Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Hoàn Cảnh Sáng Tác Ca Khúc “Giọng Ca Dĩ Vãng” Của Nhạc Sĩ Bảo Thu - Nhạc Vàng

         (Nhạc sĩ BẢO THU)
 Người ta thường nói nhạc sĩ là những người giàu tình cảm, giàu ngôn từ và hình ảnh. Vậy nên một người nhạc sĩ có thể sáng tác hàng trăm hàng ngàn bài hát đa dạng và muôn màu muôn vẻ. Đó có thể là những câu chuyện hay vạn vật xung quanh và dĩ nhiên trong đó bao giờ cũng có một sáng tác viết về chuyện tình cảm hay cuộc đời của riêng họ và nó sẽ không lẫn vào đâu nó sẽ vô cùng đặc biệt. Cũng giống như bao nhạc sĩ khác Bảo Thu một tên tuổi lớn trong âm nhạc Miền Nam cũng có một tác phẩm danh tiếng và khắc cốt ghi tâm, “Giọng Ca Dĩ Vãng” chuyện tình thầy trò thanh thuần vấn vương và đi vào lòng người nghe.
<!>

Cho tiếng hát học trò
Ngày xưa không hồn, giờ thành danh ca
Vì nhân tình nghệ sĩ đã trở thành GIỌNG CA DĨ VÃNG

Nhạc sĩ Bảo Thu tên thật là Nguyễn Trung Khuyến, SN 1944 tại Sài Gòn (gốc Cần Thơ). Năm 16 tuổi, ông nổi tiếng trong giới ảo thuật với nghệ danh Nguyễn Khuyến. Những lúc ngồi đợi đến lượt diễn, ông thường chơi nhạc, biết rõ về nhạc cụ và am hiểu nhạc lý nên ngoài ảo thuật, ông còn sáng tác nhạc, biên tập, dàn dựng, đạo diễn, múa, kịch… Năm 20 tuổi, ông viết bản nhạc đầu tiên Ước vọng tương phùng, năm sau ra ấn phẩm đầu tiên là Đừng hỏi vì sao tôi buồn. Đến năm 21 tuổi (khoảng 1965), ông phụ nhạc sĩ Nguyễn Đức tập nhạc cho nhóm nhạc “Việt Nhi” nhóm này là những cô gái tuổi mới lớn có giọng hát thanh thót vẻ ngoài thì trong sáng. Đặc biệt có một cô gái làm Nguyễn Khuyến xuyến xao, nàng là Phương Hoài Tâm, đương tuổi trăng khuyết với đôi mắt to lấp lánh, mái tóc uốn cong, mình hạt sương mai. Những buổi tập nhạc cùng nhau và nhà cận kề đã làm cầu nối và nuôi dưỡng tình cảm cho đôi trẻ lúc bấy giờ.

Ngày xưa mỗi lần em buông tiếng hát,
Thì anh tay phiếm nắn nót cung đàn.
Từng nhịp nhặt khoan anh ru hồn theo tiếng tơ

Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc
Và rồi hờn yêu em khi nào em hát sai
Em nũng nịu cười nói sai là tại anh.

Mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn, cái viễn cảnh này mới lãng mạn làm sao. Nhạc sĩ và ca sĩ họ có cùng tâm hồn nghệ thuật như nhau nên dễ dàng thấu hiểu nhau. Để khi anh đàn, anh sẽ khẽ dìu theo tiếng hát của em. Vì cô học trò mới chưa phải là ca sĩ chuyên nghiệp nên dễ hát sai, bằng tình yêu chàng nhạc sĩ trẻ đánh đàn chạy theo tiếng hát để làm vui lòng người thương. Cô gái trẻ cũng kết hợp một cách ăn ý “lời ca em thăng trầm theo từng lúc” nhưng rồi mỗi khi hát sai nàng lại nũng nịu cười và trách yêu “nói sai là tại anh”. Tình cảm giữa hai người nảy sinh từ đây, nhưng chưa đi đến đâu thì cô gái cho hay là gia đình đã đính hôn cho cô từ trước. Họ chia tay nhau và Phương Hoài Tâm sau đó cũng trở thành ca sĩ nổi tiếng. Ngày nàng chuẩn bị lên xe hoa ông viết “Giọng Ca Dĩ Vãng” và tự xuất bản (1967) với số lượng in ra lên đến 500.000 bản, trên 1.000 lượng vàng được thu về nhưng nó cũng song song với hàng ngàn nổi đau đã chôn vào dĩ vãng.

Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai,
Hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi.
Rồi em đành chối tiếng giao hoà.
Từ ly là tiếng thét đau lòng sầu đơn lối.

Ai đang xây mộng cát vàng cao sang.
Ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoang.
Lời ca ngày đó đã xa rồi.
Mà ai còn chuốt mãi cung đàn vọng về tim.

Có lúc Bảo Thu trách nàng “nuôi mộng ước về tương lai” em chọn “hoa mai giăng ngập nẻo đường” để phụ và từ chối tiếng giao hoà”. Nhạc sĩ dùng phép ẩn dụ và so sánh thật tài tình, nhiều người nghĩ hoa Mai là nói về mùa xuân nhưng ở đây hoa Mai biểu tượng cho cấp bậc sĩ quan trong quân đội. Thời bấy giờ, sĩ quan lục quân và không quân cấp Thiếu úy trở lên sẽ có biểu tượng bông hoa mai trên cấp bậc. Chồng của Phương Hoài Tâm là quân nhân cấp bật cao, nhiều ‘hoa mai’ và thế nên mới giăng ngập nẻo đường của em chọn, còn đời nghệ sĩ chỉ là tiếng giao hòa. Nàng chọn người có địa vị cấp bật cao để xây mộng xây hạnh phúc mà phụ bỏ người nhạc sĩ nghèo chỉ có cung nhạc và tiếng đàn. Để cho một người viên mãn hạnh phúc trở thành ca sĩ danh tiếng cùng người chồng danh gia, còn một người “đau lòng sầu đơn lối”. Mọi thứ đã qua rồi và lời ca tiếng hát đã xa rồi, người con gái ấy cũng đi rồi nhưng sao cung đàn này vẫn còn vang vọng nổi bi thương và đau đớn con tim.

“hoa mai” trong cấp bậc quân đội miền nam ngày xưa

Giờ đây mỗi lần em buông tiếng hát,
Thì ai thay thế nắn phím cung đàn.
Từng nhịp nhặt khoan ai sẽ dìu theo tiếng em

Và lời hờn yêu em nay còn như ngày trước
Và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai,
Cung lỡ giây chùng mấy ai đàn đừng sai.

Và giờ đây mỗi lần nắn nót phím đàn, lại nhớ nàng khôn nguôi, dẫu biết rằng cố quên là sẽ nhớ nên dặn lòng cố nhớ để mà quên. Nhớ nàng và nghĩ về nàng thêm lần nữa, không biết bây giờ em hát thì ai dạo đàn cho em? Dĩ nhiên giờ nàng là ca sĩ nổi tiếng hẵn là có biết bao người tài hoa sẽ dìu theo tiếng hát em. Nhưng nếu lỡ em có hát sai em liệu có còn hờn dỗi như ngày xưa? người khác rồi có còn như anh nhận phần lỗi về mình hay họ sẽ trách Cung lỡ giây chùng mấy ai đàn đừng sai. Những đoạn gần về cuối chúng ta nhận ra rằng giai điệu trở nên nhẹ nhàng hơn lời hát thì gợi nhớ quá khứ đan xen hiện tại. Cho chúng ta cảm giác buông bỏ và dần tha thứ cho nhau. Có thể đây là lời trách cuộc đời ai chả sai, hay cũng có thể là lời gợi nhớ để khi nàng hát sai hãy nhớ rằng từng có người yêu nàng nhận hết phần sai về mình, luôn luôn bảo vệ nàng. Cung lỡ giây chùng mấy ai đàn đừng sai.” một dấu chấm hết nhưng lại làm đọng lại trong lòng người nghe biết bao là cảm xúc riêng.

Nhạc sĩ Bảo Thu từng tâm sự rằng ông trở thành nhạc sĩ là do Phương Hoài Tâm tạo niềm cảm hứng. Một câu nói hay trách hờn của nàng cũng là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác. Mối tình này là tình đầu vương vấn nhất với ông chăng? liệu ông đã quên hay còn nhớ? và trùng hợp hay sắp đặt mà ông lập gia đình với người con gái cũng tên Tâm là ca sĩ và cũng là học trò của ông. Có lẽ giọng ca xưa cũng chỉ là dĩ vãng, lời hát nay mới là thực tại và thiêng trường.

Nhật Hà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét