Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

SỰ VĨ ĐẠI BỊ CÔ LẬP… - Thich Thanh Thang


Nga mất gần như toàn bộ tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế, đa phương. Đây là tốn thất hình ảnh dù nỗ lực điều chỉnh cũng phải mất hàng thập kỷ mới xây dựng lại được. Điều gì xảy ra, khi người ta so sánh, tại sao Mỹ và đồng minh Nato đơn phương tấn công một số nước nhưng không bị quốc tế cô lập đến như vậy? Đương nhiên, điều này không chỉ phụ thuộc vào uy tín, sự thao túng bằng sức mạnh kinh tế, quân sự mà còn bằng sự hào hiệp trong tài trợ quốc tế cũng như quảng bá các giá trị tự do dân chủ. Mỹ là nơi quy tụ của mọi loại hình sức mạnh, chí ít cho đến nay vẫn chưa quốc gia nào sánh bằng.
<!>
Sự thay đổi mô hình chính trị từ Liên Xô sang Nga chỉ mang tính “bình mới rượu cũ”, tức Nga thay đổi chỉ để tránh bị cô lập sau khi liên bang Xô Viết tan rã. Còn về bản chất Nga của Putin vẫn gánh trong mình tâm thức thù địch với phương Tây. Chiến tranh lạnh chưa bao giờ kết thúc kể cả khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Nga.

Đây là lý do phương Tây luôn e dè thận trọng trong các mối quan hệ với Nga. Nga ở vào vị trí không ra Á mà cũng chẳng ra Âu, cho nên lịch sử chiến tranh từ Sa quốc Nga đến Liên Xô, đến Nga đều in dấu các mối quan hệ “thần thuộc giả vờ”, trong khi bản chất vẫn là đối kháng văn hoá và mâu thuẫn sắc tộc.

Việc cứ phải dẫn chứng “nguồn gốc tổ tiên”, “lãnh thổ” từ thời Liên bang Xô Viết để định vị quan hệ với các quốc gia SNG hiện tại cho thấy tư duy phong kiến vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt trong suy nghĩ của người Nga.

Việc can thiệp nội bộ, công nhận độc lập từng phần lãnh thổ ở các quốc gia láng giềng có mâu thuẫn với Nga càng khoét sâu vào mâu thuẫn sắc tộc, từ ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo đến lãnh thổ.

Chúng ta thấy Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi giáo từng bị e ngại như thế nào giữa lòng châu Âu. Và Chính thống giáo Nga cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng bản thân Nga thường dùng chiêu bài người gốc Nga, ngôn ngữ Nga, tôn giáo Nga lãnh thổ cũ thuộc Nga để quy tâm tự kỷ. Nga dùng sức mạnh quân sự để can thiệp vào các nước láng giềng sau khi những tài trợ kinh tế nhỏ giọt tỏ ra không mấy hiệu quả. Nga sẵn sàng đưa quân sang các nước láng giềng nếu chính phủ bù nhìn thân Nga bị lung lay.

Ukraina chỉ nối gót các quốc gia khác không muốn làm bù nhìn của Nga nữa. Và “gã hề” minh mẫn Zelensky chỉ vì không muốn quốc gia mình tiếp tục bị thao túng theo chiều hướng tham nhũng, độc tài, mất tự do dân chủ, nên đã quyết tâm gia nhập EU và Nato.

Không thao túng được thì đạp đổ, Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraina.

Ukraina sẽ tan hoang bởi bom đạn, nhưng sau tan hoang sẽ là một Ukraina lột xác. Sự tái thiết càng mạnh mẽ hơn. Thử hỏi có cuộc lột xác nào mà không đau đớn. Người dân UKraina đang biến lòng can đảm thụ động sang chủ động để sẵn sàng cho một bước ngoặt tinh thần mới.

Và sau tan hoang của Ukraina, thế giới sẽ tái cấu trúc quan hệ, đặc biệt là các quan hệ lệ thuộc. Nga thao túng thị trường khí đốt đó cũng là một sức mạnh của Nga, nhưng khí đốt là nguồn năng lượng hữu hạn. Nếu các nước giảm lệ thuộc vào khí đốt sẽ thúc đẩy công nghệ xanh phát triển.

Nga cũng là cường quốc xuất khẩu vũ khí nhưng thực tế chiến trường cho thấy công nghệ quân sự trong tương lai sẽ phải ưu tiên cho phát triển trí tuệ nhân tạo.

Tổn thất về kinh tế, quân sự và ngoại giao đối với Nga là vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, Nga vẫn còn các “quốc gia thân thiện” như Trung Quốc và Việt Nam… Trung Quốc có thể sẽ giúp tiền, công nghệ, Việt Nam sẽ giúp lương thực. Cho nên tới đây tin chắc xuất khẩu của Việt Nam sang Nga sẽ tăng lên.

Nhưng cũng kể từ đây nhìn ra một liên minh lỏng lẻo không đồng bộ giữa Nga và Trung. Họ có chung một đối thủ là Mỹ nhưng Nga và Trung trước đây vẫn bất đồng về lợi ích tại châu Phi, Trung Á, Trung Đông. Nếu Nga không vực dậy lại được thì các sân chơi địa chính trị kia sẽ dần phải nhường cho Trung Quốc.

Ngay khi chiếm bán đảo Crimea, Nga đã sa lầy tư tưởng chiến tranh và quân sự tại UKraina rồi.

Nga sa lầy, trong khi Trung Quốc ung dung thực thi chiến lược vành đai con đường kết nối Á - Âu, cũng như thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) để gây ảnh hưởng. Đây là một thành công đáng kể, nếu so về tầm nhìn, Nga không thể theo kịp. Trung Quốc càng giúp Nga thì Nga càng yếu. Yếu vì không còn lợi thế cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc khi chính mình phải phụ thuộc, nhờ vả, hàm ơn…

Trung Quốc đang hướng mạnh ra bên ngoài, bằng sự “hào hiệp” có điều kiện và cố gắng không để tổn hại hình ảnh “quốc gia trách nhiệm” của mình, thì Nga lại mất dần láng giếng và trở thành quốc gia nguy hiểm, xấu xí, không thân thiện. Về mưu đồ, rõ ràng Trung Quốc luôn lấy lưng những người “bạn vàng” của mình làm bước đệm cho họ phát triển.

Trong lịch sử Trung Hoa, với chủ nghĩa Đại Hán không có liên minh nào tồn tại lâu dài cả. Nếu quốc gia liên minh nào mạnh hơn lên, ngay lập tức nó sẽ bị xem như kẻ thù. Nga và Việt Nam với Trung Quốc cũng sẽ như vậy.

Nga không hiểu Trung Quốc, nên sau khi Putin sang Trung Quốc về bèn phát động chiến tranh. Chiến tranh sẽ làm Nga suy yếu mọi mặt, một giáo trình tham khảo vô cùng hữu ích đối với Trung Quốc.

Tại sao phải gây chiến tranh? Bản thân Nga cố tình không chấp nhận thực tế rằng “Chủ nghĩa tân phát xít” nếu có ở Ukraina chỉ là hình ảnh đậm nét hơn của chủ nghĩa dân tộc bài Nga diễn ra tại hầu hết các quốc gia láng giềng với Nga lâu nay.

Ở điểm này, xin đừng vội cười huyền thoại hay truyền thuyết, bởi khi cần nó chính là căn cứ để các nước láng giềng với Nga dựng lại hình ảnh dân tộc của minh bằng một cội nguồn lãnh thổ và tộc người khác biệt.

Nga không chấp nhận được thực tế phân ly này diễn ra ngay cửa ngõ nhà mình, mặc dù dưới thời Putin, đã có 5 quốc gia có chung biên giới với Nga trở thành thành viên Nato. Cho nên chàng rể Nato thứ 6 đến cửa nhà Ukraina chỉ là cái cớ để Nga ngăn cản cuộc hôn nhân hứa hẹn một tương lai hạnh phúc hơn kia.

Thật lạ lùng trong khi sự vĩ đại của Nga bị cô lập thì kẻ thù của Nga lại càng nhiều bạn bè.

Thich Thanh Thang
Được đăng bởi : Lý Lãng vào lúc tháng 4 22, 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét