Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Tiết lộ thú vị về Việt Nam trong hồi ký Đại sứ Mỹ Ted Osius - BBC 5/10/2021



Nguồn hình ảnh, Getty Images. Ông Ted Osius, Hà Nội 2015
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ 2014 tới 2017, mới đây ra mắt hồi ký về Việt Nam có tựa đề Nothing is Impossible. Trả lời BBC News Tiếng Việt vào tháng Tám, ông cho biết: "Chúng ta xây dựng lòng tin bằng cách hiểu biết lẫn nhau. Niềm tin là sản phẩm của mối quan hệ tốt đẹp." Nhận xét về hồi ký của Ted Osius, cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright nói đây là "một cuốn hồi ký hấp dẫn của một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất của Hoa Kỳ". BBC News Tiếng Việt chọn ra một số chia sẻ thú vị của Đại sứ Ted Osius trong hồi ký:
<!>
Đại sứ 'đồng tính'

Trong hồi ký, Ted Osius cho hay: "Khi tôi gia nhập Bộ Ngoại giao năm 1989, thật không thể tưởng tượng được một nhân viên ngoại giao công khai đồng tính có thể lên vị trí đại sứ."

"Trong thời kỳ chính quyền của Tổng thống George H. W. Bush, những nhân viên đồng tính được Cục An ninh Ngoại giao xác định thường là bị tước bỏ giấy phép an ninh của họ và buộc phải từ chức. Năm 1992, một vài người trong chúng tôi đã kết hợp lại với nhau. Một mặt cẩn thận bảo vệ tư cách thành viên của chúng tôi vì sợ bị trả thù, chúng tôi đã thành lập một nhóm có tên GLIFAA. Một cách lặng lẽ, chúng tôi bắt đầu vận động để không phân biệt đối xử, chỉ đơn giản là hy vọng giữ được công việc của chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được mục tiêu của chúng tôi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Clinton. Quan trọng hơn, tôi đã gặp người phối ngẫu tương lai của tôi thông qua GLIFAA."

"Thái độ ở Hoa Kỳ đã thay đổi rõ rệt vào thời Tổng thống Obama đề cử tôi làm đại sứ tại Việt Nam...Những gì đã từng là một gánh nặng pháp lý bây giờ có thể là một yếu tố trung lập hoặc thậm chí là một lợi thế."


Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm văn phòng Thượng nghị sĩ John McCain ngày 8 tháng 7 năm 2015 trên Đồi Capitol ở Washington, DC

John McCain và tấm phù điêu hồ Trúc Bạch

Tác giả kể lại lúc tháng Sáu 2014, khi ông liên lạc với các thượng nghị sĩ chủ chốt trước buổi điều trần ở Thượng viện để hy vọng được họ thông qua vị trí Đại sứ tại Hà Nội.

Buổi gặp quan trọng nhất là ngày 16/6 với Thượng nghị sĩ nổi tiếng John McCain.

Ông McCain cho Osius biết Pete Peterson, người cùng ở nhà tù Hỏa Lò với McCain ngày xưa, đã gọi để tiến cử Osius.

"Nếu Pete ủng hộ anh làm đại sứ, thì tôi sẽ bỏ phiếu xác nhận," McCain nói.

McCain bảo Osius rằng vào năm 1985, một bức tượng nhỏ được dựng ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội, cạnh nơi mà McCain đã rơi xuống tháng 10 năm 1967.

"Bức phù điêu khá bẩn. Anh yêu cầu họ làm sạch nó được không?" McCain bảo.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã gặp McCain ở Đồi Capitol và tặng bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch.

Theo hồi ký của Osius, McCain chỉ ra trong bức ảnh, một con chim đang ị lên bia, và chức danh của McCain bị ghi sai thành lính không quân mặc dù ông là phi công của Hải quân Hoa Kỳ năm 1967. Tên của McCain cũng bị viết sai trong ảnh.

Tại buổi điều trần với ủy ban Thượng viện, ngày 17/6/2014, McCain hỏi những câu khó nhất, mặc dù trước đó nói ông ủng hộ Osius. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện sau đó 100% bỏ phiếu thông qua để gửi tên của ông Ted Osius ra Thượng viện.

Tháng Năm 2015, John McCain thăm Hà Nội, khi mà Ted Osius đã là Đại sứ. Lúc này, bức phù điêu tại hồ Trúc Bạch đã được dọn sạch. Chức danh và tên của John McCain cũng đã được sửa lại cho đúng.

Ông Nguyễn Phú Trọng nói 'phải bảo vệ chủ quyền'

Trong hai ngày John McCain ở Hà Nội năm 2015, Đại sứ Ted Osius cho hay "toàn bộ các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đều muốn gặp" vị thượng nghị sĩ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói với McCain về việc Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông.

"Việt Nam đã chiến đấu với Trung Quốc trong quá khứ, ông Sinh Hùng nói, và sẵn sàng chiến đấu một lần nữa.

Cần nhắc lại rằng trước đó, tháng Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khiến Việt Nam phẫn nộ.

Khi McCain gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo sách, ông Trọng nói với đoàn khách:

"Chúng tôi phải chuẩn bị. Chúng tôi sẽ bảo vệ chủ quyền của chúng tôi."

Cũng theo hồi ký, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói với McCain và các thành viên khác trong phái đoàn Mỹ rằng Trung Quốc đang xây dựng các đảo vì mục đích hậu cần, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và thiết lập các căn cứ quân sự.

Ông Thanh nói: "Nếu cộng đồng quốc tế sử dụng những hòn đảo đó cho dịch vụ, thì đó là sự thừa nhận ngầm về chủ quyền của Trung Quốc." Ông Thanh cũng cảnh báo McCain rằng nếu Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không, khu vực sẽ coi đó là thách thức trực tiếp đối với Hoa Kỳ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến, hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 7/7 năm 2015

Dàn xếp cho ông Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ

Tháng Bảy 2015, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ.

Trong hồi ký, Đại sứ Ted Osius tiết lộ các khó khăn của việc chuẩn bị.

Ông cho biết ngay từ những tháng đầu làm đại sứ, ông thường xuyên được nhận thông điệp của phía Việt Nam rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gặp Tổng thống Barack Obama tại Mỹ.

"Việc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng Đông Nam Á đã đẩy họ vào vòng tay của Hoa Kỳ. Người dân Việt Nam muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ." Nhưng khó là Hoa Kỳ hiếm khi nào mời lãnh đạo đảng.

Ted Osius cho hay ban đầu, khi ông đề nghị Nhà Trắng tiếp, ông bị từ chối.

Giới chức Mỹ nói với Osius rằng ông Trọng có thể đi thăm Mỹ nhưng khó mà gặp được Obama. Đại sứ Ted Osius đã phải nhờ nhiều người, trong đó có Tommy Vallely, là bạn và cố vấn cho Ngoại trưởng John Kerry.

Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Obama, phản đối chuyến thăm, nói rằng tổng thống Mỹ không cần gặp lãnh đạo đảng.

Ngoại trưởng John Kerry, khi ăn trưa với Obama, đã thuyết phục thành công.

Nhờ thế, Ted Osius có thể nói với Hà Nội rằng Tổng thống Obama đồng ý tiếp ông Trọng về nguyên tắc, tuy chưa có ngày cụ thể.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/5 đến ngày 2/6/2015.

Không lâu sau, hai nước đồng ý ông Trọng sẽ thăm Mỹ đầu tháng Bảy.

Theo hồi ký, lúc chuẩn bị gặp ông Trọng, Obama hỏi Osius nên dùng chức danh gì với ông Trọng.

Osius trả lời rằng nên gọi là Tổng Bí thư.

Cuộc nói chuyện dự định 45 phút nhưng đã kéo dài 90 phút.

Ngày hôm sau, ông Trọng hỏi Osius nghĩ thế nào về cuộc gặp giữa ông và Obama.

"Nhớ rằng ông ấy từng là thầy giáo, tôi cho điểm, 'A cộng.' Vị Tổng bí thư vốn vẫn dè dặt, nở nụ cười hiếm hoi."

Đại sứ Ted Osius kể tiếp, tại Đại hội 12 năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng "gây ngạc nhiên cho đa số nhà quan sát", kể cả phía Mỹ, khi ông tiếp tục tái đắc cử còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nghỉ.

Tác giả viết: "Ông Dũng có thể cũng ngạc nhiên như ai. Là một trong những lãnh đạo ảnh hưởng nhất lịch sử hiện đại Việt Nam, ông đã giành được lời hứa rằng gia đình ông sẽ không bị tấn công. Ông rút lui về miền Nam, và ông Trọng bắt đầu loại khỏi đảng bất kỳ ai mà ông xem là quá trung thành với ông Dũng."

"Sự dịch chuyển chính trị chấn động đã diễn ra, và một lần nữa, Đảng, chứ không phải chính phủ, giữ thế kiểm soát ở Việt Nam."

Đại sứ Ted Osius hồi tưởng: "Việc giúp có cuộc gặp của ông Trọng và Tổng thống Obama là thành tựu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của tôi. Chuyến thăm của tổng thống đến Việt Nam năm 2016 cũng quan trọng nhưng sẽ không đầy đủ, ý nghĩa nếu ông Trọng đã không thăm Mỹ trước."

"Một số nhà quan sát đã ngụ ý rằng chuyến thăm Washington giúp củng cố ưu thế chính trị đang tụt giảm của ông Trọng, còn có người lại nói chuyến thăm cho ông Trọng sự chính danh lãnh đạo mà ông không thể có tại một quốc gia với hệ thống nghị viện. Dù sao thì ít nhất, chuyến đi của ông Trọng đã giúp có các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Việt thành công năm 2016 và 2017 vì mỗi chuyến đi cấp cao lại xây dựng từ chuyến đi trước đó."

Trong một trang khác trong sách, Ted Osius viết: "Tôi thích ông Dũng và tôi hâm mộ quyết tâm của ông muốn đưa Việt Nam vào TPP. Trước hết ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc nhưng quan niệm của ông về thế giới có chỗ cho tình bạn với Hoa Kỳ, và ông tự hào về quan hệ của mình với các lãnh đạo Mỹ. Tôi thấy tiếc khi thấy ông giã từ, nhưng tôi tin rằng thủ tướng và chủ tịch mới của Việt Nam cũng muốn khắc sâu quan hệ đối tác của đất nước với Hoa Kỳ."

Ở phần cuối sách, Ted Osius nói: "Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khuôn mẫu bắt giữ những người bất đồng chính kiến và tống họ đi đày. Các nhà lãnh đạo muốn có thương mại tự do, sáng tạo và cởi mở, nhưng họ cũng muốn kiểm soát những gì công dân có thể nói và suy nghĩ. Căng thẳng giữa hai mục tiêu đó có lẽ sẽ tiếp tục."
"Nếu Hoa Kỳ một lần nữa coi nhân quyền trở thành ưu tiên chính sách, thì việc sử dụng đòn bẩy mà thương mại cung cấp có thể tạo ra sự khác biệt ở Việt Nam. Chúng ta có thể ảnh hưởng phần nào đến quyền con người ở Việt Nam bằng cách đồng thời thể hiện tôn trọng một hệ thống chính trị khác và vẫn nhấn mạnh rằng Việt Nam tôn trọng những gì là quan trọng đối với người Mỹ. Đây sẽ tiếp tục là một thử thách khó khăn."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét