Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Ba tài năng gặp gỡ trong thuyền viễn xứ - Thy Mai Tran


1 – Huyền Chi (1934, hiện đang ở Saigon). 18 tuổi cô gái miền quan họ Hồ Thị Ngọc Bút (Khánh Ngọc) – Huyền Chi sáng tác THUYỀN VIỄN XỨ. Trong một lần trò chuyện hiếm hoi, ở tuổi U90, bà kể: „Cô buồn mà viết bài đó, trước khi sông Bến Hải chia đôi đất nước. Cô viết khoảng năm 1951-1952… Đà Giang là mình tưởng tượng thôi, chứ lúc viết thì không ra Bắc được. Hồi đó chính trị khó khăn nên mình không nói rõ hết mọi sự về thân phận của cô là người gốc Bắc”. Và, „Có người nghe bài hát của Phạm Duy phổ nhạc, hỏi rằng “cố lý” có phải một địa danh ở Bắc không, xin thưa, cố lý chỉ có nghĩa là quê xa thôi. Phù Lưu, Bắc Ninh mới là quê của tôi. Lúc nhỏ vì bố làm nghề hỏa xa nên năm nào cũng được ra Bắc nghỉ hè, về quê. Trong bài hát có hình ảnh mái đầu bạc là mô tả mẹ của cô”.
<!>

2 – Phạm Duy (1921 – 2013) – cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Ông được nhiều người đánh giá là nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt.

Theo Phạm Duy, tác giả của gia tài ca khúc đồ sộ – trong đó phải kể rất nhiều tác phẩm để đời từ thơ phổ nhạc. Lúc sau này, ông về Việt Nam, ông nói: “Bài nào viết ra tôi đều thích cả, nhưng trong đó “Thuyền viễn xứ” là một trong những bài tôi thích nhất. Tiếc là tôi không gặp lại được tác giả bài thơ hay đó. Nó là kỷ niệm của một thời đất nước loạn ly, những kẻ xa quê lòng luôn hướng về quê cha đất tổ“!

Nói lúc sau tức là nói chuyện ngày 28.4.1975 Phạm Duy bị quy là bồi bút, phản cách mạng,..v..v… và v..v… Thời điểm ấy, ông đang trên đường bôn tẩu sang Hoa Kỳ. Và, mãi đến năm 2005, sau nhiều lần được về thăm quê hương, ông chính thức trở về Việt Nam, sống tại Saigon – thành phố Hồ Chí Minh. 8 năm sau, ông vĩnh hằng yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Ông để lại khoảng hơn 2000 ca khúc do ông sáng tác hoặc viết lời.

Và, dưới đây là bài thơ Thuyền viễn xứ – tác giả Huyền Chi được thiên tài Phạm Duy phổ nhạc:

Ra khơi sương khói một chiều
Thuỳ dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhoà như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…

Có ý kiến cho rằng: „Như một sự đồng điệu đồng cảm của người phổ nhạc. Có thể vì Phạm Duy cũng là một người xa xứ, khi đọc được bài thơ cũng là lúc ông vừa giã từ quê hương miền Bắc để trở thành cư dân của Sài Gòn, nơi ông có thời hoạt động âm nhạc sôi nổi nhất“!

3 – Giọng ca vàng mười Lệ Thu

Thời MƯỜI NĂM Ở BẠC LIÊU, tôi có non một tuần cùng đoàn khảo sát lênh đênh sông nước từ bến tàu Hộ Phòng (gần nhà thờ Tắc Sậy) theo sông Gành Hào ra cửa lớn, rồi cứ thế men theo bờ Biển Đông xuôi xuống Hố Gùi, Khai Long, Viên An, thuộc về Mũi Cà Mau. Nhìn ra mênh mông biển, đảo Hòn Khoai trước mặt (Hòn Khoai, cách đất liền 14,6 km; nằm về phía nam xã Đất Mũi, thuộc huyện Ngọc Hiển) mà rưng rưng nhớ về đất liền, đất mẹ. Dù rằng tôi không phải là người trên hành trình viễn xứ. Và, ngày ấy bài hát Thuyền Viễn Xứ với giọng hát Lệ Thu (còn được gọi là „Giọng hát vàng mười“ hoặc „Giọng ca vàng ròng“ trước 1975) rất xa lạ với nhiều người, trong đó có tôi. Còn bây giờ,…

Mời những ai là fan hâm mộ hãy cùng tôi nghe Lệ Thu hát Thuyền Viễn Xứ (Thơ Huyền Chi, Phạm Duy phổ nhạc).

4 – Thay lời muốn nói

Có thể nói Huyền Chi, Phạm Duy và Lệ Thu cùng làm lên một Thuyền Viễn Xứ vượt thời gian, không gian mà đến với con người. Hãy giữ lấy nó và hãy khuếch trương nó. Hãy nói với những ai chịu khó nghe: Rằng, ca khúc bất hủ Thuyền Viễn Xứ sinh ra ở miền Nam Việt Nam, nó được khởi đầu từ bài thơ bằng tiếng Việt, giọng hát Việt, giai điệu âm nhạc Việt.

Lệ Thu nguyên danh là Bùi Thị Oanh, thánh danh Cecilia, sinh ngày 16 tháng 7 năm 1943 tại Hải Phòng (mất hồi 19h ngày 15 tháng 1 năm 2021 – giờ California, Hoa Kỳ).

Phạm Duy mất ngày 27 tháng 1 năm 2013, tại thành phố Hồ Chí Minh.
U90 Huyền Chi (sinh 1934) hiện đang ở Saigon.

Mới đó mà người đi kẻ ở, chớp mắt, thấm thoắt gần 70 năm,…!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét