Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Chiến Lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mới Của Hoa Kỳ và Ảnh Hưởng Của Nó Đối Với Châu Âu - Lâm Viên (Đặc San Lâm Viên)


Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, của chính phủ Biden được chờ đợi từ lâu, đã được công bố vào ngày 11 tháng 2 năm 2022, xác nhận những điều đã được giới quan sát nhận thấy rõ ràng trong năm đầu tiên của chính phủ này - một chuyển hướng rõ ràng của sự tập trung sang địa dư chiến lược này, và thúc đẩy tăng cường năng lực tập thể (collective capacities) của các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ ở đó. Văn bản này được ra mắt gần 5 tháng sau khi bản hiệp ước an ninh AUKUS giữa Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đã gây xáo trộn ở hầu hết các quốc gia châu Âu; chiến lược này cho thấy một nỗ lực rõ ràng để công nhận giá trị có thể đem đến do sự “trực tiếp tham dự của Châu Âu” vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
<!>
Văn bản này được xây dựng dựa trên những cam kết của các chính phủ trước đây của Hoa Kỳ với châu Á, và phản ảnh sự đồng thuận rộng rãi của lưỡng đảng Quốc Hội Hoa Kỳ về tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng” của Hoa Kỳ. Mục tiêu là hướng tới một khu vực tự do, cởi mở, kết nối, an toàn và có khả năng phục hồi bằng cách thắt chặt hơn về sự có mặt của Hoa Kỳ vào vùng địa dư chiến lược này.

Chiến lược này cho thấy rõ rằng động lực chính thúc đẩy sự tham dự của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hành vi của Trung cộng. Nó khẳng định rằng khu vực địa dư này phải đối mặt với “những thách thức ngày càng gia tăng, đặc biệt là của Trung cộng”. Nó đề cập đến việc Trung cộng sử dụng các công cụ kinh tế, ngoại giao, quân sự và kỹ nghệ để theo đuổi “phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, bằng các phương pháp áp bức và xâm lược (coercion and aggression). Chiến lược này đề cập đến sự áp bức kinh tế đối với Úc (Australia), xung đột dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế (Line of Actual Control) với Ấn Độ, áp lực ngày càng tăng đối với Đài Loan, và căng thẳng ở Đông Hải (giữa Nhật và Trung cộng) và Biển Đông (East and South China Seas). Vì vậy, mục tiêu của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ là để cạnh tranh với Trung cộng, mà là định hình môi trường chiến lược mà Hoa Kỳ hoạt động bằng cách xây dựng một sự “cân bằng ảnh hưởng” ở khu vực này.

Mạng Lưới Quan Hệ Đối Tác

Văn bản chiến lược này nhấn mạnh rằng đây không chỉ là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung cộng, hay vai trò đơn phương của Mỹ trong khu vực.
Chiến lược của chính phủ Biden lập luận rằng “đầu tư tại gia - investing at home” và “phù hợp với các phương pháp giao tiếp với các đồng minh và đối tác” sẽ cho phép Hoa Kỳ cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung cộng. Với bối cảnh chiến lược đang thay đổi cũng như quy mô và phạm vi của những thách thức mà Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt, bất kỳ phản ứng nào của Hoa Kỳ cũng sẽ cần phải thúc đẩy quan hệ đối tác trong khu vực. Chiến lược nhấn mạnh rằng đây không chỉ là sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung cộng, hay vai trò đơn phương của Mỹ trong khu vực. Trên thực tế, các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ “chịu rất nhiều chi phí do hành vi có hại của Trung cộng” và họ có phần và quyền quyết định trong việc hình thành khu vực như thế nào.

Do đó, chiến lược trình bày chi tiết về tầm nhìn của Hoa Kỳ phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của các đối tác quan trọng nhất của họ, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Vương quốc Anh và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN). Khi được Liên Minh Châu Âu (European Union - EU) tán thành bản chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, văn bản này của Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng, “giống như Pháp,” Hoa Kỳ công nhận “giá trị chiến lược của vai trò ngày càng tăng trong khu vực của Liên minh Châu Âu”.

Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc xây dựng “năng lực tập thể” để đối phó với các thách thức trong khu vực và thúc đẩy sự tương tác giữa các đối tác, bao gồm cả giữa châu Á và châu Âu. Điều này có nghĩa là tăng cường các liên minh hiện có, bao gồm cả với Nhật Bản và Nam Hàn, đầu tư vào các tổ chức khu vực và xây dựng “mạng lưới các liên minh mạnh mẽ và cùng nhau củng cố, bao gồm cả Bộ tứ (the Quad)” gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tiện ích của các liên minh như Bộ Tứ, cho phép các quốc gia khác nhau tập hợp các nguồn lực chung một cách linh hoạt, là trọng tâm trong chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như đầu tư vào quan hệ đối tác song phương với “một Ấn Độ mạnh mẽ”.

Nối Kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Và Châu Âu - Đại Tây Dương
Nhiều điểm được đưa ra trong chiến lược của chính phủ Biden sẽ không gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát về chính sách của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điểm mới là sự trình bày rõ ràng về cách Hoa Kỳ muốn làm việc với các đối tác bên ngoài khu vực, đặc biệt là châu Âu. Một trong những mục tiêu trong chiến lược là “xây dựng cầu nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Châu Âu - Đại Tây Dương”. Như cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hiện nay cho thấy, đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đã khiến một số người đặt câu hỏi là làm thế nào để duy trì sự tập trung của Hoa Kỳ vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuộc khủng hoảng cũng làm nổi bật thách thức đối phó cùng một lúc với sự quyết đoán (assertive) của hai quốc gia Nga và Trung cộng. Ít nhất là trong ngắn hạn, Hoa Kỳ sẽ cần phải là một đối tác đáng tin cậy ở châu Á và châu Âu cùng một lúc, bao gồm cả việc tìm cách liên kết các đối tác của mình ở đó chặt chẽ hơn. Quyết định của Nhật Bản chia sẻ khí đốt tự nhiên dư thừa với châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng là một ví dụ về mức độ quan trọng của các mối liên kết như vậy.

Một tin rất tốt cho Washington là châu Âu đã bắt đầu chuyển trọng tâm khu vực ra khỏi Trung cộng để chuyển sang các đối tác như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Hoa Kỳ bao gồm bước khởi đầu của việc xây dựng cây cầu này. Nó không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của châu Âu trong khu vực mà còn khuyến khích sự tương tác nhiều hơn giữa các đối tác châu Á và châu Âu. Một tin rất tốt cho Washington là châu Âu đã bắt đầu chuyển trọng tâm khu vực ra khỏi Trung cộng để chuyển sang các đối tác như ASEAN, Ấn Độ và Nhật Bản. Nhiều người ở châu Âu đã hiểu được tầm quan trọng của các liên minh mềm dẻo (flexible coalitions), điều mà chính phủ Biden đã và đang nhấn mạnh. Các nước như Pháp và Ý đã thiết lập các cuộc đối thoại ba bên với các nước như Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Diễn đàn cấp bộ trưởng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sắp tới tại Paris sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc làm rõ hơn chiến lược của EU trong khu vực và sẽ cho thấy ​​việc công bố các dự án cụ thể mà EU sẽ thực hiện ở đó. Trong khi Hoa Kỳ không được mời, các đối tác khu vực và đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ sẽ tham gia. Đặc biệt, việc đưa Australia vào cuộc đối thoại là một bước quan trọng trong việc hàn gắn rạn nứt do AUKUS gây ra.

Các ưu tiên trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và EU cũng chồng chéo lên nhau. Ví dụ, Hoa Kỳ đặt mục tiêu thúc đẩy cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao và kết nối khu vực, và EU, với kế hoạch Cửa Ngõ Toàn Cầu (Global Gateway), là một đối tác rõ ràng với các nguồn lực và năng lực để mang lại cho khu vực. EU và Hoa Kỳ cũng tập trung vào các kỹ nghệ quan trọng và phát minh mới cũng như “các tiêu chuẩn kỹ nghệ phù hợp với giá trị (values-aligned technology standards)”. Trong lĩnh vực an ninh, chiến lược của Mỹ bao gồm các thách thức an ninh dân sự cũng như xây dựng năng lực hàng hải và nhận thức trong khu vực, đây cũng là lực đẩy chính của hầu hết các tham dự về an ninh của châu Âu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Lời kêu gọi của chiến lược mới của Hoa Kỳ về “thực hành việc cạnh tranh với Trung cộng một cách có trách nhiệm” vì khi đưa ra tầm nhìn tích cực cho khu vực sẽ gây bất lợi ở nhiều quốc gia châu Âu, những quốc gia đang có sự cẩn thận, hoặc dè dặt, trong việc giao dịch với Trung cộng.

Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã thiết lập một cuộc đối thoại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tìm kiếm thêm những quan điểm chung. Thách thức lớn hơn là kết hợp các cuộc đối thoại khác hiện đang được tổ chức ở nhiều hình thức khác nhau -- từ Bộ Tứ (The Quad) đến Hội đồng Kỹ nghệ và Thương mại EU-Hoa Kỳ -- để thúc đẩy kết quả, cung cấp hàng hóa chính và phụ cho công chúng (public goods), đồng thời tránh trùng lặp các nỗ lực hoạt động (avoid duplicating efforts) trong khu vực.

Lâm Viên
Lược dịch theo nguyên văn:

The New US Indo-Pacific Strategy and Its Implications for Europe - by Garima Mohan
Văn Bản Chính Thức Của Chính Phủ "INDO-PACIFIC STRATEGY OF THE UNITED STATES"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét