Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Một Thành Tôn khác - Trần Yên Hòa


(từ trái, đạm thach, trần văn nam, trần yên hòa, đặng hiền, thành tôn, chị thành tôn, tại tư gia thành tôn) Trong chuyến định cư sang Mỹ theo diện HO, gia đình nhà thơ Thành Tôn ra đi rất trễ, năm 1996. Trong hành lý mang theo, ông ưu tiên nhất là 2 va ly sách đầy, toàn là những sách cũ của các nhà xuất bản tiếng tăm một thời ở Sài Gòn trước năm 1975, đó là những nhà xuất bản Lá Bối, An Tiêm, Giữ Thơm Quê Mẹ...Và sách của các tác giả, nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, quen biết với Thành Tôn. Như vậy để biết Thành Tôn yêu sách đến mức nào.
<!>
Tôi với Thành Tôn đã kết thân từ hơn hai mươi năm qua, tôi coi Thành Tôn như người anh, vì tôi biết những tính tốt của anh đối với bạn bè. Và anh cũng coi tôi như một người em, vừa đồng môn, vì học cùng trường thời trung học, vừa cùng quê, vừa là bạn văn, nên nhiều khi chúng tôi tâm sự thật lòng.

Nên, nhân đây, tôi cũng xin ghi lại một chút về tình thân của chúng tôi.

Tôi "biết" Thành Tôn trước khi "quen".

Trước năm 1975, Thành Tôn đã có những bài thơ đăng ở các tạp chí văn học giá trị ở Sài Gòn, lại xuất bản tập thơ "Thắp Tình" nữa, nên tên tuổi Thành Tôn trong giới văn học, ai cũng biết.

Tuy vậy, mãi đến những năm qua Mỹ, tôi mới gặp Thành Tôn bằng xương bằng thịt.

Với Thành Tôn, ai cầm bút viết được, ở mọi lãnh vực, anh đều trân quý...Đã là người viết, tác phẩm dù có giá trị hay không, nếu có Thư Mời anh tham dự Ra Mắt Sách, anh đều đến tham dự, và mua sách ủng hộ. Anh nói, mua để giữ làm tài liệu, nhưng thật ra thì anh mua ủng hộ thôi, để tác giả thu lại tiền in ấn.

Còn những quyển sách giá trị, bằng bất cứ giá nào, dù ở VN hay ở Pháp, Úc, anh đều tìm mua cho bằng được, nếu khó quá, anh biết ai có sách, anh mượn về copy toàn quyển sách để cất giữ.

Đối với các bạn văn lớn tuổi hơn, hiện sống ở Little Sài Gòn, anh thường đến thăm và sẳn sàng giúp đỡ, chở đi bác sĩ, hướng dẫn về việc xin phúc lợi An Sinh Xã Hội, Ngân Hàng...hay đi cà phê. Đã nhờ anh giúp đỡ, không bao giờ từ chối.

Còn các bạn văn ở xa, cùng thời với anh, anh điện thoại thăm hỏi thường xuyên, có thể hàng tuần...Các bạn văn xa, xa Little SG, nam Cali, muốn biết sinh hoạt văn học nghệ thuật ở thủ đô nhỏ này ra sao, anh đều vui vẻ kể cho bạn nghe, hay nghe bạn kể, có lúc cuộc trò chuyện, tâm sự lên đến ba chục phút hay cả tiếng đồng hồ.

Cho nên các bạn văn ở xa, về Sài Gòn Nhỏ, thường đều gọi Thành Tôn, anh rất vui vẻ, hạnh phúc gặp lại bạn và thường hẹn nhau chiêu đãi cà phê.

Được ngồi cà phê hay lai rai với anh ai cũng đều rất vui, đều nhận thấy cái thực lòng ở anh....

Đôi khi đã có chút hơi cay vào, Thành Tôn ăn nói cũng "lớn tiếng" lắm. "Lớn tiếng" chỉ thuần theo nghĩa đen, nghĩa là giọng anh còn rặt giọng Quảng Nam, nên anh nói thường to hơn người khác. Những lúc đó, anh vui kể chuyện, những giai thoại Bùi Giáng ở quê, ngày còn nhỏ. Bùi Giáng là lứa tuổi với cha anh, nhưng lại muốn kết bạn với anh. Rồi những "tật" của Bùi Giáng, trong đời thường và trong thơ văn, anh lại đọc mấy câu thơ của Bùi Giáng...Giọng Thành Tôn to, lớn, câu chuyện kể khá hấp dẫn khiến ai cũng muốn nghe...Nhiều người ngồi bàn bên, có thể không hiểu, tưởng là anh đang cải lộn. Nhưng không, đó là anh thể hiện tính "ăn to nói lớn" thôi.

Anh hiền, rất hiền. Anh chơi với ai cũng được, chưa bao giờ làm mất lòng ai. Đã nhiều lần anh nói: "Chơi với bạn, mình chỉ nhìn vào cái tốt của bạn đó thôi." Nên anh hoàn toàn là bạn của tất cả anh em văn nghệ.

Nhiều lúc ngồi với nhau cà phê, Thành Tôn kể về những ngày lính tráng của anh.

Thời gian trước 1975, ngoài công việc là sĩ quan quân đội, Thành Tôn còn là người đứng ra phát hành sách cho các nhà xuất bản như Lá Bối, An Tiêm, Giữ Thơm Quê Mẹ...

Anh là người yêu sách, và là bạn với các chủ nhà xuất bản trên, anh đã đứng ra phát hành sách đến các tiệm sách ở Tam Kỳ, Quảng Tín, Quảng Nam, Hội An, Đà Nẵng,...nhiều khi ra đến tận Huế. Những chủ nhà xuất bản này đều tin cậy Thành Tôn.

Sau này, qua Mỹ, anh có gặp lại các ông Thanh Tuệ (chủ nhà xuất bản An Tiêm...từ Pháp qua, và bị bịnh mất ở Mỹ), ông Võ Thắng Tiết, chủ nhà xuất bản Lá Bối trước 1975, và Văn Nghệ ở Mỹ sau này. (Nam Cali).

Đến nhà Thành Tôn, một căn Apt nhỏ, 1 phòng, cho hai vợ chồng. Nhà anh đúng là một thư viện sách. Ngoài sách ra, trên kệ cao, anh còn lập một bàn thờ, thờ ba người bạn văn quá cố, đã có một thời gắn bó với anh. Đó là nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Võ Phiến và Họa sĩ Đinh Cường.

Trong thời gian qua, Thành Tôn đã thực hiện cho nhà thơ Đạm Thạch một tập thơ bằng lối thủ công, cắt những bài viết về Đạm Thạch và thơ Đạm Thạch, làm thành một tập dày khoảng 150 trang, gởi biếu gia đình Đạm Thạch và những bạn thân.

Rồi khi nhà thơ Trần Văn Nam mất, Thành Tôn cũng thực hiện một tập thơ Trần Văn Nam, cũng bằng lối cắt ghép rồi copy lại đóng thành tập, anh in khoảng 40 cuốn dành cho gia đình Trần Văn Nam biếu cho thân hữu nhân ngày giỗ đầu của anh Trần Văn Nam.

Tấm lòng ấy thật là đáng quý.

*

Chuyện vợ chồng Thành Tôn và chị Phan Thị Trinh đã gắn bó hơn sáu mươi năm, một tình yêu, một người yêu...suốt trong thời gian dài như vậy, không suy suyển. Trung Thành và Duy Nhất. Một và chỉ Một mà thôi.

Chuyện này, nói thì dễ, nhưng thực hành (cũng, hơi) khó, nhất là đàn ông ở tuổi thanh niên, trung niên...có chức có quyền một tí, lại là nhà thơ nổi tiếng nữa...ai cũng có chút tình ngoài...Nhưng với Thành Tôn và Phan Thị Trinh thì đúng là một và chỉ một mà thôi.

Hai người yêu nhau từ ngày còn là học sinh, cùng lớp, cùng trường. Yêu nhau rồi lấy nhau và gắn bó với nhau suốt gần sáu mươi năm. Khi đi lính, chàng đóng ở một phương, nàng làm công chức ở một phương khác, nên chỉ gặp nhau cuối tuần hay một, hai tuần mới về thăm nhau một lần. Rồi đến ngày chàng đi cải tạo, chàng ở tù ròng rả suốt gần chín năm ngoài Bắc, còn nàng ở nhà lo làm ăn, nuôi con, nuôi chồng, cơm đùm cơm gói thăm nuôi chồng. Mãi sau 9 năm xa cách, vợ chồng mới đoàn tụ. (theo Thành Tôn, những ngày đi tù ngoài bắc, khi đi đốn gỗ, anh bị cây ngã đè bị thương ở đầu và tay, nên bây giờ tay anh viết bị run, đầu anh không tập trung, nhớ cái được cái mất, nên anh không làm thơ nữa là vì vậy).

Viết bài này tôi muốn không đề cập đến chuyện Thơ, nhưng khi nói đến tình yêu, thì cũng nên nói chuyện thơ của chàng một chút.


Bài thơ Nói Với Cô Bé Ngồi Quán của Thành Tôn, trong tập Thắp Tình như sau:

Vào đây, ghế quạnh, khuya người
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian
Quầy trơ, mắt bé ngỡ ngàng
Thuyền ai đổ bến, lòng nàng bâng khuâng

Hồn ta trải gió đầy sân
Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao
Vào đây bàn nhẵn, câu chào
Quen như thân thể, lạ nào chén ly

Đời nhau, khói thuốc quên đi
Bên tai cổ nhạc lầm lỳ canh tân
Trên kia dáng bé tần ngần
Lời yêu chậm nói, tình gần tay trao

Vào đây đèn đủ hanh hao
Bóng ai theo đến kẻ nào quay lui
Cúi đời trên chén ly, khuya
Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng

Ngồi thầm, góc quán mông lung
Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai
Vào đây nhạc đĩa đầy vai
Vòng quay nhịp lặp, kim mài giọng quen

Mòn hao sợi tóc trăm năm
Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau
Ngậm lòng, quán vắng, ơn nhau
Ly trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn

Vào đây như một đức tin
Khói tan đốm thuốc, đời vin tay nào
Miệng cười kín nụ lao đao
Tình chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai

Trách gì ý lỡ, lời sai
Cho nhau góc quán đêm dài dung thân
Thôi em trả đó tình gần
Ta xin bóng chiếc, đời cần nhau, đâu ?

Vào đây, ghế quạnh, khuya nhàu
Tình như cổ tích đời sau kể thầm.

Theo Thành Tôn, đây chỉ là hình ảnh cô bé bán quán cà phê ở gần Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Tín, nơi anh làm việc. Đó là những buổi trực khuya cùng bạn lính, rủ nhau đi cà phê, vào ngồi quán này. Cái rung động với cô bé ngồi quán trong bài thơ, chỉ là rung động tự nhiên về vẻ đẹp của thiếu nữ...Chứ không phải cho một người con gái nào hiện thực cả...

Đây là một bài lục bát hay, rất hay, theo tôi. Thành Tôn dùng từ lạ, ý lạ (ghế quạnh, khuya người, nhạc đời nhân gian, quày trơ, trải gió, đủ hanh hao, cúi đời, mưng máu chậm, bừng tim gan, khuya nhàu...). Cách chấm câu, dấu phết, rất mới (vào những năm 1968 - 1969...mà dùng từ như thế này thì quá mới).

Tôi rất thích bài thơ này, và có thể nói rằng, đây là một trong những bài lục bát hay nhất VN.

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét