Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Lời Gió Qua Phone - Vĩnh Lập


Tôi bị tim mạch đã lâu, thỉnh thoảng trở chứng phải nằm nhà thương. Cách đối xử không “pro” của nhân viên, y tá và bác sỹ trong các bệnh viện Việt Nam đã nổi tiếng rồi, khỏi phải bàn thêm. Nhưng đó là các bệnh viện công. Tôi nằm bệnh viện tư nên nói gì cũng đỡ hơn, nhưng khi vào vẫn không dám hy vọng gì nhiều. Chăm sóc tôi là một cô y tá, không đẹp không xấu, có thể nói là quê mùa. Ngày đầu cô đem thuốc cho tôi. Sáng hôm sau tôi bảo có một loại thuốc tôi đã uống ở nhà trước khi tới đây nên thấy không cần uống thêm nữa và định vất đi. Cô nhẹ nhàng nói, bác cứ trả lại cho cháu để cháu kiếm cách trừ tiền lại cho bác.
<!>
Nằm kéo cái áo khoác che mắt dỗ giấc ngủ ở bệnh viện, tôi bỗng cảm thấy như có ai vừa mới lướt qua, một cơn gió thoảng qua mặt như thì thầm. Chỉ là ảo giác thôi. Tôi biết thế, nằm nhà thương một mình, không người thân bên cạnh, đôi khi ảo giác như thế cũng không lạ. Nhưng lần này, có lẽ tôi bị ám ảnh bởi một phim tài liệu trên đài NHK Nhựt Bổn mới xem cách đó một tuần trước khi nhập viện. Phim kể về một buồng điện thoại màu trắng, đứng lẻ loi trên ngọn đồi nhìn ra biển ở thị trấn Otsuchi, Đông-Bắc nước Nhật. Buồng điện thoại chỉ có một cái phôn quay số cũ, nhưng không có kết nối.

Những người có thân nhân chết hoặc mất tích trong trận sóng thần năm 2011 có thể đến đó “nói chuyện” với người thân của họ. Đáp lại những tiếc thương, nhung nhớ, tâm sự, tiếng khóc… chỉ có tiếng rì rào của gió, tiếng sóng của biển, tiếng hót của chim… Họ gọi đó là The Phone of the wind (Lời gió qua phone).
Trong những người tới sử dụng cái “phôn gió” này, nhóm làm phim chọn ra một vài trường hợp tiêu biểu để đi vào chi tiết trong cuộc sống của gia đình các nạn nhân. Điển hình, nhóm chọn phỏng vấn một góa phụ không con, chồng mất tích, hằng ngày đi về, ăn uống một mình đối diện với cô đơn. Hoặc về một gia đình có người chồng chạy xe tải. Nghe tin có sóng thần, trên đường lái xe về lo cho gia đình, ông bị nước nhận chìm chết mất xác, để lại một vợ ba con. Đứa út chừng 7, 8 tuổi. Khi mọi người dùng phone “nói chuyện” với người đã khuất, cậu bé vẫn thơ thẩn nhìn trời đất. Đến khi mẹ nó bảo, ai cũng đã nói chuyện với cha rồi, còn con, con muốn nói gì với cha không. Cậu bé nhìn mẹ ngẩn ngơ. Hình như nó bắt đầu chợt nhận ra điều gì đó, rồi bỗng òa khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc như bao nỗi buồn, tiếc thương bị dồn nén che giấu bấy lâu nay vỡ bờ tuôn ra cùng một lúc. Cậu bé nấc lên từng cơn. Mọi người trong gia đình đứng nhìn để cho cậu bé khóc, tự nó một mình với nỗi đau. Camera vẫn lạnh lùng quay. Nỗi đau được diễn tả đến tận cùng, tưởng như có thể chạm tay vào được.

Nằm bệnh viện cũng là cơ hội để ngẫm lại đời…
Thấy tôi một mình, cô y tá quê mùa đôi lúc nán lại ân cần thăm hỏi tình cảnh, gia đình, công việc… Khi xuất viện, tôi tìm cô để chào từ biệt, cô nhẹ nhàng nói, cháu không mong gặp lại bác vì không ai mong thấy nhau ở nhà thương, nhưng nếu có gặp lại thì cháu mong bác sẽ đi với một người nữa để cùng cháu chăm sóc cho bác.
Một người Nhật nào đó đã lập ra buồng điện thoại màu trắng để “trò chuyện” với người thân. Rồi thân nhân của nạn nhân sóng thần cũng đã tìm đến đấy. Mất mát nào không muốn được vơi đi? Cô đơn nào không cần được chia sẻ? Lời gió trong phone đã cuốn theo chút muộn phiền của đời người. Lời thăm hỏi chân tình của cô y tá đã thu hẹp khoảng trống vắng của bệnh nhân.

Tại một bệnh viện khác, “… Xin mời khách hàng số 1162 đến quầy số 3”, giọng nói digital vô cảm qua loa lập đi lập lại. Khách đến quầy, cũng đối diện với khuôn mặt vô cảm và tờ hóa đơn. Robot dần dần thay thế con người trong nhiều công việc. Con người tương tác với robot, và rồi con người cũng sẽ tương tác với nhau như robot. Văn minh phải chăng là ảo ảnh?
Người ta có thể bỏ tiền ra mua những dịch vụ thượng đẳng, nhưng khách hàng vẫn cảm nhận được một nụ cười vô cảm và thái độ phục vụ chân tình. Tiền liệu có thể mua được mọi thứ?
Trong kinh doanh, người ta hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Có gì hơn thế nữa không?
Nhập viện, xuất viện, viện phí đã thanh toán xong, nhưng mỗi khi nghĩ đến buồng điện thoại màu trắng trên ngọn đồi gió lộng ở Otsuchi, tôi lại thấy mình như còn mắc nợ cô y tá quê mùa của hai năm về trước – Nợ lời thăm hỏi ân cần.

Vĩnh Lập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét