Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

Thánh và Phàm - Đào Văn Bình

          (Đào Văn Bình)
Michael là một thanh niên thuộc trường phái vô thần (1), chuộng khoa học, chỉ tin cái gì có thể chứng minh được bằng khoa học, bằng luận lý, cho nên không tin có ma quỷ, thần linh, thượng đế. Là một tiến sĩ thiên văn học, ngày ngày theo dõi viễn vọng kính Hubble, quan sát cả tỷ tỷ ngôi sao trên Giải Ngân Hà (Milky Way) chàng không thấy một Thiên Đình nào do người Tàu bịa đặt ra, nơi Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự trị, có tiên nữ ngày đêm ca múa. Tuy nhiên còn Thánh thì vẫn còn hồ nghi cho nên tới hỏi một vị sư tu hành đắc đạo: “Thưa thầy con nghe người ta nói phàm-thánh. Vậy phàm là gì và thánh là gì? Thánh có phải là vị thần có phép mầu không?
<!>

Sư đáp bằng một bài kệ như sau:

Này người bạn trẻ:

Thánh nhân hầu như không còn ham muốn.
Thiện tri thức thì nhu cầu rất ít.
Còn phàm phu thì dục vọng quá nhiều.
Đề bồi đắp cho tấm thân tứ đại.

***

Tài sản của thánh nhân là trí tuệ. (2)
Di sản của thiện tri thức là những đóng góp cho đời.
Tài sản của phàm phu chỉ là vật chất.
Tiền của càng nhiều càng hãnh diện người ơi.

***

Thánh nhân sợ gieo nhân hái quả.
Thiện tri thức lo tu sửa tấm thân.
Còn phàm phu thì rất hung hăng.
Khi trả quả lại khóc than thảm thiết.

***

Thánh nhân thấy đời là huyễn mộng.
Cho nên chẳng mê luyến vào đời.
Kẻ trí thức thấy đời sao ngắn ngủi.
“Cảnh phù du trông thấy cũng mực cười”. (3)


Còn phàm phu nhìn thấy đời là thực.
Cái gì cũng ham vơ vét cho nhiều.
Khi chết rồi tay trắng buông xuôi.
Để lại hết chẳng mang đi cho được.

Trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời Phật dạy: (4)

“Tất cả những gì người ta nhận là “của tôi”
đều bị rời bỏ trong cái chết.
Biết như thế, người trí
không nên sống ích kỷ với những gì cho là “của tôi.”

***

Thánh nhân tưởng chừng như khờ dại.
Chẳng lao đầu vào chuyện thị phi.
Còn phàm phu thì rất thích hơn thua.
Tôi phải thắng dù đổi bằng sinh mạng.

***

Thánh nhân chịu nhẫn nhục mà không tranh cãi.
Ai chửi mình thì cũng nhịn mà thôi.
Kẻ phàm phu lại rất thích hơn đời.
Thích chửi rủa và hận thù dai dẳng.
Trong Kinh Nhật Tụng Sơ Thời Phật dạy:
“Bậc hiền giả không tham dự các cuộc tranh cãi khởi lên,
và do vậy, dù đi bất cứ nơi nào cũng không vướng bận.”

***

Này người bạn trẻ:

Bậc trí thức ưa sống đời ẩn dật.
Còn phàm phu thì thích chỗ đông người.
Bậc thánh nhân không nói lời vu khoát. (5)
Còn phàm phu thì nói đất nói trời.

***

Thánh nhân đi đâu cũng chẳng cần võng lọng.
Và chẳng cần đệ tử xum xoe. (6)
Phàm nhân đi đâu mong có người hộ vệ.
Để thấy mình quan trọng lắm đây.

***

Các bậc thánh Phương Đông đều là người đạo đức.
Không phải thần hù dọa chúng sinh.
Không biến cát thành cơm, không mê mờ trí tuệ.
Chỉ là Người biết tu dưỡng mà thôi.

***

Này người bạn trẻ:

Bậc thánh nhân vô cùng khiêm tốn.
Nếu có độ người thì nói rằng tôi chẳng độ được ai.
Bởi nếu có người được độ,
Thì vẫn còn chấp ngã.
Mà theo lời Phật dạy,
Hễ chấp tướng đều là hư vọng. (7)

***

Này người bạn trẻ:

Đời này nổi trôi theo dòng nghiệp lực.
Xoay vần trong cái trục Vô Minh.
Tất cả do người mà chẳng phải thần linh.
Nếu bảo rằng Thần tạo ra chinh chiến.
Hóa ra Thần tàn ác lắm sao?

Này người bạn trẻ:

Dù thế giới có thêm ngàn tỷ phú,
Vài triệu cô hoa hậu,
Thì cũng không cứu vớt được ai.
Nhưng chỉ cần một đạo sư vĩ đại.

Đạo sư vĩ đại chẳng phải chỉ dạy ngồi Thiền, ngồi thở.
Mà dạy người “trực chỉ nhân tâm”. (8)
Nương theo Con Đường Bát Chánh. (9)
Chuyển tâm tham thành tâm xả.
Chuyển tâm dữ thành tâm hiền.
Chuyển tâm chúng sinh thành tâm Phật.
Chẳng phải bằng phép mầu,
Mà bằng trí tuệ và bản thân chứng nghiệm.
Sẽ chuyền hóa được lòng người.
Mà khi lòng người chuyển hóa,
Thì thế giới cũng sẽ chuyển theo.

Này người bạn trẻ:

Nói phàm-thánh là nói trong phân biệt. Trong thế giới của chư Phật hay trong pháp giới hay trong Viên Giác thanh tịnh thì chẳng có gì là thánh và chẳng có gì là phàm. Tất cả chỉ là cái tâm vọng động và cái tâm không động. Phàm phu tu được cái tâm không động thì gọi là thánh. Thánh mà còn vọng động theo tham-sân-si thì rớt xuống phàm phu.

Khi sư dứt lời, Michael nói rằng, “Qua lời của thầy thì Phật Giáo giống như khoa học và đạo đức chứ không phải tôn giáo thuần túy thờ phượng, cầu xin.”

Nói rồi lạy tạ sư, lui ra. Nghe nói sau này người thanh niên vào một thiền đường ở New York, chẳng phải tu theo Phật, chẳng phải không tu theo Phật, tập hạnh xả bỏ giống như những câu ngạn ngữ của Tây Phương, “Take it easy”, “Let bygones be bygones”. “Forget it” (10) mà chàng ta học từ nhỏ nhưng ngày nay nhờ sư mới thấm vào máu. Chàng chợt ngộ ra rằng đời này là cuộc hành trình dài, hạnh phúc thì rất ít, nhưng mỗi ngày mỗi chồng chất thêm khổ đau, phiền não. Nếu biết xả bỏ thì giống như người quăng bớt những tảng đá đang vác trên lưng. Xả bỏ được thì là Thánh. Ôm chặt lấy phiền não thì là phàm.

Người thuật lại ĐàoVăn Bình

(1) Theo Wikipedia, ngày nay trên thế giới có khoảng từ 500-700 triệu người vô thần.
(2) Thiền sư Bảo Giám (?-1173): Muốn thành Phật chánh giác phải nhờ trí tuệ.
(3) Cao Bá Quát
(4)Kinh Nhật Tụng Sơ Thời bản dich của Cư Sĩ Nguyên Giác
(5) Viển vông, trên trời dưới đất không thiết thực.
(6)Trong Kinh Pháp Cú phẩm Ngu, Đức Phật dạy: “Chớ ưa thích cung kính, Hãy tu hạnh viễn ly.”
(7) Kinh Kim Cang
(8) Lục Tổ Huệ Năng: Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật
(9) Thiền Định hay Chánh Định nằm trong Bát Chánh Đạo
(10)Take it easy=Nhẹ nhàng và đừng kích động nhiều quá
Let bygones be bygones= Tha thứ và bỏ qua những người hoặc những gì mà mình không ưng ý hoặc bất hòa.
Forget it= Bỏ đi, quên đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét