Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Nắng Xuân trong truyện ngắn của Võ Hồng = Thích Phước An


Khi còn sanh tiền, mỗi lần gặp tôi Võ Hồng thường nói: “Quê ông cách quê tôi 50 cây số. Mình là dân nhà quê với nhau cả mà”. Võ Hồng quê ở làng Ngân Sơn, huyện Tuy An, Nằm phía bắc tỉnh Phú Yên. Từ Tuy An đi đến đỉnh đèo Cù Mông là tỉnh Bình Định, quê của tôi. Đúng là khoảng chừng 50 cây số. Hầu hết người dân của hai tỉnh này đều sống bằng nghề nông, nên hồi nhỏ ngày nào tôi cũng đi giữa ruộng đồng, nương rẫy. Khi lớn lên rời bỏ quê hương ra sống nơi các thành phố lớn, mỗi lần có dịp ra khỏi thành phố mà bất ngờ thấy được dòng sông, đồng lúa xanh là tôi cũng mơ ước như Võ Hồng đã mơ ước trong truyện ngắn Trầm mặc cây rừng của ông:
<!>
“Bỏ tôi giữa cảnh ấy, tôi sẽ tìm lại quá khứ êm đềm của những ngày thơ ấu, cũng bờ ruộng cỏ ướt sương đêm, cũng dòng nước chảy róc rách”.

Những năm đầu thập niên thế kỷ 20, tại những làng quê nghèo như làng Ngân Sơn của Võ Hồng thì tấm lịch và cái đồng hồ dường như vẫn rất còn xa lạ. Nhưng chính vì không biết đến cái đồng hồ và tờ lịch nên những đứa trẻ ở vùng quê này ngồi trông đợi cái Tết đến vô cùng thơ mộng dưới cái nhìn của Võ Hồng trong Ngày xuân êm đềm: “Đối với tâm hồn ngây thơ của nó, cảnh và vật nói nhiều hơn tháng ngày. Nghe con tu hú kêu nó nghĩ đến những cái vú dẻ chín vàng ngọt lịm và nó nghĩ “tháng Ba mùa gặt tới”.

Nhìn bà hàng xóm gánh đôi thúng xếp đầy những trái bắp nếp luộc hơi nóng lên ngun ngút, nó cảm nghe mùi ngọt thơm của hột bắp dẻo nghiền tan dưới răng và nó nói thầm “tháng Tám rồi sắp mưa lụt”. Còn ngày Tết thì luôn luôn được báo bằng những dãy cúc, vạn thọ.

Người dân quê chuẩn bị đón Tết rất sớm. Trong Ngày xuân êm đềm, Võ Hồng cho biết “manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cãi, ngò, xà lách, tàn ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà, cái Tết lớn dần lên với những bụi hoa vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum suê và bắt đầu ra nụ”.

Đó là việc của người lớn. Còn trẻ con thì niềm vui duy nhất là xin tiền mẹ để đi mua cho được con gà cồ làm bằng đất nung, có khoét cái lỗ ngang hông, khi thổi thì phát ra tiếng gáy như con gà cồ thật.

Nhưng bây giờ đời sống đô thị đã tràn ngập khắp nơi, tất nhiên những con gà cồ đất cũng không còn nữa, nên tác giả Ngày xuân êm đềm chỉ còn biết “ngậm ngùi nhìn cái di tích của thời ấu thơ êm đềm không còn nữa, có còn chăng cũng chỉ trong ký ức bề bộn của chàng mà thôi”.

Nhưng có một cái mà đời sống đô thị không thể nào xóa bỏ được, đó là nắng xuân. Trong một truyện ngắn khác có tên là lễ cúng trường Võ Hồng đã ghi lại cái nắng của một buổi sáng cuối năm nơi làng quê Ngân Sơn của ông. Tôi nghĩ rằng, bất cứ làng quê nào, vào cuối năm cũng đều có một buổi sáng nắng rất đẹp chẳng khác nào làng quê của Võ Hồng như thế này:

“Thật là đẹp những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Phú Hội, rặng dương ở Mằng Lăng hiện lên thành một dãi xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mũi Vũng Lắm màu vàng nhạt, sáng óng ánh Mặt trời’.

Trong thi ca hiện đại cũng có nhiều câu thơ nói về nắng, ví dụ như trong Lửa Thiêng của Huy Cận: “Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung”, hay trong tập Mưa Nguồn của Bùi Giáng “một buổi trưa nắng vàng in trên tóc.”

Dùng nắng để diễn tả tâm trạng vui buồn, hay cái đẹp trên mái tóc người con gái thì ta thường bắt gặp. Nhưng dùng nắng để diễn tả giọng nói của người con gái thì, nếu tôi không lầm chỉ có Võ Hồng. Trong truyện ngắn Hoa Khế Lưng Đồi, ông viết: “Giọng nói ấy như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ”.

Vậy là đúng như Võ Hồng đã phát biểu trong tác phẩm Trầm Tư của ông: “Nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái nhẹ nhất chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng. Là tránh xa những vết cũ”.

Ở đây, trên đồi cao vắng vẻ vào những buổi sáng hay buổi chiều cuối năm, tôi vẫn thường ngồi nhìn những vạt nắng nơi các rặng núi bên kia đồi, rồi tự nói lê thê với chính mình rằng, mai này “đi lìa xa xứ sở của Mặt trời” thì có lẽ cái mà tôi luyến tiếc nhất không gì khác hơn là một chút nắng đẹp của những buổi chiều cuối năm nơi một làng quê của tuổi thơ mà bây giờ đã quá xa xôi.

_________

Võ Hồng (tên thật cũng là bút danh) sinh ngày 05-05-1921 tại làng Ngân Sơn, An Thạch, Tuy An, Phú Yên. Ông mất ngày 31-3-2013.

Võ Hồng đã xuất bản hơn tám tiểu thuyết, truyện dài; trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi; hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình. Sự nghiệp văn học của ông sống qua mọi thời đại vì nó luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên. Các tác phẩm chính của Võ Hồng:

– Truyện ngắn: Hoài cố nhân, Lá vẫn xanh, Vết hằn năm tháng, Con suối mùa xuân, Khoảng mát, Bên kia đường, Những giọt đắng, Trầm mặc cây rừng, Trong vùng rêu im lặng…

– Truyện dài: Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao…

– Tuyển tập: Áo em cài hoa trắng, Trận đòn hoà giải, Xuất hành năm mới, Mái chùa xưa, Chia tay người bạn nhỏ, Hồn nhiên tuổi ngọc…

Võ Hồng ngụ trong ngôi nhà số 53 Hồng Bàng, thành phố Nha Trang. Cả cuộc đời ông vẫn là một nhà giáo và một nhà văn. Với ông, viết và được viết vẫn là điều thú vị.

Trước cổng nhà Võ Hồng có treo tấm bảng nhỏ: “Kéo dây gọi Võ Hồng”, cạnh đó là sợi dây kẽm nối ba chiếc lon sữa bò rỉ sét. Khi khách kéo sợi dây, những chiếc lon khua vào nhau phát ra âm thanh leng keng như tiếng đuổi chim. Từ trên căn phòng nhỏ, Võ Hồng bước xuống. Khi tiễn khách, bao giờ cũng vậy, dù khách đề nghị ông cứ ở trong nhà, nhưng ông vẫn ra tận cổng để tiễn đưa. Nhiều người gọi ông bằng bác, chú, anh, nhà văn… nhưng có một từ mà ông thích được gọi: “Thầy”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét