WASHINGTON, DC (NV) – Thế giới ngạc nhiên chứng kiến quân đội Nga, lực lượng hùng hậu đứng hàng thứ nhì thế giới, phải chật vật suốt thời gian qua nhưng vẫn không chiếm được Ukraine, một quốc gia nhỏ mà mọi người cho rằng sẽ mau chóng thất thủ chỉ trong vài ngày, theo nhận xét của nhật báo Washington Post. Việc quân đội Nga tái phối trí để khắc phục các sai lầm chiến lược vừa qua liệu có đưa đến một kết quả “rửa nhục” cho ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, hay không, câu trả lời vẫn còn phải chờ đợi trong thời gian tới.Thế giới ngạc nhiên chứng kiến quân đội Nga chật vật suốt bảy tuần qua không chiếm được Ukraine, thất bại nặng trong cuộc bao vây thủ đô Kiev. (Hình: Chris McGrath/Getty Images)
Cho đến thời điểm này, các chuyên gia quân sự phân tích và chỉ ra chín sai lầm khiến Nga gặp ê chề trong việc xâm lược Ukraine.
1-Nga đánh giá sai ý chí của dân tộc Ukraine
Sai lầm lớn nhất của Nga là coi thường cả ý chí chiến đấu lẫn khả năng kháng cự của người Ukraine. Ban đầu, Nga lên kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh và tin rằng quân đội của họ sẽ được tung hô là lực lượng giải phóng Ukraine.
Tuy nhiên, không chỉ đối mặt với quân đội quốc gia này, Nga gặp sự phản kháng kịch liệt từ người dân Ukraine, được trang bị vũ khí từ các quốc gia phương Tây.
2-Lực lượng Nga chưa sẵn sàng
Một số người lính Nga bị bắt giữ khai rằng nhiều người trong số họ không hề hay biết rằng họ sẽ xâm lược Ukraine, thay vào đó, họ chỉ được thông báo rằng đây là một cuộc tập huấn quân sự hoặc rằng họ chỉ được điều đến vùng Donbas.
Điều này có nghĩa là quân lính Nga chưa sẵn sàng về mặt tinh thần để đối mặt với rủi ro mất mạng trên chiến trường, và rủi ro này xảy ra gần như ngay khi họ đặt chân đến Ukraine. Sự thiếu chuẩn bị này ảnh hưởng lớn nhuệ khí, theo ông Jack Watling, thuộc viện chiến lược RUSI – Royal United Services Institute ở London.
Sai lầm lớn nhất của Nga là coi thường cả ý chí chiến đấu lẫn khả năng kháng cự của người Ukraine. (Hình: Sergey Bobok/AFP via Getty Images)
3-Không mang đủ quân nhu cần thiết
Vì tin tưởng vào kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh,” lực lượng Nga chỉ chuẩn bị quân nhu đủ cho hai tuần, khiến họ bị mắc kẹt vì các quân xa không có đủ nhiên liệu và thiếu thốn lương thực đến mức phải binh lính phải cướp các cửa hàng và trộm súc vật để giết thịt.
Điều đáng ngạc nhiên là lực lượng Nga thiếu cả các loại trang bị thiết yếu, ví dụ như các loại kính nhìn ban đêm. Ông John Spencer, chủ tịch chương trình Nghiên Cứu Tác Chiến Đô Thị của tổ chức Madison Policy Forum, cho rằng quân Ukraine, với đầy đủ các trang bị này, có thể kiểm soát chiến sự vào ban đêm và tấn công phục kích lực lượng Nga.
Việc chuẩn bị tệ hại đến mức, một số người lính Nga mới nhập ngũ được điều đến miền Đông Ukraine chỉ vác vai các loại súng trường lỗi thời từ thế kỷ 19.
4-Không nhận ra yếu kém về mặt tiếp vận
Các chuyên gia quân sự chỉ ra một điểm yếu lớn trong tiếp vận quân sự của Nga: Khi cạn sạch lương thực do kế hoạch ban đầu thất bại, các sĩ quan lãnh đạo không có bất kỳ cách nào để bổ sung quân nhu.
Những chiếc xe tải không được bảo trì tốt bị hư bánh, khiến cả đoàn xe tăng bị mắc kẹt, dẫn đến vụ “kẹt xe” kéo dài 40 dặm (khoảng 64.3 km).
“Những kẻ nghiệp dư bàn về chiến lược, còn các chuyên gia bàn về tiếp vận” là một câu nói được giới quân sự lặp đi lặp lại, và Nga đã không nghe theo lời khuyên này, khiến dẫn đến việc thiếu thốn nhiên liệu cho lực lượng xe tăng xung kích lẫn lương thực cho các binh sĩ.
Trên truyền thông mạng, hình ảnh lính Nga khóc gọi về cho gia đình khi được người dân Ukraine cho ăn, uống nói lên toàn bộ sự yếu kém của của cấp chỉ huy liên quan đến hệ thống tiếp vận.
Người dân thành phố Bucha trở về nhà sau khi quân Nga rút lui để lại những chiến xa bị tiêu diệt. (Hình: Chris McGrath/Getty Images)
5-Không tiêu diệt hệ thống phòng không và Không Quân của Ukraine
Giới chuyên gia quân sự phỏng đoán rằng Nga sẽ thực hiện chiến dịch oanh tạc để tiêu diệt hệ thống phòng không của Ukraine, nhưng cuối cùng lực lượng Nga tiến quân mà không hề được hỗ trợ không lực.
Sai lầm này có thể xảy ra do các cấp chỉ huy tin rằng họ sẽ không gặp bất kỳ sự phản kháng nào. Các chuyên gia quân sự vẫn không thể tin rằng Không Quân Ukraine vẫn còn hoạt động sau bảy tuần kể từ chiến tranh nổ ra.
6-Phạm vi tấn công quá rộng
Kế hoạch xâm lược ban đầu đến từ bốn hướng: từ phía Bắc tiến đến Kiev, từ phía Đông Bắc tiến đến Kharkiv, và từ bán đảo Crimea ở phía Nam.
Khi hướng đầu tiên bị đẩy lùi, lực lượng này bị rải rác dọc theo biên giới Ukraine, khiến họ phải tiết kiệm lượng quân nhu ít ỏi.
Theo quy tắc “tỉ lệ lực lượng” của các chiến lược gia, lực lượng xâm lăng cần 20 quân lính cho mỗi 1,000 người dân của quốc gia bị tấn công. Với dân số của Ukraine, Nga sẽ phải điều động 880,000 quân, nhận định của ông Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng khoa nghiên cứu chiến tranh tại King’s College London. Nga chỉ điều binh theo tỉ lệ bốn trên 1,000 để xâm lăng Ukraine.
Bà Ursula von der Leyen (giữa), chủ tịch Liên Âu, đến thị sát cảnh chôn tập thể người dân thành phố Bucha bị quân Nga thảm sát. (Hình: Sergei Supinsky/AFP via Getty Images)
7-Sử dụng thiết bị truyền tin liên lạc không bảo mật
Lực lượng Nga phát động một cuộc chiến tranh lớn, nhưng lại giao tiếp bằng điện thoại di động và thiết bị vô tuyến lỗi thời. Quân đội Ukraine có thể nghe lén và nắm được mọi hành động của Nga để phục kích.
Một viên chức phương Tây giấu tên tiết lộ rằng một vài tướng Nga thiệt mạng tại Ukraine vì sai lầm này.
Hệ thống liên lạc của quân đội Nga dễ truy cập đến mức một số người dân có đam mê với lĩnh vực vô tuyến cũng có thể nghe lén các cuộc nói chuyện giữa cấp chỉ huy và binh lính.
8-Hành quân mà không có mệnh lệnh rõ ràng
Quân đội Nga dựa vào cấu trúc chỉ huy và kiểm soát tập trung khiến lực lượng của họ không thể nhanh chóng ứng biến vì phải chờ mệnh lệnh từ chính quyền Moscow (và như đã đề cập ở trên, qua kênh giao tiếp không bảo mật).
Khác với Mỹ và các quốc gia phương Tây, quân đội Nga không có hệ thống hạ sĩ quan thâm niên, vì vậy, khi mệnh lệnh ban đầu gặp trở ngại, quân lính trở nên bị động hoàn toàn, theo Trung Tướng Mark Hertling, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Châu Âu
Nhân viên Ukraine dọn dẹp xác xe tăng Nga bị tiêu diệt tại ngoại ô thủ đô Kiev. (Hình: Genya Savilov/AFP via Getty Images)
9-Không có kế hoạch dự phòng
Nga thật sự không hề lường đến trường hợp Ukraine kháng cự gay gắt, nên cũng chẳng bận tâm lập kế hoạch dự phòng.
Quân lính Nga chỉ biết tiến quân theo như mệnh lệnh, để rồi bị phục kích và dần bị lực lượng Ukraine tiêu diệt. Các đoàn xe thiết giáp được điều động không có bộ binh hỗ trợ trở thành mục tiêu dễ công kích cho quân Ukraine được trang bị vũ khí chống xe tăng Javelin của Mỹ.
Nhìn chung, các chuyên gia quân sự nhận xét rằng cuộc xâm lăng của Nga yếu kém ngay từ bước lập kế hoạch. “Sự yếu kém trong việc chỉ huy, kiểm soát và liên lạc là quá rõ ràng,” theo nhận định của cựu Trung Tướng Hertling. (MPL)
NNDi4/22/22
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét