Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Tháng Tư Mất Ngoại - Thanh Mai

Đối với tôi, tháng Tư năm 1975 nhuộm màu tang trắng vì ngay đêm Nha Trang biến loạn tôi đã bị mất ông ngoại thân yêu của mình! Mấy năm đầu tiên khi tôi mới ra đời, ba má tôi vẫn còn ở chung với ngoại. Tôi lại là cháu đầu được ở gần nên ngoại thương và cưng tôi lắm. Ba đi lính nhiều khi phải hành quân xa nhà, má đi dạy nên bà ngoại chăm sóc tôi và tôi cứ quấn quít theo bà suốt ngày. Nghe kể mỗi tối tôi cứ nằm ngậm ti ngoại mà ngủ, giật mình dậy mà thiếu cái ti này là cứ ré lên la làng la xóm. (Ủa, vậy thì …lúc đó ông ngoại nằm đâu ta?) Tôi thuộc loại con nít oặt oà oặt ẹo, chướng khí, và hay khóc nhè, nhiều khi khóc nhằn cả 2, 3 tiếng đồng hồ mệt lả mới chịu nín mà ngủ. Cả nhà phải đem cả thúng gạo ra cho tôi vọc, rồi làm đủ trò để dỗ dành con cháu nhỏ.
<!>
Tôi nghe kể đến đây bực “mình” hỏi:
- Sao mấy người không đét cho con mấy cái mà dỗ chi cho mệt vậy?
Ngoại nói:
- Có chứ! Cậu út lúc đó còn nhỏ bực lên đét cho con một cái và con trợn mắt ngã ra xỉu mất. Ngoại sợ quá phải cho con uống nước tiểu của cậu út và may sao con tỉnh dậy.
Mất vệ sinh quá tôi nghe mà hết hồn:
- Trời ơi, sao bà ngoại lại cho con uống nước tiểu, ghê quá đi!
Ngoại cười hì hì:
- Thì ngoại nghe nói nước tiểu đồng tử trị bách bịnh nên mới biểu cậu út tiểu ra cho con uống đó chứ. Mà công hiệu thật, mới đổ vô miệng con một tí ti mà con tỉnh lại liền.
- Chắc là vì khai quá đó ngoại ơi. Rồi từ sau lần đó chẳng ai dám đánh con nữa mà phải dỗ hở?
Ngoại gật đầu:
- Ừ, một lần đủ hết hồn.
Khi tôi lên 5 thì ba má tôi mua được nhà và gia đình nhỏ của tôi dọn qua phố ở. Nhà ngoại tôi ở ngoại ô Đồng Đế, chỉ cách nhà tôi hai cây số nên cứ vài ngày sau khi đi làm về, ba tôi chở cả nhà qua thăm ngoại và ông bà ngoại cũng thường xuyên đi xích lô qua Nha Trang thăm đám cháu.
Tôi nhớ hoài hình ảnh mỗi khi xe xích lô ngừng trước nhà, ông ngoại ốm ốm dong dỏng ngồi ngoài bước xuống xe trước. Bà ngoại đẹp ơi là đẹp, trang điểm phấn son nước hoa thơm phức, áo dài hoa quần lụa trắng, đi hài hạt cườm bước xuống sau. Đám cháu chúng tôi ùa ra, nắm tay ông bà ríu ra ríu rít nhận quà vì ông bà lúc nào cũng mua quà bánh đem qua cho lũ cháu. Ông bà nói chuyện với ba má tôi một lúc rồi dẫn chúng tôi đi xem xi nê. Phim Ấn Độ, phim vua chúa, phim nhi đồng, phim cao bồi bắn súng, phim ma...đủ loại. Trong ký ức của tôi chỉ nhớ đến những lần đi xi nê với ngoại chứ không nhớ có đi với ba má mình không nữa. Nhà tôi ở gần 5 rạp xi nê Tân Quang, Minh Châu, Tân Tiến, Tân Tân, Nha Trang nên tha hồ mà đi xem phim. Ngoại còn mua nhiều kẹo bánh vào rạp ăn thích lắm. Ông bà ngoại cứ như ông tiên bà tiên, đem niềm vui đến cho lũ cháu nhỏ chúng tôi.
Ông ngoại chiều chuộng và sợ bà ngoại lắm. Nghe kể ngày xưa bà là Quận chúa, dòng dõi gia thế nên gia đình bà không chịu gã cho ông ngoại vì lý do môn đăng hộ đối. Hai người đã lỡ yêu nhau rồi nên bà ngoại giả bộ uống thuốc độc tự tử để làm reo mới lấy được người yêu.

Vì chiến tranh sau này ông bà ngoại và 4 đứa con gái phải lưu lạc vào Nam và bà sinh thêm ba người con trai nữa. Con đông nhưng ông ngoại không bao giờ để vợ phải khổ. Bà ngoại không phải lo việc nhà cơm nước chợ búa. Má tôi kể sáng sớm thức dậy có nước ấm bưng tới tận giường để bà rửa mặt. Đặt chân khỏi giường phải có đôi dép đặt đúng vị trí để bà đặt đúng bàn chân vào. Bà chỉ tà tà đi đánh bài tổ tôm, hoặc tứ sắc. Khi chạy giặc khổ cực không có người hầu thì ông ngoại, mấy dì và má tôi phải lo hầu hạ bà. Số bà có phải là sướng không chứ.
Ngày đầu tháng 4 năm 1975 là ngày Nha Trang bị biến loạn, tù nhân phá ngục, cướp bóc khắp nơi. Đêm 1 tháng 4, gia đình tôi vì di tản không kịp nên chờ trời tối lo đốt hết quần áo lính, hình ảnh lính, những gì liên can đến lính của ba tôi vì sợ quân cộng sẽ làm khó dễ khi chiếm thành phố. Bỗng dưng tôi thấy người bần thần rã rời và có một cảm giác bất thường kỳ lạ, trái tim cứ như thắt lại. Cảm giác này đã xuất hiện thêm một lần 10 năm sau khi má tôi bị tai nạn. Sáng hôm sau cậu tôi vội vã từ Đồng Đế đạp xe qua nhà tôi báo tin đêm qua ông ngoại đã bị cướp bắn chết.

Nhà ngoại tôi là một căn biệt thự rất đẹp, vườn tược rộng rãi. Ai nhìn vào cũng tưởng chủ nhân ắt phải giàu có lắm. Thế mới gợi lòng tham của những kẻ trộm cướp trong tình thế dầu sôi lửa bỏng loạn lạc lúc bấy giờ. Nghe tiếng chúng đập cửa giữa đêm, ông ngoại tôi đi ra tính mở cửa cho bọn chúng nhưng nghe tiếng guốc của Ông kêu lộc cộc bọn cướp tưởng trong nhà có súng và lên đạn nên chúng bắn một tràng đạn vào nhà xuyên qua cửa. Không may viên đạn trúng vào động mạch chủ nơi chân phải của ông ngoại nên ông ngã ngay tại chỗ.
Trong nhà chỉ còn có bà ngoại và một người cậu của tôi. Cả hai đều sợ hãi không còn nhúc nhích gì được cả. Bọn cướp phá cửa vào nhà, chẳng ăn cướp được gì vì thật sự nhà ngoại tôi chỉ có cái vỏ. Ông bà đâu có của ăn của để, chỉ sống vào lương hưu của ông ngoại và tiền bán dừa mà thôi. Bọn cướp thấy ông nằm đó máu ra ướt cả nền nhà nên cũng sợ hãi, không lục soát gì nhiều và bỏ đi. Ông ngoại tôi ra đi vĩnh viễn mấy tiếng đồng hồ sau đó vì mất máu. Sáng ngày cậu tôi và hàng xóm phải tháo dỡ các thùng gỗ trong nhà mà đóng vội cho ông một cỗ quan tài sơ sài và chôn ông trong đất vườn sau nhà.
Ông ngoại chết thật uổng. Ông đã 80 nhưng còn khỏe mạnh minh mẫn lắm. Mỗi khi qua Nha Trang với bà ngoại ông mới đi xích lô, còn thì mỗi ngày ông đều đi bộ qua phố thăm con cháu, thăm bạn bè. Khi chiến sự bắt đầu lan tràn, trước đó vài tháng một mình ông đã đào một cái hầm hình chữ L ngoài vườn, tự tráng xi-măng rất kiên cố để tránh bom đạn nếu cần.

Lũ cháu chúng tôi rất thương ông ngoại vì ông vui tính, chan hòa và hòa đồng với bọn trẻ. Ông thường nghe chúng tôi tâm sự, và nói chuyện với chúng tôi như bạn bè. Những đêm trời nhiều sao, ông thường dẫn chúng tôi ra sân chỉ những chùm sao Bắc Đẩu, sao Vệ Sĩ, sao Hôm, sao Mai..v.v. Sau khi ông mất, mỗi lần nhìn những chòm sao lấp lánh trên bầu trời tôi lại nhớ đến ông.
Tôi nhớ có lần các ông cháu thảo luận với nhau về vấn đề có ma, có linh hồn sau khi chết không, ông ngoại đã nói với chúng tôi:
- Ông chắc chắn chết trước các cháu rồi. Nếu có thế giới bên kia, ông sẽ về báo mộng cho các cháu biết. Đừng lo!
Từ ngày ông ngoại mất đi cho đến nay, ông chưa bao giờ về báo mộng cho tôi biết về thế giới mới của ông. Nhưng không có nghĩa là không có thế giới bên kia. Bà ngoại thì sợ ma lắm, mặc dù lúc sống ông là chồng của bà. Bà phải dọn qua phòng khác mà ngủ với một đứa cháu nội.
Cái chết của ông ngoại làm bà bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều. Bà ngoại bị đau tim, bị chứng run tay Parkinson. Thêm vào con trai và 2 người con rể của ngoại vì là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà phải đi trình diện học tập không biết ngày về nên bà ngoại rất lo lắng. Bà phải bán đất vườn lần lần để sinh sống và giúp đỡ con cháu. Nhưng ngoại vẫn còn thích đi đánh tứ sắc với mấy bà bạn già hàng xóm để tiêu khiển và giết thì giờ. Đôi khi qua thăm ngoại, tôi cũng đi theo xem bà chơi. Ăn thua rất nhỏ chỉ đủ mua cái bánh viên kẹo nhưng mấy bà già có món giải trí để sống qua ngày. Vừa đánh bài vừa trêu ghẹo nhau vui lắm. Ở Mỹ, người ta thường tổ chức những trò giải trí cho người già. Có xe chở họ đi du ngoạn thăm viếng thắng cảnh, hoặc có xe chở đi các sòng bạc để giải trí kéo máy cho vui. Còn ở Việt Nam, phương tiện giải trí của mấy người lớn tuổi rất hạn hẹp, quanh đi quẩn lại chỉ có hàng xóm láng giềng. Vậy mà đôi khi môn giải trí này của các bà cụ có tuổi còn bị chính quyền cản trở vì lý do cấm tụ tập bài bạc.

Có lần nhóm đánh bài mấy bà cụ già bạn của ngoại bị công an bắt về phường. Họ bắt 4 bà cụ già khiêng ... từng con bài tứ sắc đi chôn cho chừa cái tật bài bạc. Tôi nghe kể mà thấy thương nhưng không cầm được cười. Cứ tưởng tượng con bài tứ sắc nhỏ xíu mà 4 người phải cầm chung và khiêng đi thì quái đản lắm. Chắc tên công an này có máu tiếu lâm và cũng muốn mấy bà già tập thể dục đây.
Tôi chọc hỏi bà ngoại:
- Bà ngoại có chôn con tướng không?
- Có chứ. Tụi công an bắt chôn hết 16 con tướng của bộ bài, xanh vàng trắng đỏ mỗi màu 4 ông. Nó còn bắt chôn thêm 16 con sĩ nhưng mấy bà làm chậm quá tụi nó tha.
Tôi hù:
- Thôi rồi. Mấy bà chôn ông tướng coi chừng sau này đánh bài không có tướng mà tới đâu. Tướng linh lắm đó.
Hù vậy mà không ngờ lại ảnh hưởng đến bà ngoại. Ít lâu sau bà bị bịnh, sốt cao và có lúc mê sảng. Bà la lên:
- Tụi bây đâu, lấy cho tao thanh...Đồ Long đao lẹ lên…!!!
Tỉnh lại ngoại kể là mơ thấy mấy ông tướng xanh vàng trắng đỏ kia hiện về đòi mạng và ngoại phải múa thanh Đồ Long đao để chiến đấu với họ. Chì thiệt!
Quên nói bà ngoại của tôi rất mê đọc truyện. Ngoại đọc đủ loại truyện như trinh thám Z28, kinh dị, kiếm hiệp của Kim Dung, tình cảm ướt át...của bà Tùng Long, Lệ Hằng...v.v, truyện dịch của Quỳnh Dao, Sidney Sheldon...v.v. Bảo sao ngoại không nằm ác mộng mà đòi thanh Đồ Long đao của Trương Vô Kỵ trong cô gái Đồ Long. Ngoại còn nằm mơ thấy mình là nhân vật trong truyện tình ướt át “Tình yêu như băng sơn” của Lệ Hằng nữa đó.

Mấy bà bạn già của bà ngoại tôi đều trên 70. Tuổi già nhưng có lẽ lòng không già. Mấy bà thường xúm lại đánh bài, tán dóc, kể chuyện con cháu cho nhau nghe. Các bà đã ở xóm đó từ hồi còn nhỏ nên rất thân với nhau. Tôi có lần nghe bà này nói với bà kia:
- Con “nhỏ” này tui nói hoài mà không nghe, không nhớ. Biết mình hay quên phải ghi chép xuống chứ.
Rồi có hôm không hiểu sao, mấy bà hứng chí rủ nhau qua chợ Xóm Mới ăn bún bò bà Bé nổi tiếng của Nha Trang. Sáu bà ngồi chung một xe xích lô. Không thể tưởng tượng nổi! Tôi không hiểu làm sao mà xe xích lô chất được từng ấy người, và làm sao mà bác tài đèo được sáu bà già mập có ốm có, tổng cộng khoảng bốn thế kỷ tuổi tác đi qua 2 con dốc của cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra và một khoảng đường dài cỡ 3 cây số. Thật là thương cho bác tài, và thương cho con ngựa sắt ấy. Phải mà ở Mỹ thì các bà chở nhau bằng xe hơi còn có lý!
Bà ngoại kể:
- Ai cũng dòm. Mới đầu hơi mắc cỡ nhưng sau đó thấy vui quá. Đến mấy cái dốc thì mọi người leo xuống đi bộ lên cầu chứ làm sao bác tài đạp nổi.
Mới thấy đến cái tuổi nào con người ta vẫn còn cái máu trẻ trung vui vẻ, nghịch ngợm trong người. Cho nên “khi già đi người ta lại trở về với tuổi thơ” là đúng y!
Bà ngoại tôi ở chung với vợ chồng cậu tôi. Vợ chồng cậu đều là giáo viên, có 4 đứa con. Đứa lớn là Hồng coi như là đệ tử ruột của ngoại, thay mặt bố mẹ nó chăm sóc bà nội. Ngoài giờ học Hồng lúc thúc theo bà đi đây đi đó. Nó theo bà nội tới các sòng bài nên sau này khi ngoại tôi bị run tay nhiều không cầm được bài thì Hồng thế bà ngồi sòng xếp bài, cầm bài và bà ngồi sau chỉ cho Hồng đánh. Riết rồi nó thành cao thủ bài tứ sắc luôn.

Vợ chồng cậu tôi cùng là giáo viên nên đồng lương thê thảm lắm. Bà ngoại có huê lợi mỗi tháng từ vườn dừa để tiêu pha quà bánh. Má tôi và 1 dì ở Nha Trang, còn một dì ở Sài Gòn và một dì ở ngoài Bắc. Dì Nghiêm ở Sài Gòn sau này bị mất vì bịnh ung thư khi giấy tờ gia đình được bảo lãnh qua Canada gần đến đích. Chồng của dì và mấy đứa con qua Canada khi vừa làm tang ma xong. Mọi người đều đồng lòng không cho ngoại tôi biết về cái chết của dì Nghiêm, bảo với bà là dì Nghiêm theo gia đình đi Canada. Bà ngoại sau cái chết của ông ngoại, bịnh tim và bịnh run tay bị nặng hơn nên ai cũng ngại bà biết được tin con gái chết sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Tụi con của dì thường xuyên giả chữ của mẹ viết thơ gởi về thăm bà ngoại nên bà không biết gì cả.
Vài năm sau cái chết của dì Nghiêm, má tôi bị tai nạn mất đột ngột. Chúng tôi cũng đồng lòng giấu ngoại. Đã giấu lỡ thì giấu luôn. Chúng tôi bảo ngoại là má bị trở chứng ung thư đột ngột, gặp phái đoàn Mỹ qua Việt Nam khám và má may mắn được họ đưa qua Mỹ chữa bịnh. Bên Mỹ có sẵn ba và em gái của tôi lo cho má nên ngoại cũng yên tâm.
Ngặt một điều là gia đình tôi ở bên Nha Trang, bàn thờ của Má để trong nhà mà ngoại thì thường xuyên qua nhà tôi chơi. Thế là phải dặn trước con Hồng mỗi lần đi với ngoại qua nhà tôi thì phải tìm cách báo cho chúng tôi biết trước để cất bàn thờ của má không cho ngoại thấy.

Trước khi má tôi mất thì nhà chúng tôi đã bị chính quyền cộng sản tịch thu và giao cho một căn phòng nhỏ trên tầng 2 của chung cư. Hồi đó đâu có phương tiện điện thoại thông dụng như bây giờ. Mỗi khi ngoại qua chơi, từ dưới lầu con Hồng đã gọi ơi ới cho chúng tôi biết là ngoại qua thăm. Chúng tôi vội cất hình thờ má và nhang đèn vào hộc tủ. Đến khi ngoại ì à ì ạch leo lên được hai tầng cầu thang tới nhà thì cái bàn thờ má trước nay đã sạch trơn chỉ còn bình hoa. Má núp kỹ trong hộc tủ rồi, cứ như chơi trốn tìm với ngoại vậy.
Nhưng có một lần, con Hồng kêu mà chúng tôi không nghe vì đang ở sau nhà. Ngoại nắm tay Hồng leo cầu thang lên gần tận lầu 2 của chúng tôi mà không chịu thả nó ra. Còn vài căn nhà Hồng vùng tay ngoại ra và nói với bà:
- Nội mệt rồi đứng đây thở một tí để con chạy lên xem mấy anh chị có ở nhà không mà sao hồi nãy không ai xuống đón mình.
Con nhỏ hớt hãi chạy trước vào nhà chúng tôi báo động:
- Trời ơi nội lên tới tầng 2 rồi kìa. Hồi nãy giờ em kêu mà không ai nghe.
Chúng tôi hết hồn biết không làm sao cất và dọn bàn thờ má cho kịp nên vội đóng cửa lại làm như không có ai ở nhà. Hồng chạy ra nói với ngoại tôi:
- Nội ơi, không có ai ở nhà hết. Thôi mình đi về đi nội.
Bà ngoại tôi vẫn đòi lên nhà ngồi chờ. Có cái băng ghế trước nhà nên hai bà cháu ngồi đó. Chị em tôi thì núp trong nhà nhìn ngoại qua khe cửa sổ mà đâu dám mở cửa. Lỡ ngoại thắc mắc tại sao nãy giờ trong đó mà không chịu mở cửa đón tiếp ngoại thì phiền lắm. Rồi lại thấy cái xách tay của hai bà cháu trong lúc vội vã Hồng đã bỏ quên trong nhà nữa chứ. Hồi hộp hết sức cứ sợ ngoại nhớ lại và thắc mắc hỏi con Hồng thì bể mánh.

Bà ngoại ngồi chờ một lúc lâu. Chị em tôi lén nhìn ngoại mà thương quá sức. Thân già leo lên mấy chục bậc tam cấp mệt lắm chứ chẳng chơi mà đám cháu lại không đón tiếp. Rồi hai bà cháu dẫn nhau xuống cầu thang đi về. Ngoại vẫn không để ý đến cái xách tay con Hồng để quên. Con nhỏ cũng thật khôn, nó chờ xuống dưới đất mới à ra nói với bà là đã để quên cái xách trên lầu nên chạy lên lấy trở lại.
Chúng tôi cứ mỗi tháng giả thơ của má và của dì Nghiêm viết và đọc cho ngoại nghe cứ như là thơ thật của hai đứa con gái gởi về cho ngoại vậy. Ngoại cho đến cuối đời vẫn không biết là người tóc bạc đi sau người tóc xanh.
Ngoại mất vì bịnh tim cũng vào tháng Tư 11 năm sau ngày ông mất. Giây phút cuối cùng bà chỉ gọi tên hai người là ông ngoại và tôi. Chắc hẳn bà thương con cháu ngoại này lắm!
Mong bà ngoại khi sang thế giới bên kia có ông và hai người con gái đón rước để lo cho bà. Còn tôi, lúc nào vào tháng Tư cũng kể cho con cháu nghe những kỷ niệm về ông bà cố mà cả tuổi thơ của mẹ chúng đã gắn bó!

Thanh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét