, mình có thể kinh nghiệm được vài phút yên lặng. Bước đầu, ta phải có chủ đề rõ ràng, và sử dụng giác quan thực tập. Thí dụ: nghe âm thanh, nhìn cảnh, thở ... Thời gian tâm yên lặng, tạm cho là Samatha.

Bước ba: CHÁNH NIỆM VÀ TỈNH GIÁC: sati ca sampajañña. Tỉnh giác có nghĩa là lúc nào cũng giữ cái biết rõ ràng, trong sáng, không quên. Quên là mê mờ, là trở lại biết và dính mắc, biết và buồn phiền, lo âu... Bước này rất cần thiết để phát huy cái biết rộng hơn và vững chắc hơn, trong thời gian và không gian. Trong giai đoạn này, từ từ mình mở rộng chủ đề, để đi tới lúc không dùng chủ đề nữa. Tới đây, tất cả các kỹ thuật thực tập gặp nhau. Tâm chỉ là trạng thái biết khách quan, yên lặng, trống rỗng. Có thể tạm cho là Định trong động, hay định trong đời sống.

Bước bốn: GIÁC NGỘ:
Đây là hoạt động của Phật tánh hay tánh giác. Chức năng của vùng giác tri tâm linh là kiến giải. Kiến giải là giúp ta nhận biết cảnh bên ngoài và tâm ta. Chúng ta tạm phân ra hai mức độ của kiến giải:

- Kiến giải tổng quát: khi dùng mắt nhìn một cảnh hay người, ta nhận biết tức khắc cảnh hay người ra sao, một cách trung thực, tức khắc, và chính xác. Tại sao? Vì không thông qua tiến trình suy nghĩ, biện luận, so sánh, nên cái thấy đó đúng với sự thực, và tức khắc. Đây cũng là cái thấy của trực giác, cũng là cái thấy của như thực tri kiến.

- Kiến giải siêu vượt: có sáng tạo, tức là có những nhận thức mới lạ, từ trước mình chưa nhận ra. Tới đây, ta có từ ngữ phổ thông là Ngộ (realization), hay nội chứng (experience) hay Sáng đạo (enlightenment)...tùy theo mức độ sâu sắc.

Tóm lại. khi tâm yên lặng thực sự, thì chức năng tâm linh mới hoạt động và kiến giải. Cho nên mình tạm nói là Định và Tuệ đồng thời. Có Tuệ phát huy ta mới có thể nói là do có Định. Định này mới là Định đúng.

Thiệt ra, phát huy trí tuệ là một dòng diễn tiến không ngừng, có khi là một kiến giải sâu sắc, rồi có khi là một kiến giải nhỏ, giải thích một bế tắc nào đó trong kinh.

Kết thúc lại, tâm là một dòng diễn tiến, luôn tuôn chảy, vì nó chỉ là dòng Biết, hay dòng Nhận thức rõ ràng, khi nó không còn bị ô nhiễm thì nó sẽ trong sạch, và sẽ phải chiếu sáng.

Tâm trong sạch, ta sẽ có thể nhìn thấy mặt mình rõ ràng trong dòng nước của tâm mình. Nếu tâm ô nhiễm, ta sẽ không biết mình ra sao, đúng hay sai cũng không rõ.

Tâm chiếu sáng, ta có thể biết phương cách sống thảnh thơi an lạc, và giúp người khác cũng sống thảnh thơi an lạc.

Trong bài Đại kinh Xóm Ngựa, đức Phật đã kết luận: bậc thánh là gì? Bậc A la hán là gì? Là bậc đã tẩy rửa sạch, đã xa lìa các pháp ác, bất thiện. Chỉ vậy thôi. Chỉ vậy thôi, các bạn hiền ơi!

Thiền viện ngày 17- 3- 2022

TN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét