Chụp lại hình ảnh, Xe tăng của quân đội Bắc Việt Nam tiến vào Sài Gòn
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua sau ngày 30/4/1975, song những gì diễn ra trong thời khắc định mệnh của VNCH vẫn có những điều người Việt gần như coi là "đương nhiên xảy ra", nhưng các nhà nghiên cứu nước ngoài lại có lý giải khác. Đó là câu hỏi cùng sự tiến quân của các đơn vị quân đội Bắc VN và lữ đoàn xe tăng tới tận Dinh Độc Lập, vì sao Sài Gòn thoát khỏi sự tàn phá, đổ vỡ ra sao. Nhà báo Pháp Jean Lartéguy trong L'Adieu à Saïgon (Presses de la Cité 1975. Bản tiếng Việt: Vĩnh biệt Sài Gòn đã in ở VN năm 1991), viết về câu chuyện này, tôi xin trích để nhắc lại vai trò không thể bỏ qua của một nhân vật lịch sử, Đại tướng VNCH Dương Văn Minh:
"Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tướng Minh đã là diễn viên và nhân chứng trong những giờ phút chót của Sài Gòn và họ đã kể cho tôi nghe những giờ chót ấy.
Số phận của Sài Gòn đã được định đoạt như dưới đây, trong vòng vài phút, khoảng từ 10 giờ 30 tới 11 giờ sáng ngày 30/04.
Chụp lại hình ảnh,
Trụ sở Quốc Hội (sau gọi là nhà Hạ Nghị Viện) có mặt tiền hướng ra Công trường Lam Sơn và đường Đồng Khởi quận 1. Sau năm 1975 đổi thành Nhà hát Thành Phố
Cũng không phải Sauvagnargues hoặc Mérillon đã cứu Sài Gòn, khi bứt ông Hương thống khổ ra khỏi chiếc ghế tổng thống. Cứu tinh của Sài Gòn, đó là Tướng Dương Văn Minh. Lúc này là 10 giờ 15. Trên đài phát thanh, Tướng Minh phổ biến lệnh đầu hàng không điều kiện:
"Đường lối chính trị mà chúng tôi trù liệu, là hòa giải giữa những người Việt Nam, để tránh đổ máu vô ích. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu anh em binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chấm dứt những sự thù địch trong bình tĩnh và tôi yêu cầu họ ở đâu hãy ở đó".
"Tôi yêu cầu những người lính anh em của Chính phủ Cách mạng Lâm Thời ngưng những sự thù địch. Chúng tôi chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam, để cùng nhau thảo luận về lễ chuyển giao quyền hành trong trật tự, tránh mọi sự đổ máu vô ích cho nhân dân."
Một người ngoại quốc khác, nhà báo Paul Dreyfus chia sẻ cảm nghĩ tương tự như Jean Lartéguy:
"Bằng việc gạt qua cá nhân mình, Minh đã chấp nhận trong con mắt của lịch sử, là một viên tướng đầu hàng không điều kiện, để tránh cho đất nước của ông những đớn đau không cần thiết". (Et Saigon tomba.1975).
Vậy với chúng ta, chuyện gì đã diễn ra trong thời điểm từ 10h30 đến 12h15?
"… Ngồi ở góc bàn, Vũ Văn Mẫu gấp rút thảo lời kêu gọi ngừng bắn. Rồi Mẫu và Minh ngồi vào trong xe đi tới đài phát thanh. Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền lui vào một phòng nhỏ để cầu nguyện. Cả ba người biết rằng, lực lượng cộng sản đã sẵn sàng tàn phá Sài Gòn, nếu mọi sự kháng cự không chấm dứt ngay...Người bên kia sợ hãi cái thành phố này. Họ muốn Sài Gòn phải mang thương tích và quì gối đầu hàng.
Minh và Mẫu vừa mới quay trở về (từ Đài phát thanh Sài Gòn), thì nhìn thấy những chiếc xe thiết giáp ở bãi cỏ. Không phải là những xe tăng cộng sản mà họ chờ đợi, mà là ba xe tăng M-48 của quân đội Nam Việt Nam. Vài sĩ quan trẻ tuổi vừa từ trên tháp xe nhảy xuống. Họ từ chối đầu hàng. Họ muốn tiếp tục chiến đấu vì danh dự, vì họ từ chối chủ nghĩa cộng sản. Họ đâu thèm bận tâm đến việc họ có thể bị chôn vùi dưới những đống gạch vụn đổ nát của Sài Gòn?
Tướng Minh chỉ còn có vài phút để thuyết phục các sĩ quan này. Đại bác 130 và những giàn phóng hỏa tiễn 122 ly Bắc Việt đã đặt sẵn xung quanh thủ đô".
Chụp lại hình ảnh,
Một số cuốn sách Pháp về sự kiện 30/04/1975
Giờ phút chấp nhận bước vào Dinh Độc Lập, Tướng Minh đã hiểu, ông không còn một đường nào khác là chấp nhận đầu hàng, "một sự thật không vui thú gì", như ông nói.
Có nên gọi đó là sự quả cảm? Tướng Minh không những phải giáp mặt với sự trả thù của phe thắng, mà còn có thể bị xử bắn bởi chính những binh sĩ VNCH không muốn buông súng. Đó là sự thật.
"Dùng uy tín của người cựu chỉ huy, của vị tướng thật sự đã tạo dựng quân đội Nam Việt Nam, với giọng nói oai nghiêm của người cha răn dạy những đứa con ngỗ nghịch, Minh Lớn cảm phục lòng can đảm của các sĩ quan trẻ tuổi, giải thích cho họ biết rằng nếu đánh nữa, thì binh sĩ chỉ làm tăng thêm sự bất hạnh cho đất nước. Họ còn được bao nhiêu người? Chừng hai ngàn người tất cả, những thành phần còn lại của một lữ đoàn Dù và Thiết giáp.
Đối mặt họ là 15 sư đoàn: hơn 100.000 người, các trung đoàn pháo, hỏa tiễn, pháo phòng không. Tất cả bọn họ đều sẵn sàng xung phong, chỉ mơ ước được nhào vào thành phố biểu tượng của chế độ thực dân và chế độ đế quốc. Để trừng phạt và tiêu diệt thành phố này, vì nó luôn luôn chối bỏ cộng sản. Tiếp tục chiến đấu là mắc mưu phía bên kia.
Các sĩ quan đã hiểu và họ trở về đơn vị để thuyết phục các thuộc cấp ngưng chiến đấu. Cũng có nhiều người sẽ đi về vùng đồng bằng để lập chiến khu. Những kẻ chiến thắng có thể tiến vào Sài Gòn được rồi.
Sau khi kêu gọi ngưng bắn và kêu gọi quân lực VNCH buông súng, trước khi xe tăng cộng sản tiến vào dinh, ông ta tuyên bố với một trong những người ký giả cuối cùng mà ông ta đã gặp là Jean- Louis Arnaud của hãng AFP (Agence France Presse):
"Hôm nay hoặc ngày mai, tôi chờ họ. Phải làm như vậy. Phải cứu lấy những mạng người, những mạng người Việt và cả Pháp nữa. Hãy kể lại cho Đại sứ Pháp nghe rằng ông đã trông thấy tôi ở đây".
Lúc 12 giờ 15 phút, chiếc xe jeep cắm cờ chạy trên đường Catinat tới, tiếp theo là những xe vận tải Molotova chở đầy binh sĩ bộ binh.
Trên bao lơn, cờ Việt Cộng được được kéo lên trước mặt tiền của Dinh. Sài Gòn bị chiếm và không bốc cháy. Chỉ thiếu chút nữa thôi" (Sđd).
Vai trò của Tướng Minh trong việc chấm dứt cuộc chiến:
Tướng Minh đã không như các tướng lĩnh Sài Gòn khác, những kẻ bỏ rơi đồng đội trong cơn hoạn nạn.
"Vũ Văn Mẫu cho chúng tôi biết là sự đe dọa ấy có thật. Ông ta và tướng Minh bị cầm tù 48 giờ trong dinh và một trong những sĩ quan Bắc Việt canh giữ họ, cấp đại tá hay cấp tướng gì đó, đã nói:
"Chúng tôi được lệnh bắn Sài Gòn từ 11 giờ sáng nếu mọi sự kháng cự không ngưng. Thành phố đã được chia ra làm 30 ô vuông. Mỗi ô vuông sẽ lãnh 100 hỏa tiễn và 3.000 đạn đại bác 130 ly".
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Dương Văn Minh (đeo kính, cúi đầu) bị bộ đội cộng sản đưa đi
"Sau đó, chúng tôi sẽ xung phong. Chúng tôi biết sẽ có những trận đánh dữ dội trong thành phố và có một số đơn vị nhất quyết chiến đấu tới cùng.
Chúng tôi dự trù những cuộc chiến đấu ấy kéo dài bảy ngày, từ 30 tháng 4 tới 7 tháng 5, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tới lúc đó, chúng tôi sẽ làm chủ Sài Gòn, mọi sự kháng cự sẽ ngưng."
Vũ Văn Mẫu nói thêm:
"Tướng Minh và tôi biết rằng những cuộc chiến đấu ấy vô ích, vì sẽ gây ra cho 250.000 đến 300.000 thường dân thương vong và chết. Một phần lớn Sài Gòn sẽ bị tiêu hủy, vì những đám cháy không gì có thể dập tắt được. Rất nhiều chung cư ở Sài Gòn đều làm bằng gỗ và tệ hại là cảnh sát cũng như mọi lực lượng an ninh đều đã biến mất".
"Tại Tân Sơn Nhất, những xác chết mà chúng tôi nhìn thấy ngày hôm qua vẫn còn đó và bốc lên những mùi hôi thối. Nhưng những đám cháy đã được dập tắt rồi.
Một xe tăng do Mỹ sản xuất và một xe tăng Liên Xô (sản xuất) đối diện nhau. Cả hai cùng bị phá hủy. Hai xe đã bắn nhau rất gần. Cuộc đấu súng kỳ lạ này diễn ra sáng nay. Hai cái xác xe còn bốc khói. Ở trong xe, những xác người cháy thành than.
Binh sĩ Dù đã tiêu diệt năm xe tăng Nga T-54 nặng năm mươi tấn, tất cả còn đang bốc cháy. Một chiếc tăng nổ tung với tất cả đạn dược trong xe. Chúng tôi chỉ kịp đậu xe lại để tránh. Gần Lăng Cha Cả, những binh sĩ Dù đã đánh trận chót. Họ chiến đấu tới 11 giờ 30, cho tới khi các cấp chỉ huy của họ từ cuộc gặp gỡ đau thương với Tướng Minh trở về, thuyết phục họ nên bỏ cuộc chiến" (Sđd - L'Adieu à Saïgon).
Sài Gòn thất thủ ngày 30/04/1975 là một trong những sự kiện chấn động thế giới ở thế kỷ trước, có lẽ ngang sự kiện quân đội của Mao Trạch Đông tiến vào Bắc Kinh sau thắng lợi trong Nội chiến năm 1949.
Thời điểm đó, ở mảnh đất xa xôi Trung Hoa, có rất ít người phương Tây được tận mắt nhìn những gì thật sự xảy ra. Còn cuộc chiến Việt Nam đã là "chiến tranh truyền hình" và ở Sài Gòn con số những nhân chứng cho sự kiện này ngày 30/04 có tới 125 phóng viên phương Tây.
Ngày nay nhìn lại, chỉ cần đào xới một chút thôi những di chỉ ký ức mà họ để lại, chúng ta sẽ thấy các góc nhìn khác, đầy đủ hơn về vai trò của các nhân vật miền Nam cũng như miền Bắc VN trong cuộc chiến khủng khiếp nhất của dân tộc này gánh chịu trong Thế kỷ 20.
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét