Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

KHI GIỚI KHOA HỌC NGA LÊN TIẾNG... - Chân Vũ (dịch)

Pháo đài Ngư phủ (Halászbástya), một biểu tượng của thủ đô Budapest được khoác lên mình màu cờ Ukraine để bày tỏ tình đoàn kết, cảm thông và chia sẻ với người dân nước này trong cuộc kháng chiến vệ quốc chống quân xâm lược Nga - Lời Tòa soạn: Cuộc chiến tổng lực do Liên bang Nga nhằm vào Ukraine, một quốc gia độc lập và có chủ quyền, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới. Tại đa số các thành phố lớn, đã diễn ra những cuộc biểu tình, tuần hành đứng về phía Ukraine. Nhiều công trình mang tính biểu tượng của các đô thị, các đất nước trên toàn thế giới được treo cờ, hoặc khoác lên mình màu cờ Ukraine, như một sự chia sẻ, đồng cảm và khích lệ với quốc gia Trung Âu đang phải hứng chịu cuộc chiến khốc liệt và không hề cân sức này.
<!>
Đáng kể nhất là sự lên tiếng của chính người dân Nga và giới trí thức khoa bảng nước này, được thể hiện qua nhiều cuộc biểu tình và thư ngỏ... trên mạng. “Thư ngỏ của các nhà khoa học và các nhà báo khoa học Nga phản đối chiến tranh Ukraine” là một ví dụ điển hình.

Trân trọng giới thiệu tới độc giả bản dịch văn kiện quan trọng này, được thực hiện ngay trong hầm trú ẩn để tránh bom đạn Nga bởi Chân Vũ, một nhà bình luận và quan sát độc lập, hiện đang sinh sống tại Kharkiv, thành phố miền Đông Ukraine, cách biên giới Nga hơn 40 km!


Dịch giả Chân Vũ tại tầng hầm trú ẩn, Kharkiv rạng sáng 26/2/2022 - Ảnh do nhân vật cung cấp

THƯ NGỎ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC VÀ CÁC NHÀ BÁO KHOA HỌC NGA PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH UKRAINE

Chúng tôi, các nhà khoa học và nhà báo khoa học, tuyên bố cương quyết phản đối các hành động chiến tranh do các lực lượng vũ trang của đất nước chúng ta gây ra trên lãnh thổ Ukraine. Hành động tội ác này đang đưa đến những thiệt hại to lớn về người và đập đổ nền tảng của hệ thống an ninh quốc tế đã được thiết lập. Trách nhiệm của kẻ gây nên một cuộc chiến tranh mới này ở Châu Âu hoàn toàn thuộc về Nga. Không có lời biện minh hợp lý nào cho cuộc chiến này.

Những nỗ lực lợi dụng tình hình ở Donbass làm nguyên cớ để phát động cuộc tấn công Ukraine không tạo dựng được bất cứ sự tin tưởng nào. Hoàn toàn rõ ràng là Ukraine không gây ra mối đe dọa nào cho an ninh của đất nước chúng ta. Cuộc chiến tranh chống Ukraina là không công bằng và rõ ràng là vô nghĩa.

Ukraine đã là và vẫn là một đất nước gần gũi với chúng ta. Nhiều người trong chúng ta có anh em họ hàng, người thân, bạn bè và đồng nghiệp khoa học đang sống ở Ukraine. Cha, ông và cụ của chúng ta đã cùng với người Ukraine chiến đấu chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Phát động cuộc chiến tranh vì những tham vọng địa chính trị của giới lãnh đạo Liên bang Nga, được thúc đẩy bởi những tưởng tượng lịch sử đáng nghi ngờ, là một sự phản bội giễu cợt đối với ký ức họ.

Chúng tôi tôn trọng lựa chọn chế độ chính trị nhà nước của Ukraine, dựa trên các định chế dân chủ đang thực sự hoạt động. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với lựa chọn Châu Âu của các nước láng giềng. Chúng tôi tin tưởng rằng mọi vấn đề trong quan hệ giữa hai nước chúng ta có thể giải quyết được bằng con đường hòa bình.


Căn hầm trong nhà khi xây dùng để chứa rau quả cho mùa đông, nay được biến cải thành hầm tránh bom cho một gia đình người Việt ở thủ đô Kiev - Ảnh: Facebook của nhân vật

Phát động chiến tranh, nước Nga tự mang vạ vào thân cho mình: bị cộng đồng quốc tế cô lập, tự đặt mình vào vị trí quốc gia bị cả thế giới ghét bỏ. Điều đó có nghĩa là, chúng tôi, các nhà khoa học từ nay không thể làm công việc của mình bình thường được, bởi việc tiến hành các nghiên cứu khoa học không có ý nghĩa, nếu thiếu vắng sự hợp tác đầy đủ với các đồng nghiệp từ các nước khác.

Sự cô lập của nước Nga với thế giới cũng đồng nghĩa với sự tiếp tục thoái hóa văn hoá và công nghệ của đất nước chúng ta, không còn hy vọng vào tương lai. Chiến tranh chống Ukraine - đó là con đường dẫn tới ngõ cụt!

Chúng tôi vô cùng chua xót hiểu rằng, Liên bang Nga là nước đã góp phần quyết định vào chiến thắng chủ nghĩa Quốc xã, nay lại trở thành kẻ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới trên lục địa Châu Âu. Chúng tôi đòi hãy dừng ngay lập tức tất cả các hoạt động chiến tranh chống lại Ukraine.

Chúng tôi đòi sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước Ukraine. Chúng tôi đòi hòa bình cho hai đất nước chúng ta.

Chúng tôi tiếp tục nhận được các chữ ký, và sẽ bổ sung vào danh sách.

Ghi chú (của người dịch):

(*) Cho đến hôm nay, 25/2/2022 đã có hơn 2.000 nhà khoa học và nhà báo khoa học ký vào Thư ngỏ này. Trong số đó, các viện sĩ, viện sĩ thông tấn các Viện Hàn lâm Khoa học Nga, các giáo sư, tiến sĩ khoa học... chiếm một tỉ lệ đáng kể.

Chân Vũ chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga, từ Kharkiv (Ukraine)


Thanh Phương - RFI

Đăng ngày: 02/03/2022 - 14:35


Hôm Chủ nhật, 27/02/2022, 3 ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lăng Ukraina, tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động, gián tiếp đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Tuyên bố này đã khiến dư luận châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung hết sức lo ngại.


Tên lửa liên lục địa ( ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga tại lễ diễn binh kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít trên Quảng trường Đỏ, Matxcơva, ngày 09/05/2016. AP - Alexander Zemlianichenko

Ngày hôm sau, 28/02, khi được hỏi là dân Mỹ có nên lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga hay không, tổng thống Joe Biden đã trả lời: “không”. Giống như khối NATO, Washington xem tuyên bố nói trên của tổng thống Nga mang tính “khiêu khích một cách vô ích và nguy hiểm”. Các quan chức bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh nguyên tử với Nga, vì theo họ, sau tuyên bố nói trên của ông Putin, phía Nga chưa có những hành động gì cụ thể theo hướng này. Cho nên, cả Hoa Kỳ lẫn NATO đều chưa thay đổi quy chế của lực lượng hạt nhân của mình.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng không nên xem thường lời đe dọa của chủ nhân điện Kremlin. Về mặt lý thuyết, cho tới nay, vũ khí hạt nhân chỉ là một vũ khí mang tính răn đe, tức là không sử dụng đến. Kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, tức là kể từ sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, 5 cường quốc Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc đều đã phát triển một lực lượng răn đe hạt nhân.

Tờ nhật báo kinh tế Pháp Les Echos hôm qua nhắc lại, vũ khí nguyên tử ngày nay không phải như thời Hiroshima. Các tên lửa bây giờ đều là tên lửa liên lục địa rất chính xác và được gắn nhiều đầu đạn hạt nhân, có thể vượt qua được hệ thống phòng không để phá hủy nhiều mục tiêu cùng một lúc. Nga hiện nay là cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, với tổng cộng khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân, và cũng là quốc gia đi đầu về công nghệ tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh.

Điều đáng nói là có sự khác biệt về chủ thuyết giữa Nga với các nước phương Tây, theo nhận định của nhà nghiên cứu Cyrille Bret, Viện Jacques Delors, trên tờ Le Journal du Dimanche hôm Chủ nhật vừa qua.

Chẳng hạn như đối với Pháp, việc sở hữu vũ khí nguyên tử chỉ là nhằm khiến cho kẻ tấn công không dám dùng đến vũ khí này, bởi lẽ trong trường hợp đó Pháp sẽ đáp trả cũng bằng vũ khí nguyên tử với sức tàn phá ghê gớm hơn nhiều. Trong khuôn khổ lực lượng răn đe hạt nhân, lúc nào Pháp cũng có ít nhất một tàu ngầm phóng tên lửa liên tục di chuyển và sẵn sàng phóng một tên lửa đạn đạo chiến lược M51 có thể mang đến 10 đầu đạn hạt nhân, với sức công phá mạnh gấp 1.000 lần quả bom Hiroshima. Pháp nói riêng và khối NATO nói chung luôn khẳng định vũ khí hạt nhân chỉ là vũ khí mang tính phòng thủ.

Nhưng đối với Nga, phạm vi sử dụng vũ khí nguyên tử rộng hơn. Chủ thuyết của họ là chỉ sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc để chống lại một mối đe dọa đến sự tồn tại của nước Nga. Nhưng theo nhà nghiên cứu Cyrille Bret, Matxcơva không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân tại các chiến trường và cũng như không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong một cuộc tấn công để chấm dứt nhanh chóng chiến sự.

Thật sự là bây giờ không ai biết rõ là Putin chỉ muốn hù dọa phương Tây, hay thật sự tính đến khả năng chiến tranh hạt nhân. Nên biết rằng ngay trong bài phát biểu sáng sớm ngày 24/02, khi thông báo khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, tổng thống Putin cũng đã ngầm đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân khi ông nói: những nước nào chống lại cuộc can thiệp của Nga sẽ hứng chịu những hậu quả “chưa từng được biết đến trong lịch sử”.

Nhưng rõ ràng là trước phản ứng vừa đồng lòng, vừa mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là của phương Tây, cũng như trước sức kháng cự quyết liệt của quân đội và người dân Ukraina khiến quân Nga không thể nhanh chóng đánh chiếm toàn bộ quốc gia này, ông Putin nay dùng đến tư thế của một cường quốc hạt nhân mong tạo một sức ép tâm lý áp đảo được đối phương.

Chiến tranh Ukraina càng kéo dài thì nguy cơ vũ khí hạt nhân càng cao. Nhưng theo nhà nghiên cứu Cyrielle Bret, các nước châu Âu không nên lo ngại đến mức không làm gì được, mà trái lại càng phải phải tỏ ra cứng rắn với Matxcơva, nhắc cho họ biết là các cường quốc hạt nhân khác sẽ không để yên cho Nga dùng đến vũ khí nguyên tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét