Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2022

Nguồn gốc của danh từ “Mạnh Thường Quân”


Chúng ta thường gọi những người có lòng tốt, hay làm từ thiện, hay giúp đỡ người khác là Mạnh Thường Quân. Câu chuyện dưới đây liên quan đến gốc tích nhân vật này là một bài học quý, đáng để mọi người suy ngẫm Mạnh Thường Quân là một nhân vật lịch sử của Trung Quốc, tên thật là Điền Văn, con trai của Tịch Quách Quân, tức Điền Anh, cháu của Tề Uy Vương. Vì là con cháu nhà vua nên cả hai cha con đều được phong tước, phong ấp Tiết Địa và đều làm đến chức Tể Tướng nước Tề thời Chiến quốc.
<!>
Mạnh Thường Quân là người giàu có, lại có lòng hào hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, giao du với các nhân tài trong thiên hạ và thu nạp rất nhiều môn khách. Trong số môn khách theo Mạnh Thường Quân, không ít người thực sự có tải, nhưng cũng có lắm kẻ chỉ vì miếng ăn mà đến sống tá túc ở nhà ông để chờ dịp.

Một hôm, có một người tên là Phùng Hoan đến xin được theo Mạnh Thường Quân. Thấy người này ăn mặc rách rưới, Mạnh mới hỏi: "Ông có tài năng gì đặc biệt không?". Phùng Hoan thản nhiên trả lời: "Thưa, tôi chẳng có chút tài cán gì cả". Mạnh Thường Quân chỉ cười và cho ở lại.

Mạnh Thường Quân nuôi hơn 3.000 thực khách nên chi phí rất lớn, bổng lộc không đủ chi dùng, phải dựa vào tiền thuê đất đai ở Tiết Địa. Có một năm tiền thuê đất không thu được, Mạnh Thường Quân bèn cử Phùng Hoan đi đòi. Trước khi đi, Phùng Hoan hỏi Mạnh Thường Quân: "Khi tôi trở về, ông có muốn tôi đem quà gì về không, thưa chủ nhân?". Mạnh Thường Quân ngẫm nghĩ rồi nói: "Ông cứ xem ở đây thiếu thứ gì thì đem về ".

Phùng Hoan đến Ấp Tiết mới biết năm đó bị thiên tai, mùa màng thất bát, nông dân thiếu thốn, đói khổ, ăn không đủ, lấy đâu ra tiền trả nợ. Ông bèn tập họp mọi người lại, nhân danh Mạnh Thường Quân tuyên bố xóa hết nợ, rồi đốt hết mọi giấy tờ khế ước vay nợ. Mọi người vô cùng cảm kích trước tấm lòng hào hiệp của Mạnh Thường Quân.

Phùng Hoan trở về nói lại đúng sự thực cho Mạnh Thường Quân nghe. Mạnh Thường Quân nổi giận hỏi: "Trước khi đi ông nói sẽ đem quà về, bây giờ để đâu ?". Phùng Hoan đáp rằng: "Ông đã nói ở đây thiếu gì thì đem về, nhưng tôi thấy ở đây chẳng thiếu gì cả, chỉ thiếu có nhân nghĩa mà thôi, tôi chỉ thay ông mua về hai chữ ‘nhân nghĩa’. Mạnh Thường Quân nghe vậy rất giận nhưng chẳng biết nói gì, phất tay áo đi ra.

Mấy năm sau, Tề Vương tin nghe lời bịa đặt của hai nước Tần, Sở, rất lo lắng việc Mạnh Thường Quân công cao lấn chúa, uy hiếp tới vương vị của mình, bèn thu ấn Tể Tướng của Mạnh Thường Quân. Các môn khách thấy vậy đều nối đuôi nhau bỏ đi, duy chỉ có Phùng Hoan là còn ở lại. Mạnh Thường Quân đành phải cùng Phùng Hoan trở về Tiết Địa sinh sống, Dân Tiết địa nghe tin ông trở về, liền dắt già cõng trẻ ra ngoài 100 dặm để đón. Mạnh Thường Quân nhìn thấy cảnh tượng này rơm rớm nước mắt nói với Phùng Hoan: "Nhân nghĩa mà ông đã đem cho tôi, nay tôi đã thực sự cảm nhận được rồi".

Câu chuyện này rất nhiều người đều biết, qua đó sự đa mưu túc trí và tầm nhìn xa trông rộng của Phùng Hoan khiến người ta cảm phục, Mạnh Thường Quân không thiếu thốn gì về vật chất, nhưng ông ta thiếu một chút nhân nghĩa, Phùng Hoan đã nhìn ra được thứ mà tương lai khi thế sự thay đổi hoặc chủ nhân thất thế có thể dùng đến.

Một trí giả hiểu rằng trời đất phong ba bão táp khó lường, con người có lúc thăng lúc trầm, cho nên khi có điều kiện thì phải dùng quyền lực hoặc tiền của mình làm hậu lộ, phòng khi có biến cố thì có thể an toàn thoái lui. Cho nên Phùng Hoan đã để lại cho chủ nhân của mình một con đường ‘nhân nghĩa’.

Trong lịch sử Trung Quốc, những trí giả như Phùng Hoan nhiều như sao buổi sớm, rất nhiều câu chuyện về họ còn lưu lại để dạy người đời cách sống.

Thế giới ngày nay trắng đen lẫn lộn, thay đổi rất mau chóng. Khi đối mặt với những quyết định quan trọng, khi phải lựa chọn giữa đúng và sai, mong rằng những người trí thức, lãnh đạo, người nắm quyền cũng có thể biết nhìn xa trông rộng như vậy, có thể giống như Phùng Hoan thời Chiến quốc giữ lại cho mình một con đường thoái lui. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét